Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Ấn-Úc và những điểm nhấn

Thứ Tư, 25 Tháng Năm 20224:00 SA(Xem: 1642)
Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Ấn-Úc và những điểm nhấn
voatiengviet.com

Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Ấn-Úc và những điểm nhấn

Reuters

Nhật Bản vội vã đưa máy bay phản lực nghênh cản sau khi các máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc tiến gần không phận nước này nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 24/5, Tokyo bày tỏ ‘quan ngại nghiêm trọng’ về điều mà họ xem là hành động khiêu khích diễn ra trùng với thượng đỉnh của Bộ Tứ Quad.

Các vấn đề về Đài Loan và Nga đã phủ bóng lên cuộc họp tại Tokyo của các lãnh đạo nhóm Quad gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, những người nhấn mạnh quyết tâm đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trước một nước Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định Quad không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.

Trong lúc các lãnh đạo gặp nhau, máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tuần tra chung kéo dài 13 giờ trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi gọi đây có phần chắc là hành động khiêu khích của cả Bắc Kinh và Moscow.

Cuộc tuần tra diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden khiến Trung Quốc tức giận với tuyên bố trước đó một ngày rằng sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ hòn đảo dân chủ Đài Loan. Hôm 24/5, ông Biden tuyên bố không có thay đổi nào đối với chính sách “chiến lược mơ hồ” của Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan.

“Chúng tôi tin hành động này được thực hiện trong lúc diễn ra thượng đỉnh Quad khiến nó trở nên khiêu khích hơn trước đây”, ông Kishi nói về cuộc tập trận của Trung Quốc và Nga.

Ông Kishi tuyên bố trong cuộc họp báo sau khi ông Biden rời Tokyo rằng Nhật Bản đã đưa máy bay phản lực lên nghênh cản và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” tới Nga và Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.

Quân đội Hàn Quốc cũng phái máy bay chiến đấu ra nghênh cản và cho biết ít nhất có 4 máy bay chiến đấu của Trung Quốc và 4 máy bay chiến đấu của Nga đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói cuộc tuần tra lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine này nằm trong khuôn khổ các cuộc tập trận hàng năm. Từ 2019, hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận này nhưng thường diễn ra vào nửa cuối năm.

Các nhà lãnh đạo của nhóm Quad nói trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm rằng họ đã “bàn bạc về các phản ứng tương xứng đối với cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng nhân đạo bi thảm đang diễn ra.”

Quad nhượng bộ Ấn Độ?

Trong một nhượng bộ rõ ràng đối với Ấn Độ, quốc gia lâu nay có quan hệ chặt chẽ với Nga, các từ “Nga” hoặc “người Nga” đã không xuất hiện trong tuyên bố.

Tiếp theo hội nghị thượng đỉnh Quad, ông Kishida cho hay các nhà lãnh đạo, bao gồm cả Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã chia sẻ mối quan tâm của họ về Ukraine và cả bốn người đều nhất trí về tầm quan trọng của pháp quyền, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Bình luận của ông Biden về Đài Loan, vốn không có trong chương trình nghị sự chính thức tại cuộc họp Quad, là tâm điểm thu hút nhiều sự chú ý của các phái đoàn và giới truyền thông.

Mặc dù luật pháp yêu cầu Washington phải cung cấp cho Đài Loan tự trị phương tiện để tự vệ, nhưng lâu nay Washington vẫn theo chính sách “mơ hồ chiến lược” về việc liệu có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công hay không – một quy ước dường như ông Biden đã phá vỡ hôm 23/5.

Hôm 24/5, ông Biden, đáp câu hỏi liệu có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ với Đài Loan hay không, đã trả lời: “Không.”

“Chính sách không thay đổi chút nào. Tôi đã nói rõ khi tôi đưa ra tuyên bố của mình ngày hôm qua”, ông nói sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp Quad.

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể thay đổi của họ và nói rằng đây là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ với Washington.

Phát biểu của ông Biden ngày 23/5, khi ông tình nguyện hỗ trợ quân sự Hoa Kỳ cho Đài Loan, là bình luận mới nhất trong một loạt các tuyên bố ứng khẩu cho thấy khuynh hướng cá nhân của ông là bảo vệ hòn đảo.

Một số nhà phê bình cho rằng ông đã nói nhầm về vấn đề này, hoặc nói sai, nhưng các nhà phân tích khác cho rằng dựa vào kinh nghiệm chính sách đối ngoại sâu rộng của ông Biden và bối cảnh mà ông đưa ra nhận xét, bên cạnh ông Kishida và sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, ông không hề nói nhầm.

Các nhà phân tích và cố vấn khác cho rằng ông Biden mang một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc trong chuyến đi của mình - đừng thử những gì Nga đã làm ở Ukraine ở bất kỳ đâu ở châu Á, đặc biệt là ở Đài Loan.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24/5 nói nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ không thể lay chuyển và không thế lực nào trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, có thể ngăn Trung Quốc đạt được ‘sự thống nhất hoàn toàn.’

Ông Biden đã rời Tokyo, kết thúc chuyến công du.

‘Vấn đề toàn cầu’

Phát biểu trước báo giới, ông Biden lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nói rằng cuộc xâm lược này đã gây hậu quả toàn cầu.

Ông nói: “Việc Nga tấn công Ukraine chỉ làm tăng thêm tầm quan trọng của các mục tiêu của các nguyên tắc cơ bản về trật tự quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Luật pháp quốc tế, nhân quyền phải luôn được bảo vệ bất kể chúng bị vi phạm ở đâu trên thế giới”.

Ông Kishida phản ánh lời lên án của ông Biden đối với Nga, nói rằng cuộc xâm lược ‘làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế’ và là một thách thức trực tiếp đối với các nguyên tắc của Liên hiệp quốc.

“Chúng ta không nên để những điều tương tự xảy ra tại vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông nói.

Ông Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ sát cánh với ‘các đối tác dân chủ thân thiết’ để thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Hoa Kỳ thất vọng với những gì họ cho là thiếu sự ủng hộ của Ấn Độ đối với các chế tài Nga do Hoa Kỳ dẫn đầu và lên án cuộc xâm lược. Ấn Độ cũng đã bỏ phiếu trắng trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về cuộc xâm lược của Nga.

Tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết ‘những quan điểm mạnh mẽ’ đã được bày tỏ trong các cuộc thảo luận về Nga nhưng không cho biết chi tiết.

Ông Albanese nói với các nhà lãnh đạo Quad rằng ông muốn tất cả họ dẫn đầu về vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông nói: “Khu vực đang trông chờ chúng ta làm việc với họ và dẫn đầu bằng cách làm gương.”

Trung Quốc đã và đang mở rộng ảnh hưởng của mình ở Thái Bình Dương, nơi các quốc đảo phải đối mặt với một số rủi ro trực tiếp nhất từ nước biển dâng. Trong những ngày tới, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến thăm Quần đảo Solomon, nơi gần đây đã ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc bất chấp sự hồ nghi của Mỹ và Úc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn