Việt Nam và những trí thức 'vỗ bụng' nghe tiếng nói của dạ dày

Thứ Hai, 09 Tháng Năm 202210:00 SA(Xem: 3727)
Việt Nam và những trí thức 'vỗ bụng' nghe tiếng nói của dạ dày
bbc.com

Việt Nam và những trí thức 'vỗ bụng' nghe tiếng nói của dạ dày - BBC News Tiếng Việt


  • Nguyễn Đức Đại Vượng
  • Gửi cho BBC từ Hà Nội

Hà Nội

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Vào một buổi sáng cuối tuần rảnh rỗi tôi có thời gian tranh luận với một người bạn, quen biết đã lâu, và anh cũng đã từng là quan chức, có học hàm - học vị đã đạt đến cực phẩm theo tiêu chuẩn nội địa Việt Nam hiện hành, tức là giáo sư sư - tiến sĩ - viện sĩ, đủ hết.

Anh có uy tín trong lĩnh vực "khuyên bảo kinh tế", gọi cách khác là "tư vấn kinh tế", dành cho khu vực công, và xuất hiện với tần suất cao trên truyền thông hàng tuần.

Tôi nói với anh: "Anh về hưu rồi, nhưng có bao giờ nhìn lại những gì anh đã làm không?"

Quan điểm của tôi là những việc anh đã làm trong cả sự nghiệp là vô giá trị khi tất cả những điều anh viết, anh nói trong suốt cả mấy chục năm không có một chút đóng góp nào cho sự phát triển của hệ thống lý thuyết.

Đứng về mặt ứng dụng vào thực tế, thì nó lại càng thảm hại hơn khi anh luôn đợi chính sách/chủ trương/chiến lược đã gây ra hậu quả thì mới nhảy vào để tư vấn.

Cả 100% các tư vấn dạng này của anh đều tuân thủ công thức "Thực trạng - Nguyên nhân - Giải pháp" theo kiểu Xô Viết mà ngày hôm nay trên thế giới chẳng còn ai quan tâm đến do đã quá lỗi thời.

Anh trầm ngâm, và sau đó trả lời gián tiếp "Thôi, đó là lịch sử".

Tôi thì nghĩ chẳng có lịch sử nào ở đây cả, mà chỉ có sự đớn hèn và nhu nhược khi không dám phản biện trái ý những người có quyền hoạch định chính sách ngay từ phút ban đầu để hy vọng có thể cứu vãn được các nguồn lực cho đất nước.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thái độ này là tiếng gọi của "dạ dày", của việc bảo vệ vị trí cá nhân đã mạnh hơn tất cả, kể cả là việc phải vứt bỏ lương tâm.

Xin nêu ra một vài ví dụ.

Chiến lược về việc hình thành các tập đoàn kinh tế công ở Việt Nam, nếu từ cách đây 15 năm, ngay từ phút ban đầu soạn thảo, có sự phản biện trái chiều đủ mạnh thì rất có thể đã buộc những người có quyền hoạch định phải xem xét lại.

Và kết quả là sẽ cứu vãn cho đất nước hàng tỷ USD đã mất, tránh được một đống "thây ma" đang hấp hối như hiện nay.

Nhưng sự thực thì chẳng ai trong số những người như anh, dám hét to lên "Điều này là sai về bản chất, hỏng về cách triển khai, chậm về cơ hội lịch sử để cho phép làm theo sự thành công trong quá khứ như một số nước ở Đông Bắc Á đã từng trải qua, và hiển nhiên hậu quả sẽ là mất sạch các nguồn lực đổ vào, chưa kể các hệ luỵ kéo theo".

Chẳng ai trong số những người như anh đủ hiểu biết và đủ dũng cảm để nói như vậy, và đó là sự thật không cần bàn cãi. Nếu tạm giả định rằng những học hàm, học vị của anh người quen nêu trên là trong sáng, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế, thì anh thuộc về tầng lớp khoa bảng nhưng bàng quan hoàn toàn với "Việc chung", tức Chính trị.

Những người thuộc tầng lớp này, nói vô giá trị với sự phát triển thì cũng không hoàn toàn đúng, nhưng nói vô nghĩa với "Việc chung" là hoàn toàn chính xác.

Họ chỉ như một cái bóng mờ, thoáng lướt qua và không để lại một chút dấu ấn nào trong dòng chảy vận động của xã hội, mặc dù họ luôn tự hào là người đọc sách, là "kẻ sĩ" sáng sủa của đất nước.

