Sự tiến hoá của tham nhũng

Thứ Sáu, 10 Tháng Sáu 20222:00 SA(Xem: 1865)
Sự tiến hoá của tham nhũng

Mai Quốc Ấn

7-6-2022

Tham nhũng tại Việt nam đã có sự tiến hoá vượt bậc. Nó không hề giống cách hiểu của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm (2012-2014) có tính chất ổn định.

Giai đoạn đó, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014), xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ.

Theo kết quả này, năm 2014 Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Nhưng có một vấn đề khác cần nghĩ đến: Độ tàn phá của tham nhũng đang tăng khủng khiếp.

Tôi nhớ chi tiết khiến mình rợn người khi đọc đoạn Dương Chí Dũng nhẹ nhàng “cảm ơn em!” khi nhận 10 tỉ đồng hối lộ trong vụ PMU18. Nói rợn người vì nhìn lại đất nước mình có nhiều vụ việc khốn cùng kiểu mẹ tự tử mong có tiền phúng điếu cho con đi học hay xác người đắp chiếu chở xe máy vì không đủ tiền đóng phí dịch vụ bệnh viện chở xác thân nhân về. Cần nhắc lại từ rợn người bởi có rất nhiều đứa trẻ ở Việt Nam bị đói mà “cơm có thịt” là một giấc mơ.

Việc trong nhà thượng thư mới khám có gần 19 triệu đô la sẽ lý giải sao đây khi lương Bộ trưởng chỉ khoảng 19 triệu đồng Việt Nam? Nếu số tiền đó “được trích hoa hồng” bằng sinh mệnh mấy vạn nhân dân xấu số hay sự cùng kiệt kinh tế của mấy chục triệu nhân dân bị móc túi, bị “giam lỏng” trong đại dịch không làm ăn được gì đã gặp bão giá ngay khi ngớt dịch? Có lần viết về “hoa hồng máu” về tiêu cực ngành y đã thấy nó qua kinh khủng. Nay sự “tiến bộ” của tham nhũng đã ở mức của “hoa hồng sinh mệnh nhân dân” rồi.

Bắt hết. Nhốt hết. Thì máu và sinh mệnh nhân dân có trả được không? Và đã lên cấp hàm trung ương thì ngoài lý lịch tổ tông mấy đời được xác minh rõ còn là đáp ứng nào hồng, nào chuyên như thước đo của chế độ dành cho cán bộ sao còn để lọt?

Nếu nhìn lại lịch sử từ khi thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến nay với bản án tham nhũng đầu tiên mang tên Trần Dụ Châu đã thấy rất kinh khủng thời ấy. (Giai đoạn đó, cấp bậc đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu như Trần Dụ Châu là cán bộ rất lớn.) Nay đại án nối tiếp đại án, toàn nghìn tỉ đồng Việt hay triệu đô la Mỹ, hỏi sao không thấy sợ cho dân sinh, quốc vận?

Bắt một tham quan đã khó nhưng ngừa tham nhũng còn khó hơn. Nhưng có luật giám sát, có luật tiếp dân mà báo chí nêu biết bao chuyện quyền giám sát bị coi nhẹ, cán bộ chẳng thèm tiếp dân. Thử hỏi luật pháp bị khinh nhờn như vậy thì quốc gia đi về đâu?

Những tháng đầu tiên của “cuộc đốt lò”, người viết thực sự hào hứng và ủng hộ. Nó vượt qua những định kiến “miễn tử kim bài”, “bất khả xâm phạm” ở những chính trị gia cấp cao. Song với góc nhìn cá nhân tôi hiện nay thì càng ngày càng đốt nhiều “củi” có một ý nghĩa tuyệt vời mang tên…. tinh giảm biên chế, kiểu một công đôi việc.

“Đốt lò” không thể hiện tính phòng ngừa tham nhũng nữa khi ngay giữa kinh kỳ mà kẻ ác lộng ngôn, mang khoa học ra bông phèn, đem sinh mệnh đồng bào kiếm chác để rồi xộ khám sau khi đã có 19 triệu đô la trong đường dây chẳng hạn.

Tiền thu được về kho bạc Nhà nước hay về túi nhân dân? Mà tiền thu được hay xử nặng tham quan ô lại thì sinh mệnh nhân dân mất đi đâu ai bồi thường cho nổi? Không phòng ngừa tham nhũng thì hậu quả “thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán” sẽ còn tiếp tục.

Quốc gia như vậy còn “một bộ phận không nhỏ” nhân dân như thế. Như thế kiểu có người chỉ mới bàn thể chế đã gào rú lên người ta phản động mà tri thức không hiểu nổi khái niệm thể chế là gì.

Mà lạ. Quy trình bầu cử đã có xưa nay. Sao tới khi quan tham bị bắt dân đều nói không bầu là sao?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn