Thị trường tiền kỹ thuật số liệu có sụp đổ?

Thứ Ba, 31 Tháng Năm 20228:00 SA(Xem: 1549)
Thị trường tiền kỹ thuật số liệu có sụp đổ?
Sự sụp đổ của các stablecoin như Luna, TerraUSD, và sự lao dốc của cả thị trường tiền kỹ thuật số trong tuần qua, đã làm dấy lên những quan ngại của giới đầu tư. Thị trường tiền kỹ thuật số liệu có hiệu quả và tiềm năng như những gì người ta kỳ vọng, hay nó chỉ là “trò chơi” của những người muốn làm giàu nhanh?

im-544193_bai-Song-Thanh

Tuần lễ đau thương của thị trường tiền kỹ thuật số

Hồi tháng 1 năm nay, tỉ phú Mike Novogratz – một “ngôi sao” quỹ phòng hộ, đã đăng tải lên Twitter cá nhân bức ảnh về một hình xăm mới ở bắp tay trái của mình. Đó là hình ảnh một con sói đang tru lên khi mặt trăng lên cao, kèm theo dòng chữ Luna – đồng tiền kỹ thuật số khi đó đang được giao dịch ở mức 78 đô la Mỹ.

“Tôi chính thức là một tín đồ của Luna!!!” vị tỉ phú hào hứng tuyên bố. Ông hiện là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Galaxy Digital – một công ty quản lý đầu tư đang nuôi tham vọng trở thành Goldman Sachs của giới tiền kỹ thuật số. Và cho đến tận đầu tháng 4, mọi chuyện dường như vẫn ổn khi đồng Luna đạt mức đỉnh 116 đô la, nhờ thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, mọi thứ đã đảo chiều nhanh chóng mặt. Trong tuần trước, Luna đã trở thành đồng tiền vô giá trị, với mức giá về gần 0, sau khi TerraUSD – đồng tiền kỹ thuật số chị em của Luna cũng rớt giá mạnh.

Không rõ liệu Novogratz – người giờ đây đã trở thành một trong những nạn nhân lớn của thị trường tiền kỹ thuật số, sẽ làm gì với hình xăm của mình. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Luna và TerraUSD đã để lại “nỗi đau” lớn cho thị trường tiền số toàn cầu trị giá 1.300 tỉ đô la. “Coin đến và coin lại đi” – hàng ngàn đồng tiền số đã “chết yểu” kể từ khi bitcoin ra đời vào năm 2009. Song, thất bại của TerraUSD và Luna lại đánh dấu một sự kiện đáng nhớ khi chúng được thiết kế để trở thành stablecoin – đồng tiền kỹ thuật số ổn định, neo với giá trị của đô la Mỹ.

Theo Financial Times, TerraUSD được hỗ trợ bởi một thuật toán liên kết với Luna để giữ tỷ giá neo theo đô la Mỹ của nó luôn trong tầm kiểm soát. Tức là, nếu TerraUSD giảm giá, các bên giao dịch sẽ sử dụng Luna để hủy bớt lượng TerraUSD đang lưu thông. Tuy nhiên, giá trị 1 đô la của TerraUSD bắt đầu giảm vào thứ Hai tuần trước khi niềm tin vào mô hình này bị lung lay và kết thúc ngày ở mức 90 cent. Đến thứ Sáu, TerraUSD tiếp tục sụt giảm xuống dưới 15 cent. Nhiều nỗ lực giải cứu đồng tiền này đã thất bại và trong ngày thứ Năm, blockchain Terra thậm chí đã tạm thời ngừng hoạt động dù những người ủng hộ nó vẫn kỳ vọng về một sự hồi phục.

Công ty nghiên cứu CryptoCompare đánh giá những gì vừa xảy ra với Luna là “sự sụt giảm giá trị lớn nhất trong khoảng thời gian này khi nói về một dự án đơn lẻ trong lịch sử thị trường tiền kỹ thuật số”.

Sự thất bại của Luna là “một trong những thảm hoạ lớn nhất trong giới tiền số mà tôi từng thấy”, Ran Neuner – nhà giao dịch tiền kỹ thuật số nổi tiếng nhận định. Ông cũng nói thêm rằng đây thực sự là một lời cảnh tỉnh về việc giá tiền kỹ thuật số có thể rơi xuống mức 0.

Andrew Beer, thành viên ban quản trị tại Công ty đầu tư Dynamic Beta, cho biết: “Đầu tư vào TerraUSD và Luna giống như gửi tiền của bạn vào một ngân hàng ở Iran với lãi suất 20% rồi họ đột ngột đóng cửa. Chúc bạn may mắn để có thể giành lại được số tiền của mình hoặc hiểu được điều gì đã xảy ra”.

Không chỉ TerraUSD và Luna, sự hoảng loạn cũng nhanh chóng lan rộng ra toàn thị trường tài sản kỹ thuật số khiến thị trường mất một nửa giá trị kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 11 năm ngoái.

Đồng tiền kỹ thuật số lâu đời và lớn nhất – bitcoin, đã giảm 11% hôm thứ Hai và đánh mất mốc 30.000 đô la. Hôm thứ Năm tuần trước, bitcoin đã rơi xuống gần mức 25.000 đô la, mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua. Kể từ tháng 11-2021, bitcoin đã mất hơn 50% giá trị. Tether, đồng tiền stablecoin lớn nhất, cũng mất chốt (peg) 1 đô la khi giá đồng tiền này giảm xuống còn 95,11 cent.

Việc giá tiền kỹ thuật số sụt giảm cũng ảnh hưởng tới sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hôm thứ Ba tuần trước, sàn giao dịch tiền số Coinbase cho biết trong báo cáo tài chính quí 1 rằng lượng người giao dịch và khối lượng giao dịch trên nền tảng này đã giảm mạnh so với quí trước. Giá trị vốn hóa của Coinbase đã mất khoảng ba phần tư kể từ khi IPO vào năm ngoái. Giá cổ phiếu của công ty cũng đã giảm 32% chỉ trong tuần này xuống còn 72 đô la.

Những lo ngại về các stablecoin

Theo Financial Times, mặc dù quy mô của TerraUSD là tương đối nhỏ, sự sụp đổ của đồng tiền số này đang làm dấy lên những lo ngại về những bất ổn tiềm ẩn của stablecoin khác, bao gồm cả những đồng lớn nhất như Tether. Một sự thất bại khi Tether mất chốt, như những gì đã xảy ra trong tuần qua, có thể sẽ là thảm họa với thị trường tiền số, bởi một số ước tính cho thấy 70% giao dịch mua bitcoin được thực hiện bằng cách sử dụng stablecoin này.

Ông Ingo Fiedler, giáo sư tại Đại học Concordia ở Montreal, người điều hành Blockchain Research Lab cho biết: “Nếu Tether không còn giao dịch ở mức 1 đô la nữa, đồng tiền này sẽ mất chốt. Điều này sẽ tác động mạnh đến tất cả các thị trường giao dịch với Tether”.

Tuy nhiên, ông Ilan Solot, đối tác tại quỹ phòng hộ tiền số Tagus Capital, cho biết thị trường này đã phải đối mặt với những lời chỉ trích không đáng có trong tuần qua. “Điều khiến tôi lo ngại là vòng xoáy của những lời buộc tội vô căn cứ, những thuyết âm mưu”.

Ông Solot tin rằng Tether mạnh hơn những đồng tiền “đối thủ” đã từng thất bại và có rất nhiều tiềm năng. Hơn nữa, khả năng Tether rơi vào tình thế như TerraUSD là rất khó xảy ra, bởi theo các nhà phát triển, thay vì dựa vào một thuật toán, việc neo giá của Tether với đô la Mỹ được duy trì bởi dự trữ đô la – đủ để đảm bảo cho lượng tiền kỹ thuật số đang lưu thông. Dẫu vậy, ông Solot cũng thừa nhận, tiềm năng xảy ra rủi ro hệ thống bắt nguồn từ Tether là một vấn đề rất đáng lưu tâm.

Giám đốc công nghệ của của Tether là Paolo Ardonio hiện đã cam kết sẽ bảo vệ mức chốt đô la của đồng tiền số này bằng mọi giá. Trong tuần trước, ông cho biết đã chuẩn bị bán một số trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Tether đã tích lũy được, với giá trị khoảng 40 tỉ đô la, tuy nhiên không cung cấp thông tin chi tiết về nguồn dự trữ này.

Niềm tin vào tiền kỹ thuật số dần lung lay

Trên thực tế, không chỉ tiền kỹ thuật số, nhiều thị trường tài chính toàn cầu cũng ghi nhận sự giảm giá mạnh trong những tuần gần đây, do nhà đầu tư lo ngại trước lạm phát và khả năng lãi suất tăng mạnh.

Chia sẻ với DW, Ulrich Leuchtmann, người đứng đầu bộ phận ngoại hối tại ngân hàng Commerzbank (Đức) cho biết “Chúng ta đang ở trong thời kỳ bất ổn cao hơn. Bạn có thể thấy điều đó trong sự yếu kém của thị trường chứng khoán, và tất cả các tài sản khác cũng đang biến động mạnh. Tiền kỹ thuật số do vậy cũng rất dễ bốc hơi”.

Theo Financial Times, sự sụt giảm của tiền kỹ thuật số được cho là có liên quan đến sự lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ. Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số công nghệ Nasdaq trên sàn chứng khoán Phố Wall đã giảm 27% khi các cổ phiếu công nghệ từng được giới đầu tư cực kỳ ưa chuộng như Netflix hay Peloton đều rớt giá mạnh. Edouard Hindi, giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý tài sản số Tyr Capital cho hay: “Rất nhiều người nắm giữ cổ phiếu công nghệ và tiền số đã mất tiền. Họ đang bán ra trong hoảng loạn và đó là lý do khiến cả thị trường đi xuống”.

Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh thị trường đi xuống, những gì diễn ra đối với tiền kỹ thuật số vẫn là đặc biệt nghiêm trọng. Theo New York Times, trong khi chỉ số S&P 500 chỉ giảm 18% kể từ đầu năm tới nay, giá bitcoin đã lao dốc tới 40%. Còn xét riêng trong tuần vừa rồi, bitcoin đã mất 20% giá trị so với mức giảm 5% của chỉ số S&P 500.

Các diễn biến này đang làm lu mờ những lời khẳng định về việc tiền kỹ thuật số có thể đóng vai trò là “hàng rào” chống lạm phát hay hoạt động như một loại vàng kỹ thuật số. Niềm tự hào của nhiều tín đồ tiền kỹ thuật số về tiềm năng các coin sẽ trở thành trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu mới, lại càng trở nên xa vời hơn. Eswar Prasad – giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell (Mỹ) nhận định: “Ý tưởng cho rằng các đồng tiền điện tử phi tập trung như bitcoin có thể đóng vai trò như một hàng rào chống lạm phát đã bị bác bỏ một cách rõ ràng, khi giá của chúng giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên khắp thế giới”.

Nhiều người ủng hộ tiền kỹ thuật số hiện vẫn tin tưởng vào một sự hồi phục, đặc biệt là khi thị trường tiền số đã thể hiện “sức mạnh phi thường” và sống sót sau những lần “cận kề” cái chết.

Theo Washington Post, những biến động vừa qua không phải là điều gì quá sốc trên thị trường tiền kỹ thuật số, và sẽ chưa thể khiến nhiều nhà đầu tư “quay xe”. “Chúng ta đã từng chứng kiến điều này trước đây”, David Yermack, giáo sư chuyên ngành chuyển đổi tài chính và kinh doanh tại trường kinh doanh Stern, Đại học New York nhận định. “Đã có những đợt sụt giảm lớn hồi năm 2014, 2018, những mùa đông đối với tiền điện tử. Nhưng đó rốt cuộc chỉ là những đợt biến động”.

Dẫu vậy, sự biến động mạnh trong tuần qua sẽ khiến việc thuyết phục các nhà đầu tư tổ chức – vốn đã nghi ngờ về thị trường này, trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, xu hướng này cũng cho thấy rằng thay vì tạo ra con đường hướng đến việc xây dựng hệ thống tài chính mới, phi tập trung thì tiền số vẫn sẽ chỉ là “trò chơi cá cược” để một số nhà đầu tư ưa thích rủi ro làm giàu nhanh chóng. Chuyên gia Leuchtmann cảnh báo, “Vẫn có khả năng một hay nhiều loại tiền kỹ thuật số khác đột nhiên trở thành một loại tài sản không còn được ai quan tâm nữa. Do đó, chúng ta luôn phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ hàng loạt, khi các nhà đầu cơ không còn quay trở lại”.

“Chúng tôi tin rằng tiền kỹ thuật số sẽ rất khó để duy trì hệ thống tiền tệ trong tương lai”, Hyun Shin, người đứng đầu Bộ phận Kinh tế và Tiền tệ của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), cho biết hồi tháng trước. “Tôi nghĩ rằng tiền kỹ thuật số có nhiều thuộc tính của tài sản đầu cơ hơn”.

Rủi ro đối với các thị trường mới nổi

Thị trường tiền số trượt giá cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi đó đối với các thị trường mới nổi, vốn đã đã đầu tư rất nhiều vào tiền kỹ thuật số. Trong đó, trường hợp đáng chú ý hơn cả là El Salvador – quốc gia đã bắt đầu sử dụng bitcoin làm đồng tiền pháp định hồi năm ngoái. Dù bitcoin vừa rớt giá, Tổng thống Nayib Bukele của nước này vẫn mạnh tay chi thêm tiền để mua vào. Từ năm ngoái đến nay, El Salvador đã chi 105 triệu đô la để mua bitcoin và giá trị số bitcoin mà quốc gia này tích lũy đã giảm xuống còn 72 triệu đô la trong tuần trước. Khoản lỗ này, thậm chí còn lớn hơn số tiền mà El Salvador phải thanh toán cho khoản nợ trái phiếu đáo hạn vào tháng 6 tới.

Hector Torres, chủ tịch tại công ty luật Torres ở El Salvador bình luận: “Vụ đặt cược này liệu có xứng đáng hay không? Hiện tại, chúng tôi cũng không biết. Tại sao lại đầu tư vào bitcoin trong khi chúng tôi cần phải sửa sang cầu đường hay trường học? Nhiều người dân không đồng tình với quyết định của Tổng thống”.

Giáo sư Eswar Prasad cảnh báo “việc coi một tài sản tài chính đầu cơ như đồng tiền pháp định của một quốc gia là một hành động điên rồ, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các nền kinh tế đang phát triển và công dân của họ. Một số ví dụ đã trở nên rõ ràng”.

Một báo cáo trong năm ngoái của Bank of America cho thấy, sau Mỹ, các thị trường mới nổi đang dẫn đầu về các hoạt động giao dịch, khai thác và chi tiêu tiền kỹ thuật số, trong đó những cái tên nổi bật bao gồm Trung Quốc, Colombia, Ấn Độ, Kazakhstan, Kenya, Nigeria, Nam Phi, Ukraine và Việt Nam.

Hồi tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng sự biến động của tiền kỹ thuật số đang có tác động “gây mất ổn định” đối với dòng vốn ở các thị trường mới nổi và việc sử dụng nó thay cho các loại tiền truyền thống sẽ gây ra “những rủi ro tức thời và cấp tính”.

Nguồn: Financial Times, Washington Post, DW, New York Times

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn