Mỹ lưỡng đầu thọ địch: Chiến tranh Ukraina lan rộng, nguy cơ Bắc Kinh đánh Đài Loan

Thứ Bảy, 28 Tháng Năm 202211:58 SA(Xem: 2045)
Mỹ lưỡng đầu thọ địch: Chiến tranh Ukraina lan rộng, nguy cơ Bắc Kinh đánh Đài Loan
rfi.fr

Mỹ lưỡng đầu thọ địch: Chiến tranh Ukraina lan rộng, nguy cơ Bắc Kinh đánh Đài Loan

Trọng Thành

Hội Đồng Bảo An (HĐBA) lần đầu tiên đạt đồng thuận về việc cần tìm kiếm một ‘‘giải pháp hòa bình’’ cho chiến tranh tại Ukraina. Tuyên bố can thiệp bảo vệ Đài Loan, nếu Đài Bắc bị Bắc Kinh tấn công, của tổng thống Hoa Kỳ đưa ra tại Nhật Bản, gây nhiều phản ứng trái ngược. Trên đây là hai sự kiện thời sự quốc tế tiêu biểu của tháng 5/2022 sắp qua.

Một số chủ đề khác cũng được giới thiệu trong Tạp chí Thế giới Đó đây của RFI tuần này. Hiệp hội cựu sĩ quan cao cấp toàn Nga kêu gọi chiến tranh toàn diện chống Ukraina. Thất bại đau đớn của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực hậu thuẫn ứng viên bầu cử sơ bộ tại bang trọng yếu Georgia. Liên minh vì khí hậu First Movers Coalition, bao gồm các tập đoàn lớn, thu hút thêm nhiều thành viên quan trọng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos. Ca sĩ soprano số một của nước Nga, Anna Netrebko, được khán giả chào đón nồng nhiệt tại Paris, sau nhiều tuần không được biểu diễn tại phương Tây, do không có thái độ rõ ràng về chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraina.


Thế giới vào cuối tháng 4/2022 trong tình trạng căng thẳng cao độ. Tại châu Âu, cuộc xung đột vũ trang do Nga phát động tại Ukraina có thể bùng phát thành xung đột lớn hơn, với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, châm ngòi cho Đệ Tam Thế Chiến. Tại châu Á, cuộc chiến tại Ukraina khiến hòn đảo Đài Loan 24 triệu dân lo ngại Trung Quốc lợi dụng cơ hội để xâm lăng. Trung tuần tháng 4/2022, quân đội Đài Loan lần đầu tiên phát hành Cuốn cẩm nang sinh tồn cho người dân, đề phòng trường hợp Trung Quốc tấn công.

Thành công của ‘‘ngoại giao kín đáo’’

Tháng 5 mở đầu với sự kiện khá bất ngờ. Sau hơn hai tháng chiến tranh tại Ukraina, ngày 06/05, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc - định chế bảo đảm an ninh toàn cầu - rút cục đạt được đồng thuận về một Tuyên bố chung ‘‘kiên quyết ủng hộ’’ các nỗ lực của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm ‘‘tìm kiếm một giải pháp hòa bình’’ cho xung đột quân sự.

Từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina đến nay, Nga đã nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết của thành viên thường trực để bác bỏ các dự thảo nghị quyết về khủng hoảng Ukraina. Kết quả lần này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Văn bản Tuyên bố chung nhấn mạnh đến việc các quốc gia thành viên LHQ ‘‘có nghĩa vụ giải quyết các bất đồng song phương bằng các biện pháp hòa bình’’.

Đối với ông Juan Ramon de la Fuente, đại sứ Mêhicô tại LHQ (Mêhicô và Na Uy là hai quốc gia đồng chủ trì dự thảo Tuyên bố chung), đây là ‘‘bước đi nhỏ đầu tiên… theo hướng đúng’’, ‘‘hoạt động ngoại giao kín đáo đôi khi hiệu quả hơn nhiều so với các tuyên bố đao to búa lớn’’.

Tuyên bố của HĐBA được đưa ra sau chuyến công du của tổng thư ký LHQ Antonio Guetteres đến Nga và Ukraina, lần đầu tiên kể từ chiến tranh. Một số thỏa thuận về nhân đạo Nga - Ukraina đã đạt được trong và sau chuyến đi của lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, đặc biệt trong việc sơ tán dân thường và quân nhân Ukraina cố thủ tại nhà máy luyện thép Azovstal.

Việc HĐBA đồng thuận về việc tìm kiếm hòa bình cho cuộc chiến tại Ukraina không có nghĩa là chiến tranh sẽ mau chóng chấm dứt. Một số nguồn tin ngoại giao cũng cho biết là để được thông qua, Tuyên bố chung đã phải rút bớt nội dung liên quan đến vai trò của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trong việc làm trung gian đàm phán. Phía Nga khẳng định quan điểm của Matxcơva không hề thay đổi, Nga có cách hiểu ‘‘khác hẳn phương Tây đối với những từ ngữ được sử dụng trong văn bản’’. 

Dù sao, sự đồng thuận của HĐBA đã cho phép giảm thiểu nguy cơ xung đột vượt tầm kiểm soát. Gần hai tháng trước khi Nga tấn công Ukraina, 5 thành viên thường trực HĐBA, bao gồm Nga, đã ra một Tuyên bố chung khẳng định: sẽ không có bên thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Trong khi đó, việc HĐBA đạt đồng thuận tìm giải pháp hòa bình cho xung đột tại Ukraina - cho dù với tình trạng “đồng sàng dị mộng’’ nói trên - có thể là một động thái đáng chú ý, trong bối cảnh ít ngày trước dịp lễ kỉ niệm Chiến thắng phát xít Đức rầm rộ hàng năm, mà chính quyền Nga có thể sử dụng để đưa ra một quyết định quan trọng về cuộc chiến tại Ukraina. Vào thời điểm đó, nhiều nhà quan sát nêu khả năng Matxcơva có thể tuyên bố chiến tranh với Kiev, và ra lệnh tổng động viên.

Giới cựu sĩ quan Nga tố cáo ‘‘chiến dịch đặc biệt’’ thất bại, đòi ‘‘tuyên chiến’’ với Ukraina

Dịp Kỷ niệm Chiến thắng phát xít Đức ngày 09/05 trên Quảng trường Đỏ rút cục đã diễn ra khá trầm lắng. Chính quyền Putin duy trì thái độ mập mờ về cuộc chiến tại Ukraina. Matxcơva tin tưởng sẽ chiến thắng, nhưng không chính thức quyết định nâng cấp quy mô của cuộc chiến.

Trên thực tế, sau ba tháng ‘‘chiến dịch đặc biệt’’, chính quyền Putin đang đứng trước nhiều áp lực trong nội bộ. Ít nhất có hai luồng quan điểm chỉ trích. Luồng thứ nhất phê phán bản thân ‘‘chiến dịch đặc biệt’’, khẳng định Nga không nên tiến hành chiến tranh chống Ukraina, quốc gia được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của khối NATO. Luồng thứ hai phê phán chính quyền đã đầu tư không đủ cho cuộc chiến, dẫn đến nhiều thất bại. Cả hai luồng quan điểm đều nhấn mạnh đến sự ‘‘thất bại’’ của ‘‘chiến dịch đặc biệt’’ tại Ukraina, sau gần ba tháng chiến tranh.

Giới chuyên gia quân sự phương Tây chú ý đến việc Hội đồng Sĩ quan Toàn Nga, ngày 19/05/2022, công bố thư ngỏ gửi đến tổng thống và các lãnh đạo nước Nga (thư được gửi đến thượng phụ Chính Thống Giáo, thủ tướng, chủ tịch Thượng và Hạ Viện, lãnh đạo các cơ quan tình báo), kêu gọi chiến tranh toàn diện chống Ukraina. Tuyên bố được đưa ra đúng vào ngày Hội Sĩ quan Toàn Nga thay chủ tịch. Thượng tướng Leonid Ivashov rời chức vụ. Tướng Leonid Ivashov, được coi là ‘‘người sáng lập ngành địa-chính trị quân sự Nga’’, từng kêu gọi tổng thống Putin từ chức, và Matxcơva không tấn công Ukraina.

Viện Nghiên cứu về Chiến tranh (Institute for Study of War - ISW), có trụ sở tại Washington, trong bản tin về cuộc xâm lăng Nga tại Ukraina, cho biết Hội đồng Sĩ quan Toàn Nga kêu gọi tổng thống Putin ‘‘tuyên chiến với Ukraina’’, huy động đông đảo dân chúng tham gia chiến tranh, kéo dài thời gian phục vụ trong quân ngũ…, với mục tiêu kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraina. Các sĩ quan cũng đưa ra nhiều biện pháp khắc nghiệt hơn, như “tử hình’’ quân nhân đào ngũ.

Thư ngỏ của giới sĩ quan kêu gọi tuyên chiến với Ukraina được tung ra sau chiến dịch vượt sông Svierskyi Donets ngày 11/05 thất bại, gần như toàn bộ đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn của Nga bị tiêu diệt. Thất bại gây sốc cho giới chuyên gia quân sự Nga. Theo ISW, ‘‘thất vọng gia tăng tại Nga ngay trong giới cầm quyền, về khả năng lãnh đạo của điện Kremlin’’. Thống đốc vùng Kaliningrad công khai phàn nàn về cuộc chiến của Nga tại Ukraina làm gián đoạn giao thông vận tải, và các kế hoạch xây dựng. ISW tổng hợp thông tin về việc giới blogger Nga kêu gọi điện Kremlin ‘‘không nghe theo kêu gọi’’ của Hội đồng Sĩ quan Toàn Nga.

Cho đến nay, chính quyền Putin không muốn đưa ra quyết định tổng động viên một phần, ‘‘vì lo ngại phản ứng dữ dội trong nước’’. Đã có thông tin về một số cuộc tấn công nhắm vào các trụ sở tuyển quân ở Nga. Số lượng gia tăng trong những tuần gần đây.

Mỹ làm rõ chính sách ‘‘mập mờ chiến lược’’ về Đài Loan: Thông điệp răn đe gửi đến Bắc Kinh

Hoa Kỳ đang trong thế trận lưỡng đầu thọ địch. Thách thức Trung Quốc là mặt trận thứ hai của nước Mỹ. Cuối tháng 5/2022, trong lúc chiến tranh tại Ukraina bước vào giai đoạn ít có nguy cơ bùng phát, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến công du châu Á đầu tiên, với điểm đến là Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh trụ cột ở khu vực. Ngày 23/05, tại Nhật Bản, tổng thống Hoa Kỳ có phát biểu gây chú ý đặc biệt.

Ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Phát biểu gây các phản ứng hết sức trái ngược trong giới chuyên gia. Một bên, không ít người cho rằng tuyên bố trên của ông Biden làm ‘‘suy yếu thêm học thuyết mập mờ chiến lược của Mỹ’’, ‘‘làm phá hỏng tính chất răn đe’’ của chúng, như phân tích của bà Bonnie Glaser, giám đốc phụ trách khu vực châu Á, thuộc German Marshall Fund of the United States. 

Tuy nhiên, cũng không ít người có quan điểm ngược lại. Khẳng định rõ ràng ‘‘lằn ranh đỏ’’ không hẳn là phá hủy nguyên tắc ‘‘mập mờ chiến lược’’. Đài Pháp TV5 Monde có bài “Đài Loan : Biden tăng cường chính sách nổi tiếng ‘mập mờ chiến lược’ hơn là bãi bỏ’’ (Taïwan: Biden accentue plus qu'il ne lève la fameuse 'ambiguïté' américaine, đăng ngày 24/05). Hoa Kỳ, kể từ năm 1979, về mặt ngoại giao chỉ công nhận chính quyền Trung Quốc ở Bắc Kinh, với chính sách ‘‘Một nước Trung Hoa’’. Washington hứa cung cấp cho Đài Loan các phương tiện quân sự để tự vệ, nhưng không cam kết rõ ràng Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp để hỗ trợ Đài Bắc hay không. Tuy nhiên, gần đây chính sách này dưới thời lãnh đạo của cả đảng Cộng Hòa, cũng như Dân Chủ, đang thay đổi theo hướng cam kết hậu thuẫn mạnh hơn với Đài Loan.

Theo thông tín viên Frédéric Charles, từ Tokyo, thông điệp dứt khoát và cứng rắn nói trên của Biden là nhằm không để Trung Quốc có cơ hội manh động với hòn đảo. Nhưng ngược lại chính quyền Biden chấp nhận một số điểm nhân nhượng với Trung Quốc, đặc biệt là về mặt kinh tế, trái ngược với chính quyền tiền nhiệm:  

‘‘Kết thúc cuộc hội đàm với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đưa ra tuyên bố: Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, chúng tôi sẽ can thiệp để bảo vệ’’. Sau đó, tổng thống Mỹ đã bổ sung thêm một sắc thái: “Chúng ta đã thống nhất về chính sách một Trung Quốc, nhưng nếu Đài Loan có thể bị cưỡng bức bằng vũ lực, thì điều đó là không phù hợp. Phía Trung Quốc đã tiến sát đến vùng nguy hiểm, khi liên tục đưa không quân tiếp cận Đài Loan’’.

Thái độ dứt khoát nói trên của tổng thống Mỹ khiến giúp Tokyo bớt được gánh nặng. Nhật Bản quốc gia ở tuyến đầu trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan. Hòn đảo cuối cùng của Nhật Bản ở phía nam, chỉ nằm cách Đài Loan khoảng 100 cây số.

Về Nga, ông Joe Biden nói: “Việc buộc Putin phải trả giá đắt cho cuộc xâm lăng Ukraine là điều cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan’’. Tổng thống Mỹ tỏ ra cứng rắn trên mặt trận ngoại giao với Trung Quốc, nhưng cùng lúc tìm cách xoa dịu Bắc Kinh về mặt kinh tế.

Tổng thống Biden sẵn sàng dỡ bỏ một số hàng rào thuế quan đối với Trung Quốc. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ không muốn chiến tranh kinh tế hay chiến tranh quân sự với Trung Quốc’’.

Về chủ đề này, trên tuần báo Pháp l’Express, nhà Hoa Kỳ học Jean-Eric Branaa (Đại học Paris II - Panthéon), tương tự như TV5 Monde, cũng nhấn mạnh đến nỗ lực của tổng thống Biden, làm sáng tỏ hơn nguyên tắc ‘‘mập mờ chiến lược’’. Đó là nếu Trung Quốc vượt qua ‘‘lằn ranh đỏ, khi sử dụng sức mạnh, Hoa Kỳ sẽ can thiệp’’.

Giám đốc chương trình châu Á của Viện Montaigne, Mathieu Duchâtel, trên France 24, thì đặc biệt lưu ý đến dụng ý của tổng thống Biden khi nhấn mạnh khác biệt rõ ràng giữa Ukraina và Đài Loan. Thông điệp gửi đến Trung Quốc là : Hoa Kỳ không tham chiến trực tiếp chống Nga cùng Kiev, nhưng nếu Trung Quốc đánh Đài Loan, Mỹ sẽ tham chiến.

Thất bại của ứng viên thân Donald Trump trong bầu cử sơ bộ tại bang Georgia

Nước Mỹ đang bước vào giai đoạn trước bầu cử Quốc Hội giữa kỳ. Theo nhiều dự báo, đảng Cộng Hòa sẽ giành được đa số tại Hạ Viện trong cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa kỳ tháng 11 tới. Vấn đề được giới quan sát chú ý là phe của ông Donald Trump - người đã khuynh đảo chính trường Mỹ, gây phân hóa sâu sắc trong xã hội Mỹ, không ngần ngại tấn công vào các định chế pháp quyền của nước Mỹ - có đưa được nhiều chính trị gia lọt vào Hạ Viện hay không. Cựu tổng thống Trump hiện ủng hộ khoảng 150 người ứng cử vào ghế dân biểu Quốc Hội Mỹ. 

Ông Trump vừa gánh chịu một thất bại đau đớn trong một cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa tại bang trọng yếu Georgia. Đông đảo đảng viên Cộng Hòa đã không ủng hộ ứng viên được ông Trump bảo trợ, mà bầu cho các chính trị gia cương trực. Hồi tháng 11/2020, trong thời gian xác nhận kết quả bầu cử tổng thống, các chính trị gia nói trên đã cương quyết chống lại các quy kết bầu cử gian lận, cho dù không đưa ra được bằng chứng, của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump.

Thống đốc bang Brian Kemp là người đã từ chối yêu cầu ‘‘hủy bỏ’’ kết quả bầu cử, bất chấp áp lực của tổng thống Trump. Theo Reuters, trong cuộc bỏ phiếu ngày 24/05, ứng cử viên tranh cử Quốc Hội của đảng Cộng Hòa, thống đốc bang Brian Kemp được 73% cử tri ủng hộ so với 22% ủng hộ đối thủ cựu thượng nghị sĩ David Perdue, được Donald Trump ủng hộ.

Kể từ khi thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, từ hơn một năm nay, cựu tổng thống Donald Trump tìm mọi cách để chứng minh kết quả bị ‘‘đánh cắp’’, do ‘‘gian lận phiếu bầu quy mô lớn’’ cho dù không có bằng chứng. Rút cục chiến dịch ‘‘bôi nhọ’’ những lãnh đạo chính quyền (theo đảng Cộng Hòa), không chấp nhận đứng về phía ông Trump, đã thất bại. Đây là một bằng chứng cho thấy cử tri đã quyết định ‘‘trừng phạt’’ nỗ lực can thiệp chống lại bộ máy Nhà nước Hoa Kỳ của tổng thống mãn nhiệm.

Phải thắng cả 3 trận chiến: Khí hậu, khủng hoảng ở Ukraina, năng lượng

Khí hậu tiếp tục là mặt trận hàng đầu đầy thách thức. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thụy Sĩ, hôm 25/05 vừa qua, đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry thông báo thêm nhiều nước tham gia vào liên minh First Movers Coalition, gồm các công ty cam kết tài trợ cho các công nghệ thoát khỏi năng lượng hóa thạch. Thêm 20 công ty, trong đó có nhiều công ty lớn.

Theo AFP, đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ cho biết có thêm Thụy Điển, Ấn Độ, Nhật Bản, Na Uy, Ý, Anh, Singapore và Đan Mạch tham gia vào Liên minh. Giám đốc tài chính Ruth Porat của tập đoàn Google cho biết tập đoàn đã cam kết dành 200 triệu đô la để phát triển công nghệ thu hồi khí thải các-bon.

Phát biểu tại Davos, đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần nỗ lực để cùng lúc thắng cả 3 trận chiến, trận chiến khí hậu, khủng hoảng ở Ukraina, khủng hoảng năng lượng :

Chúng ta có thể vừa đối phó với cuộc khủng hoảng ở Ukraina, với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, trong khi vẫn tiếp tục hành động vì khí hậu. Đó là nghĩa vụ của chúng ta. Đừng ai nghĩ rằng cuộc khủng hoảng Ukraina hiện nay là cái cớ để khởi động lại việc xây dựng các loại cơ sở hạ tầng cũ.

Chúng ta cần phải sáng tạo hơn, và thông minh hơn thế. Tôi sẽ cung cấp cho các bạn một vài số liệu sau đây : Phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đã tăng 6% và tiêu thụ than tăng 9% trong năm ngoái.

Tôi nghĩ chúng ta phải lạc quan, bởi vì nếu lựa chọn đúng, thì chúng ta có thể giành chiến thắng trong tất cả những trận chiến này. Chúng ta sẽ có khả năng quản lý đồng thời cả cuộc khủng hoảng ở Ukraina, cả cuộc khủng hoảng về khí hậu.

Nhưng chúng ta không thể để cho mình buông xuôi với niềm tin rằng : những gì đang xảy ra bây giờ là một cánh cửa rộng mở để quay lùi trở lại - coi đó là một cái cớ để tiếp tục làm chính những điều, vốn dĩ đã đưa chúng ta đến cuộc khủng hoảng, mà chúng ta đang phải trải qua hiện nay. Cuộc khủng hoảng này sẽ không thể được giải quyết, nếu chúng ta không có một cách tiếp cận được xem xét thấu đáo’’.

Ngôi sao soprano Nga trở lại với Paris

Sự trở lại của ca sĩ opera Anna Netrebko trên sân khấu Pháp tối 25/05 tại nhà hát Philharmonie de Paris được coi là một sự kiện. Buổi trình diễn của Anna Netrebko dự kiến vào mùa thu 2020, đã phải hoãn lại nhiều lần do đại dịch, và gần đây, do chiến tranh ở Ukraina.

Anna Netrebko được nhiều người coi là giọng ca opera số một của nước Nga. Kể từ khi Nga tấn công Ukraina, các chương trình biểu diễn của Anna Netrebko tại châu Âu, và Hoa Kỳ bị hủy bỏ, do việc ca sĩ không tỏ thái độ rõ ràng về cuộc chiến. Ngày 30/03, Anna Netrebko đã chính thức lên án cuộc ‘‘chiến tranh’’ xâm lược của Nga tại Ukraina. Ngay lập tức, các chương trình dự kiến tại Nga của bà bị hủy. Ngày 01/04, Hạ Viện Nga ra thông báo gọi Anne Netrebko là ‘‘kẻ phản bội’’.

Trong lúc công chúng Pháp trong rạp hát đón nhận nồng nhiệt sự trở lại của Anna Netrebkon, bên ngoài, phóng viên ghi nhận hàng chục người biểu tình giương cao cờ Ukraina, lên án việc ngôi sao soprano người Nga đến biểu diễn tại thủ đô nước Pháp.

Nghệ sĩ Anna Netrebko từng bị cáo buộc ủng hộ phe ly khai vùng Donbass, biếu tiền hồi năm 2014, cho chính trị gia Ukraina thân Nga Oleg Tsarev, người đứng đầu tổ chức ‘‘bất hợp pháp’’ (đối với chính quyền Ukraina) mang tên ‘‘Nghị Viện Novorossia'' (tức vùng ‘‘Nước Nga mới’’), bao gồm các khu vực thuộc miền nam và đông Ukraina mà chính quyền Matxcơva muốn thôn tính.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Le Monde, hôm 22/05, ca sĩ Nga đã giải thích về việc bà hoàn toàn ‘‘vô tội’’, và đã bị đánh lừa như thế nào. Năm 2012, ca sĩ Anna Netrebko từng bỏ phiếu bầu ông Putin làm tổng thống Nga. Ngược lại, năm 2018, ca sĩ đã không bỏ phiếu, vì thất vọng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn