BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

“Biến đổi khí hậu khiến tôi lo lắng vô cùng về sự tồn vong,” cô Lillian Zhou nói. Nhiều người trẻ cũng chia sẻ lo lắng của cô Zhou, 26 tuổi, về khí hậu – và mong muốn của cô được làm việc cho một công ty có hành động về chuyện này.

Zhou lớn lên ở bang Michigan của Mỹ, vốn có mùa đông ôn hòa với những cơn bão mạnh. “Những cơn bão gây lũ lụt gây nguy hiểm cho mạng người và phá hủy tài sản cũng như khiến nước chảy nhiều hơn vào các hồ ở bang chúng tôi,” Zhou nói. Cô nhớ lại trận lụt hồi năm 2014 vốn khiến nước vòi trở nên không an toàn ở một số hạt trên Hồ Erie.

“Sẽ vô cùng dễ rơi vào tuyệt vọng nếu đọc tin tức hay xem các tập phim Planet Earth,” cô nói. Đó là lý do Zhou chuyển sang làm việc để chuyển nỗi lo sinh thái theo hướng tích cực. Kể từ khi tốt nghiệp đại học năm 2017, cô làm việc trong cả khu vực tư và công, và hiện đang làm ở vị trí truyền thông với thời hạn một năm cho tổ chức phi lợi nhuận về năng lượng mặt trời GRID Alternatives.

“Tôi chiến đấu với nỗi lo bằng công việc,” Zhou nói. “Tôi làm việc cho một tổ chức hướng đến môi trường và xã hội, và tôi làm việc không chỉ vì tiền lương – đó là điều đem lại cho tôi cảm giác sống vì lý tưởng.”

Con đường sự nghiệp đó không giống cha mẹ Zhou – vốn là y tá và kỹ sư – di cư từ Trung Quốc, sau đó gắn bó với một công ty gần như cả đời đi làm. 

Sự linh hoạt là lý do chính dẫn đến thay đổi này, Zhou nhận xét. “Ngày nay, tôi nghĩ thế hệ của tôi tập trung hơn vào tìm công việc phù hợp với niềm tin cá nhân của mình và không ngại bỏ việc nếu nó không còn phù hợp nữa.”

Nhiều lao động trẻ như Zhou – tầng lớp trung lưu của hế hệ Z ở các nước như Mỹ và Anh – đang tìm con đường sự nghiệp tương tự vốn kết hợp linh hoạt với ý thức lý tưởng sâu sắc. Nhu cầu đang tăng mạnh đối với các công việc liên quan tới khí hậu – khiến cho vấn đề cải tiến chương trình trở nên rất quan trọng đối với nhà tuyển dụng, chuyên viên tư vấn nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục để gắn với khí hậu nhiều nhất có thể.

Mối quan tâm lớn

Trong một khảo sát năm 2018 của công ty tư vấn toàn cầu Deloitte, 77% số người được hỏi thuộc hế hệ Z nói làm việc cho các công ty có giá trị phù hợp với họ là quan trọng. 

Các giá trị xã hội có ý nghĩa sâu sắc đối với nhóm này, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu – ở Hoa Kỳ, Thế hệ Z (độ tuổi thiếu niên cho đến trên dưới 25-26 tuổi) quan tâm nhiều hơn đến biến đổi khí hậu so với các thế hệ trước.

Tương tự, ở Anh, công ty bảo hiểm y tế Bupa đã nhận thấy hồi năm 2021 rằng 64% những người được khảo sát từ 18 đến 22 tuổi cho rằng điều quan trọng đối với các công ty là phải có hành động về môi trường và 59% nói sẽ gắn bó lâu hơn với các công ty có trách nhiệm. 

Tại Úc, những lao động trẻ rời bỏ các công ty không hành động đủ để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sự quan tâm đến công việc theo giá trị bùng nổ cũng định hình lại khung cảnh giáo dục. Tại Mỹ, ngày càng có nhiều sinh viên tìm kiếm công việc về môi trường và ngày càng có nhiều chương trình MBA về tác động xã hội và môi trường.

Nguồn hình ảnh, Mia Brown

Chụp lại hình ảnh,

Mia Brown, 26 tuổi, hiện đang làm việc cho một công ty bất động sản đáp ứng những tiêu chuẩn môi trường và xã hội cụ thể

Ví dụ sớm là ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Trường này đã mở chương trình cấp chứng chỉ về bền vững từ năm 2011 và số lượng sinh viên tăng lên mỗi năm, theo Bethany Patten, phó giám đốc cấp cao Sáng kiến Bền vững tại Trường Sloan về Quản lý thuộc MIT. Trong ba năm qua, bền vững đã trở thành một trong những ngành đầu bảng mà sinh viên muốn làm việc.

Tuy nhiên, dù giới trẻ nhìn chung là quan tâm đến công việc về khí hậu, nhưng họ có thể không biết được con đường sự nghiệp cụ thể - nhất là nếu việc hướng nghiệp ở các trường cấp hai và ở những nơi khác là lỗi thời và không dính gì đến khí hậu.

“Có sự trật nhịp giữa các công việc tương lai và các kỹ năng, kiến thức mà giới trẻ ngày nay được đào tạo,” Susannah Costley-White, 22 tuổi, tin là như vậy. Costley-White đang học thạc sĩ về biến đổi khí hậu tại trường King's College London và thực tập tại Ashden, tổ chức từ thiện khí hậu vốn ủng hộ biến mọi công việc thành công việc xanh.

Tại Ashden, Costley-White đang thực hiện một chiến dịch mà bên cạnh các hoạt động khác là tập trung kêu gọi "bắt buộc đưa tính bền vững vào hướng nghiệp tại các trường học Anh cho đến  năm 2025". Cô nhấn mạnh chính phủ có trách nhiệm thúc đẩy thay đổi này để hài hòa hơn giữa nhu cầu, sự quan tâm và trình độ về công việc xanh.

‘Mục đích bền vững hơn’

Rõ ràng, có nhu cầu lớn về hành động khí hậu nhiều hơn cũng như đông đảo người trẻ háo hức muốn làm việc trong lĩnh vực này – nhưng người lao động vẫn chưa phù hợp ở mức tối ưu cho các công việc có sẵn. 

Phúc trình đầu tiên của LinkedIn về kỹ năng xanh toàn cầu, công bố hồi tháng Hai, cho thấy các thông tin tuyển dụng yêu cầu kỹ năng xanh tăng trưởng 8% hàng năm trong vòng 5 năm qua, nhanh hơn mức tăng 6% số người có trình độ về môi trường.

Tuy nhiên, "nhu cầu như vậy nhưng chắc chắn không có đủ việc làm ổn định trả lương cao", Patten từ MIT nói. “Tôi nghĩ thật đáng buồn khi điều rất quan trọng đối với thế giới không được trân trọng đúng mức.”

Một trong những hạn chế của loại công việc này, vốn được coi là "làm vì đam mê", là chúng có mức lương thấp, có nghĩa là tỷ lệ kiệt sức cao và những người xuất thân giàu có mới đủ khả năng chấp nhận gói lương thấp, đi thực tập cần thiết hoặc chuyển đến nơi có công việc về bền vững. “Chắc chắn có đặc quyền nào đó ở đây,” Patten thừa nhận. 

Ngoài ra còn có sự mất cân bằng về giới tính và sắc tộc. Trên LinkedIn, "khoảng cách giới tính xanh" đã không nhúc nhích kể từ năm 2015: trong số các lao động có kỹ năng xanh, tương ứng với mỗi 100 đàn ông chỉ có 62 phụ nữ. Trong ngành năng lượng sạch của Mỹ, rất ít có phụ nữ; người da màu và người gốc Latin cũng ít.

Costley-White cảm thấy may mắn khi nhận được kỳ thực tập hiện tại và thừa nhận không phải ai cũng có cơ hội như nhau. “Vấn đề là đặc quyền và tiếp xúc nhiều,” cô nói. “Nhiều con đường đi đến công việc xanh hiện có đòi hỏi tinh thần tình nguyện và quảng giao, điều này không phải ai cũng làm được.”

Tuy nhiên, nhìn chung, lương ít quan trọng hơn đối với Thế hệ Z. Một khảo sát gần đây với sinh viên kinh doanh ở Mỹ cho thấy 51% chấp nhận mức lương thấp nếu công ty có trách nhiệm với môi trường – tăng 7% so với 5 năm trước. Ở mức độ nào đó, thái độ đa sắc thái về lương cũng đúng với Thế hệ Z trên khắp các mức lương.

Và không phải công việc nào về môi trường đều đòi hỏi hy sinh mức lương. Các nhà khoa học môi trường, vốn sẽ thấy tăng trưởng việc làm tăng cao trong 10 năm tới, có mức lương trung điểm là 73.230 đô la ở Mỹ vào năm 2020. Và theo GRID Alternatives, thị trường năng lượng mặt trời của Mỹ đang bùng nổ, với các rào cản gia nhập thấp và mức lương cạnh tranh. Grid Alternatives đang đưa giáo dục năng lượng mặt trời vào chương trình giảng dạy trung học cũng như đào tạo miễn phí cho công nhân trẻ lắp đặt năng lượng mặt trời. 

Lauren Friedman, giám đốc điều hành nhân sự cao cấp của GRID Alternatives, cho rằng "các công ty năng lượng mặt trời đang tuyển, và có nhu cầu lớn công nhân trong ngành này để đáp ứng mục tiêu năng lượng tái tạo của Hoa Kỳ". 

Theo khảo sát việc làm năng lượng mặt trời gần nhất, ngành này sẽ có 400.000 việc làm đến năm 2030, nhưng mục tiêu 100% điện sạch của nước Mỹ cần lực lượng lao động đến hơn 900.000 vào năm 2035. 

Để đáp ứng nhu cầu trong các ngành cụ thể như thế này, hiện đang có nhu cầu cấp bách về đào tạo nghề theo cách cầm tay chỉ việc nhiều hơn, ở Hoa Kỳ cũng như ở các nước như Trung Quốc.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Với những lao động trẻ, các công việc đạt tính bền vững mang ý nghĩa ở cả hai chiều, gồm các lĩnh vực hoạt động và môi trường làm việc là các công ty đánh giá đủ mức những giá trị của tác động môi trường và có hành động đối phó thích hợp

Cùng với các công việc tập trung vào khí hậu, nhiều người trẻ thế hệ Z cũng quan tâm đến các vị trí dính đến bền vững, ngay cả khi họ ở trong những ngành không liên quan rõ ràng đến môi trường. 

Mia Brown, cư dân 26 tuổi ở London, đã ít nhiều làm việc với ngôn từ trong toàn bộ sự nghiệp của mình: xuất bản, hiệu sách cổ và giờ đây là người viết nội dung quảng cáo.

Trong đại dịch, Brown giải thích, “Tôi nhận ra thực sự tôi muốn tạo ra nhiều khác biệt hơn với công việc và hướng nó đến mục đích bền vững hơn”. Cô nộp đơn xin việc tại một công ty bất động sản được chứng nhận là B Corp (một công ty vì lợi nhuận đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội nhất định). Chính nhãn hiệu B Corp này "đã thực sự hút tôi đến... công ty, bởi vì họ đang làm rất nhiều cho môi trường – nhất là trong môi trường bất động sản và xây dựng, một trong những lĩnh vực ô nhiễm nhất".

Hàng ngày, công việc của cô không khác một trời một vực với cha mẹ, vốn làm trong ngành quảng cáo. Nhưng Brown cảm thấy nội dung và giá trị rất khác nhau. “Tôi không muốn bán sản phẩm cho những người không cần,” Brown nói. Cô cảm thấy mình hướng tới tương lai của ngành bất động sản.

‘Mỗi việc làm cần là công việc về bền vững’

Anna Marshall, bạn học của Costley-White, vừa bước sang tuổi 23, tin rằng biến đổi khí hậu cũng có thể ảnh hưởng đến an ninh việc làm. 

“Tôi nghĩ biến đổi khí hậu có nghĩa là kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi triệt để trong 20 năm tới, khiến khó mà dự đoán bất kỳ quyết định nghề nghiệp nào,” cô nói. “Ý tưởng về sự nghiệp dài, làm một việc duy nhất cho đến khi nghỉ hưu giờ đây đã lỗi thời, nếu nó thực sự đã từng xảy ra.

Khi Thế hệ Z ổn định bản thân trong thị trường lao động, rõ ràng là nhiều người trong số họ đang tìm cách góp phần ngăn chặn sự sụp đổ khí hậu. Cho dù họ đang thay đổi công việc như Zhou, lấy bằng về khí hậu như Costley-White hay nghiên cứu thành tích môi trường của công ty như Brown, biến đổi khí hậu là điều không thể tránh khỏi trong tương lai công việc.

Thị trường việc làm sẽ tiếp tục vận động để đáp ứng. “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tiếp tục thấy ngày càng nhiều công việc kiểu này,” Patten nói. 

Hiện tại có nhu cầu lớn những người có khả năng đáp ứng các quy định môi trường mới, bà lưu ý – nhu cầu ngày càng tăng về độ phức tạp và sắc thái. Bà cũng thấy có nhiều chỗ để mở rộng trong các lĩnh vực như tìm nguồn cho chuỗi cung ứng, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối, vì chúng liên quan đến tính bền vững.

Hiện chưa phải ai cũng nhảy vào. “Thực sự sẽ cần sự thay đổi mô hình trong việc nhận ra rằng mọi công việc phải là công việc về bền vững ở mức độ nào đó,” Patten tin. “Nó không còn là vấn đề riêng lẻ nữa.”

Đối với những người như Lillian Zhou, điều đó không thể được.

Cô giải thích: “Tôi quan tâm đến năng lượng tái tạo vì thành thật mà nói, tôi không nghĩ thế hệ của tôi đủ khả năng để không quan tâm. Khi bạn tận mắt chứng kiến khí hậu ở quê hương đã thay đổi như thế nào, khi bạn thấy các chính phủ và lãnh đạo đã thất bại hết lần này đến lần khác để đem đến thay đổi đáng kể thế nào - đó không phải là điều bạn có thể bỏ qua."

Làm việc vì bền vững là mệnh lệnh đối với Zhou. “Tôi không thể nghĩ ra ngành nào quan trọng hơn để mình tham gia.”