• Gary Jones
  • BBC Travel

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhiều xã hội tự tâng bốc với những câu chuyện về giá trị cốt lõi được cho là có trong ADN của họ. Người Anh có cái gọi là 'Tinh thần Oanh tạc', quyết tâm cắn răng chịu đựng mà dân Anh được cho là ai cũng có trong chiến dịch ném bom khốc liệt của Đức trong Thế Chiến II. Trong khi đó, người Mỹ luôn quan tâm đến việc cải thiện bản thân, như 'Giấc mơ Mỹ' hứa hẹn.

Quyết tâm đổi đời

Ở phía bên kia Trái Đất, nhiều người trong số 7,4 triệu dân Hong Kong cũng tự hào về một phẩm chất vô hình mà họ cho là chỉ họ mới có. "Tinh thần Sư Tử Sơn" - mô tả quyết tâm chung để cải thiện cuộc sống trước những khó khăn dường như không thể vượt qua - là điều nằm trong huyết quản của thành phố châu Á này, những người tin tưởng vào tinh thần này tin là vậy.

Suy cho cùng, nhiều người Hong Kong lớn tuổi đã đến vùng đất nhỏ bé trên bờ biển phía nam Trung Quốc trong thế của người tị nạn trắng tay, chạy trốn sự hỗn loạn ở Trung Quốc đại lục trong thời gian từ thập niên 1930 tới thập niên 1960, khi Hong Kong vẫn còn là thuộc địa của Anh. Chính khả năng chống chịu và lao động vất vả của họ, họ nhấn mạnh, đã biến thành phố này thành trung tâm tài chính toàn cầu chỉ trong một thế hệ.

"Tất cả chúng tôi hồi đó đều phải làm việc cật lực," Chan, một ông lão mà tôi gặp bên ngoài một khu chung cư trải rộng ở Hong Kong, nói. "Nếu không, bạn sẽ đói, con cái bạn sẽ đói. Ai cũng phải làm việc chăm chỉ cho tương lai."

"Tinh thần Sư Tử Sơn là niềm tin phổ biến trong thế hệ cha mẹ tôi," Bryony Hardy-Wong, người có cha mẹ đến từ Trung Quốc vào những năm 1960, và lớn lên ở một khu chung cư tương tự, nói. "Hầu hết họ có hoàn cảnh bần hàn. Điều họ tin là nếu làm việc chăm chỉ, họ có thể có được cơ hội để leo lên nấc thang xã hội."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Vào đêm Trung thu năm 2019 (13/9/2019), những người hoạt đồng vì dân chủ đã tạo thành một chuỗi dây người trên Núi Sư Tử bằng ánh sáng phát ra từ đèn pin, đèn lồng và bút laser để thể hiện tinh thần đấu tranh đòi năm điểm yêu sách đối với chính quyền Hong Kong

Hardy-Wong, quản lý truyền thông trong thành phố, đã dẫn ra trường hợp được ca ngợi nhiều về ông Lý Gia Thành (Li Ka-shing), người đến Hong Kong với gia đình vào hồi thập niên 1940, chạy trốn chiến tranh và sống trong điều kiện hết sức nghèo hèn khi lưu vong.

Khi cha ông qua đời vì bệnh lao, ông buộc phải nghỉ học ở tuổi 15, làm việc 16 giờ một ngày cho một công ty kinh doanh nhựa.

Nay đã nghỉ hưu, ông Lý được tin là người giàu nhất Hong Kong, một đô thị năng nổ có GDP bình quân đầu người ngang bằng với Đức. Tài sản của ông Lý, theo tạp chí Forbes, lên tới 35 tỷ đô la. "Lý Gia Thành luôn là hình mẫu cho thế hệ cũ," Hardy-Wong nói.

Cuộc sống vất vả

Là đặc khu hành chính của Trung Quốc từ năm 1997, Hong Kong nhiều đồi núi bao gồm ba khu riêng biệt: Đảo Hong Kong; bán đảo Cửu Long, nằm ngay bên kia vùng biển tấp nập của Vịnh Victoria; và vùng Tân Giới chủ yếu là thôn quê trải dài giữa Cửu Long và Trung Quốc.

Cửu Long có nghĩa là 'chín con rồng' trong tiếng Quảng, biểu thị hoàng đế Trung Hoa vào thế kỷ 13 và một dãy tám ngọn núi nằm cắt bán đảo Cửu Long khỏi vùng Tân Giới. Sư Tử Sơn là một trong những ngọn núi đó, trên đỉnh cao 495 mét là mỏm đá granite khổng lồ và đặc trưng, in dáng lên Cửu Long, thực sự giống sư tử thu mình.

Cuộc sống của người tị nạn từ Trung Quốc đại lục ở Hong Kong luôn vất vả, nhưng từ năm 1945 đến năm 1951 - đầu tiên là do cuộc nội chiến khốc liệt ở Trung Quốc và cuối cùng là do chiến thắng của Hồng quân của Mao Trạch Đông hồi năm 1949 - dân số thành phố đã tăng gấp ba, từ khoảng 600.000 người lên hơn hai triệu.

Dòng người tuyệt vọng ào ạt đổ vào nơi khi đó còn là thuộc địa Anh đã dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng, với hàng trăm ngàn người chen chúc trong các khu đất 'dù' lấn chiếm tồi tàn trên sườn đồi Cửu Long.

Ở đó, họ phải vật lộn để tồn tại trong điều kiện tồi tàn, bị đói và suy dinh dưỡng, vệ sinh kém và dịch bệnh, cũng như cạnh tranh gay gắt về việc làm, lương thấp và bị chủ bóc lột.

Những căn nhà lấn chiếm lụp xụp chủ yếu làm bằng gỗ bỏ đi và các vật liệu phế thải khác, và cư dân nấu ăn trên lửa trống hoác. Kế đó hỏa hoạn bất thình lình là mối đe dọa khác: vào ngày Giáng Sinh năm 1953, một đám cháy bùng phát dữ dội qua khu Thạch Giáp Vĩ (Shek Kip Mei) ở Cửu Long, khiến 53.000 người mất nhà cửa chỉ qua một đêm.

Đáp lại, chính quyền đã hành động nhanh chóng, phát thức ăn và các nhu yếu phẩm khác và xây chỗ ở tạm. Chính quyền đề ra kế hoạch giải tỏa các khu vực lấn chiếm và lập quỹ xây nhà tái định cư, tiền thân của các khu chung cư được trợ cấp mà trong hàng chục năm đã đưa chính phủ Hong Kong thành chủ sở hữu cho thuê nhà nhiều nhất thế giới.

'Dưới bóng Sư Tử Sơn'

Cho đến năm 1972, chương trình nhà ở công đầy tham vọng hứa hẹn sẽ xây nhà giá rẻ cho 1,8 triệu dân, tức khoảng 45% toàn bộ số dân vào lúc đó.

Mục tiêu này đạt được nhờ vào cách xây các thị trấn mới ở Tân Giới và nhiều công trình nhà ở xã hội cao tầng ở Cửu Long, bao gồm những khu Hoàng Đại Tiên (Wong Tai Sin), Từ Vân Sơn (Tsz Wan Shan) và Hoành Đầu Khám (Wang Tau Hom) nằm ngay dưới Sư Tử Sơn.

Bắt đầu từ năm 1974, cuộc sống vất vả của những người thiệt thòi ở những khu này của Cửu Long đã được kịch tính hóa trong loạt phim truyền hình đầy cảm xúc có tựa Dưới bóng Sư Tử Sơn, được chiếu đến trên năm series trên kênh truyền hình nhà nước RTHK.

Phim đề cập thực tế chính trị xã hội khó khăn của buổi giao thời - mọi thứ từ tham nhũng, nghiện ma túy và cờ bạc đến sự chật vật của những cựu tù nhân và người khuyết tật - với các nhân vật giống thật, từ người bán hàng rong, công chức cho đến phóng viên và lính cứu hỏa. Phim truyền hình hỉ nộ ái ố này đi vào lòng người bị áp bức và dân lao động.

Theo Helena Wu, phó giáo sư chuyên ngành nghiên cứu Hong Kong tại Đại học British Columbia của Canada, trong cuốn sách năm 2020 của bà có tựa là 'The Hangover after the Handover: Places, Things and Cultural Icons in Hong Kong', thì "năm 1974 có thông tin rằng chỉ có 1% người dân địa phương là chưa từng xem phim đó".

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chương trình càng trở nên được yêu thích hơn vào năm 1979, được thúc đẩy bởi một bài hát chủ đề đầy xúc cảm - còn được gọi là bài 'Dưới bóng Sư Tử Sơn' - được nghệ sĩ nhạc pop tiếng Quảng được yêu thích Đàm Bách Tiên (Roman Tam) hát. Lời bài hát dịch đại khái có đoạn như sau:

Với một tâm trí theo đuổi giấc mơ của chúng ta, mọi bất hòa gạt sang một bên, Với một trái tim hướng về một sứ mạng tươi sáng, Không sợ và can đảm, Tay trong tay đến tận cùng Trái Đất, Không ngơi nghỉ trong gian khổ, Cùng nhau chúng ta vượt qua khó khăn, Đó là câu chuyện Hong Kong mà chúng ta viết nên.

Tuy nhiên, trong khi bài hát ngắn vào những năm 1970 này có thể được coi là quốc ca không chính thức, thì đối với hầu hết mọi người, Tinh thần Sư Tử Sơn là hiện tượng thế kỷ 21.

Lên dây cót tinh thần

"Bài hát đã trở thành một phần ý thức quần chúng từ năm 2002, khi tổng trưởng tài chính lúc đó Lương Cẩm Tùng (Antony Leung) dẫn lời bài hát trong bài diễn văn về ngân sách của mình," Tiến sĩ Maggie Leung, giảng viên chuyên ngành nghiên cứu Hong Kong tại Đại học Hong Kong, giải thích.

Bà nói rằng kinh tế của thành phố đã bị bầm dập trong khủng hoảng tài chính và dịch SARS vào lúc đó, và trong lời kêu gọi người dân ủng hộ ngân sách ông đưa ra, "ông Lương đã dùng bài hát để gợi lên những ký ức hoài niệm về thành công kinh tế của Hong Kong mà những người dân cần cù, kiên trì, không than vãn và giúp đỡ nhau tạo ra."

Kể từ đó, các chính trị gia đã sử dụng bài hát bất cứ khi nào họ thấy cần lên dây cót tinh thần ở Hong Kong.

Cũng trong năm 2002, Chu Dung Cơ, Thủ tướng Trung Quốc khi đó, đã đưa lời bài hát Dưới bóng Sư Tử Sơn vào diễn văn hứa hẹn hỗ trợ kinh tế cho Hong Kong.

Vào năm 2013, với bất mãn chính trị ngày càng sục sôi, chính phủ đưa giai điệu bài hát vào chiến dịch gắn kết cộng đồng 'Hong Kong Mái nhà Của Chúng ta'.

Tuy nhiên, mặc dù sự cổ động này có thể lấy lòng những người lớn tuổi, nhiều người trẻ đã triển khai Tinh thần Sư Tử Sơn cho các mục tiêu chống lại trật tự đã có một cách trực diện.

Điều này có lẽ được chứng tỏ kịch tính nhất khi các nhà hoạt động chính trị leo lên ngọn núi để đưa ra yêu sách táo bạo là đòi quyền phổ thông đầu phiếu trong các cuộc biểu tình của Phong trào Dù vàng đòi dân chủ năm 2014; và khi hàng ngàn người cầm đèn pin lên đỉnh núi tạo thành hình ảnh bắt mắt trong các cuộc biểu tình chống chính phủ đối đầu hơn, vốn nhấn chìm Hong Kong vào năm 2019.

Đấu tranh với bất công

"Treo biểu ngữ khổng lồ trong Phong trào Dù vàng năm 2014... cũng như việc tạo thành dòng người sáng lấp lánh trên đỉnh trong cuộc biểu tình năm 2019, là bằng chứng về ý nghĩa biểu tượng của Sư Tử Sơn," bà Leung nói.

"Chúng tôi nghĩ tinh thần Sư Tử Sơn không chỉ là tiền bạc," một trong những thanh niên ẩn danh đằng sau tấm biểu ngữ cho biết trong đoạn băng mà nhóm chia sẻ về hành động táo bạo này hồi năm 2014, nói. "Đấu tranh với bất công kiểu này, mạnh mẽ trước khó khăn, mới là Tinh thần Sư Tử Sơn thực sự."

Sự lớn mạnh không ngờ của tầng lớp trung lưu Hong Kong trong những thập kỷ gần đây, và số người trẻ học cao ngày càng nhiều, có nghĩa là Tinh thần Sư Tử Sơn đã tiến hóa thành cái gì đó mới. "Tình hình kinh tế xã hội đã thay đổi và khái niệm Tinh thần Sư Tử Sơn những năm 1970 không còn đúng nữa," Hardy-Wong nói.

Tuy nhiên - mặc dù rất ít người trẻ hiện giờ đã xem qua bất kỳ tập phim đen trắng dài 15 phút đầu tiên nào của 'Dưới bóng Sư Tử Sơn' - khái niệm cốt lõi vẫn còn đó.

Tinh túy trong lời bài hát chủ đề 'Dưới bóng Sư Tử Sơn' nói rằng mặc dù cuộc sống luôn phải phấn đấu, người dân Hong Kong có thể làm cuộc sống họ tốt đẹp hơn bằng cách để khác biệt qua một bên và giúp đỡ lẫn nhau. Suy cho cùng, mọi người đều ở trên cùng một chiếc thuyền, và tinh thần đoàn kết đó vẫn đúng với nhiều người.

"Các ngành nghề tốt truyền thống như bác sĩ và luật sư không còn được giới trẻ theo đuổi nữa," Hardy-Wong nói. Do đó, Tinh thần Sư Tử Sơn được dùng nhiều hơn cho bối cảnh xã hội hiện nay, nhất là sau phong trào xã hội năm 2019, khi người dân chia sẻ cùng giá trị, mong muốn nêu lên ý kiến và đòi hỏi của họ, phấn đấu cho một xã hội công bằng và bình đẳng.