Trước Putin, lối thoát duy nhất cho châu Âu là Ukraina phải chiến thắng

Thứ Năm, 21 Tháng Bảy 20222:00 SA(Xem: 1572)
Trước Putin, lối thoát duy nhất cho châu Âu là Ukraina phải chiến thắng

tank_12


Đăng ngày:

Sức mua, nắng nóng, cháy rừng, chuyến đi Trung Đông của tổng thống Mỹ, tình hình nước Ý, chiến tranh Ukraina, đó là những vấn đề chính hôm nay trên báo chí Pháp. Bài xã luận của Les Echos nhận định « Tương lai châu Âu được đặt cược tại Roma ». Đang trong khủng hoảng chính trị, Ý có thể kéo theo sự sụp đổ của toàn khu vực đồng euro, và sự thiếu vắng một tầm vóc lãnh đạo châu Âu làm cho tình hình càng đáng báo động.

euro_01


Ý khủng hoảng chính trị, khu vực đồng euro bị đe dọa

Cách đây 10 năm, khu vực đồng euro phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất lịch sử, và tình trạng hiện giờ còn nguy hiểm hơn nhiều. Bệnh nhân của châu Âu không chỉ là bốn nước « nhỏ » là Hy Lạp, Ailen, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Giờ đây nước Ý, nền kinh tế thứ ba châu Âu, có nguy cơ phá sản, trọng lượng nước này có thể làm khu vực đồng euro lao dốc theo. Nợ công của Ý cao hơn cả bốn nước thời đó cộng lại, và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) khó thể cứu nổi.

Nghịch lý là chính do việc thủ tướng Mario Draghi từ chức đã gây ra khủng hoảng. Cựu thống đốc BCE chừng như không còn chịu đựng nổi sự tệ hại của các đồng minh chính trị. Khả năng ông chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày thứ Tư tới không thay đổi được gì, vì đoàn kết quốc gia đã bị phá vỡ. Hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, phe cực hữu đòi hỏi ra khỏi khu vực đồng euro, và như vậy không ai sẽ ngóc dậy được.

Một lần nữa, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ cố làm mọi cách để cứu vãn đồng euro, nhưng sẽ rất vất vả trước sự điên rồ gần như là tự sát của chính giới Ý. Hơn nữa, châu Âu đang thiếu một sự lãnh đạo. Bên cạnh tính dễ tổn thương của ông Mario Draghi, phải kể đến Emmanuel Macron mà tên tuổi quốc tế đã giảm sút vì những khó khăn nội bộ. Còn Olaf Scholz có vẻ không tập hợp được các lực lượng trong liên minh.

Sự đoàn kết của châu Âu trong thời kỳ đại dịch không chắc có thể duy trì được trong cuộc chiến tranh Ukraina. Trước các nước Đông Âu đòi hỏi phải hết sức cứng rắn đối với Nga, ở Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và cả tại Pháp bắt đầu có những tiếng nói dè dặt cho rằng không thể hy sinh cho Ukraina nhiều đến thế. Nếu trong kỳ bầu cử Quốc hội ở Ý mùa thu này, phe cực hữu thân Nga lên nắm quyền, đây sẽ là một đòn nặng cho mặt trận châu Âu, và là chiến thắng huy hoàng nhất của Vladimir Putin.

eu_01


Khối đoàn kết trước Nga bắt đầu lung lay

Le Figaro cũng phân tích về « Các nền dân chủ châu Âu trước thách thức từ Putin ». Tại cuộc Đối thoại Tocqueville, Mỹ và châu Âu đều lo ngại về khả năng kháng cự trước các chế độ độc tài.

Từ khi bức tường Berlin sụp đổ, châu Âu ngủ yên vì đã thoát khỏi mối đe dọa cộng sản, lại được chiếc dù an ninh Mỹ che chở. Chắc mẫm rằng lịch sử châu lục không còn những tiếng nổ đại bác, các nước dân chủ châu Âu bỗng bàng hoàng vì cuộc xâm lăng Ukraina. Liệu sự tỉnh thức có còn kịp hay không ? Câu hỏi được đưa ra trong cuộc hội thảo giữa đôi bờ Đại Tây Dương, tổ chức ngày 8 và 9 tháng Bảy ở lâu đài tại Normandie, nơi nhà tư tưởng Alexis de Tocqueville viết ra phần hai của tác phẩm « Nền dân trị Mỹ » (De la démocratie en Amérique).

Sau gần 5 tháng chiến tranh, sự đoàn kết và quyết tâm của phương Tây đã bắt đầu yếu đi ở vài nơi. Đông Âu cho rằng chỉ có chiến thắng của Ukraina mới chận lại được bước tiến đế quốc của Vladimir Putin, còn Tây Âu kêu gọi nhanh chóng ngưng bắn, dù có bất công cho phía Ukraina. Ngoại trưởng Litva Gabrielus Landbergis lấy làm tiếc khi các nước Baltic đã được lắng nghe vào đầu cuộc chiến tranh, nhưng gần đây thì ít hơn. Pháp, Đức, Ý, mà mối đe dọa từ Nga có vẻ xa vời, thì lo ngại về hậu quả kinh tế của cuộc chiến.

Xâm lăng Ukraina, Putin đánh thức NATO và đưa Hoa Kỳ quay lại với châu Âu, nhưng đến bao giờ ? Nhà chính trị học Mỹ Andrew Michta mỉa mai : « Chuyến tàu đã rời ga và châu Âu luôn đứng lại trên sân để tranh cãi, tự hỏi các toa tàu có theo đúng trật tự hay không ». Sau chiến tranh lạnh, đa số các nước châu Âu bỏ rơi quốc phòng, những lời kêu gọi của các tổng thống Mỹ liên tiếp đều rơi vào khoảng không. Ngay cả Pháp, vốn duy trì quân đội chất lượng cao, vẫn không đủ dự trữ đạn dược để giúp Kiev đúng mức. Cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định : « Không thể sống trong một thế giới mộng mơ, Ukraina phải là phát súng cảnh báo. Ngôi nhà đang cháy, và chúng ta thiếu đạn, cần phải hành động ngay ».

Quan điểm về dân chủ không đồng nhất nơi các nước phương Tây, và chiến tranh làm bộc lộ những điểm yếu kém nội tại. Nghị sĩ châu Âu François-Xavier Bellamy, thuộc đảng cánh hữu LR, phân tích : « Chúng ta chuẩn bị cho việc không xảy ra chiến tranh, tin rằng cứ có nhiều quan hệ thương mại với các đối thủ thì sẽ không xảy ra xung đột, và bây giờ phải trả giá ».

Các đại diện Đông Âu và đối lập Nga nhấn mạnh những sai lầm của phương Tây khi không nhận ra mối đe dọa. Mikhail Khodorkovski, nhà đối lập từng bị bỏ tù 10 năm ở Xibêri, cho rằng Kissinger và có thể cả Emmanuel Macron coi Vladimir Putin như Brejnev thời Liên Xô, tức là một nhà lãnh đạo có thể thương thảo được. Nhưng đó là cái sai lớn nhất : Putin làm việc ở KGB suốt thời gian dài, sống trong một thế giới bạo lực. Cách duy nhất là Ukraina phải chiến thắng, vì Putin sẽ không dừng lại. Cựu thủ tướng Pháp Alain Juppé dự báo, ngày nay không phải là lúc xuất khẩu các giá trị phương Tây, mà là phải bảo vệ chúng.

hostomel_01


Vụ tiêu diệt quân Tchetchenya trong trận đánh Hostomel

Về cuộc chiến ở Ukraina, Le Monde có bài phóng sự « Trong sương mù của trận đánh Hostomel ». Người ta vẫn chưa biết hết những bí mật từ trận đánh quyết định tại phi trường nằm ở cửa ngõ thủ đô Kiev.

Tờ báo mô tả khung cảnh những chiếc xe bọc thép và xe tải của quân Nga xếp hàng ngay ngắn trong sân bay, phía trước là khoảng 100 lính Tchetchenya đứng nghiêm trong bộ quân phục. Họ chuẩn bị được gắn huy chương vì « hành động anh hùng » trong cuộc tấn công vào căn cứ quân sự này hôm 24/02, được tướng Magomed Touchayev, cánh tay phải của tổng thống Tchetchya đích thân trao cho. Buổi lễ sẽ rất hoàn hảo, như Matxcơva vẫn thích dàn cảnh. Chiếc Antonov An-225, phi cơ vận tải lớn nhất thế giới, niềm kiêu hãnh của Ukraina đã bị hỏa tiễn Nga làm mất đầu là vật trang trí quý giá cho sự kiện.

Thế nhưng quân đội Ukraina đã oanh kích vào, không một ai sống sót. Tướng Touchayev được Kiev thông báo đã chết trong trận này, nhưng chính quyền Tchetchya bác tin và nay cả Grozny lẫn Matxcơva đều im lặng về số phận của ông.

Khu vực xung quanh phi trường Hostomel bị san bằng, đại đa số cư dân chạy trốn được từ khi những hỏa tiễn đầu tiên ập xuống, nhưng vẫn còn khoảng 300 người kẹt lại. Những người đàn ông thường xuyên bị quân Tchetchenya đánh đập, phân nửa số cư dân bị đày sang Belarus từ ngày 11/03. Được tặng huy chương vì « anh dũng », trên thực tế lính Tchetchenya không hề tham gia vào trận đánh chiếm phi trường cũng như trong thành phố, nhiệm vụ của họ chỉ là khủng bố thường dân.

osce_01


Nga « thanh lọc » người di tản Ukraina để giam cầm, sát hại

Libération trích báo cáo của Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu (OSCE) về một hiện tượng đáng báo động : sự xuất hiện những « trung tâm thanh lọc » nhằm nhận diện, bắt giam hoặc sát hại những người Ukraina bị cho là nguy hiểm đối với Matxcơva.

Những ai từng chiến đấu cho Ukraina hay có liên hệ với « trung đoàn Azov » bị tách rời ra, và thường biến mất sau đó. Đôi khi họ bị đưa sang những vùng đất ly khai rồi bị bắt nhốt hoặc giết chết. Những trường hợp khác bị đưa sang Nga, đưa vào những lều trại ở Kursk, bị tra tấn, lăng nhục.

Những trung tâm thanh lọc trên đây mọc lên tại những con đường di tản của những thành phố bị bao vây, nổi tiếng nhất là trung tâm Bezimienne (có nghĩa là « Không tên ») gần Mariupol. Người dân Ukraina bị giữ lại ít nhất một tháng, trong thời gian đó quân Nga thu thập các dữ liệu cá nhân, dấu tay, sao chép giấy tờ tùy thân của họ ; một số bị khám người rất thô bạo. Có khoảng 20 trung tâm như vậy, và theo Ủy ban Nhân quyền Ukraina, đến giữa tháng Năm trên 1,2 triệu công dân Ukraina bị cưỡng bức sang Nga, trong đó có 210.000 trẻ em.

saudi_01


Biden đạt được gì trong chuyến đi Trung Đông ?

Đối với Le Figaro, « Joe Biden ra về tay trắng » sau cuộc họp thượng đỉnh ở vùng Vịnh. Không được gì về năng lượng, không giúp Ả Rập Xê Út và Israel xích lại gần hơn, cũng không gầy dựng được một cơ cấu mới về an ninh khu vực để chống lại Iran. Kết quả duy nhất là hoàn tất được thỏa thuận trao trả cho Ả Rập Xê Út hai hoang đảo ở Biển Đỏ lâu nay thuộc về Ai Cập. Ý tưởng một « NATO Ả Rập » với sự bảo vệ của Israel không thành sự thực.

Tuy nhiên, Les Echos cho rằng « Biden có được những thành công ngoại giao nho nhỏ ». Đang gặp khó khăn trong đối nội, Biden tìm cách củng cố vai trò trên trường quốc tế. Joe Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử, hôm thứ Sáu 15/07 đã bay thẳng đến Ả Rập Xê Út từ lãnh thổ Israel. Dù thái tử Mohammad Ben Salmane (MBS) không sẵn sàng đi ngược lại dư luận trong nước vốn thù địch với quốc gia Do Thái, nhưng những thỏa thuận thực dụng sẽ đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực. Việc mở không phận Ả Rập Xê Út cho phi cơ dân dụng Israel là một bước tiến lịch sử.

Món quà khi quay lại Trung Đông không chỉ là bỏ qua vụ Khashoggi, mà Biden còn dành 1 tỉ đô la cho an ninh lương thực cho vùng đất vốn nằm trong số bị ảnh hưởng nhiều nhất vì cuộc chiến tranh ở Ukraina. Nhưng hiện Ả Rập Xê Út chưa đáp ứng mong muốn của Mỹ về tăng sản lượng dầu lửa, MBS cho biết đã đạt công suất tối đa vì thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

abe_09


Nhật Bản và di sản Shinzo Abe

Nhìn sang châu Á, Le Figaro nhận thấy « Nhật Bản đang đứng trước ‘giờ của sự thật’ ». Vụ ám sát cựu thủ tướng Shinzo Abe khiến nước Nhật ôn hòa bị cú sốc lớn, nhất là ông Abe đóng một vai trò không thể thay thế trên chính trường Nhật Bản, với phong cách đầy thu hút. Shinzo Abe qua đời vào lúc người Nhật chuyển sang chấp nhận tầm nhìn của ông về một Nhà nước ổn định, hùng mạnh và hiệu quả trước những thách thức của thế kỷ 21. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Abe nỗ lực bảo vệ chủ quyền đất nước, tại một châu Á tuy thịnh vượng nhưng lại trở nên nguy hiểm nhất thế giới vì tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Đương kim thủ tướng Fumio Kishida có thể dựa vào sự ủng hộ của công luận đối với ông Abe, và đa số 2/3 ở Quốc hội để tu chính Hiến pháp chủ hòa. Ông Kishida đã tăng cường tự chủ về năng lượng và kỹ nghệ, tái thúc đẩy các lò phản ứng nguyên tử với các tiêu chí an toàn mới, đầu tư vào các chuỗi cung ứng và sản xuất hàng hóa thiết yếu, từ chất bán dẫn cho đến vật liệu y tế. Kishida tiếp tục bảo vệ nguyên tắc Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhưng sẽ phải có quan điểm rõ ràng về việc ủng hộ Đài Loan.

nong_01


Bao giờ Paris 50°C ?

Tại Pháp trên lãnh vực khí hậu, Le Monde cho biết « Paris chuẩn bị sống với nhiệt độ 50°C như thế nào ». Hôm 05/07, thủ đô nước Pháp đã lập ra một ủy ban, được dành 6 tháng nghiên cứu để tìm cách thích ứng với điều kiện khí hậu cực đoan.

Tòa đô chánh dự kiến trồng thêm 170.000 cây xanh, lắp đặt 100 phông-tên nước uống và giải nhiệt, thiết lập hơn một chục địa điểm trú nóng mỗi năm cho từng quận, bên cạnh đó là kế hoạch cải tạo các tòa nhà. Các báo cũng có nhiều bài viết về nạn cháy rừng hiện nay : tối qua ở Gironde 1.200 lính cứu hỏa tiếp tục chiến đấu với ngọn lửa sáu đêm liên tiếp ; trên 11.400 hecta rừng đã bị thiêu hủy, 16.000 người phải sơ tán. Vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Về khía cạnh du lịch mùa hè, Financial Times giải thích « Tại sao người Pháp là những người khách đi nghỉ hè tốt nhất ? ». Theo bài viết được Les Echos trích dẫn, khách Pháp không mở nhạc, không bày tiệc barbecue, không picnic ăn uống trên bãi biển, nếu có chỉ là vài gói bánh bích-quy nhỏ cho trẻ em bữa xế. Người Pháp có cách sống ổn định, mỗi năm họ đi nghỉ cùng một nơi, hoặc vào tháng Bảy hoặc tháng Tám, thích chào hỏi những khuôn mặt quen biết, có hẳn một trang web là Bison Futé dự báo lưu lượng xe cộ trong mùa nghỉ hè… Tóm lại, dân Pháp là những du khách « chuyên nghiệp ».

https://www.rfi.fr/vi/%
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn