Cách thoát khỏi tâm lý lo lắng, tiêu cực và giúp cải thiện trí nhớ

  • David Robson
  • BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Mỗi khi cảm thấy mình mắc vào lối mòn tinh thần khi nói chuyện một mình một cách lo lắng và tiêu cực, Ethan Kross lại đi bộ qua năm toà nhà để đến khu vườn ươm lân cận, đến chiêm ngưỡng một trong số những cái cây tuyệt mỹ trước mặt và sức mạnh kỳ diệu của thiên nhiên.

Nếu không thể đến vườn ươm thì ông dành một chút để suy nghĩ về những khả năng đáng kinh ngạc của máy bay và tàu vũ trụ.

"Tôi suy ngẫm về việc làm thế nào mà con người chúng ta đã đi từ chỗ vật lộn để nhóm lửa mới chỉ vài nghìn năm trước đến việc nay đã có thể đáp xuống an toàn một hành tinh khác," ông nói.

Mục đích của việc này, trong mỗi trường hợp, là nhằm khơi gợi sự choáng ngợp, điều mà ông định nghĩa là "nỗi kinh ngạc chúng ta cảm thấy khi bắt gặp điều gì đó không thể dễ dàng giải thích".

Thói quen của Kross dựa trên bằng chứng khoa học.

Là giáo sư tâm lý học tại Đại học Michigan, ông biết cảm giác choáng ngợp có thể gây ảnh hưởng thực sự sâu sắc đến tâm trí - tăng cường trí nhớ và sự sáng tạo, và khơi gợi để chúng ta trở nên hào hiệp hơn với những người xung quanh.

Cảm giác choáng ngợp cũng có thể tác động sâu sắc đến sức khỏe tâm thần bằng cách nó khiến ta đặt nỗi lo lắng của mình vào bối cảnh xung quanh.

Đáng chú ý là, bởi đa số chúng ta chỉ trải nghiệm điều này một cách lẻ tẻ nên ta không ý thức được lợi ích của nó.

Khi tâm trạng đi xuống, nhiều khả năng ta sẽ xem phim hài để cảm thấy tâm lý dễ chịu hơn, để mình có được cảm giác thư giãn nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, tạo ra nỗi choáng ngợp có thể dẫn đến thay đổi tâm lý lớn, khiến nó có thể trở thành công cụ cần thiết để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc.

Có nhiều cách để ta vun xới cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày.

'Những trận động đất nhỏ'

Michelle Shiota, giáo sư tâm lý học xã hội tại Đại học bang Arizona, Hoa Kỳ, là một trong những người tiên phong khám phá ra lợi ích của tâm trạng choáng ngợp.

Bà đặc biệt quan tâm đến cách mà trạng thái tâm lý này có thể giúp loại bỏ 'bộ lọc tâm trí', qua đó khuyến khích suy nghĩ linh hoạt.

Hãy nhìn vào ký ức.

Nếu ai đó kể một câu chuyện, ta nghe và sẽ thường nhớ những gì ta nghĩ mình nên nghe, thay vì nhớ các chi tiết cụ thể.

Điều này có nghĩa là rất có thể chúng ta sẽ bỏ qua các yếu tố không mong đợi hoặc các tình tiết bất thường, là những thứ giúp làm rõ ràng, cụ thể những gì đã xảy ra.

Chúng ta thậm chí có thể hình thành những ký ức sai lệch về các sự kiện không xảy ra nhưng ta lại cứ nghĩ rằng nó có thể đã xảy ra trong tình huống đó.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Vài năm trước, Shiota quyết định kiểm nghiệm xem liệu việc khơi gợi cảm giác choáng ngợp có ngăn điều này xảy ra hay không.

Trước hết, bà mọi người xem một trong ba video: phim khoa học choáng ngợp dẫn dắt người xem trong hành trình từ vũ trụ đến các hạt hạ nguyên tử; phim gây ấm lòng, nói về một vận động viên trượt băng nghệ thuật giành chương vàng Olympic; hoặc phim vô thưởng vô phạt về việc xây dựng một bức tường gạch khối.

Những người tham gia sau đó nghe câu chuyện dài 5 phút kể về một cặp vợ chồng đi ăn ngoài lãng mạn, rồi trả lời câu hỏi về những gì họ đã nghe.

Một số câu hỏi này là về những điều thường được mong đợi trong bất kỳ bữa ăn nào - "Người phục vụ có rót rượu không?" - trong khi những câu khác là về thông tin ít gặp, chẳng hạn người phục vụ có đeo kính không.

Quả giống như Shiota đã giả thiết, những ai xem phim khoa học nhớ chính xác hơn các chi tiết họ đã nghe kể so với những người xem phim ấm áp hay nhạt nhẽo.

Tại sao vậy? Shiota chỉ ra bộ não liên tục hình thành dự đoán về những gì sẽ xảy ra tiếp; nó dùng những trải nghiệm đã có để tạo ra kích thích thần kinh hướng dẫn nhận thức, sự chú ý và hành vi.

Trải nghiệm choáng ngợp - với cảm giác kỳ vĩ, kỳ diệu và kinh ngạc - có thể xáo trộn những kỳ vọng đó, tạo ra 'cơn động đất nhỏ' trong tâm trí khiến não tái đánh giá các giả định và chú ý nhiều hơn đến những gì thực sự ở phía trước.

"Tâm trí trở lại 'mã hóa dự đoán' để nhìn xung quanh và thu thập thông tin," bà nói. Bên cạnh việc làm tăng cường khả năng của ta trong việc nhớ đến các chi tiết, điều này cũng có thể giúp cải thiện óc phê bình, bà chỉ ra - bởi mọi người thường chú ý nhiều hơn đến các sắc thái cụ thể của lập luận, thay vì dựa vào trực giác để đánh giá lập luận đó có thuyết phục hay không.

Khả năng chúng ta bỏ đi các giả định và nhìn thế giới cùng các vấn đề đang tồn tại theo cách mới cũng có thể lý giải việc vì sao cảm xúc đóng vai trò lớn trong khả năng sáng tạo.

Hãy xem nghiên cứu của Alice Chirico và các đồng sự tại Đại học Công giáo Thánh Tâm ở Milan, Ý, được công bố hồi năm 2018. Những người tham gia đi bộ qua khu rừng thực tế ảo đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra về tư duy độc đáo so với những ai xem video nhạt nhẽo hơn về gà mái chạy trên cỏ. Những ai bị choáng ngợp thì sẽ sáng tạo hơn khi được yêu cầu cải thiện các món đồ chơi cho trẻ.

Hiệu ứng Attenborough

Sự choáng ngợp có lẽ là thứ tạo hiệu ứng chuyển đổi nhiều nhất đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân.

Nếu cảm thấy choáng ngợp về điều gì đó thực sự đáng kinh ngạc và hoành tráng, "chúng ta cảm nhận mình nhỏ hơn và ít quan trọng hơn so với với phần còn lại của thế giới," Shiota nói.

Một kết quả của việc này là con người ta trở nên hào hiệp hơn. "Khi tôi ít tập trung vào bản thân, mục tiêu, nhu cầu bản thân và những suy nghĩ trong đầu, tôi có nhiều khoảng trống hơn để chú ý đến bạn và những gì bạn có thể đang trải qua."

Để đo lường những hiệu ứng này, một nhóm nghiên cứu do Paul Piff tại Đại học California, Irvine, dẫn đầu đã yêu cầu một phần ba người tham gia xem một clip dài 5 phút về loạt phim Planet Earth của BBC với David Attenborough, nhà tự nhiên học, người dẫn chương trình nổi tiếng của Anh, trong đó có những khung cảnh rộng lớn, tráng lệ, tuyệt đẹp của đồi núi, đồng bằng, rừng và hẻm núi.

Những người tham gia sau đó đánh giá mức độ mà họ đồng ý với bốn nhận định, chẳng hạn như "Tôi cảm nhận được sự tồn tại của thứ gì đó lớn lao hơn bản thân tôi" và "Tôi thấy mình nhỏ bé và không là gì đáng kể". Cuối cùng, họ tham gia vào một thí nghiệm gọi là 'trò chơi độc tài', trong đó họ được cấp tài nguyên - trong trường hợp này là 10 vé số để có cơ hội thắng một phiếu quà tặng trị giá 100 đô la - mà họ có thể chia sẻ với những người chơi khác, nếu muốn.

Cảm giác choáng ngợp làm thay đổi đáng kể trong sự hào hiệp của họ, khiến họ chia sẻ nhiều vé cho người khác hơn.

Qua phân tích thống kê sau đó, các nhà nghiên cứu có thể chỉ ra điều này đến từ thay đổi về ý thức bản thân. Càng cảm thấy nhỏ bé chừng nào, con người ta càng hào phóng chừng đó.

Để đánh giá vấn đề trong bối cảnh gần với đời thường hơn, một người trong nhóm nghiên cứu đã đưa sinh viên đi dạo qua những cây bạch đàn Tasmania - vốn cao đến hơn 60 mét.

Khi các sinh viên chiêm ngưỡng sự lộng lẫy của bạch đàn, các nhà nghiên cứu 'vô tình' làm rơi những chiếc bút mà họ mang theo - và để ý xem liệu các sinh viên có nhặt chúng lên hay không. Quả nhiên, họ thấy sinh viên tham gia chuyến đi bộ choáng ngợp này sẵn lòng giúp đỡ hơn so với những sinh viên dành thời gian chiêm ngưỡng một cao ốc.

Điểm cuối cùng nhưng quan trọng không kém, là lợi ích to lớn mà trạng thái tâm lý này mang lại cho sức khỏe tâm thần.

Giống như khi thúc đẩy sự hào hiệp trong mỗi con người, sự tác động vào khía cạnh này xuất phát từ việc ta ý thức ra rằng bản thân mình là nhỏ bé, và do đó dường như làm giảm mức suy tư.

Điều này có lẽ là rất quan trọng, vì suy tư là yếu tố nguy cơ gây ra trầm cảm, lo lắng, căng thẳng hậu sang chấn tâm lý.

"Bạn thường tập trung hẹp vào hoàn cảnh mà bạn không nghĩ về bất cứ điều gì khác," Kross, tác giả của cuốn sách 'Chatter' tìm hiểu những ảnh hưởng của tình trạng nói chuyện một mình tiêu cực, nói.

Sự choáng ngợp buộc chúng ta phải nghĩ rộng, ông nói, để thoát khỏi chu kỳ suy tư. "Khi bạn ở trước thứ gì đó rộng lớn và không thể diễn tả, bạn cảm thấy mình nhỏ bé đi, và cuộc nói trò chuyện tiêu cực của bạn cũng vậy," ông nói.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chúng ta có thể tìm được cảm giác choáng ngợp thông qua việc chiêm ngưỡng thiên nhiên, thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật hoặc thể thao ở những nơi khác nhau

Bằng chứng là Kross chỉ ra thí nghiệm lạ thường của các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley. Những người tham gia là cựu chiến binh và thanh niên từ các cộng đồng ít được để ý, nhiều người trong đó bị căng thẳng nghiêm trọng trong cuộc sống.

Tất cả họ trước đây đã đăng ký chuyến đi vượt ghềnh thác trên sông Green ở Utah, được một tổ chức từ thiện tài trợ.

Trước và sau chuyến đi, họ được hỏi về sức khỏe tâm lý tổng thể của họ - bao gồm cảm giác căng thẳng và khả năng đương đầu những thách thức của cuộc sống. Sau mỗi ngày, họ được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi đo lường sự choáng ngợp, vui vẻ, hài lòng, lòng biết ơn, niềm vui và niềm tự hào.

Như bạn có thể đoán ra, chuyến đi nói chung là rất đáng tận hưởng đối với hầu hết các sinh viên. Tuy nhiên, chính cảm giác choáng ngợp giúp cải thiện được nhiều nhất cho tâm trạng căng thẳng và sự an lạc chung của họ.

Rõ ràng, đây là những trường hợp đặc biệt - nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý những tác động rất giống trong nghiên cứu thứ hai xem xét sự tiếp xúc hàng ngày của sinh viên với thiên nhiên. Một lần nữa, họ thấy trải nghiệm choáng ngợp có tác động lớn hơn nhiều đến sự an lạc lâu dài của sinh viên, so với sự hài lòng, vui vẻ, lòng biết ơn, niềm vui và niềm tự hào.

Ấn tượng hay ghê tởm?

Trước khi chúng ta bị ấn tượng trước nghiên cứu này, Shiota cảnh báo rằng các nhà khoa học vẫn cần tìm hiểu xem cảm xúc mạnh mẽ này có gây ra bất kỳ tiêu cực nào hay không.

Chẳng hạn như bà nghi rằng choáng ngợp có thể lý giải cho sức hấp dẫn của nhiều thuyết âm mưu - với những giải thích rối rắm và bí ẩn về hoạt động của thế giới.

Tuy nhiên, nói chung, ích lợi của choáng ngợp đáng để xem xét mỗi khi chúng ta cảm thấy suy nghĩ của mình rơi vào trạng thái rối rắm, không hiệu quả hay không lành mạnh.

"Khả năng bước khỏi bản thân là kỹ năng thực sự quý giá," Kross nói. Mặc dù ông thấy đi bộ trong vườn ươm và suy nghĩ về du hành không gian mang đến cảm giác ngạc nhiên và  tôn kính cần thiết, nhưng ông nói tất cả chúng ta có sở thích riêng. "Hãy xác định điều gì sẽ kích hoạt bạn," ông nói.

Đối với Shiota, các khả năng quanh ta là nhiều vô hạn. "Sao trên bầu trời đêm nhắc nhở chúng ta về vũ trụ mà chúng ta chưa trải nghiệm. Âm thanh đại dương nhắc chúng ta về độ sâu vô cùng. Hoàng hôn sống động nhắc nhở chúng ta bầu khí quyển bao quanh hành tinh chúng ta rộng lớn và dày như thế nào," bà nói.

Đó là chưa kể đến những trải nghiệm tuyệt vời của âm nhạc, phim ảnh hoặc nghệ thuật.

"Đây là chuyện lựa chọn để có những trải nghiệm và chú tâm vào những điều lạ thường trong thế giới chúng ta, thay vì chỉ hướng tới những thứ quen thuộc."