Họ sống trong vầng hào quang giả tạo, của "lầu son gác tía" được xây bằng bìa carton, với nỗi lo sợ phập phồng khi biết rằng nếu bị bắt buộc rời khỏi nó, thị trường cạnh tranh tự do sẽ trả lời chính xác họ là ai.

Thêm một ví dụ nữa. Cuộc tư nhân hoá, hay gọi cách khác là cổ phần hoá, diễn ra tại cơ quan họ sẽ buộc thu nhập của họ phải gắn với kết quả cụ thể do thị trường quyết định.

Ôm rơm hay quên đi việc chung để lo cá nhân?

Nguồn hình ảnh, Getty Images

"Ôm rơm nặng bụng" là câu thành ngữ ở Việt Nam có từ lâu đời.

Nhưng "ôm rơm" thì mới là trí thức đúng nghĩa khi thấy "Việc chung" như việc riêng của mình bởi trách nhiệm Thức tỉnh Xã hội là thường trực trong họ.

Còn nếu không "Ôm rơm" thì họ cũng chỉ là kẻ đi truy đuổi văn bằng để mưu cầu lợi ích cục bộ nhỏ bé, ví dụ: làm thoả mãn các điều kiện vật chất của cá nhân mình.

Nếu mang danh là trí thức, mà chẳng quan tâm đến "Việc chung", chẳng bảo vệ sự tử tế, chẳng tôn sùng sự tiến bộ và tìm cách mở đường cho nó phát triển, chẳng dám dấn thân và chấp nhận sự cô đơn thì cũng chỉ là dạng "Giá áo túi cơm".

Những con người này nếu vô tình bắt gặp một người cùng khổ mưu sinh trên vỉa hè, nhưng anh ta lại đang xẻ bát cơm cho một người cùng khổ hơn, ý kiến chủ quan, nên cúi đầu chào một cách khiêm tốn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xa rời trách nhiệm đối với đời sống công cộng, tức "Việc chung", của tầng lớp trí thức Việt Nam thì có nhiều, và chúng ta không có ý định đi sâu vào điều này ở bài viết.

Những cái nhìn từ bên ngoài

Tuy nhiên, để có một cái nhìn nhanh và khái quát, hãy xem Louis Raymond, trong tham luận được trình bày tại hội thảo tháng 9/2020 ở Paris về "Giữa phương Đông và phương Tây, thực trạng của trí thức Việt Nam ngày hôm nay", đã đánh giá như thế nào về điều này.

Sau khi đã xem xét kỹ về những đặc trưng của tầng lớp trí thức Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XX, Louis Raymond cho rằng trí thức Việt Nam không có cùng chức năng như trí thức phương Tây được thể hiện ở điểm quan trọng nhất đó là trách nhiệm thức tỉnh xã hội.

Ông viết: "…. luôn có hai hiện tượng cần nhận được sự lưu ý để hiểu thêm về trí thức Việt Nam đương đại ngày hôm nay: khuôn khổ và định hướng".

Từ đây, ông đề xuất một định nghĩa về trí thức Việt Nam như sau: "… là những con người, thông qua các bài viết hoặc các sản phẩm của mình, đưa ra thông điệp về quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước.., những con người đã được định hình về cách suy nghĩ, những con người vận dụng ý tưởng. Và những cách biểu đạt đó có mang lại ảnh hưởng hay không, có hiệu quả hay không, thì đó lại là câu chuyện khác hoàn toàn…".

Nghe có vẻ thật là nặng nề, nhưng rất tiếc đó lại là sự thật, và thực tế là nếu có cá nhân trí thức nào đó không nắm vững điều đó thì sự ê chề là khó tránh khỏi.

Hãy nhìn lại về Trần Đức Thảo, người được xem là đã có công đưa triết học của Husserl vào Pháp, tỏa sáng cùng Louis Althusser (triết gia dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng Marxist) và Maurice Merleau-Ponty (nhà hiện tượng học nổi tiếng).

Ông Trần Đức Thảo (1917-1993) là người có thể tranh luận tay đôi với ngay cả Jean-Paul Sartre (gương mặt tiêu biểu của triết học hiện sinh), nhưng khi về Việt Nam cuối cùng chỉ nhận lãnh những nỗi buồn khi mơ ước sẽ diễn giải chủ nghĩa Marx dưới lăng kính của Tự do và Bác ái theo cách hiểu của riêng ông.

Nhưng nói vậy cũng không phải là một xã hội thì tất cả những người đọc sách, những người có văn bằng đều phải lo cho "Việc chung" và buộc phải dấn thân để mở đường cho sự tiến bộ thì mới là trí thức; đối với những người này thì có lẽ điều quan trọng nhất mà xã hội trông chờ ở họ là bổn phận nghề nghiệp của họ.

Những trí thức có đủ năng lực và lòng cam đảm để thức tỉnh xã hội, mở đường cho sự tiến bộ, sẽ luôn luôn là thiểu số khi so với số đông trí thức có nghĩa vụ đơn thuần là hoàn thành bổn phận nghề nghiệp.

Thực tế đã cho thấy có vô số các ví dụ vững chắc để minh hoạ cho nhận định vừa nêu:

- Nước Mỹ, với chiều dài lịch sử lập quốc và phát triển chỉ hơn 200 năm, rất ngắn ngủi so vói các nước khác, nhưng đã trở nên hùng cường nhất trong lịch sử nhân loại như hiện nay, thì buổi mở đầu cũng chỉ nhờ vào một nhóm nhỏ có đủ tri thức và lòng dũng cảm để dẫn dắt phần còn lại trong cuộc cách mạng;

- Nước Nga, cho đến tận thế kỷ thứ 17, vẫn là một trong những nước bị xem là còn lạc hậu nhất châu Âu, nhưng chỉ cần Pierre Đại Đế và một nhóm nhỏ cận thần cùng chí hướng, quyết tâm cách tân nước Nga khi bắt buộc quý tộc, sỹ quan, kỹ sư phải sang Tây Âu học tập thì cũng chỉ sau 20 năm là đã có hạm đội hùng mạnh để đối đầu với Đế chế Ottoman và Thuỵ Điển, mở đường cho nước Nga ra với đại dương, tạo nên lãnh thổ bao la như hiện nay.

- Nhật Bản với cuộc Duy Tân Minh Trị thế kỷ thứ 19

- Ngay tại Việt Nam thì trước năm 1945, có khoảng 90% dân số mù chữ, tầng lớp trí thức nho giáo thì quỳ rạp trước cường quyền phong kiến khi thấm nhuần tư tưởng tôi trung, nhưng cũng chỉ cần vài cá nhân có tri thức do được tiếp cận sớm với văn hoá cởi mở của phương Tây, dám dấn thân thì đã tạo dựng thành công nên cái mà họ theo đuổi bao trùm lên cả lãnh thổ;

- Cuối cùng không thể không nói đến cuộc chiến hiện nay tại Ukraine đang làm cho cả thế giới phải ngưỡng mộ dân tộc này về lòng can đảm phi thường của họ.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Để có điều đó thì việc trước tiên phải nói đến là vai trò của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Chỉ mới 44 tuổi và trước khi được bầu làm Tổng thống thì ông không có một chút kinh nghiệm nào về làm chính trị, chỉ là một luật sư và diễn viên, nhưng chỉ bằng tri thức của mình, đặc biệt là bằng tình yêu nước nồng nàn và lòng dũng cảm, ông đã đánh thức 44 triệu người Ukraine phải bừng tỉnh trước hoạ ngoại xâm.

Cả một dân tộc đã rùng rùng chuyển động theo vị Tổng thống bất khuất của mình, tất cả đều đồng lòng đứng lên cầm vũ khí kháng Nga xâm lược. Sự can đảm của vị Tổng thống trẻ tuổi này còn làm cho cả thế giới phải lay động, dang tay giúp đỡ hết lòng cho cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine.

Trên thế giới có vô số các ví dụ tương tự về việc những xã hội cũng chỉ cần có một tầng lớp nhỏ về số lượng trí thức, đủ hiểu biết và quan trọng là dám dấn thân để mở đường cho cái mới thì cả xã hội sẽ thức tỉnh để tạo nên sự phát triển.

Phần còn lại, tức những người đọc sách, có văn bằng khoa bảng, nếu bàng quan với "Việc chung" thì cũng chẳng sao. Họ cứ làm việc tốt trong phạm vi của mình là đã đóng góp cho sự tiến bộ.

Thế nhưng có lẽ điều quan trọng hơn đối với tương lai phát triển của một đất nước là họ nên nhường không gian cho những người là trí thức đúng nghĩa, quan tâm đến "Việc chung" và dám dấn thân vì cái mới của xã hội.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn