Đồng minh của Ukraine chia rẽ về hồi kết cuộc chiến

Thứ Hai, 13 Tháng Sáu 20224:20 CH(Xem: 1950)
Đồng minh của Ukraine chia rẽ về hồi kết cuộc chiến
voatiengviet.com

Đồng minh của Ukraine chia rẽ về hồi kết cuộc chiến

Reuters

Tốt hơn là nên giao tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xâm lược Ukraine hay cô lập ông ta? Liệu Kyiv có nên nhượng bộ để kết thúc chiến tranh, hay điều đó sẽ khiến Điện Kremlin thêm bạo dạn hơn? Các biện pháp trừng phạt gia tăng đối với Nga có đáng để bị thiệt hại hay không?

Đó là một số câu hỏi thách thức liên minh quốc tế vốn đã nhanh chóng tập hợp xung quanh Ukraine trong những ngày sau cuộc xâm lược của Nga, nhưng ba tháng sau cuộc chiến, các câu hỏi này đang trở nên căng thẳng, theo các quan chức và các nhà ngoại giao.

Khi các chính phủ phương Tây đối mặt với lạm phát và chi phí năng lượng ngày càng gia tăng, các quốc gia bao gồm Ý và Hungary đã kêu gọi ngừng bắn nhanh chóng. Điều đó có thể mở đường cho việc giảm bớt các chế tài và chấm dứt việc phong tỏa các cảng của Ukraine vốn đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đối với những nước nghèo nhất thế giới.

Tuy nhiên, Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic cảnh báo rằng Nga không đáng tin cậy và nói rằng một lệnh ngừng bắn sẽ cho phép nước này củng cố các chiến thắng trên lãnh thổ, tập hợp lại và mở thêm nhiều cuộc tấn công hơn nữa.

Một quan chức cấp cao của Ukraine nói với Reuters rằng người Nga đã “truyền miệng rằng đây sẽ là một cuộc chiến mệt mỏi, chúng ta nên ngồi xuống và tìm kiếm sự đồng thuận”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói ông muốn Nga “suy yếu” và Tổng thống Joe Biden kêu gọi truy tố ông Putin vì tội ác chiến tranh. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói Kyiv chớ nên chấp nhận một thỏa thuận hòa bình tồi tệ và Ukraine “phải giành chiến thắng.”

Đức và Pháp vẫn còn mơ hồ, thề sẽ ngăn cản ông Putin chiến thắng hơn là đánh bại ông, đồng thời ủng hộ các chế tài mới mạnh mẽ.

“Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có quay trở lại Chiến tranh Lạnh hay không. Đó là sự khác biệt giữa ông Biden, ông Johnson và chúng ta”, một đồng minh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Reuters.

Nga đã phát động cái họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng Hai, nói rằng họ cần phải loại bỏ những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm và làm suy giảm khả năng quân sự của Ukraine - mục đích mà phương Tây cáo buộc là một cái cớ vô căn cứ.

Moscow từ đó lập luận rằng sự hỗ trợ quân sự từ Washington và các đồng minh đang kéo dài chiến tranh và ngăn cản Ukraine tiến hành các cuộc hòa đàm. Vào tháng 3, Điện Kremlin yêu cầu Ukraine ngừng hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để tôn trọng trung lập, công nhận Crimea là của Nga và công nhận các khu vực do phe ly khai ở miền đông là các quốc gia độc lập như một điều kiện cho hòa bình.

Các nguồn tin Ukraine và Pháp, cùng các quan chức ở các quốc gia khác được Reuters tham khảo ý kiến về câu chuyện này, đã yêu cầu giấu tên để tự do nói về các chính sách ngoại giao và an ninh nhạy cảm.

Sự chia rẽ có thể trở nên rõ rệt hơn khi các chế tài và chiến tranh đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, gây nguy cơ phản ứng nội địa và có lợi cho ông Putin.

“Rõ ràng ngay từ đầu là mọi chuyện sẽ ngày càng khó khăn hơn theo thời gian - sự mệt mỏi vì chiến tranh đang đến", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Đối phó với ông Putin

Ông Macron đã cảnh báo để đạt hoà bình chớ nên làm bẽ mặt Nga như đã làm với Đức vào năm 1918.

Ông, giống như Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đã giữ cho các kênh liên lạc với Điện Kremlin luôn mở, gây ra sự phản đối ở các quốc gia diều hâu hơn. Tổng thống Ba Lan đã so sánh các cuộc điện đàm đó với việc nói chuyện với Adolf Hitler trong Thế chiến Thứ hai.

“Chúng tôi sẽ phải thỏa thuận với ông Putin vào một thời điểm nào đó, trừ khi có một cuộc đảo chính trong cung điện. Và hơn thế nữa vì cuộc chiến này cần càng ngắn càng tốt”, đồng minh của ông Macron nói.

Ông Scholz nói các cuộc gọi của ông và ông Macron với ông Putin được sử dụng để truyền tải thông điệp chắc chắn và rõ ràng, và nhấn mạnh các chế tài đối với Nga sẽ không chấm dứt trừ khi ông Putin rút quân và đồng ý với một thỏa thuận hòa bình mà Kyiv có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, một trong những người trong nhóm của ông Scholz cho Reuters biết cách diễn đạt của ông Macron là “đáng tiếc”. Một số nhà ngoại giao Pháp cũng bày tỏ sự dè dặt về lập trường của ông Macron, cho rằng lập trường này có nguy cơ khiến Ukraine và các đồng minh Đông Âu xa cách.

Trong khi biết ơn sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine đã giận giữ đối với những đề nghị rằng họ nên nhượng bộ lãnh thổ như một phần của thỏa thuận ngừng bắn và đôi khi đặt câu hỏi liệu các đồng minh của họ có đoàn kết đúng mức để chống lại Nga hay không.

Lời cảnh báo của ông Macron về việc không làm bẽ mặt Nga đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo rằng Pháp chỉ đang tự làm nhục mình, và mối quan hệ của Kyiv với ông Scholz đã trở nên băng giá.

“Chúng tôi không có một Churchill trên khắp Liên hiệp châu Âu. Chúng tôi không có bất kỳ ảo tưởng nào về điều đó”, quan chức cấp cao của Ukraine nói, đề cập đến Thủ tướng Anh thời chiến Winston Churchill.

Một quan chức văn phòng Tổng thống Pháp nói “không có tinh thần nhượng bộ đối với ông Putin hoặc Nga trong những gì Tổng thống nói.” Quan chức này cho biết, Pháp muốn Ukraine chiến thắng và các lãnh thổ Ukraine được khôi phục và cuộc đối thoại với ông Putin là “không phải để thỏa hiệp mà là để nói những điều như chúng ta thấy.”

Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết Washington tỏ ra nghi ngờ hơn về việc Nga hành động thiện chí, nhưng phủ nhận có “sự khác biệt chiến lược” giữa các đồng minh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói với Reuters rằng Hoa Kỳ làm việc cùng với các đồng minh đã “giúp” Ukraine - với các chế tài, chuyển giao vũ khí và các biện pháp khác - bất chấp những người phản đối kể từ trước cuộc xâm lược tạo hoài nghi về sự thống nhất của liên minh. Phát ngôn viên cho biết, mục tiêu là đưa Ukraine vào một vị trí vững chắc để đàm phán.

Làm Nga suy yếu?

Đề cập đến bình luận của ông Austin, quan chức đầu tiên nói Washington không có ý định thay đổi lãnh đạo của Nga mà muốn thấy nước này suy yếu đến mức không thể thực hiện một cuộc tấn công như vậy vào Ukraine một lần nữa.

“Mọi người tập trung vào phần đầu tiên những gì ông Austin nói chứ không phải ở phần thứ hai. Chúng tôi muốn thấy nước Nga suy yếu đến mức không thể làm chuyện như thế này một lần nữa”, quan chức này nói.

Một nguồn tin chính phủ Đức nói mục đích của ông Austin nhằm làm suy yếu nước Nga là có vấn đề. Nguồn tin cho biết, thật không may là Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, từ đối tác liên minh của ông Scholz, đảng Greens, đã tán thành mục tiêu đó, vì nó làm phức tạp câu hỏi bao giờ các chế tài có thể được dỡ bỏ, bất kể Ukraine có đồng ý với một thỏa thuận hòa bình hay không.

Các nguồn tin chính phủ Đức cũng cho biết họ lo ngại rằng một số nước phương Tây có thể thúc đẩy Ukraine để thực hiện các mục tiêu quân sự phi thực tế, bao gồm cả việc tái chiếm bán đảo Crimea do Nga sáp nhập vào năm 2014, có thể kéo dài xung đột.

Bà Baerbock đã công khai nói các chế tài sẽ phải được duy trì cho đến khi quân đội Nga rút khỏi Crimea.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Đức đã nhiều lần chỉ trích Đức vì trì hoãn trong việc gởi vũ khí hạng nặng tới Ukraine, mặc dù Berlin đã kiên quyết bảo vệ thành tích ủng hộ của mình.

Cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy Mykhailo Podolyak đã báo hiệu sự thất vọng của Ukraine:

“Không thể để Nga thắng, nhưng chúng tôi sẽ không cung cấp vũ khí hạng nặng vì có thể xúc phạm Nga. Ông Putin phải thua nhưng chúng ta đừng áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Hàng triệu người sẽ chết đói, nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng với các đoàn xe quân sự chở ngũ cốc”, ông viết trên Twitter ngày 31/5.

Ông nói: “Giá cả tăng chưa phải là điều tồi tệ nhất đang chờ đợi một thế giới dân chủ với một chính sách như vậy.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn