• Yaroslav Lukov & Paul Kirby
  • BBC News

Satellite view shows smoke rising over Snake Island, Ukraine amid Russia"s attack on the country, May 8, 2022

Nguồn hình ảnh, PLANET LABS PBC

Chụp lại hình ảnh,

Nga nói Ukraine đã bất thành trong nỗ lực tái chiếm Đảo Rắn

Mỏm đá nhỏ bé ở phía tây bắc Biển Đen này đã bị Nga chiếm giữ vào ngày đầu tiên Nga xâm lược Ukraine, và nó đã đóng một vai trò to lớn trong cuộc chiến kể từ đó.

Sau hơn 4 tháng bị Ukraine bắn phá liên tục, các lực lượng Nga nay từ bỏ Đảo Rắn, hay còn gọi là Đảo Zmiinyi trong tiếng Ukraine.

Nga nói việc họ rút quân đồn trú tại đây là một "cử chỉ thiện chí" để chứng minh rằng họ không cản trở việc xuất khẩu ngũ cốc, nhưng Ukraine bác bỏ.

Khó bảo vệ

Hòn đảo bị tấn công từ mọi hướng, từ trên không, trên biển, và giới chuyên gia quân sự miêu tả các đơn vị đồn trú nhỏ có nhiệm vụ bảo vệ đảo - đầu tiên là người Ukraine và sau đó là người Nga - là "vịt ngồi".

Bị người Nga chiếm vào ngày 24/2, Đảo Rắn nằm cách bờ biển Ukraine chỉ 35 km - nằm trong tầm bắn của các cuộc tấn công bằng tên lửa, câu pháo và máy bay không người lái từ bờ biển.

Chính xác là các lực lượng vũ trang Ukraine đã làm như vậy, và họ tuyên bố đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công dữ dội vào chính hòn đảo này và bất kỳ tàu nào đưa binh lính, vũ khí hạng nặng tới.Presentational white space

Trong tháng Tư, khả năng phòng không của Nga ở Tây Bắc Biển Đen đã bị suy yếu đáng kể sau vụ tàu ​​Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, bị chìm.

Điều đó giải thích tại sao Điện Kremlin rất muốn đưa các hệ thống phòng không và tác chiến vô tuyến điện tử tới Đảo Rắn. Nhưng việc phòng thủ đã trở thành cơn ác mộng cho Nga vì đảo nằm rất xa các căn cứ hải quân chính của Nga ở Biển Đen.

Trong toàn bộ các cuộc tấn công của mình, Ukraine có năng lực hải quân rất hạn chế, cho nên đã không thể đổ bộ quân lên đảo.

Phân tích gia quân sự người Ukraine Oleh Zhdanov cho rằng việc đóng quân trên Đảo Rắn không có ý nghĩa gì đối với cả hai bên vì họ sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu.

Thay vào đó, ông Zhdanov ủng hộ việc tạo ra "kiểm soát bằng hỏa lực" - duy trì khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào tiếp cận hòn đảo.

Điều đó cũng sẽ mang lại an ninh tốt hơn cho cảng Odesa, là cảng lớn nhất của Ukraine ở Biển Đen, và toàn bộ khu vực tây bắc của Biển Đen.

Mỏm đá quan trọng

Nga đã kiểm soát một phần lớn duyên hải Biển Đen của Ukraine, cộng với Bán đảo Crimea và toàn bộ Biển Azov.

Việc Nga nắm giữ được Đảo Rắn khiến Odesa hoàn toàn bị phong tỏa một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc Ukraine không thể xuất khẩu phần lớn ngũ cốc của mình.

Điều đó cũng có nghĩa là vùng duyên hải Biển Đen trở nên dễ bị tấn công, và các chuyên gia quân sự ở Kyiv lên tiếng lo ngại rằng Nga có thể lắp đặt hệ thống phòng không tầm xa, chẳng hạn như hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Nhìn vào bản đồ, dễ nhận thấy sự kiểm soát của Nga đối với hòn đảo này tạo nên mối đe dọa cho Romania, thành viên NATO - ở cả cảng trọng điểm Constanta và việc đi lại thông thương ở khu vực cửa sông Danube.

Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt chiến lược - khu vực này còn rất giàu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt.

Map of Black Sea
1px transparent line

Cách diễn giải của Moscow

Phân tích của Steve Rosenberg, biên tập viên chuyên theo dõi tình hình Nga

Chúng ta đã quá quen với điều này: Nga đưa ra một phiên bản các sự kiện hoàn toàn khác với phiên bản của Ukraine hoặc của các chính phủ phương Tây.

Moscow muốn chúng ta tin rằng không có chuyện Nga rút lui khỏi Đảo Rắn.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng quân đội Nga ở đó chỉ đơn giản là đã hoàn thành "nhiệm vụ được giao" và rời đi. Họ cũng gọi sự rời đi này là một "cử chỉ thiện chí", cho thấy rằng Nga không cản trở việc xuất khẩu lương thực từ Ukraine.

Xét đến tầm quan trọng chiến lược của Đảo Rắn, nơi đã bị đánh phá trong nhiều tháng qua, cũng như xét đến việc các lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine không hề có "cử chỉ thiện chí" nào kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu cho đến nay, thì cách diễn giải này của Nga khó thuyết phục được những người sống bên ngoài nước Nga.

Một lần nữa, cách diễn giải này có lẽ nhằm hướng đến khán giả trong nước nhiều hơn. Điện Kremlin muốn công chúng Nga tin rằng:

  • Trong cuộc xung đột này, Nga là người tốt
  • Cái gọi là "Chiến dịch Quân sự Đặc biệt" của Điện Kremlin ở Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch.

Khả năng tạo thay đổi cục diện

Đây không chỉ là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho Ukraine, mà còn là một thành công chiến lược. Đối với Nga, đây vừa là một thất bại vừa là một cú mất mặt.

Nhưng về cơ bản, nó sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Trọng tâm của Nga là chinh phục toàn bộ vùng Donbas ở phía đông và nắm giữ các khu vực khác ở phía nam mà nước này đã chiếm được kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.

Smoke billowing from Snake IslandNguồn hình ảnh, Andriy Yermak

Chụp lại hình ảnh,

Những cột khói bốc lên từ Đảo Rắn vào ngày các lực lượng Nga từ bỏ mỏm đá quan trọng nằm trên Biển Đen

Đảo Rắn nằm ở vùng có vị trí chiến lược cao của Biển Đen và là một địa điểm lý tưởng để lắp đặt các hệ thống tên lửa tinh vi, nhưng rốt cuộc nó vẫn chỉ là một mỏm đá rất nhỏ.

Câu hỏi then chốt là, liệu bằng cách ép người Nga phải rút đi, Ukraine có thể cân nhắc việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, qua đó khởi động lại nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh của họ hay không.

Nếu Ukraine không có lực lượng hải quân hiệu quả thì điều này rất khó xảy ra, và các tàu chiến Nga vẫn thống trị Biển Đen.

"Thực tế, quý vị cần 10 điều xảy ra trước khi có thể xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn, và đây chỉ là một trong số đó," Andrew Wilson, giáo sư nghiên cứu về Ukraine tại đại học University College London, nói.

Ukraine đã bác bỏ đề nghị của Nga trong việc muốn hộ tống các đoàn xe chở ngũ cốc từ Odesa, vì việc đó sẽ dẫn tới chuyện Nga yêu cầu gỡ mìn ở khu vực bên ngoài cảng.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực tham gia vào việc cố gắng trung gian đàm phán giữa Nga và Ukraine, nhưng viễn cảnh hai bên đạt được thỏa thuận có vẻ xa vời ở thời điểm này.

Thời gian vài tuần tới sẽ được coi là then chốt đối với việc xuất khẩu của Ukraine - vì vụ thu hoạch tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng Bảy.