Phương Tây có thực sự dám tuyên chiến với Trung Quốc hay không ?

Thứ Năm, 11 Tháng Tám 20221:02 CH(Xem: 2505)
Phương Tây có thực sự dám tuyên chiến với Trung Quốc hay không ?
rfi.fr

Phương Tây có thực sự dám tuyên chiến với Trung Quốc hay không ?

Phan Minh

Đối sách của Trung Quốc trong hồ sơ Đài Loan và hỏa hoạn cùng với hạn hán ở Pháp là những chủ đề thu hút sự chú ý của các báo Pháp ra ngày hôm nay 11/08/2022. 

Nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phân tích của cựu bộ trưởng Giáo Dục Luc Ferry về việc phương Tây có thực sự dám phát động chiến tranh với Trung Quốc hay không ? Nền dân chủ của Mỹ dường như thu hút được nhiều thiện cảm hơn chế độ độc tài của Trung Quốc hay Nga. Chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc ngày nay, tuy bớt khắc nghiệt hơn thời chủ tịch Mao Trạch Đông, nhưng vẫn là một chế độ rất hà khắc đối với đại đa số các nước phương Tây. Tổng thống Nga Putin cũng bị phương Tây mô tả là một nhà độc tài không hơn không kém. 

Nhưng tất cả những điều này có thể biện minh cho mong muốn của Mỹ trở thành « hiến binh » hay « giám sát công lý » trên thế giới hay không, điển hình là chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Bởi chuyến thăm này của bà Pelosi dường như không có tác dụng nào khác ngoài việc khiến Trung Quốc xích lại gần Nga hơn vào thời điểm có thể nói là xấu nhất. Ngoài ra giờ đây, cả các nền dân chủ lẫn chế độ độc tài đều có những vũ khí hủy diệt có thể khiến thế giới bị diệt vong. Do vậy, Mỹ thực sự không còn đủ khả năng để có thể tự mình tuyên bố thống trị thế giới. Ngày nay, Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh « từ xa » chống lại Nga, thông qua Ukraina bằng việc viện trợ quân sự nước này và trừng phạt kinh tế Matxcơva. Chính quyền Mỹ sẽ không liều lĩnh có một cuộc xung đột trực tiếp với Nga bởi điều đó có nguy cơ khiến nước này sử dụng vũ khí hạt nhân. Hiroshima hay Nagasaki sẽ chỉ là quá khứ, bởi thật khó tưởng tượng rằng một quốc gia dân chủ ngày nay lại có thể quyết định san bằng cả một thành phố, cho dù đó có là thành phố của kẻ thù. Hành động này chắc chắn sẽ bị thế giới lên án và thủ phạm chắc sẽ bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh. 

Ngay cả khi đối mặt với một Afghanistan nhỏ bé, Hoa Kỳ đã phải cuốn gói về nước. Vậy trước một Trung Quốc hiện đang gần gũi với Nga, họ có thể làm gì ? Cựu tổng thống Pháp Charles de Gaulle từng nói : "Không thể tránh khỏi việc một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ cảm thấy đủ mạnh để đòi lại các khu vực mà họ đã từng phải nhượng. Vào thời điểm đó, chúng ta nên đứng ngoài cuộc. Thật vô lý khi chúng ta không có quan hệ với quốc gia đông dân nhất thế giới, đơn giản vì chế độ độc tài của họ không làm vừa lòng Hoa Kỳ”. 

Vậy Hoa Kỳ sẽ làm gì vào thời điểm Trung Quốc quyết định sáp nhập Đài Loan, và đây có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian ? Ông Ferry nhận định rằng Washington sẽ khó lòng có thể đáp trả trực diện, nhất là về mặt kinh tế và thương mại, Hoa Kỳ cũng đang rất phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Trung Quốc tiếp tục gây áp lực với Đài Loan 

Vẫn về chủ đề Đài – Trung, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết về các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan đã chính thức kết thúc nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì sự hiện diện của quân đội xung quanh hòn đảo. 

Juliette Genevaz, phó giáo sự tại Học viện về Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương (INALCO) nói : “Kể từ năm 2008, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã sử dụng quân đội để tạo ra sự cân bằng quyền lực mới trong khu vực. Đặc biệt là ở khu vực Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đã gần như quân sự hóa hoàn toàn từ năm 2009. Tôi nghĩ là chính quyền Trung Quốc đang muốn đóng vai « cảnh sát » của các vùng biển lân cận, và ở đó chúng ta đã thực sự bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới". 

Quân Giải phóng Nhân dân đang ở giai đoạn cuối của một quá trình cải cách lớn, được khởi động vào năm 2015, nhằm thực hiện những điều chỉnh cơ cấu cần thiết, 20 năm sau khi tăng ngân sách quốc phòng. Bà Genevaz giải thích rằng cuộc cải cách này đã bị trì hoãn một chút vì đại dịch, nhưng bộ chỉ huy đã được cơ cấu lại, 7 vùng quân sự đã trở thành 5 khu chỉ huy và Trung Quốc đã chia 4 tổng hành dinh thành 15 tiểu ban trực thuộc quân ủy trung ương. Đối với Bắc Kinh, việc phô trương vũ lực đối với Đài Loan là một minh chứng cho quyết tâm sử dụng vũ lực của họ. 

Pháp tiếp tục bị hỏa hoạn 

Trong lĩnh vực môi trường, trang nhất và bài xã luận nhật báo Công Giáo La Croix dành sự quan tâm đến chủ đề hỏa hoạn ở Pháp đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng ở trong nước. Lần thứ tư trong mùa hè này, một đợt nắng nóng lại ập vào Pháp. Những điều kiện thời tiết khắc nghiệt này đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán, vốn đang ở mức báo động, và điều này sẽ làm tăng thêm nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Pháp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa này kể từ đầu tháng 7. Nhiều người dân đã mất tất cả, đặc biệt ở vùng Landes, và việc ít nhất 46.000 ha trên toàn lãnh thổ bị hủy hoại đã gây ra tổn thất nặng nề về mặt kinh tế và sinh thái. 

Một báo cáo của Thượng Viện được công bố vào ngày 03/08 ước tính rằng vào năm 2050, gần 50% đồng cỏ và rừng trên toàn nước Pháp có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nguy cơ hỏa hoạn cao, so với hơn 30% vào năm 2010. Ở phía đông, dãy núi Vosges là một điển hình, bởi mặc dù về địa lý, khu vực này có khí hậu đại dương, thế nhưng ở đây hỏa hoạn cũng sẽ có thể xảy ra do nhiệt độ trung bình sẽ tiếp tục tăng. Đáng lo ngại hơn nữa, các đám cháy sẽ không còn diễn ra theo mùa. Theo các chuyên gia môi trường, hàng năm, thời gian rủi ro cao xảy ra hỏa hoạn sẽ tăng gấp ba lần, và các vụ cháy vào mùa đông dự kiến sẽ gia tăng. 

Pháp sẽ phải chuẩn bị để đối phó với những thiên tai này. Các phương tiện chữa cháy sẽ cần phải được bổ sung ở tất cả các vùng trên toàn quốc. Việc quản lý rừng phải ngăn chặn được các tác động của biến đổi khí hậu, bằng cách chỉ trồng các loài cây chịu hạn. Mọi người dân sẽ phải có ý thức và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên sau khi chứng kiến mùa hè hỏa hoạn này. 

Các bệnh truyền nhiễm trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu 

Về lĩnh vực y tế, nhật báo Le Monde dành sự quan tâm đến một nghiên cứu về việc hơn một nửa số bệnh truyền nhiễm ở người trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Nghiên cứu này đã được công bố vào ngày 08/08 trên tạp chí “Nature Climate Change”. Theo đó, nhũng bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, bệnh Lyme có thể trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. 

Nghiên cứu này nhấn mạnh đến tác động rõ rệt của việc biến đổi khí hậu đối với các bệnh lây truyền qua các vật trung gian như muỗi, ve hoặc bọ chét. Nhưng những bệnh này cũng có thể lây truyền qua nước, không khí, thực phẩm hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh. 

Ngôi sao tennis Alexander Zverev đối chọi với bệnh tiểu đường 

Vẫn về y tế, nhật báo thiên tả Libération có bài viết về ngôi sao quần vợt và tay vợt số 2 thế giới Alexander Zverev và hành trình trở thành ngôi sao trong làng banh nỉ mặc dù mắc bệnh tiểu đường. 

Lời kể của anh quả là hiếm có đối với một vận động viên ở đẳng cấp như vậy. Zverev tiết lộ rằng anh mắc bệnh tiểu đường loại 1. Tay vợt số 2 thế giới và là nhà vô địch Olympic ở Tokyo 2021 đã nói về những gì anh phải làm hàng ngày để kiểm soát bệnh tật, cảm giác xấu hổ khi mắc bệnh từ trẻ và sự bi quan của các bác sĩ về việc theo đuổi sự nghiệp thể thao đỉnh cao khi mang bệnh. 

Đang trong quá trình phục hồi chức năng kể từ sau khi chấn thương ở bán kết Roland Garros khi đối đầu với Rafael Nadal, tay vợt người Đức đã tuyên bố thành lập một tổ chức hỗ trợ trẻ em mắc bệnh tiểu đường loại 1 và giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2. 

Bệnh tiểu đường loại 1, ảnh hưởng đến khoảng 10% bệnh nhân tiểu đường, là một bệnh tự miễn dịch có khuynh hướng di truyền, có thể phát triển trong suốt cuộc đời nhưng thường gặp nhất là ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Nó xảy ra khi các tế bào của tuyến tụy tự hủy, gây ra sự thiếu hụt insulin. Bệnh tiểu đường loại 2 là kết quả của việc sử dụng không đúng cách insulin do cơ thể sản xuất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc bệnh này trên thế giới đã tăng từ 108 triệu người vào năm 1980 lên 422 triệu người vào năm 2014. Tại Pháp vào năm 2020, hơn 3,5 triệu người được điều trị bằng thuốc cho bệnh tiểu đường, tức là 5,3% dân số theo Public Health France. 

Nâng cao nhận thức của bệnh nhân tiểu đường 

Các vận động viên thể thao đỉnh cao chuyên nghiệp thường sẽ không mắc bệnh tiểu đường loại 2, bởi chỉ những ai có chế độ ăn uống không điều độ và ít hoạt động thể chất mới mắc tiểu đường loại này. Ngược lại, ai cũng có thể mắc bệnh tiểu đường loại 1, giống như Zverev. Ngay cả khi bệnh này vẫn còn hiếm, nhưng ngày càng có nhiều vận động viên lên tiếng về chủ đề này vì đây là một căn bệnh không phải lúc nào cũng dễ quản lý. Để nâng cao nhận thức của những người mắc bệnh tiểu đường và cho họ thấy rằng những vận động viên mắc bệnh hoàn toàn có thể đạt được những thành tích cao trong thể thao, 2 vận động viên xe đạp Mỹ bị mặc tiểu đường loại 1 đã thành lập đội đua xe đạp Novo Nordisk vào năm 2008 và giờ họ hiện đang đua ở giải hạng hai thế giới. 

Zverev đặc biệt muốn nhấn mạnh đến sự phát triển của việc chăm sóc bệnh nhân kể từ những năm 90. Từ những ống tiêm insulin, bệnh nhân giờ chuyển sang một loại bút kín đáo hơn, và sau đó là những miếng dán cho phép có thể theo dõi trực tiếp lượng đường trong máu. Zverev từ trước đến nay luôn cảm thấy xấu hổ khi nói về căn bệnh của mình và anh đã phải mất rất nhiều thời gian để vượt qua mặc cảm này. Zverev nói : “Hồi tôi 17-18 tuổi, khi các nhà báo hỏi tôi có bị tiểu đường hay không, tôi luôn phủ nhận. Hồi đầu tiên, lúc mới bắt đầu đi du đấu, tôi luôn phải trốn vào nhà vệ sinh để tiêm insulin. Khi tôi bắt đầu hẹn hò các cô gái, tôi cũng không bao giờ tâm sự với họ về căn bệnh của tôi, tôi đã quá xấu hổ khi nói về chủ đề này. Nhưng càng tích lũy được nhiều thành công, tôi càng muốn chứng tỏ với bản thân rằng mọi người đã sai khi ngăn cản ước mơ trở thành vận động viên quần vợt của tôi, và tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn. Hôm nay, tôi cảm thấy rằng đó là vai trò của tôi khi nói về căn bệnh này.” 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn