Tổng thống Trump lại “rơi vào vết xe đổ” về hồ sơ Triều Tiên?

Thứ Sáu, 16 Tháng Ba 201811:00 SA(Xem: 5432)
Tổng thống Trump lại “rơi vào vết xe đổ” về hồ sơ Triều Tiên?

photo1520469486212-15204694862132077578288

Ngày càng ít lựa chọn

Theo CNN, Tổng thống Trump thường lên tiếng đổ lỗi cho những người tiền nhiệm về việc để lại “di sản” về Triều Tiên cho ông theo cách tệ nhất có thể, đó là tạo điều kiện để Triều Tiên nhanh chóng đủ khả năng phóng tên lửa hạt nhân tấn công đất Mỹ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, chính ông Trump cũng đang dần rơi vào hoàn cảnh “không khác gì” những người tiền nhiệm mà ông từng chỉ trích dữ dội.

Trong bối cảnh Triều Tiên và Hàn Quốc đang tìm cách xích lại gần nhau, đặc biệt là sau kỳ Olympic đầy cảm xúc về chính trị tại PyeongChang, Hàn Quốc, ông Trump dường như không còn cách nào khác là trở thành “người quan sát”.

Điều này là bởi, chỉ cần ông Trump có bất kỳ một động thái khác biệt nào, quan hệ Mỹ-Hàn cũng có thể bị rạn nứt và khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ bùng phát trở lại khiến Mỹ không còn cách nào khác là phải chấp nhận khả năng nước này sẽ rơi vào một cuộc chiến thảm khốc.

Ông Trump từng tuyên bố: “Lẽ ra vấn đề Triều Tiên phải được giải quyết từ hàng chục năm trước trong nhiều đời Tổng thống khác nhau chứ không phải bây giờ. Giờ không phải lúc thích hợp”. Theo các chuyên gia, tuyên bố của ông Trump cho thấy ông cũng bế tắc hệt như những người tiền nhiệm.

Dù khẳng định rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và những nước đứng sau ủng hộ Triều Tiên đã có tác dụng “mạnh mẽ và hiệu quả”, bản thân ông Trump cũng không dám nói chắc về phản ứng của Triều Tiên trong tương lai. “Tôi nghĩ là họ sẽ chân thành, tôi hy vọng là vậy. Chúng ta sẽ sớm biết thôi”, ông Trump nói.

Tự mâu thuẫn

Sự do dự trong tuyên bố của Tổng thống Trump được đánh giá là hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố “như đổ thêm dầu vào lửa” của Tổng thống Mỹ về Triều Tiên chỉ vài tháng trước đó.

Cách tiếp cận của ông Trump lần này có phần kiềm chế hơn và rõ ràng đã được “cân chỉnh” nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng đến Triều Tiên, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong khi vẫn thể hiện rõ sự thận trọng và thậm chí có chút hoài nghi khi nhắc đến Triều Tiên, ông Trump vẫn cẩn trọng không để cho những hy vọng về hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên vừa nhen lên đã bị tắt ngóm.

Những tuyên bố của ông Trump về Triều Tiên dù vẫn rất hùng hồn nhưng đã thiếu hẳn sự tự tin kiểu “đây là chiến công của tôi” như phong cách vẫn thường thấy trước đó.

Giới quan sát hy vọng, sự thay đổi của ông Trump trong cách tiếp cận với Triều Tiên xuất phát từ việc ông muốn tránh viễn cảnh về một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên mà nếu xảy ra có thể ảnh hưởng đến tính mạng của hàng trăm nghìn thường dân và binh sĩ.

Ông Trump thực sự muốn gì?

Trong khi Tổng thống Mỹ đã đưa ra những tuyên bố mang tính hòa giải trong vấn đề Triều Tiên, một vài quan chức cao cấp của Mỹ cho biết, ông sẽ không thay đổi quan điểm cứng rắn đối với Triều Tiên.

Một quan chức của Mỹ cho biết, Mỹ muốn tận mắt chứng kiến “những bước đi thực chất” của Triều Tiên trong việc phi hạt nhân hóa trước khi chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Triều Tiên. Quan chức này cũng khẳng định, các cuộc tập trận Mỹ-Hàn sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Tuyên bố của quan chức nói trên được cho là “câu trả lời” cho thông điệp mà Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đưa ra sau các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Mỹ về hồ sơ hạt nhân.

Theo các chuyên gia, chiến lược của Nhà Trắng trong vấn đề này là để Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có không gian để thực thi sáng kiến của mình trong khi vẫn “tạo đường lùi” cho chính quyền của ông Trump trong trường hợp nỗ lực của ông Moon Jae-in thất bại.

Sự hoài nghi từ quan chức Mỹ

Rất nhiều quan chức Mỹ đã bày tỏ hoài nghi về cách tiếp cận vấn đề của Triều Tiên. Điều này là bởi, trong 2 lần trước đó (năm 1994 và 2005), Triều Tiên cũng đã từng đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình rồi lại không thực hiện.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats said: “Có thể lần này sẽ có đột phá nhưng tôi rất nghi ngờ về khả năng này. Nhưng như tôi đã nói, chúng ta phải luôn biết hy vọng”.

Ông Christopher Hill, người từng tham gia đàm phán với Triều Tiên và có thời gian làm Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, nhận định, dù khó có đột phá nhưng Mỹ vẫn nên theo đuổi một chính sách cởi mở hơn với Triều Tiên: “Rất khó để tôi có thể lạc quan về những đột phá với Triều Tiên. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta cũng nên tránh đưa ra nhận định quá tiêu cực”.

Thái độ hoài nghi từ các quan chức Mỹ xuất phát từ việc đa số họ đều cho rằng, Triều Tiên chỉ đơn thuần tìm cách “câu giờ” cũng như trông đợi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt thay vì chấp thuận nhượng bộ thực sự.

Ngay cả đề xuất dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng bị các quan chức Mỹ nhận định rằng Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong chương trình hạt nhân và tên lửa nên không cần thử thêm nữa.

Giới quan sát Mỹ cho biết họ đang chờ đợi xem Triều Tiên có yêu cầu Mỹ rút binh sĩ khỏi bán đảo Triều Tiên như một điều kiện để tham gia đàm phán sắp tới hay không để có thể đưa ra nhận định cuối cùng./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn