Hàn Quốc: Sợ ở tù, giới chủ nhanh chóng thay thế công nhân bằng robot

Thứ Ba, 02 Tháng Tám 20223:00 CH(Xem: 1560)
Hàn Quốc: Sợ ở tù, giới chủ nhanh chóng thay thế công nhân bằng robot

Hàn Quốc: Sợ ở tù, giới chủ nhanh chóng thay thế công nhân bằng robot - Ảnh 1.

Một nhà kho có robot tham gia hoạt động - Ảnh: ISTOCK

Theo dữ liệu của Liên đoàn người máy (robot) quốc tế, tại Hàn Quốc hiện có 932 robot/10.000 lao động, cao nhất thế giới. Singapore xếp hạng nhì với 605 robot/10.000 lao động. Nhật đứng hạng 3 với 390 robot/10.000 lao động. Mỹ đứng hạng 7 với 255 robot/10.000 lao động.

Theo Cơ quan Xúc tiến công nghiệp robot Hàn Quốc, hiện nay thị trường sản xuất robot công nghiệp trong nước đã tạo ra doanh thu khoảng 5 tỉ USD và dự báo sẽ tăng lên 17,15 tỉ USD vào năm 2025.

Từ tháng 1-2022, một đạo luật ở Hàn Quốc được gọi là Đạo luật trừng phạt thảm họa nghiêm trọng có hiệu lực. Quy định mới nêu rõ rằng nếu người lao động chết hoặc bị thương nặng trong quá trình làm việc, tòa án có thể phạt giám đốc điều hành (CEO) hoặc quản lý cấp cao của công ty và thậm chí tống họ vào tù. Sự kiện này đã thúc đẩy sự gia tăng đầu tư vào robot tại quốc gia này.

Bà Kim Hyo Jin, giám đốc điều hành tại Speefox, nhà sản xuất tụ điện lớn nhất Hàn Quốc, cho biết: "Luật pháp là một vấn đề lớn trong kinh doanh hiện nay. May mắn chúng tôi đã tự động hóa, vì vậy khi luật ra đời, chúng tôi đã sẵn sàng".

Ông Jung Jin Woo, giáo sư Đại học Khoa học & công nghệ Seoul, người nghiên cứu về an toàn lao động, nói: "Các công ty đang chuyển sang cắt giảm lao động của con người".

Đạo luật trừng phạt thảm họa nghiêm trọng ban đầu được ca ngợi là một bước tiến lớn đối với quyền của người lao động. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và các công ty xây dựng đã phản bác lại rằng việc xử lý hình sự các lãnh đạo cấp cao vì những hành vi tại chỗ là không công bằng. Đồng thời, luật pháp được truyền đạt quá mơ hồ dẫn đến việc không chắc chắn về những gì cấu thành tội phạm và cách tránh nó.

Theo trang tin Interesting Engineering, vấn đề an toàn tại các nhà máy Hàn Quốc khá thấp. Đây là một sự kiện vừa khó hiểu vừa gây khó chịu cho một quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như vậy.

Ông Lee Joon Won, một chuyên gia về an toàn hệ thống tại Đại học Soongsil ở Seoul, cho biết: "Những tai nạn liên quan đến an toàn lao động luôn lặp đi lặp lại. Đó là một nhược điểm lớn đối với một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người khoảng 30.000 USD. Việc các công ty theo đuổi lợi nhuận là điều tự nhiên, nhưng họ phải bảo vệ sự an toàn cho người lao động".

Giờ đây, Chính phủ Hàn Quốc đã vào cuộc, cam kết giúp các công ty cải thiện những tiêu chuẩn an toàn của họ.

"Trách nhiệm cơ bản của nhà nước là bảo vệ tính mạng quý giá và sự an toàn của người dân lao động", Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc cho biết. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn