Ăn thịt bò it đi 20% giúp giảm một nửa nạn phá rừng

Thứ Sáu, 01 Tháng Bảy 20221:00 CH(Xem: 1742)
Ăn thịt bò it đi 20% giúp giảm một nửa nạn phá rừng

Trong vòng 30 năm tới, chỉ cần thay 20% lượng thịt bò tiêu thụ trên toàn cầu bằng một sản phẩm protein thay thế, nạn phá rừng và phát thải carbon do phá rừng sẽ giảm một nửa, theo một nghiên cứu mô hình mới.

Chăn nuôi bò lấy thịt là nguyên nhân hàng đầu gây ra nạn phá rừng trên toàn thế giới; ngoài ra, gia súc là nguồn chính phát thải methane, một loại khí nhà kính mạnh hơn cả carbon dioxide nhưng không tồn tại lâu bằng carbon dioxide.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng thay thế thịt bò bằng một loại thực phẩm khác, gọi là mycoprotein, sẽ có tác động có lợi đối với môi trường. Mycoprotein được sản xuất bằng cách lên men một loại nấm sống trong đất với glucose và các chất dinh dưỡng khác. Dạng protein thay thế thịt này đã được bán từ 1980 tại Vương quốc Anh dưới thương hiệu Quorn và hiện đang được bán ở nhiều quốc gia.
Nhóm nhà khoa học về tính bền vững Florian Humpenöder tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam, Đức, là nhóm đầu tiên ước tính đầy đủ tác động môi trường của việc thay thế một phần thịt bò tiêu thụ bằng mycoprotein. Các ước tính trước đây chưa tính đến những thay đổi về tăng trưởng dân số, nhu cầu lương thực và các yếu tố kinh tế xã hội khác.
bded41586-022-01238-5_20370088
Chăn nuôi bò thịt thúc đẩy nạn phá rừng và là nguồn phát thải khí methane chính.
Họ sử dụng một mô hình ước tính bao gồm cả sự gia tăng dân số, thu nhập và nhu cầu thịt bò từ năm 2020 đến năm 2050. Theo kịch bản không có gì thay đổi so với hiện nay, nhu cầu thịt bò trên toàn cầu tăng sẽ kéo theo mở rộng diện tích đồng cỏ chăn thả và đất canh tác các loại cây làm thức ăn gia súc - kết quả là làm tăng gấp đôi tỷ lệ mất rừng hàng năm trên toàn cầu, lượng khí thải methane và nước sử dụng cho nông nghiệp cũng tăng lên.
Còn nếu thay thế 20% lượng thịt bò tiêu thụ bình quân đầu người của thế giới bằng mycoprotein trước năm 2050 sẽ giảm 11% lượng khí thải methane, giảm 50% nạn phá rừng hằng năm và kéo theo giảm phát thải do phá rừng, so với kịch bản không có gì thay đổi. Sở dĩ tác động kéo theo rất lớn bởi vì theo kịch bản này, nhu cầu thịt bò toàn cầu không tăng so với hiện nay, do đó không cần phải phá rừng để mở rộng diện tích chăn nuôi và trồng thức ăn gia súc.
Nếu thay thế hẳn 50% lượng thịt bò tiêu thụ bằng mycoprotein, nạn phá rừng và phát thải do phá rừng sẽ giảm hơn 80%.
Thay thế thịt bò dù ít, dưới 20%, hay nhiều hơn cũng sẽ dẫn đến thay đổi trong sử dụng nước nông nghiệp. Đó là bởi vì lượng nước tiết kiệm được từ chăn nuôi gia súc sẽ được chuyển sang trồng các loại cây khác.
Hanna Tuomisto, người nghiên cứu hệ thống thực phẩm bền vững tại Đại học Helsinki, cho biết các đánh giá toàn diện như của nhóm Humpenöder giúp chỉ ra các cách thức sản xuất thực phẩm bền vững hơn. Tuy nhiên Tuomisto lưu ý rằng sản xuất mycoprotein cần nhiều điện hơn sản xuất thịt bò, vì vậy các nhà nghiên cứu nên xem xét các tác động môi trường của việc sản xuất thêm điện. Ngoài ra, nếu thay thế thịt bò bằng mycoprotein, một số sản phẩm phụ của chăn nuôi bò, chẳng hạn như da và sữa, cũng cần phải có các sản phẩm thay thế và các sản phẩm đó sẽ tác động đến môi trường.
Các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai sẽ xem xét các tác động môi trường của việc thay thế thịt bò bằng các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hoặc đạm từ các loài thực vật.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn