Jimmy Nguyen Nguyen - Vũ khí

Thứ Bảy, 04 Tháng Sáu 20228:00 SA(Xem: 2416)
Jimmy Nguyen Nguyen - Vũ khí

b40_01 

Mấy bữa nay báo đài cũng tốn khá giấy mực về cái vụ viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Có quốc gia thì cho toàn đồ cũ, nước khác thì đưa đồ "độc" nhưng ít ỏi, có lẽ muốn mượn chiến trường để thử nghiệm. Có một ông giàu nhất Châu Âu, có đồ chơi rất "ngầu", nhưng thành "con ma nhà họ Hứa". Riêng ông Mỹ thì cà giật, đưa đồ mà còn "run", sợ thằng em chơi quá tay. Ông Anh Quốc thì chịu chơi, đồ anh đưa em xài tùy ý, bắn vô Moscou cũng được. Dạ dạ em cũng muốn bắn mà bắn... không tới.

Từ nhỏ tui hay nghĩ rằng trong chiến tranh, có vũ khí độc là chắc thắng. Mỹ thả hai quả bom nguyên tử là Nhật đầu hàng vô điều kiện liền đó.

Các tạp chí hay có chuyên đề về vũ khí mới, tui đọc ngấu nghiến. Mê nhất là hàng của Mỹ với các loại máy bay và tầu chiến. Bây giờ thấy hỏa tiễn hành trình bắn từ đâu đâu mà rớt lọt vô cả cái cửa sổ, mình chặc lưỡi: chỉ cần vũ khí là quyết định thắng thua.

Nhưng cuộc đời không đơn giản như vậy. "Trời sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng". Vũ khí cũng vậy. Lúc mà chỉ có thanh gươm thì đã có cái khiên. Tin vào thuyết âm dương thì hiểu liền. Cái gì cũng có thuốc trị. Hiểu điều đó ta sẽ bình tĩnh nhìn mọi sự quanh ta thay đổi.

Chiến tranh Việt Nam cũng là nơi Mỹ và Nga thử vũ khí và cũng là nơi con người Việt Nam làm cái vũ khí đó đa dạng hơn. Tui là chứng nhân vì gia đình đều có người đi lính bên này và cả bên kia.

Những năm trước 70, quân đội Việt Nam Cộng Hòa có xe tăng, phía bên kia chưa có. Nhưng họ có hỏa tiễn cầm tay B40 và B41. Tầm bắn cả 1.000 mét. Vũ khí này khiến tăng phải chùn bước trong các trận đánh. Thời đó nơi có quân Mỹ đóng quân, ngoài hàng rào kẽm gai, họ còn có thêm hàng rào lưới. Nhận thấy B40 chạm hàng rào này thì nổ. Các anh lính thiết kỵ đã làm khung lưới này vào đầu chiến xa để chống B40. Lưới hàng rào đó chết tên : lưới B40.

Cũng những năm ấy, người Mỹ có những ăng ten điện tử, rải xuống những cánh rừng ngang vĩ tuyến 17 bên Lào. Ăng ten này thu nhận những tiếng động của xe cộ, chuyển quân... rồi báo về một sở chỉ huy, phân tích. Sau đó pháo binh hoặc phi cơ sẽ thả bom ngay toạ độ mà ăng ten báo về.

Mới đầu bộ đội cũng thiệt hại. Sau này biết được, họ tìm được ăng ten và làm tiếng động giả. Người Mỹ bắn tốn đạn mà không hiệu quả. Hàng rào điện tử bị phá sản. Trong trại cải tạo, cái từ "ăng ten" ám chỉ những người nằm vùng, không hoạt động, chỉ báo về cấp khác diễn biến nội bộ người ta.

Trận Hạ Lào (71)là nơi bộ đội sử dụng loại hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 của Nga rộng rãi. Loại này cầm tay. Máy bay khi oanh kích thì chúi đầu xuống thả bom xong vọt lên để lại luồng khói phía sau đuôi. Hỏa tiễn sẽ theo luồng hơi nóng đó rượt theo và làm nổ tung máy bay. Trực thăng là mồi ngon cho loại hỏa tiễn này vì nó bay thấp. Có ngày rớt trên 30 trực thăng. Nhiều phi công Mỹ từ chối vào trận đánh.

Lính Việt Nam sau này biết, dùng trái sáng cầm tay tung ra mỗi khi bay thấp để đáp xuống, hỏa tiễn bị hút vào đó. Người Mỹ thì chế tự động, mỗi khi máy bay chúi xuống oanh tạc rồi vọt lên thì rải trái sáng đầy sau đuôi. Hỏa tiễn hết tác dụng.

Mới đây thì Do Thái họ có hệ thống Vòm Sắt, chống lại pháo kích bằng hỏa tiễn của Palestine. Hay thiệt. Nhưng rồi tui tin người Palestine sẽ có kiểu đánh khác.

Con người luôn tiến bộ, bạn ra được cái này người ta sẽ tìm ra cái khác, nhanh hay chậm thôi. Do đó tui tin rằng không có vũ khí nào là tuyệt đối.

Nếu tuyệt đối thì nhân loại chết hết rồi .

Mỗi cuộc chiến tranh thì lại có vũ khí mới được trình làng, nó gây ngạc nhiên cho nhiều người. Bàn về vũ khí thì bàn cả năm chưa hết. Lần này tui chú ý một loại vũ khí mới của Nga, đó là bom phốt pho. Tui được xem một video lúc họ đánh ở nhà máy thép. Vì do drone quay phim nên thấy nó không ghê gớm. Tuy vậy Nga chỉ "nhá hàng" một quả là bên trong đầu hàng liền.

Video thứ nhì do một lính Ukraine quay được. Quay từ đất liền gần nơi bom nổ. Thật kinh khủng. Bom không nổ cái đùng trên mặt đất mà nổ trên không, túa ra những hạt phốt pho như pháo hoa. Pháo hoa cháy rồi tàn liền. Bom này cháy không tàn, nó như mưa lửa trên trời từ từ ụp xuống. Đi đến đâu đốt cháy không khí đến đó tạo thành chân không, khiến không khí nơi khác bị hút vào chỗ trống. Chỉ cần vài phút là không sinh vật nào sống nổi.

Mà họ thả không chỉ một trái mà vài trái liên tục. Dù ở hầm sâu cũng chết ngộp. Ukraine sẽ đối phó bằng cách nào? Tui thật không biết. Nhưng tin vào triết lý của mình từng trải, tui nghĩ thế nào họ cũng có cách chống lại.

JIMMY NGUYEN NGUYEN 02.06.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn