Đàm phán mậu dịch với Đài Loan, Mỹ dùng đòn thương mại gây sức ép với Trung Quốc

Thứ Năm, 02 Tháng Sáu 20224:44 CH(Xem: 1826)
Đàm phán mậu dịch với Đài Loan, Mỹ dùng đòn thương mại gây sức ép với Trung Quốc
rfi.fr

Đàm phán mậu dịch với Đài Loan, Mỹ dùng đòn thương mại gây sức ép với Trung Quốc

Thanh Hà

Một chục ngày sau khi công bố Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ -Thái Bình Dương nhưng không mời Đài Bắc tham dự, Hoa Kỳ khởi động « Sáng Kiến Mỹ- Đài Loan về Thương Mại Thế Giới –Thế Kỷ 21 ». Đây là một tín hiệu mới cho thấy « Hoa Kỳ đáp trả » việc Trung Quốc liên tục uy hiếp Đài Loan, đồng thời Washington tăng tốc củng cố vế kinh tế và thương mại tại châu Á. 

Hôm 23/05/2022 giới quan sát bất ngờ khi tổng thống Biden cùng với hai đối tác châu Á là Nhật Bản và Ấn Độ công bố Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF), bao gồm tổng cộng 13 quốc gia, nhưng không có Đài Loan. Cuộc họp trực tuyến giữa phó đại diện Thương Mại Mỹ, Sarah Bianchi với bộ trưởng Đài Loan, Đặng Chấn Trung (John Deng) giải thích phần nào chính sách của Mỹ trong nỗ lực trở lại chiến lược « xoay trục » sang châu Á và duy trì áp lực với Bắc Kinh.   

« Sáng Kiến Mỹ- Đài Loan về Thương Mại Thế Giới –Thế Kỷ 21 », với « những phương tiện cụ thể đẩy mạnh mậu dịch song phương », đôi bên không che giấu mục tiêu lâu dài nhằm đạt tới một « thỏa thuận thương mại » chung. Thông báo của Đài Bắc và Washington diễn ra 2 ngày sau khi khoảng 30 máy bay quân sự Trung Quốc thâm nhập vùng nhận dạng phòng không Đài Loan mà theo Bắc Kinh là để thực hiện chương trình « tuần tra, sẵn sàng chiến đấu », đáp trả thái độ « thông đồng » giữa Mỹ với Đài Loan. Xin nhắc lại, Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một tỉnh, « không thể tách rời » của Hoa Lục.   

« Sáng Kiến Mỹ- Đài Loan về Thương Mại Thế Giới –Thế Kỷ 21 » là gì và đâu là dụng ý của chính quyền Biden ? 

Theo hãng tin Bloomberg, việc nhanh chóng thông báo khởi động đàm phán mậu dịch với Đài Loan cho thấy vị trí đặc biệt của hòn đảo này trong chiến lược toàn diện của Washington. Thứ nhất Mỹ lệ thuộc vào chip điện tử của Đài Loan. Chỉ một mình đảo quốc này cung cấp đến 92 % nhu cầu linh kiện bán dẫn cao cấp cho Hoa Kỳ cho nên tương tự như với IPEF, Nhà Trắng nhấn mạnh đến mục tiêu bảo đảm nguồn và « an toàn trong dây chuyền sản xuất ». Thứ hai, nhìn rộng ra hơn, nếu như  IPEF được coi là cơ hội thứ nhì để Mỹ « xoay trục sang châu Á » sau khi đã nhường sân chơi cho Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế và thương mại, thì sáng kiến thương mại với Đài Loan được coi là « một phiên bản » của Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương. Theo như đánh giá của hãng tin Bloomberg, cả IPEF lẫn  Sáng kiến Mỹ- Đài Loan về Thương Mại Thế kỷ 21 cho phép tăng cường vế « kinh tế và thương mại » vốn bị chỉ trích là « lỗ hổng » trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington từ khi chính quyền Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP.   

Tuy nhiên mục tiêu thứ ba, và cũng là mục tiêu quan trọng nhất của Nhà Trắng, có lẽ là thông điệp nhắc nhở Bắc Kinh nên thận trọng trước tham vọng thâu tóm Đài Loan. Không phải tình cờ mà trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm 23/05/2022 tổng thống Biden đã nhắc lại cam kết yểm trợ Đài Loan kể cả về quân sự trong trường hợp hòn đảo này bị xâm lăng. Sau đó phát ngôn viên Nhà Trắng, rồi ngoại trưởng Blinken đã đính chính rằng chính sách của Hoa Kỳ từ thập niên 1970 về một nước Trung Hoa duy nhất không thay đổi, nhưng theo quan điểm của Bonnie Glaser, giám đốc đặc trách khu vực châu Á của Quỹ German Marshall Fund, lời lẽ này cố tình nhằm trấn an các đồng minh của Washington, đứng đầu là Nhật Bản, đang lo ngại trước những hành động hù dọa càng lúc càng dồn dập của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan.    

Thêm một tín hiệu củng cố cho luận điểm này, đó là cùng ngày bộ Thương Mại thông báo Sáng Kiến Mỹ- Đài Loan, một quan chức cao cấp trong chính quyền Biden khẳng định Washington sẵn sàng áp dụng đạo luật cấm các tập đoàn Mỹ nhập khẩu hàng sản xuất tại Tân Cương. Đạo luật này đã được tổng thống Biden phê chuẩn cuối 2021 và sẽ có hiệu lực từ ngày 21/06. Hơn thế nữa theo lời quyền giám đốc điều hành CBP, Cơ Quan Hải Quan và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ, Elva Muneton, để tránh luật cấm vận sắp tới đây, các hãng Mỹ sẽ phải đưa ra được những bằng chứng « rất vững chắc » rằng hàng lưu hành trên thị trường Mỹ không bị « hoen ố » vì tai tiếng cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. 

Hai quyết định gần đây của chính phủ Mỹ cả về Đài Loan lẫn lệnh cấm nhập hàng xuất xứ từ Tân Cương cho thấy, Washington dùng đòn thương mại để gây áp lực với Bắc Kinh vào lúc kinh tế Trung Quốc chựng lại vì biến thể Omicron của Covid và chưa chắc Trung Quốc giữ được mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 5,5 % như đã đề ra. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn