Quan hệ Việt-Nga là một nạn nhân khác của cuộc chiến Ukraine?

Thứ Năm, 16 Tháng Sáu 202210:00 SA(Xem: 1864)
Quan hệ Việt-Nga là một nạn nhân khác của cuộc chiến Ukraine?
voatiengviet.com

Quan hệ Việt-Nga là một nạn nhân khác của cuộc chiến Ukraine?

VOA Tiếng Việt

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm lung lay giả định cơ bản về thế trận quốc phòng của Việt Nam – rằng người bạn truyền thống Nga sẽ vẫn là nhà cung cấp đáng tin cậy các hệ thống vũ khí quan trọng giúp ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc, theo nhận định của một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Trong bài viết được Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đăng tải, tác giả Nguyễn Quang Dy cho rằng việc Nga xâm lược Ukraine khiến Việt Nam rơi vào tình thế khó xử về mặt chính trị và ngoại giao khi quốc gia Đông Nam Á bị kẹt giữa việc cố gắng tránh lên án Nga với việc xoa dịu sự ủng hộ của người dân Việt Nam đối với Ukraine.

Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng để từ chối chỉ trích các hành động của Nga tại Ukraine trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc, trước khi bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới hồi đầu tháng 4 nhằm đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Nga tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí và một đối tác chiến lược trong các nỗ lực của Hà Nội nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc trong khu vực.

Theo ông Dy, người từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam và có nhiều bài viết cho ASPI và Nghiên cứu Quốc tế, có một số yếu tố ràng buộc Việt Nam với Nga khiến Hà Nội bị tiến thoái lưỡng nan trong việc xử lý cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Ngoài việc Nga trong lịch sử là nước ủng hộ chiến lược của Việt Nam, nước này còn chiếm tỷ trọng lớn trong việc kho vũ khí nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Nga là đối tác quan trọng trong các dự án dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.

Số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockhom (SIPRI) cho thấy lượng vũ khí mua từ Nga chiếm hơn 81% tổng lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam và Hà Nội là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 toàn cầu của Moscow. Còn số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư được VnEconomy trích dẫn cho thấy Nga có 151 dự án đầu tư vào các lĩnh vực ở Việt Nam, chủ yếu là dầu khí trong đó Vietsopetro là công ty sản xuất ra 1/3 lượng dầu cho cả nước.

Trước mắt, Hà Nội được cho là sẽ duy trì chính sách quốc phòng “bốn không”, theo đó tránh tham gia các liên minh quân sự và không đứng về phía nước này chống lại nước khác, không cho nước ngoài đặt các căn cứ quân sự trên đất Việt Nam cũng như không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Theo ông Dy, chính sách này mở rộng ra Biển Đông và tình hình vẫn chưa đến mức nghiêm trọng để phải đoạn tuyệt với công thức chiến lược lịch sử này.

Tuy nhiên theo các chuyên gia và các nhà quan sát, cuộc khủng hoảng Ukraine là cơ hội tốt để Việt Nam đánh giá lại mối quan hệ với Nga cũng như tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để giảm sự phụ thuộc quá mức vào Nga. Áp lực đối với việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí đã có trong một thời gian dài đối với Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng sức mạnh ở khu vực, nhưng theo ông Dy, áp lực này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Việt Nam có thể bị áp chế tài theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nếu tiếp tục là khách hàng mua vũ khí của Nga. Nhưng bên cạnh đó, theo phân tích của ông Dy, cuộc chiến ở Ukraine đã kéo Nga xích gần hơn với Trung Quốc trong khi nhiều phụ tùng thay thế trong các thiết bị vũ khí của Nga, như động cơ của các tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard – trớ trêu thay là được sản xuất ở Ukraine – không còn có sẵn.

Nói với VOA hồi tháng 4, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, cho rằng nếu Việt Nam tiếp tục mua vũ khí từ Nga thì sẽ có rủi ro về ảnh hưởng trong quan hệ với Mỹ và rằng với biến cố Ukraine, Việt Nam sẽ quyết tâm hơn trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình ra khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

‘Đối tác kém hấp dẫn’

Trước thông tin về cuộc diễn tập quân sự giữa Nga và Việt Nam hồi cuối tháng 4, ông Derek Chollet, cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, nói rằng Nga “ngày nay là một đối tác kém hấp dẫn hơn nhiều so với thời điểm cách đây 4 tháng.” Ông Chollet kêu gọi Việt Nam đánh giá lại mối quan hệ với Nga và cho biết rằng Mỹ “sẵn sàng trở thành một đối tác của họ khi họ xem xét về vấn đề an ninh trong tương lai.”

Tuy nhiên, có những giới hạn đối với việc Việt Nam có thể xa dần trong quan hệ với Nga mà không bị ảnh hưởng đến an ninh của chính mình, theo ông Dy. Kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Việt Nam đã chậm lại kể từ năm 2016 và dù quốc gia Đông Nam Á này đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để giảm thiểu rủi ro, thì việc thay thế các thiết bị của Nga là không dễ dàng chút nào. So với các nhà cung cấp khác, vũ khí của Nga có giá rẻ hơn. Quân đội Việt Nam cũng sẽ đối mặt với những thách thức trong việc tích hợp các nền tảng mới có thể thay thế các hệ thống của Nga được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua, theo phân tích của ông Dy.

Trong giai đoạn từ 1995 đến 2021, Việt Nam nhập khẩu vũ khí từ Nga trị giá gần 7,4 tỷ USD, theo dữ liệu của SIPRI. Trong vòng 20 năm qua, hơn 61% lượng xuất khẩu quốc phòng của Nga sang Đông Nam Á được đưa tới Việt Nam. Khi những căng thẳng của Việt Nam và Trung Quốc tăng cao ở Biển Đông vào giữa thập niên 1990, Nga trở thành trọng tâm trong quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Ian Storey của ISEAS-Yusof Ishak, Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào Nga về vũ khí, phụ tùng, bảo dưỡng và nâng cấp trong ít nhất hai thập kỷ tới.

Sự phụ nhiều vào vũ khí của Nga, theo ông Dy, đặt ra những thế yếu về chiến lược cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh có sự liên kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc cũng như sự gia tăng cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND Corporation, Derek Grossman, cho rằng khả năng Trung Quốc gây chiến với Việt Nam cao hơn với Đài Loan. Theo chuyên gia thường có các phân tích về Việt Nam, việc quốc gia Đông Nam Á không có bất cứ một liên minh an ninh nào với bất cứ một cường quốc lớn hay mạng lưới liên minh nào đặt Việt Nam vào thế giống với Ukraine. Ông Grossman cho rằng, có nguy cơ đáng kể về khả năng một “sự cố” ở Biển Đông tràn lên biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Kịch bản đó, theo ông nhà phân tích của RAND, được cho là có nhiều khả năng hơn là một cuộc xâm lượng Đài Loan của Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, một quốc gia trung lập trong khu vực, việc ‘xoay trục’ một cách tế nhị mang tính ngoại giao khỏi người bạn truyền thống lâu năm đồng thời là nhà cung cấp vũ khí, là Nga, theo ông Dy, sẽ có lợi cho lợi ích của mình trong việc xây dựng một quân đội hiện đại hơn được đảm bảo bằng các chuỗi cung ứng an toàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn