Bàn về ngoại giao cây tre và lựa chọn của VN trước chuyến thăm của Thủ tướng Chính tới Mỹ

  • Nguyễn Khắc Giang
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Wellington, New Zealand

Quan hệ Việt - Mỹ

Nguồn hình ảnh, EVELYN HOCKSTEIN/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội hôm 25/8/2021

Vào giữa tháng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ lần đầu sang thăm Hoa Kỳ để tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tổ chức lần đầu tại Nhà Trắng sau nhiều lần trì hoãn. Đây có thể là dấu mốc lớn cho đường lối ngoại giao của Việt Nam, đặc biệt đặt trong bối cảnh hai chuyển biến lớn về địa chính trị toàn cầu gần đây.

Về ngắn hạn, đối tác truyền thống của Việt Nam - Liên bang Nga - xâm lược Ukraine và rơi vào thế đối đầu trực diện với phương Tây. Nga không chỉ là người "bạn cũ", mà còn là nhà cung cấp vũ khí số một cho Hà Nội, cũng như tham gia một số dự án khai thác dầu khí chiến lược trên biển Đông.

Về dài hạn, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển sang giai đoạn cạnh tranh chiến lược, với kết quả sẽ định hình bức tranh chính trị quốc tế trong thế kỷ này. Viễn cảnh "trỗi dậy hòa bình" sẽ khó trở thành hiện thực giữa một siêu cường mới nổi và siêu cường thống trị sẽ chỉ có một bên thắng cuộc. Cùng với Ấn Độ, Việt Nam được Kurt Campbell, Điều phối viên của Nhà Trắng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, coi là hai quốc gia đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai Châu Á. Nói cách khác, Hoa Kỳ coi Việt Nam là một "bang chiến trường" (swing state) trong nỗ lực kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Lập trường của Việt Nam về hai vấn đề trên chắc chắn sẽ là một đề tài thảo luận lớn của Thủ tướng Chính với lãnh đạo Mỹ. Từ sau Chiến tranh Lạnh, Hà Nội nhất quán với chính sách ngoại giao "lập lờ chiến lược", không thực sự bày tỏ lập trường trong các vấn đề quốc tế.

"Việt Nam hết sức quan ngại…." và "kêu gọi các bên kiềm chế" là phát biểu quen thuộc của Bộ Ngoại giao mỗi khi phóng viên đặt câu hỏi. Cách tiếp cận này có thể khôn ngoan và phù hợp với một thế giới mở và tương đối yên ổn trong 30 năm qua. Tuy nhiên, khi thế giới ngày càng phân cực, Hà Nội sẽ bị buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Biden tham dự kỳ họp thượng đỉnh online với các lãnh đạo Asean hồi tháng 10/2021

Vào cuối tháng 12/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tới chính sách "ngoại giao cây tre", trong đó nhấn mạnh đến phương châm "vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành". Hình tượng cây tre được Tổng bí thư Trọng đề cập một vài lần trước đó, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên được phát triển thành một trường phái đối ngoại. Điều này có lẽ phản ánh phần nào tinh thần lạc quan của Hà Nội rằng "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Tuy nhiên, cuộc xâm lược trắng trợn của Nga vào Ukraine hai tháng sau đó khiến đường lối ngoại giao cây tre của Việt Nam gặp bài toán khó đầu tiên. Nếu kiên trì với nguyên tắc "vững ở gốc" - độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, và lợi ích dân tộc - Hà Nội sẽ phải lên án mạnh mẽ hành động của Nga, vốn vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc và tạo tiền lệ nguy hiểm tới những nước nhỏ hơn như Việt Nam sau này. Một quốc gia khác trong ASEAN, Singapore, phê phán kịch liệt hành động của Nga bởi lý do đó.

Điều khó cho Hà Nội là việc thể hiện thái độ với Nga có thể ảnh hưởng tới lợi ích hiện tại. Mặc dù nguồn cung vũ khí đã được đa dạng hóa trong vòng một thập niên đổ lại với từ Israel hay Ấn Độ, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam. Điều này không thể thay đổi ngay lập tức.

Thêm vào đó, các hợp đồng khai thác dầu khí của Nga mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Hà Nội trong chiến lược bảo vệ chủ quyền trên biển Đông, trong bối cảnh nhiều công ty nước ngoài - như Repsol của Tây Ban Nha vào năm 2016 - phải rút lui trước sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc. Nếu bị Moscow coi là quốc gia "không thân thiện", đó sẽ là hai rủi ro chính với Hà Nội.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người dân Việt Nam quan tâm tin chiến sự Ukraine

Động thái vừa ngầm lên án Nga ở Đại Hội đồng LHQ vừa liên tục bỏ phiếu trắng, phần nào đó là cách Hà Nội "đi trên dây" để duy trì nguyên tắc và lợi ích.

Việc đi nước đôi vào thời điểm hiện tại có thể là hành động ngoại giao khôn ngoan trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, dù có "chọn phe" hay không, việc cân nhắc lại mối quan hệ với Moscow là không thể tránh khỏi. Ví dụ như vấn đề phụ thuộc nguồn cung vũ khí. Dù Washington có thể không ép Hà Nội phải "chọn phe", nhưng Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ bị trừng phạt theo đạo luật CAATSA (Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt) như Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc những rủi ro khác khi nước Nga sẽ còn bị cô lập rất lâu trên toàn cầu.

Quan trọng hơn, nếu chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn, rủi ro về dài hạn sẽ rất lớn.

Nằm bên cạnh một siêu cường quân sự, Việt Nam tương đồng với Ukraine nhiều hơn với Nga. Một thế giới "cá lớn nuốt cá bé" chắc chắn bất lợi hơn cho Hà Nội, đặc biệt là khi cuộc chiến ở châu Âu sẽ đẩy "người bạn" Nga xích lại gần hơn với Bắc Kinh hơn bao giờ hết.

Putin, dù được nhiều người Việt ngưỡng mộ, ủng hộ lập trường của Trung Quốc về cách giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Việt Nam chỉ thực sự an toàn trong một trật tự thế giới ổn định, thượng tôn pháp luật, và giải quyết mâu thuẫn bằng các biện pháp hòa bình. Cuộc chiến của Putin đi ngược hoàn toàn những nguyên tắc đó.

Đi sâu vào câu chuyện này để thấy phần "gốc" của ngoại giao cây tre là không thực sự rõ ràng. "Lợi ích dân tộc" có thể diễn giải theo nhiều nghĩa, và tùy thuộc vào suy nghĩ của người đứng đầu.

Lấy ví dụ như chính sách ngoại giao của Việt Nam trong thời Chiến tranh Lạnh, khi "lợi ích dân tộc" gắn liền với mong muốn làm "lá cờ đầu" của lực lượng xã hội chủ nghĩa. Điều này phần nào khiến Hà Nội bỏ lỡ những cơ hội đáng tiếc để hòa nhập vào cộng đồng quốc tế sớm hơn sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ.

Cũng với mong muốn mang đầy lý tưởng đó, Hà Nội nỗ lực tái thiết lập quan hệ đồng minh dựa trên hệ tư tưởng với Trung Quốc vào đầu những năm 1990, nhằm vực dậy phong trào cộng sản đang khủng hoảng trên toàn cầu.

Bắc Kinh từ chối đề nghị này, phần nào đó giúp Hà Nội "tỉnh ngộ" với sự thay đổi của thế giới. Chính sách đối ngoại của Việt Nam kể từ đó nhấn mạnh tới lợi ích hơn là nguyên tắc - lý tưởng.

Ngoại giao cây tre và cạnh tranh Mỹ-Trung

Vấn đề Ukraine tất nhiên không phải là trọng tâm của Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN hay cuộc diện kiến giữa Thủ tướng Chính và Tổng thống Biden.

Vị trí và vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là ưu tiên đối thoại hàng đầu. Trong chủ đề này, Washington hiểu những hạn chế nhất định của Hà Nội từ những ràng buộc trong mối quan hệ với Bắc Kinh.

Bất chấp mối quan hệ tốt đẹp gần đây với Mỹ, Trung Quốc tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Bắc Kinh có nhiều đòn bẩy để thu hút hoặc ép buộc Hà Nội.

Thứ nhất, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc và do đó dễ bị chèn ép về kinh tế. Chỉ cần một động thái đơn giản là đóng cửa khẩu vào cuối năm 2021, Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Nếu Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Việt Nam như cách họ làm với Australia từ năm 2020, tác động sẽ vô cùng lớn.

Thứ hai, dù tồn tại căng thẳng về vấn đề chủ quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết do có sự liên thông về ý thức hệ.

Ngay cả khi hội nhập kinh tế ngày càng rộng mở, Việt Nam vẫn luôn lo lắng về "diễn biến hòa bình". Bắc Kinh khôn ngoan khai thác nỗi sợ này để chia rẽ quan hệ Việt Nam - phương Tây, cảnh báo Hà Nội về nguy cơ "cách mạng màu" tiềm tàng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Lãnh đạo Nhật và Việt Nam bàn chuyện Ukraine và Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Thứ ba, là láng giềng của một siêu cường quân sự, các lãnh đạo ở Hà Nội có mối lo ngại chính đáng về nguy cơ bị coi là đứng theo phe "kiềm tỏa" Trung Quốc.

Đã từng đối mặt với vô số cuộc xâm lược từ phương bắc, việc trở thành quốc gia "thù địch" và bị đe dọa an ninh từ Bắc Kinh là viễn cảnh xấu nhất cho Hà Nội, đặc biệt khi Việt Nam nhất quán với chính sách quốc phòng "bốn không" và không có một đồng minh nào bên cạnh.

Bởi thế, dù đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sẽ khó có khả năng Hà Nội đứng hẳn về phía Washington trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Tuy vậy, Việt Nam cũng cần tận dụng vị thế đang có để tối đa hóa lợi ích và bảo đảm an ninh cho mình bằng cách tăng cường mối quan hệ với Washington trong các thể chế đa phương, đặc biệt liên quan đến thương mại, và mở rộng quan hệ với các đồng minh - đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia, hay Ấn Độ. Đây sẽ là những kênh hợp tác gián tiếp hiệu quả, đặc biệt là về ngoại giao và quân sự, cho Việt Nam và Mỹ khi cần thiết.

Tuy nhiên, để thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ và các nước đồng minh hiệu quả hơn nữa, Hà Nội cần vượt qua một rào cản vô hình: hệ giá trị. Chủ nghĩa đa phương dựa trên lợi ích chung mà Việt Nam đang theo đuổi phù hợp với một thế giới hòa bình, nhưng không có nhiều ý nghĩa trong một thế giới bất định và rủi ro hơn. Như trường hợp của Ukraine, các nước chỉ bảo vệ nhau khi ít nhất cùng chia sẻ một hệ giá trị chung nào đó.

Việt Nam không cần trở thành một nước dân chủ để chia sẻ cùng giá trị với phần đông các nước trên thế giới. Nhưng ít nhất, cần phải cho thấy sự ủng hộ của mình với những nguyên tắc nền tảng của trật tự thế giới hiện tại, được gây dựng qua những thế chế quốc tế được chấp nhận rộng rãi như Hiến chương LHQ.

Trường hợp của Singapore là ví dụ điển hình. Nếu Hà Nội lập lờ với những vi phạm trắng trợn của Nga chỉ vì lợi ích của mình, thì không thể kỳ vọng các nước khác phê phán Trung Quốc khi lợi ích của Việt Nam bị xâm phạm trên biển Đông.

Vấn đề Ukraine và thế lưỡng nan của Việt Nam trong mối quan hệ Mỹ-Trung, bởi thế, liên quan mật thiết đến nhau.

*Nguyễn Khắc Giang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.