Sau 1945 Đài Loan trả lại cho ai?

Thứ Hai, 08 Tháng Tám 202210:00 SA(Xem: 1954)
Sau 1945 Đài Loan trả lại cho ai?

Trương Nhân Tuấn

7-8-2022

Nhiều sử gia, học giả quốc tế, những người thường hay vịn vào Hòa ước San Francisco 1951 để nói rằng, Đài Loan được trả về cho Trung Hoa nhưng không biết là giao cho phe nào, cộng sản ở Bắc Kinh hay Quốc Dân Đảng ở Đài Bắc. Họ cho rằng, tình trạng mù mờ về chủ quyền của Đài Loan (Bành Hồ và một số các đảo khác) đến từ sự thiếu minh bạch này của Hòa ước. Thật vậy, điều 2 Hòa ước không nói rõ là Đài Loan sẽ trả cho chính phủ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch hay là trả cho chính phủ cộng sản của Mao ở Bắc Kinh.

Tôi cho rằng nhận định này khiếm khuyết. Bởi vì Hòa ước San Francisco 1951, phần nói về phân chia lãnh thổ, chỉ nhằm “luật hóa” nội dung hai Hội nghị trước đó là Hội nghị Cairo 1943 và Hội nghị Potsdam tháng 8 năm 1945.

Hội nghị Cairo 1943, Tưởng Giới Thạch hội đàm cùng TT Roosevelt của Mỹ và Thủ tướng Churchill của Anh. Các bên đồng thuận rằng, điều kiện để quân đội Trung Hoa đứng về phe Đồng minh và tuyên chiến với quân Nhật, là các vùng lãnh thổ Mãn Châu, Đài Loan… phải trả lại cho Trung Hoa (dĩ nhiên thuộc thẩm quyền của chính phủ Quốc Dân Đảng).

Hội nghị Potsdam, tháng 7 đến tháng 8 năm 1945, xác nhận các vùng lãnh thổ Đài Loan, Bành Hồ và Mãn Châu trả về cho Trung Hoa. Các vùng lãnh thổ này đã được quân Quốc Dân Đảng quản lý trên thực tế. Ngày 25 tháng 10 năm 1945 các vùng lãnh thổ Bành Hồ và Đài Loan sáp nhập vào lãnh thổ Trung Hoa. Dĩ nhiên Trung Hoa dưới quyền lãnh đạo của Quốc Dân Đảng.

Tức là số phận Đài Loan đã được định đoạt một cách minh bạch: Trả lại cho chính phủ Tưởng Giới Thạch. Vì đây là điều kiện để quân Trung Hoa đứng về phe Đồng minh và tuyên chiến với Nhật.

Các quốc gia hiện thời nhìn nhận nguyên tắc “một quốc gia Trung Hoa và Đài Loan thuộc về quốc gia này”. Các sử gia tưởng rằng yêu sách này đến từ lục địa.

Thời chiến tranh Trung – Nhật, chỉ có phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch lên tiếng yêu sách Đài Loan, Mãn Châu… thuộc về Trung Hoa. Trong lịch sử “kháng chiến” của cộng sản TQ, hồng quân TQ có lúc bắt tay với quân Nhật để “đánh sau lưng” quân Quốc Dân Đảng.

Năm 1966, tại diễn đàn LHQ, đại diện nước Ý đề nghị giải pháp hai nước Trung Quốc, cả hai chính phủ Quốc – Cộng đều có đại diện tại LHQ. Đề nghị này được sự ủng hộ của nhiều nước. Ngay cả Mao Trạch Đông cũng tỏ ý chấp thuận.

Phe chống đối giải pháp này mạnh mẽ nhất lại là phe Tưởng Giới Thạch. Ông này vẫn mơ chuyện “trừng trị bọn phiến cộng, giải phóng lục địa”.

Điều càng làm cho phe Đài Loan sau này dính chặt vào nguyên tắc “một quốc gia Trung Hoa” là sự có mặt của các nghị sĩ xuất thân từ lục địa, đắc cử vào năm 1946, trong Viện Lập pháp của Đài Loan. Nhiệm kỳ của các Nghị sĩ này kéo dài vô hạn. Tức là mọi vấn đề của Đài Loan phải có sự đồng thuận của đại diện lục địa. Chỉ đến năm 1991, khi TT Lý Đăng Huy nắm quyền, việc “Đài Loan hóa” viện Lập pháp mới bắt đầu thực hiện.

Sau Thế chiến 1945, phe thắng trận quyết định mọi thứ. Đài Loan được trả lại cho chính phủ Quốc Dân Đảng. Không hề có vụ “mù mờ” như các học giả quốc tế nói đi nói lại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn