Trung Quốc phát triển vì chỉ còn ‘tham nhũng vừa ăn vừa làm’?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Trong bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Transparency International, năm 2021, Trung Quốc xếp thứ 66, Việt Nam 87, Thái Lan 110.

Dường như nỗ lực chống tham nhũng ở Trung Quốc, tuy không được đánh giá cao như nhiều nước phương Tây, nhưng cũng đã tiến bộ nhiều.

Một câu hỏi liên quan là vì sao bất chấp vấn nạn tham nhũng, Trung Quốc, trong 30 năm qua, tiếp tục tăng trưởng kinh tế?

Một cuốn sách in năm 2020, China's Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption (NXB Đại học Cambridge), tìm cách trả lời.

Bốn kiểu tham ô

Tác giả sách, Tiến sĩ Yuen Yuen Ang, Đại học Michigan, chỉ ra rằng không nên nói về tham nhũng chung chung, mà bà tách biệt bốn loại tham nhũng:

Trộm cắp vặt là hành vi ăn cắp, lạm dụng công quỹ hoặc tống tiền ở các cán bộ cấp thấp.

Trộm cắp lớn đề cập đến việc tham ô hoặc biển thủ các khoản tiền công lớn trong giới tinh hoa chính trị, những người kiểm soát tài chính nhà nước. Một ví dụ là Sani Abacha, nhà độc tài quân sự của Nigeria, bị cho là bòn rút 4 tỷ đô la Mỹ trước khi qua đời năm 1998.

Tiền bôi trơn là những khoản hối lộ nhỏ mà doanh nghiệp hoặc công dân trả cho các quan chức để vượt qua rào cản hoặc đẩy nhanh tiến độ.

Tiền tiếp cận, nghĩa là những phần thưởng mà giới kinh doanh dành tặng cho quan chức, không chỉ để đẩy nhanh tiến độ mà còn giúp có được thông tin, đặc quyền.

Mới nhìn, có vẻ như cả bốn loại tham nhũng này đều gây hại cho đất nước. Nhưng bà Yuen Yuen Ang cho rằng chỉ ba loại tham nhũng đầu tiên là hoàn toàn có hại.

Còn loại thứ tư - đổi trác để có quyền tiếp cận với quan chức - lại vừa tích cực vừa tiêu cực: nó giúp thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng, nhưng cũng tạo ra các rủi ro lớn cho nền kinh tế và hệ thống chính trị.

Tham ô vặt, tham ô lớn và tiền bôi trơn hầu như lúc nào cũng dùng đến các cách phi pháp.

Nhưng việc tiếp cận quan chức có thể vừa phi pháp - hối lộ, lại quả - mà cũng có thể hợp pháp như tạo quan hệ thân tín, chuyển từ vị trí công chức sang tư nhân, và gây ảnh hưởng. Hay như tại Hoa Kỳ, các tập đoàn lớn bỏ hàng tỉ đôla mỗi năm cho vận động hành lang.

Trung Quốc 'đánh ba loại tham nhũng'

Theo tác giả, từ khoảng năm 1998, thời Thủ tướng Chu Dung Cơ, Trung Quốc bắt đầu triệt tiêu ba loại tham nhũng đầu tiên - vặt, lớn và bôi trơn. Điều này được thực hiện thông qua các biện pháp như ra luật công chức, cải cách thuế, ngân sách, kế toàn, giảm tiền mặt bằng thanh toán điện tử, tăng cường dùng tài khoản ngân hàng.

Nhưng mặt khác, loại tham nhũng thứ tư - dùng tiền để tiếp cận cán bộ, quan chức - lại tăng phi mã.

Như vậy, vì sao tham nhũng vẫn tồn tại, nhưng Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng kinh tế?

Nói cách khác, vì sao tham nhũng theo kiểu 'vừa ăn nhưng cũng phải làm' dường như là điển hình tại Trung Quốc?

Tiến sĩ Yuen Yuen Ang giải thích đó là vì hệ thống chính trị của Trung Quốc hoạt động theo mô hình "chia sẻ lợi nhuận".

Bà viết: "Trong giới tinh hoa chính trị, phần thưởng nghề nghiệp và tài chính của họ - nghĩa là, tham ô để đổi lấy các giao dịch - được gắn với sự thịnh vượng kinh tế."

"Do đó, thay vì "hành hạ" các doanh nghiệp thông qua tống tiền, các nhà lãnh đạo địa phương thường mong muốn mở rộng vòng tay "giúp đỡ" các nhà đầu tư được ưu ái, bằng cách đề nghị các giao dịch đặc biệt, đất giá rẻ, miễn trừ theo quy định và các đặc quyền khác."

Phụ cấp cho cán bộ

Ngay cả với hàng triệu công chức bình thường, mô hình "chia sẻ lợi nhuận" cũng diễn ra.

Mặc dù lương công chức ở Trung Quốc vẫn rất thấp, cán bộ Trung Quốc có các khoản phụ cấp, đãi ngộ khác, và những khoản này lại gắn với thành tích tăng ngân sách của địa phương. Bằng cách này, cán bộ cấp thấp có động cơ làm ra tiền cho nhà nước để được thưởng, và bớt hành dân.

Lương công chức Trung Quốc, theo cải cách năm 2015, vẫn rất thấp, với lương tháng tối thiểu là 510 tệ và cao nhất là 5.250 tệ (845 đôla).

Nhưng lương cán bộ, công chức chỉ là một phần, vì họ còn nhận được tiền thưởng ngoài giờ, ăn miễn phí, nghỉ hè miễn phí, bao cấp nhà, ngân sách cho giải trí, giảm giá điện, gas, thực phẩm…Tại Trung Quốc, các khoản thưởng, phụ cấp gắn với hai nguồn lợi tức: thu thuế địa phương, và các khoản phí, khoản phạt của các cơ quan.

Tác giả lấy một ví dụ đơn giản. Một cán bộ phòng xây dựng, ngoài tiền lương tháng, còn nhận phụ cấp từ ngân sách quận lấy từ tiền thuế. Ngoài ra, vị cán bộ nọ còn nhận thêm phụ cấp của phòng xây dựng, lấy từ việc thu phí, phạt…

Đây là cơ chế "chia sẻ lợi nhuận", theo đó, công chức nhận lại được một phần thưởng từ lợi nhuận mà tổ chức tạo ra được.

Một hệ quả là theo năm tháng, khoảng cách thu nhập của cán bộ giữa các đơn vị khác nhau sẽ cũng khác nhau. Lý do là vì có những đơn vị sẽ tạo ra lợi nhuận nhiều hơn đơn vị khác. Một viên chức được trích lời trong sách: "Thằng khờ cũng biết khoảng cách thu nhập khác nhau giữa phòng xây dựng và phòng tài liệu."

Một cán bộ khác nói về mô hình giúp cả nhà nước và tư nhân "cùng có lợi": "Nếu kinh tế chung phát triển, thì các ban bệ chúng tôi cũng có lợi. Còn nếu mỗi phòng ban chỉ nghĩ về việc thu lợi cho mình, thì nếu doanh nghiệp không sống nổi, họ sẽ ra đi. Kinh tế địa phương sẽ teo tóp. Rồi tài chính các phòng ban cũng teo. Chỉ khi chúng ta cùng hợp tác, thì mới có thể phát triển kinh tế địa phương. Về lâu dài, chiến lược này mới giúp mọi phòng ban."

Tâm lý này giúp giải thích vì sao từ đầu thập niên 2000 đến nay, ba loại tham nhũng đầu - vặt, lớn và bôi trơn - giảm đi, nhưng việc hối lộ để đổi dự án và lợi ích lại tăng lên ở Trung Quốc.

Lãnh đạo địa phương có thể tham nhũng nhưng họ cũng phải chứng tỏ khả năng lèo lái, tăng ngân sách địa phương. Một mặt, họ khuyến khích đổi mới chính sách, tiến hành các ý tưởng sáng tạo để nâng cao sự hấp dẫn của địa phương. Mặt khác, họ cũng dành đặc quyền cho một thiểu số tư bản, với tiền hối lộ giúp cho tham vọng chính trị và tài sản cá nhân.

Tóm lại, theo tác giả, tại Trung Quốc, phát triển kinh tế và tham nhũng đi đôi với nhau, và mang tính chất cạnh tranh.

Tác giả so sánh Trung Quốc ngày nay khá tương đồng với Hoa Kỳ thế kỷ 19. Đó là lý do vì sao cuốn sách có tựa "Thời vàng son của Trung Quốc", nhại lại cụm từ Gilded Age hay dùng để nói về Hoa Kỳ hào nhoáng nhưng thoái hóa trong thế kỷ 19.

Trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu 20, chính quyền các bang của Mỹ độc lập về mặt tài chính và mong muốn thúc đẩy sự phát triển, vừa để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử và để làm giàu.

Cuối cùng, những rủi ro vốn có của tham nhũng như vậy đã tạo ra Khủng hoảng năm 1893, khiến các ngân hàng vỡ nợ và buộc phải cải cách. Từ ở đó, nước Mỹ tiếp tục phát triển, đi vào Kỷ nguyên Tiến bộ (1890-1920).

Tác giả chỉ ra 'Thời đại Vàng son' của tư bản Hoa Kỳ 100 năm trước có những điểm tương đồng Trung Quốc ngày nay: sự lớn dậy của giới giàu có mới nổi, tập đoàn cấu kết chính phủ, nghèo đói đi đôi giàu có…

Tác giả viết: "Sự trỗi dậy của phương Tây hoàn toàn không phải chỉ là kết quả của các thể chế tốt và "văn hóa đổi mới" - không thể phủ nhận, nó đi đôi với tham nhũng, bóc lột và bất bình đẳng. Một đánh giá trung thực về lịch sử phương Tây, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình hiện đại hóa kinh tế và chính trị ở các nước đang phát triển ngày nay."