Ukraine: Cuộc chiến tranh điệp viên trong thời chiến

Thứ Tư, 25 Tháng Năm 202211:00 SA(Xem: 1966)
Ukraine: Cuộc chiến tranh điệp viên trong thời chiến
bbc.com

Ukraine: Cuộc chiến tranh điệp viên trong thời chiến


  • Gordon Corera
  • Phóng viên an ninh, BBC News

Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow

Xung đột tình báo kéo dài hàng thập kỷ giữa Nga và Phương Tây ngày càng tăng nhiệt liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine. Thế nhưng các cơ quan tình báo của Nga bị tình nghi thực hiện điều gì và việc giới chức Nga bị trục xuất khỏi thủ đô các nước sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động gián điệp ngầm ở nước ngoài của Putin?

Khi lần đầu đặt mục tiêu quân sự nhắm đến Ukraine vào năm 2014 thì Nga đã tung lực lượng tình báo nhằm vào Phương Tây - từ can thiệp các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến tấn công mạng cho đến các vụ đầu độc hay phá hoại ở Châu Âu.

Thế nhưng trong những tháng gần đây thì cuộc chiến tranh điệp viên ngày càng tăng độ nóng khi các quốc gia Phương Tây tìm cách đáp trả và gây tổn thất lâu dài lên năng lực tiến hành các hoạt động ngầm của giới tình báo Nga. Và việc trục xuất chưa có tiền lệ 500 quan chức Nga khỏi các quốc gia này là biểu tượng.

Một cách chính thức thì những quan chức này được mô tả là các nhà ngoại giao, thế nhưng phần lớn trong số họ được cho là những sĩ quan tình báo giấu mặt. Một số người sẽ tiến hành các hoạt động gián điệp truyền thống - như bới tìm thông tin liên lạc và tuyển dụng các gián điệp, những người có thể mật báo thông tin - đây là điều mà các quốc gia Phương Tây cũng tiến hành ngay trong lòng nước Nga.

Thế nhưng một số người được cho là đang thực hiện việc mà phía Nga gọi là "các biện pháp chủ động". Bao gồm tuyên truyền, cho đến những hành động mật mang tính hung hãn hơn. Ba Lan nói 45 người Nga mà nước này trục xuất có liên quan đến những hành động gây "tổn hại đến sự ổn định" của quốc gia.

Kể từ năm 2014, các cơ quan tình báo Phương Tây đã tiến hành nhận diện những điệp viên Nga có liên quan đến những hoạt động như vậy. Một trong số đó là Đơn vị 29155 GRU của cơ quan tình báo quân sự Nga, được cho đã thực thi nhiệm vụ phá hoại, lật đổ chính phủ và ám sát.

Phải mất gần 7 năm để phát hiện đơn vị này đứng đằng sau một vụ nổ lớn khiến một kho đạn dược ở một khu rừng tại Cộng hòa Séc trở thành đống tro tàn vào tháng 10/2014. Đơn vị này cũng có liên quan đến các phi vụ sau đó bao gồm vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Salisbury (Anh Quốc) vào năm 2018.

Một đội tương tự cũng thực hiện đầu độc một tay buôn vũ khí ở Bulgaria, người trữ vũ khí ở kho đạn dược tại Cộng hòa Séc - một giả thuyết được đưa ra đó là vụ nổ và vụ đầu độc có liên quan đến việc người này cung cấp vũ khí cho Ukraine khi cuộc xung đột tại đây mới bắt đầu.

Các thành viên của đơn vị này cũng có liên quan đến việc đưa những lãnh đạo thân Nga rời khỏi Ukraine vào năm 2014. Và tình báo Phương Tây vẫn đang để mắt chặt chẽ đến 29155 GRU.

Các đối tượng tình nghi trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Salisbury - gồm Alexander Petrov (trái) và Ruslan Boshirov

Nguồn hình ảnh, Metropolitan Police

Chụp lại hình ảnh,

Các đối tượng tình nghi trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Salisbury - gồm Alexander Petrov (trái) và Ruslan Boshirov

Thế nhưng theo dõi một kèm một đối với điệp viên cá nhân là công việc tốn kém. Trong khi các điệp viên Phương Tây tại Nga đã từ lâu bị theo dõi 24/7, thì các điệp viên Nga tại những thủ đô ở Phương Tây thì không bị như vậy.

"Sự hiện diện càng lớn thì việc kiểm soát chính xác hành tung của họ trở nên khó khăn hơn," một quan chức Mỹ nói với BBC.

Thế nhưng điều này hiện nay có thể đang thay đổi. Giới chức Phương Tây nói các vụ trục xuất gần đây không chỉ là một cử chỉ phản đối mang tính biểu tượng mà còn là một phần trong một nỗ lực sâu rộng hơn nhằm làm suy giảm khả năng gây nguy hại từ Nga. Một số người theo dõi điệp viên cũng nói rằng vụ trục xuất quy mô lớn lẽ ra phải làm từ rất lâu rồi. Người Nga đang cười vào mặt chúng ta vì đã chịu đựng cho sự hiện diện của họ, một quan chức nói.

"Chúng ta đang cố gắng tạo nên tổn thất cho phía Nga để làm suy giảm năng lực tấn công của họ và khả năng tạo nên các mối đe dọa đến những quốc gia láng giềng và Phương Tây," một quan chức nói. "Một số quốc gia Châu Âu đã có hành động để làm suy giảm khả năng gián điệp của Nga trên khắp Châu Âu. Tất cả những bước đi này được tạo nên nhằm giảm mối đe dọa của họ đối với chúng ta."

Một số quốc gia được cho rằng có sự hiện diện đặc biệt đáng kể của Nga. Berlin đã trục xuất 40 người Nga. Tuy nhiên một quan chức tình báo Phương Tây nói họ tin rằng Đức đã là nơi trú ngụ cho gần 100 sĩ quan tình báo Nga, đóng vai trò như "một hàng không mẫu hạm" cho các hoạt động của họ.

Tại sao Anh Quốc không trục xuất bất kỳ ai? Giới chức cho rằng tất cả họ đã bị trục xuất sau vụ đầu độc tại Salisbury và những điệp viên còn sót lại là những sĩ quan "được tuyên bố" hành động như người liên lạc cho hoạt động tiếp xúc chính thức. Những người này có thể bị MI5 theo dõi về việc liệu có bất kỳ dấu hiệu nào đang tiến hành những hành động mờ ám cho phe của mình.

Tại Mỹ, các vụ trục xuất cũng dựa vào những cuộc điều tra đối với mỗi cá nhân. "Tất cả các quyết định về người nào bị trục xuất thì dựa vào thông tin tình báo do FBI thu thập dựa trên những gì mà họ đang làm," một quan chức Mỹ giải thích.

Các quốc gia Phương Tây cũng đang phối hợp nhằm đảm bảo bất kỳ ai bị trục xuất không đơn giản có thể nộp visa để nhập cảnh vào một quốc gia khác.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Máy bay Nga đưa những nhân viên ngoại giao bị trục xuất về nước từ sân bay quốc tế Dulles ở bang Virginia, Mỹ vào ngày 05/03/2022

Giới chức an ninh nói rằng họ tin rằng số lượng lớn các vụ trục xuất xảy ra trong một thời gian ngắn sẽ có tác động "làm suy yếu" tình báo Nga khi Moscow phải chật vật suy tính các hoạt động có thể tiếp diễn như thế nào và bố trí người nào, tại đâu.

Nga cũng đã trả đũa khi trục xuất các nhân viên ngoại giao Phương Tây. Trên thực tế, nhiều người trong số này có thể là nhân viên ngoại giao "thật sự" hơn là các điệp viên. Một trong những lời phàn nàn từ các cơ quan an ninh Phương Tây từ lâu là sự mất cân đối giữa số lượng nhân viên ngoại giao Nga tại các quốc gia Phương Tây và tỷ lệ người làm gián điệp so với số lượng của Phương Tây hoạt động tại Moscow. Nga đã trục xuất 40 người Đức, chiếm đến khoảng 1/3 số lượng nhân viên ngoại giao hiện diện tại thủ đô Moscow.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga có thể mang đến những cơ hội khác. Các sự kiện trong quá khứ như việc Moscow đàn áp đẫm máu Mùa xuân Prague năm 1968 đã khiến một số người trong giới tình báo ở Moscow vỡ mộng, mở đường cho họ được tuyển dụng làm điệp viên của Phương Tây.

Tại thủ đô Washington DC, thông qua các quảng cáo trên mạng, FBI đã nhắm đến những người thân cận với Đại sứ quán Nga, theo một bài báo trên tờ Washington Post. Những người này được khuyến khích nói chuyện với FBI, sử dụng hình ảnh của Vladimir Putin công khai làm bẽ mặt Sergey Naryshkin, Giám đốc cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga (SVR).

Kể từ năm 2014, Ukraine đã trở thành tiêu điểm trong cuộc chiến đấu tình báo mang tính bạo tàn hơn, mỗi bên cố gắng tuyển dụng và loại thải gián điệp cũng như các vụ ám sát quan chức cấp cao của Ukraine.

Các cơ quan tình báo Phương Tây và lực lượng đặc nhiệm cũng đã huấn luyện các đối tác Ukraine trong những năm qua cũng công khai hỗ trợ quân sự. Họ cũng giúp bắt giữ các gián điệp Nga và cung cấp huấn luyện hành động mật thám, bao gồm bộ phận Ground Branch của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).

Cuộc chiến điệp viên có thể tiếp tục leo thang, đặc biệt khi hành động do thám cho thấy một lựa chọn dành cho Moscow khi nhắm đến các tuyến viện trợ quân sự cho Ukraine. Vụ tấn công tên lửa vào các đoàn xe hoặc cơ sở tại Ba Lan sẽ là rủi ro cao vì có thể kích hoạt điều khoản tự vệ số 5 trong Hiến chương NATO và đưa đến một cuộc xung đột toàn diện.

Nhưng giới chức tình báo Phương Tây nói họ cũng quan ngại rằng hoạt động mang tính phá hoại tại Cộng hòa Séc vào năm 2014 có thể được tiến hành tại Ba Lan, trong bối cảnh quốc gia này đóng vai trò chính yếu trong hoạt động viện trợ quân sự cho Ukraine.

Các dạng hoạt động bí mật này thường do những người Nga ra vào một quốc gia tiến hành hơn là những nhân viên ngoại giao. Nhưng các đại sứ quán cũng cung cấp một hạ tầng tạo điều kiện thực hiện các hoạt động này, một giới chức tình báo Phương Tây giải thích.

Và kỳ vọng là các vụ trục xuất quy mô lớn sẽ khiến những hoạt động tình báo truyền thống trở nên khó khăn hơn, ít ra là bởi vì có ít gián điệp hoạt động hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn