Bỏ Trung Quốc, đến Việt Nam vì 'an toàn, ăn ngon, ít cạnh tranh, nhưng mệt vì ô nhiễm'

Thứ Hai, 11 Tháng Bảy 20221:00 SA(Xem: 2007)
Bỏ Trung Quốc, đến Việt Nam vì 'an toàn, ăn ngon, ít cạnh tranh, nhưng mệt vì ô nhiễm'
bbc.com

Bỏ Trung Quốc, đến Việt Nam vì 'an toàn, ăn ngon, ít cạnh tranh, nhưng mệt vì ô nhiễm'

Người nước ngoài nhận xét về hiện tượng doanh nghiệp lớn rời TQ sang VN

Vietnam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Những gián đoạn vì làn sóng Covid-19 mới do Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải và nhiều thành phố trong nhiều tháng qua thôi thúc cách doanh nghiệp phương Tây tìm cách chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này.

Trong khi đó, Việt Nam được cho có thể là điểm đến của hàng loạt công ty lớn trên thế giới, cũng như của nhiều người nước ngoài vì đã các hoạt động phòng chống trước dịch Covid-19 lẫn chiến lược tái mở cửa, phục hồi kinh tế sau dịch.

Henrik Bork, một nhà tư vấn của Asia Waypoint, hôm 10/5, cho biết các tập đoàn điện tử Trung Quốc như Luxshare Precision Industry, Goertek và nhà lắp ráp iPhone Đài Loan Pegatron, đang chuyển cơ sở sang Việt Nam.

Tạp chí Nikkei Asia của Nhật đầu tháng 6 biết Apple đang dịch chuyển việc sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc, hướng đến Việt Nam.

Đài DW của Đức đưa tin các công ty, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, đang chi rất nhiều tiền vào đất nước 98 triệu dân. Vào tháng 2, tập đoàn khổng lồ Samsung của Hàn Quốc đã thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam.

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn một số người nước ngoài từng sống tại Trung Quốc nhưng đã chuyển đến Việt Nam về vấn đề này.

Alexander Parini là một người Mỹ từng học thạc sĩ ở Trung Quốc 2 năm.

Đại dịch Covid đã khiến anh chuyển đến Việt Nam, trở thành một giảng viên một số trường đại học cũng như cộng tác với Đại sứ quán Mỹ tại TP.HCM. Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, anh cho biết:

"Tháng 1/2020, tôi rời Trung Quốc trong một kì nghỉ ngắn ngày bình thường nhân dịp Tết Nguyên đán. Nhưng lúc đó, Covid-19 bắt đầu lây lan trên khắp Trung Quốc, tôi không thể trở lại Bắc Kinh do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt."

"Vì vậy, tôi lựa chọn hoàn thành chương trình học trực tuyến và chuyển đến một quốc gia coi trọng sự lây lan của Covid lúc mới xuất hiện. Cuối cùng, tôi đã đưa ra một quyết định táo bạo khi chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam."

Alexander Parini đánh giá cao việc người Việt Nam rất cởi mở trong giao tiếp và nói tiếng Anh tốt, đặc biệt là trong ngành dịch vụ.

"Khi tôi sống ở Bắc Kinh, việc học tiếng Trung là tuyệt đối bắt buộc. Còn ở Việt Nam tôi rất vui vì hầu như đi đến đâu tôi cũng có thể giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của mình, mặc dù tôi cũng rất thích thực hành nói tiếng Việt."

Giảng viên người Mỹ nói rằng anh cảm thấy rất may mắn khi được sống ở một đất nước có nhiều món ăn ngon.

Theo anh, tại Việt Nam mọi người có thể thưởng thức các món ăn phong phú từ Âu sang Á, và đặc biệt là món Việt Nam… với chất lượng hàng đầu, vốn là một điều hiếm thấy ở nhiều quốc gia châu Á khác.

Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp

Chụp lại hình ảnh,

Alexander Parini rời Trung Quốc sang Việt Nam được 2 năm

Cùng thích đồ ăn Việt Nam, James Tsui, người Anh lai Hong Kong còn khen chi phí sinh hoạt ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác.

"Tôi từng sống 15 năm ở Trung Quốc và Hong Kong, khi đến TP.HCM tôi nhận ra rằng mình có thể có một căn hộ đẹp trên cao, góc nhìn toàn thành phố với một giá hợp túi tiền hơn Hong Kong và Thâm Quyến rất nhiều", James Tsui nói.

Trong khi đó, Sander Seymour, quốc tịch Mỹ nhận xét anh có nhiều cơ hội phát triển hơn khi ở Việt Nam. Từng ở Trung Quốc nửa năm, anh nói rằng mọi thứ ở đó đều phải cạnh tranh khốc liệt.

"Tôi cảm thấy tôi chỉ là một trong số hàng triệu hay tỷ người khác. Tôi có nhiều cơ hội hơn khi đến Việt Nam", Sander Seymour, người đang sinh sống ở Hội An và là giám đốc của công ty Keyway Consulting nói.

Tuy vậy, điểm trừ của Việt Nam trong mắt người nước ngoài là ô nhiễm do xe máy và các hoạt động công nghiệp, đường phố không thân thiện với người đi bộ.

"Đối với một người thích đi bộ, tôi cảm thấy buồn vì ở TP.HCM, bạn buộc phải dùng xe máy hoặc ô tô để di chuyển thận tiện, ngay cả khi bạn có trẻ nhỏ", James Tsui nói với BBC.

Vấn đề ô nhiễm cũng khiến Sander Seymour lo lắng: "Với tốc độ phát triển của Việt Nam, việc thiếu các quy định đang gây ra thiệt hại và ô nhiễm môi trường. Tôi lo rằng trong tương lai nếu có nhiều tập đoàn đa quốc gia tới Việt Nam, vấn đề này sẽ trở nên tệ hơn."

Nhận xét về chính sách zero Covid ở Trung Quốc

Ngạc nhiên và thất vọng là tâm lý chung của những người nước ngoài từng ở Trung Quốc mà BBC phỏng vấn.

Sander Seymour cho biết: "Tôi vừa nói chuyện với một người bạn ở Thượng Hải. Tôi rất ngạc nhiên về các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở đây. Bạn tôi nói rằng cô ấy phải làm xét nghiệm 3 ngày một lần, phải test PCR âm tính nếu muốn đi vào các cơ quan, cửa hàng… Và điều này đã diễn ra 3 tháng liền."

Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp

Chụp lại hình ảnh,

Sander Seymour đang sinh sống ở Hội An

Alexander Parini vẫn còn bạn bè ở Trung Quốc cũng như một số bạn học cùng lớp vẫn ở đó kể từ khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu phong tỏa từ đầu năm 2020.

"Tôi rất đau lòng khi nghe về hậu quả mà phong tỏa gây ra đối với cuộc sống hàng ngày của người dân. Nhiều người không thể kiếm tiền, không có thu nhập, không thể đoàn tụ với gia đình, thậm chí không được hít thở không khí trong lành bên ngoài."

Anh cho rằng Trung Quốc nên cân nhắc điều chỉnh cân bằng giữa việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quyền tự do của người dân, vì khả năng lây lan của biến thể Omicron đặt ra những thách thức mới cho các quốc gia theo đuổi chiến lược Zero Covid.

"Các quốc gia trước đây sử dụng chính sách zero-Covid hiện đang thích nghi với điều kiện bình thường mới và quyết định sống chung với virus với kết quả có vẻ khả quan", Alexander Parini đề cập với BBC về Việt Nam.

'Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung gây ra làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam'

Những người nước ngoài mà BBC phỏng vấn cho rằng chính sách Zero Covid đang thực sự gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc.

"Tôi hiểu lý do tại sao các công ty muốn chuyển đến những nơi như Việt Nam", Sander Seymour nói.

Tuy nhiên, họ cho rằng các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc chỉ giải thích một phần lý do tại sao các công ty toàn cầu như Apple đang chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi nước này để đến Việt Nam.

Các yếu tố khác còn bao gồm lương nhân công cao và cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng.

Bằng vốn nghiên cứu chuyên ngành ngoại giao quốc tế, Alexander Parini cho rằng sự bùng nổ của đại dịch cho thấy sự phụ thuộc quá mức của Mỹ vào các chuỗi cung ứng có liên kết với Trung Quốc, nêu ví dụ về thiết bị y tế cứu sinh không thể đến tay người dân Mỹ vì các nhà máy Trung Quốc tập trung sản xuất thiết bị để hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn virus trong nước.

"Ngoài việc đưa các ngành sản xuất quan trọng về lại Mỹ, chính quyền của Biden còn muốn các chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ phải linh hoạt, đa dạng và an toàn. Đây là một mục tiêu chính sách đáng chú ý và Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng trong việc biến điều này thành hiện thực", Alexander Parini nhận xét.

Đồng quan điểm này, James Tsui cho rằng vào thời điểm xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, việc các nhà cung cấp và sản xuất thay thế có lẽ là một kế hoạch dài hạn khôn ngoan.

Anh nói với BBC: "Trước Covid, tôi quyết định đầu tư vào bất động sản Việt Nam khi thấy đất nước này đang phát triển nhanh chóng.Tôi đã thực hiện nhiều nghiên cứu về nhân khẩu học của và bối cảnh chính trị để đưa ra kết luận rằng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất trong tương lai bên ngoài Trung Quốc."

"Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ trên bình quân đầu người lớn hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới, mức lương cũng tương đối thấp khiến ngành sản xuất trở nên cạnh tranh. Việt Nam cũng có hệ thống đường biển dễ dàng cho việc xuất khẩu, yếu tố khiến nhiều nước EU và châu Á đang ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam."

Trong một bài viết được xuất bản vào tháng 11/2022, báo Tuổi Trẻ cho rằng Việt Nam là điểm đến phù hợp cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như điện tử không đòi hỏi công nghệ quá cao trong sản xuất, hoặc lao động có tay nghề cao với chi phí vận hành bình quân thấp nhất trong khu vực, chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar.

Tổng chi phí vận hành trung bình của Việt Nam dao động từ 79.280 USD đến 209.087 USD mỗi tháng.

Về chi phí nhân công lao động, vốn chiếm trung bình tới 55% tổng chi phí của các quốc gia, Việt Nam được xếp hạng là thị trường có giá cả hợp lý đứng thứ tư sau Campuchia, Myanmar và Philippines với tổng chi phí nhân công trung bình là 108.196 USD mỗi tháng, Tuổi Trẻ viết.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Về chi phí nhân công, Việt Nam được cho là thị trường có giá cả hợp lý

Nhưng theo James Tsui, vấn đề lớn nhất là lập trường chống Trung Quốc hiện nay của thế giới.

"Rõ ràng là phần còn lại của thế giới đang rời khỏi Trung Quốc do sức mạnh của nước này, và tôi cảm thấy Việt Nam là địa điểm mới để tất cả các quốc gia cố gắng chuyển một phần lớn ngành sản xuất của họ, với một Chính phủ Việt Nam sẵn sàng và mong muốn thực hiện để phát triển thịnh vượng."

"Việt Nam là nơi đặt cược an toàn hơn cho tất cả các quốc gia trong tương lai, tuân thủ các quy tắc xuất nhập khẩu và tránh chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với EU và đặc biệt là Mỹ", anh bổ sung.

James Tsui cho biết cá nhân anh chuyển đến Việt Nam vì yêu mến đất nước hình chữ S và có thể tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt với giá phải chăng hơn so với nhiều nơi trên thế giới, và cũng một phần thấy trước rủi ro khi giữ tất cả hoạt động kinh doanh của mình ở một quốc gia mà cả thế giới dường như đang rời bỏ.

"Giống như việc một đứa trẻ từng là mọt sách bị bắt nạt trong trường, sau đó trở nên to lớn và mạnh mẽ hơn. Vì vậy những đứa trẻ khác không muốn chơi với nó nữa vì biết rằng không thể bắt nạt nữa và tẩy chay đứa trẻ đó", anh nhận xét.

Cơ hội, rủi ro ở Việt Nam

Tuy nhiên, James Tsui cho rằng nhiều công ty lớn sẽ xem xét chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ sang Việt Nam nhưng không phải tất cả, vì nhìn chung Trung Quốc vẫn cạnh tranh hơn trong nhiều lĩnh vực về sản xuất cũng như chi phí nguyên vật liệu và thuế xuất khẩu…

"Việt Nam vẫn thiếu khả năng tiếp cận với rất nhiều nguyên liệu mà dù thế nào đi nữa cũng phải nhập khẩu từ Trung Quốc, chẳng hạn như bất cứ thứ gì bằng nhựa. Và trong lĩnh vực công nghệ cao hay khởi nghiệp quy mô nhỏ, Trung Quốc vẫn cạnh tranh hơn nhiều", James Tsui nói.

Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng có nhiều công ty đang rời Việt Nam để chuyển sang nước khác.

Summer Lee, người Hàn Quốc đang sinh sống tại Đà Nẵng nói với BBC điểm thu hút để mở các nhà máy ở Việt Nam là giá nhân công rẻ, nhưng nếu không hài lòng thì chẳng có lí do gì để ở lại.

"Thuế quá cao. Và mức độ lỗi của sản phẩm quá cao", Summer Lee đánh giá.

Mặc dù chia sẻ với BBC rằng cô rất thích Việt Nam, nhưng Summer Lee nói: "Làm việc với người Việt Nam không dễ, theo quan điểm của tôi là một người Hàn Quốc - chất lượng dịch vụ thấp hơn nhiều và nhiệt huyết làm việc hàng ngày rất thấp là một thách thức lớn đối với tôi khi làm việc với các nhân viên người Việt Nam."

Tuy nhiên, cô gái Hàn Quốc cũng cho rằng Việt Nam đang liên tục phát triển và mọi thứ thay đổi.

"Tôi cảm thấy có rất nhiều cơ hội vì cả nước nước đều mong muốn phát triển."

Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp

Chụp lại hình ảnh,

Summer Lee thích Việt Nam vì có rất nhiều cơ hội để phát triển

Truyền thông nước ngoài: Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc?

Hãng Reuters ngày 21/5 dẫn lời Raphael Mok từ công ty tư vấn Fitch Solutions: "Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng".

Trên một bài viết được xuất bản vào cuối tháng 5/2022, đài DW của Đức nhận xét có một xu hướng chuyển dịch sản xuất công nghệ cao từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo DW, ông Daniel Müller, giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương của Đức cho biết Việt Nam luôn "lọt vào tầm ngắm" của các công ty Đức.

"Cuộc dịch chuyển thật sự vẫn chưa bắt đầu, nhưng có thể thay đổi ngay lúc này vì sự bất mãn kinh doanh ở Trung Quốc bây giờ đã đạt đến mức độ mà trước đây chưa từng có".

Apple từ lâu đã phụ thuộc vào Trung Quốc với phần lớn - hơn 90% - trong lĩnh vực sản xuất của mình, Tờ Wall Street Journal viết. Các nhà phân tích cho biết sự phụ thuộc quá nhiều của Apple vào Trung Quốc là một rủi ro tiềm tàng với họ vì sự mâu thuẫn leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra không chỉ trong kinh tế mà ngày càng lan rộng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Công nhân đi dạo bên ngoài nhà máy Foxconn, nhà sản xuất cho Apple ở Thâm Quyến, Trung Quốc

Trong khi đó, tờ South China Morning Post ngày 24/6 có bài viết cho rằng lo ngại Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc trở thành một cường quốc về sản xuất đang bị thổi phồng.

Bài viết của South China Morning Post trích lời Yao Yang, một nhà kinh tế và giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: "Không có gì phải lo lắng về các ngành sản xuất ở Trung Quốc đang chuyển hướng sang Đông Nam Á, bởi vì những ngành đã dịch chuyển nằm ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị."

Ông này nói: "Bất chấp những lo ngại do khả năng sản xuất ngày càng tăng của Việt Nam, Trung Quốc sẽ giữ danh hiệu được gọi là công xưởng của thế giới trong ít nhất 30 năm."

Quan điểm về việc Trung Quốc kiên trì chính sách "zero Covid" nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đang rời đi, chuyển sang Việt Nam đã được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 26/5/2022
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn