Tình báo Nga & bầu cử Mỹ

Thứ Ba, 06 Tháng Ba 20185:30 SA(Xem: 5092)
Tình báo Nga & bầu cử Mỹ

Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm Thứ Ba 13/2, Giám đốc Sở Tình báo Quốc gia Dan Coates đưa ra lời cảnh báo có những bằng chứng cho thấy hiện đang có những nỗ lực từ phía người Nga tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào cuối năm nay. 

tinh-bao-nga-&-bau-cu-my
Phụ tá Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosentein công bố bản cáo trạng – nguồn cbsnews.com

Ba ngày sau đó, hôm Thứ Sáu 16/2, công tố viên đặc biệt Robert Mueller công bố hồ sơ truy tố 13 nhân vật Nga cùng với ba công ty Nga với cáo buộc là đã có âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 qua các cuộc vận động tuyên truyền trên một số trang mạng xã hội nhằm gây bất lợi cho ứng cử viên Hillary Clinton và sau đó là hỗ trợ cho ứng cử viên Donald Trump, cùng với những ứng cử viên khác như Bernie Sanders và Jill Stein.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trực tiếp cáo buộc người Nga đã có những hoạt động trái phép nhằm gây ảnh hưởng lên kết quả của cuộc bầu cử. Bản cáo trạng nói rằng tình báo Nga đã tạo dựng những tin tức giả rồi đăng lên trên các trang mạng dưới danh nghĩa giả mạo là những nhà hoạt động chính trị người Mỹ với mục đích gây hoang mang dư luận trong khi cuộc tranh cử đang diễn ra.

Bản cáo trạng dài 37 trang đưa ra rất nhiều chi tiết kinh ngạc về một kế hoạch được sắp đặt tỉ mỉ kéo dài trong ba năm có tên gọi là Dự án Người thông dịch (Translator Project) với mục đích là “loan truyền nghi ngờ nhắm tới một số ứng cử viên và hệ thống chính trị [nước Mỹ] nói chung.” Tình báo Nga đã sử dụng một nhóm công ty có liên hệ đến một công ty có tên gọi là Văn phòng Nghiên cứu mạng Internet (Internet Research Agency), và gọi chiến dịch tình báo của họ là “chiến tranh tin học.”

tinh-bao-nga-&-bau-cu-my3
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller – nguồn IndyStar

Chiến dịch tình báo này bắt đầu vào Tháng 6 năm 2014 khi hai phụ nữ Nga có tên là Aleksandra Y. Krylova và Anna V. Bogacheva nhận được giấy tờ chiếu khán du lịch, nhưng sự thực là đi do thám nước Mỹ, trong ba tuần, trong đó có những điểm dừng chân tại những tiểu bang quan trọng trong cuộc bầu cử như Colorado, Michigan, Nevada và New Mexico. Đơn xin chiếu khán cho một nhân vật thứ ba là Robert S. Bovda bị từ chối.

Hai phụ nữ trên mua một số máy chụp hình, thẻ SIM và một số điện thoại di động loại dùng xong rồi bỏ cho chuyến đi và thậm chí còn lập “kế hoạch rút lui” trong trường hợp mục đích chuyến đi của họ bị bại lộ. Họ dừng chân tổng cộng tại 9 tiểu bang, ngoài 4 tiểu bang đã kể, còn có California, Illinois, Louisiana, New York và Texas – để “thu thập tin tức tình báo” về sinh hoạt chính trị của người Mỹ. Sau đó, Aleksandra Krylova đã gửi bản báo cáo những gì họ thu thập được trong chuyến đi lên cho một trong những sếp chỉ huy của họ tại St. Petersburg.

Bản cáo trạng cũng nhắc tới một nhân vật tình báo Nga khác đã đến Atlanta vào Tháng 11 năm 2014 trong cùng một nhiệm vụ tương tự. Tuy nhiên, bản cáo trạng không nói tên của người này, và theo nhận định của một số chuyên gia về luật pháp, có thể nhân vật trên đang hợp tác trong cuộc điều tra.

Chiến dịch tình báo cũng bao gồm việc tạo dựng nhiều trăm trương mục điện thư, PayPal và ngân hàng, và thậm chí làm giả mạo bằng lái xe dưới những tên người Mỹ tưởng tượng. Tình báo Nga còn sử dụng danh tính của những người Mỹ có thật lấy từ những số an sinh xã hội bị đánh cắp.

Vào lúc cao điểm của cuộc tranh cử năm 2016, con số nhân viên tình báo làm việc cho chiến dịch lên tới hơn 80 người, họ sử dụng hệ thống điện toán tư nhân được nối kết với hệ thống máy chủ mướn ở Mỹ để che đậy dấu vết hoạt động của họ ở trong nước Nga. Từ nơi này, họ giả làm những nhà hoạt động người Mỹ, gửi điện thư, đăng quảng cáo và chi tiền cho những người Mỹ có thật nhưng bị lừa gạt để tin rằng họ là thành phần đang tranh đấu cho những mục đích và lý tưởng chung.

tinh-bao-nga-&-bau-cu-my2
Yevgeny Prigozhin và Vladimir Putin – nguồn CBC.ca Hillary

Cuộc chơi tình báo này diễn ra phần lớn là trên những trang mạng xã hội, là nơi mà các tình báo Nga đã đăng những tin giả hoặc tin bị bóp méo lên mạng. Trang xã hội Facebook phỏng đoán, chỉ riêng trên diễn đàn của họ, những bản tin giả này của Nga đã được tiếp nhận bởi khoảng 126 triệu người Mỹ.

Một số cựu giới chức an ninh Hoa Kỳ tin rằng chính Vladimir V. Putin đứng đằng sau chiến dịch trên, và như trong bản cáo trạng nêu ra, thực hiện bởi những công ty được điều hành bởi một nhân vật có tên Yevgeny V. Prigozhin, một nhà kinh doanh và là tay chân thân tín của Putin. Tuy nhiên, những tình báo Nga làm việc cho Prigozhin đã có những bước tính toán kỹ lưỡng để che giấu danh tính và địa điểm hoạt động của họ và tránh không để lại những dấu vết nào liên quan đến chính phủ Nga.

Một điều hiển nhiên là cho đến nay Putin vẫn tiếp tục chối rằng chính phủ Nga không có một vai trò gì trong những vụ tin tặc và những vụ tung tin giả nhắm vào Hoa Kỳ, trong khi nhìn nhận có thể có những nhóm người Nga ái quốc đã tự ý thực hiện những vụ tấn công trên.

Ít nhất là vào năm 2011, ông Putin đã giận dữ và cáo buộc bà Hillary Clinton, lúc đó là Ngoại Trưởng, đã cố tình gây ra những bất ổn ở Nga trong khi ông ta đang phải đối diện với những cuộc biểu tình chống đối quy mô lớn ở nhiều nơi trong nước. Ông Putin cáo buộc bà Clinton đã gửi “một tín hiệu” tới “một vài phần tử trong nước Nga” sau khi cuộc bầu cử đã bị lên án là có gian lận bởi nhiều nhà quan sát của cả Nga lẫn quốc tế.

Bản cáo trạng của ông Mueller không đưa ra bằng chứng cho thấy chiến dịch tình báo dưới sự giám sát của Prigozhin là lệnh của Putin. Tuy nhiên, các giới chức an ninh Mỹ đã tìm ra một số manh mối cho thấy có sự can thiệp của Nga, đáng kể nhất là vụ tấn công tin tặc và cho rò rỉ những điện thư của một số giới chức cao cấp của đảng Dân chủ, được các cơ quan tình báo Nga thực hiện theo lệnh của Putin.

Một điều rõ ràng là bản cáo trạng của ông Mueller chứng minh cho thấy sự can thiệp của người Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 không phải là một “trò lừa bịp” mang tính chính trị như ông Trump đã nhiều lần quả quyết, tuy nhiên bản cáo trạng không cáo buộc bất cứ nhân vật nào trong ban tranh cử của Trump hay bất cứ người Mỹ nào đã hỗ trợ cho chiến dịch đánh phá của tình báo Nga.

tinh-bao-nga-&-bau-cu-my1
Hillary Clinton và Vladimir Putin tại Thượng đỉnh 2012 – nguồn Newsweek

Đến khoảng đầu năm 2016, kế hoạch đã sẵn sàng và tình báo Nga bắt đầu chiến dịch gieo rắc xung khắc chính kiến trong dư luận quần chúng Mỹ. Một thông điệp nội bộ lưu hành bên trong Văn phòng Nghiên cứu mạng Internet ra lệnh cho nhân viên tình báo đăng lên mạng những bản tin có nội dung tập trung vào “sinh hoạt chính trị ở Mỹ.”

Thông điệp này ghi rõ: “Sử dụng bất cứ cơ hội nào để chỉ trích Hillary và những ứng cử viên khác (ngoại trừ Sanders và Trump – ta ủng hộ họ).”

Phạm vi hoạt động của chiến dịch đánh phá nhắm vào mọi nơi. Tình báo Nga đã dùng danh tính giả để liên lạc với những tình nguyện viên tranh cử cho ông Trump và những nhóm hoạt động tự phát trong dân chúng (grass-roots) ủng hộ ứng cử viên Donald Trump. Họ mua những quảng cáo ủng hộ Trump và chống Clinton trên Facebook và những trang mạng xã hội khác. Họ sử dụng trương mục trên trang mạng Instagram để tìm cách làm giảm thiểu số cử tri thuộc thành phần thiểu số đi bầu, và vận động cho bà Jill Stein, ứng cử viên của Đảng Xanh, để lấy bớt đi phiếu bầu cho Clinton.

Cho đến thời điểm này sau khi bản cáo trạng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller được công bố, những cáo buộc cho rằng ban tranh cử của Donald Trump đã thông đồng với Nga là không có cơ sở, nhưng rõ ràng là cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ đã có sự can thiệp và phá hoại của tình báo Nga. Câu hỏi ở đây là sau khi cuộc điều tra được kết thúc với những bằng chứng rõ rệt thì chính phủ Mỹ sẽ có biện pháp ngoại giao gì đối với Nga và phải làm gì để ngăn chặn sự can thiệp của Nga một lần nữa vào cuộc bầu cử quốc hội cuối năm nay.

VH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn