Chống dịch bệnh bằng cách nuôi thêm muỗi

Chủ Nhật, 11 Tháng Ba 20181:59 SA(Xem: 7423)
Chống dịch bệnh bằng cách nuôi thêm muỗi
bbc.com
Vaishnavi Chandrashekhar BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Cư dân địa phương được tư vấn trước khi thả muỗi ra môi trường tự nhiên

Vào một buổi sáng cuối tháng 10 ở khu dân cư trung lưu tại trung tâm Singapore, một đám đông tụ tập để đón xem sự kiện đầy bất ngờ.

Các quan chức hàng đầu chính phủ, những người đứng đầu cộng đồng và hàng loạt các phương tiện truyền thông có trang bị máy ảnh tập hợp quanh một nhóm nhà khoa học đã mang đến một món quà khác thường nhất: Những chiếc hộp chứa đầy muỗi.

Sau khi đếm to "một, hai, ba", họ mở hộp và thả 3.000 con muỗi lên không trung ở khu Braddell Heights của Singapore.

Bạn có bị bệnh tim mà không hay biết?

Thế giới hiện đại gây ảnh hưởng não người ra sao?

Bí ẩn đằng sau bệnh hôi miệng

Ở một đất nước nơi khí hậu nhiệt đới ấm áp là môi trường lý tưởng cho muỗi thì mọi người thường đập chết côn trùng hơn là thả thêm chúng vào môi trường.

May mắn thay, cư dân của Braddell Heights đã được chuẩn bị tinh thần từ vài tháng trước, và họ hoan nghênh hành động phóng thích này.

Họ biết những con muỗi này sẽ không đốt người - và rằng họ đang tham gia vào một nghiên cứu quan trọng về tác động của loài muỗi đã nhiễm virus Wolbachia, một loại vi khuẩn gây trở ngại cho khả năng sinh sản của côn trùng và ngăn chặn khả năng lây lan của các virus như Zika.

Singapore không phải là nước duy nhất thả muỗi vào không trung.

Các nhà khoa học ở khắp Châu Á và Châu Mỹ La tinh đang thử nghiệm các phương pháp tiêu diệt muỗi vằn (Aedes aegypti), và loài muỗi hổ Châu Á (Aedes albopictus) mới và ít phổ biến hơn - loài muỗi phát tán bệnh sốt xuất huyết, sốt chikungunya và virus Zika.

Nhiều thử nghiệm trong số này bao gồm thay đổi muỗi trong phòng thí nghiệm để làm cho chúng trở nên vô hại hoặc vô sinh - bằng vi khuẩn Wolbachia, chiếu xạ, hoặc thậm chí là biến đổi gene.

Nhưng dự án ở Singapore, cùng với một thử nghiệm lớn hơn ở Yogyakarta tại Indonesia, cho thấy việc phát tán những con côn trùng này gần nơi cư trú của con người gần như thuyết phục được mọi người rằng hiệu quả của nó ngang với một cải tiến khoa học.

Phương pháp kiểm soát côn trùng lây bệnh - được gọi là vật chủ sinh học - đã bắt đầu cách đây vài năm, khi tiếng chuông cảnh báo lần đầu tiên vang lên vì sự gia tăng của bệnh sốt xuất huyết, hiện được xem là căn bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các trường hợp sốt xuất huyết đã tăng 30 lần trong năm thập kỷ qua. Nó đã mở rộng từ gây ra dịch bệnh nghiêm trọng chỉ ở 9 quốc gia trước năm 1970 cho đến hơn 100 quốc gia hiện nay, nhiều nước trong số đó ở Châu Á và Mỹ Latin.

Sự xuất hiện gần đây của Zika với những tác động đáng sợ của nó đối với não ở trẻ em đã khiến cho việc tiến hành các thí nghiệm kiểm soát sinh vật càng thêm cấp bách. Vẫn chưa có phương pháp điều trị nào cho bệnh sốt xuất huyết hoặc Zika cả.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Các biện pháp kiểm soát không theo kịp tốc độ thích nghi của muỗi đối với các loại thuốc trừ sâu

Tuy vậy, vẫn có một sự dè dặt nào đó giữa các thành viên của cộng đồng về các dự án xử lý muỗi vằn. Một trong số đó bắt nguồn từ những nỗ lực kiểm soát loài côn trùng chết người này trước đây. Vào giữa thế kỷ 20, tỷ lệ mắc bệnh sốt rét và sốt vàng da đã dẫn đến các chương trình vệ sinh quy mô lớn cũng như việc sử dụng rộng rãi một loại thuốc trừ sâu mới: Dichlorodiphenyltrichloroethane (DDT).


Sau khi sử dụng rộng rãi, DDT cuối cùng bị cấm vào năm 2004 do lo ngại về tác động của nó đối với sức khoẻ con người và môi trường. Nó có liên hệ với bệnh ung thư ở người và tình trạng gầy yếu của loài chim ăn thịt.

Tự mãn

Dù vậy, việc sử dụng DDT làm giảm số lượng muỗi. Duane Gubler, giáo sư nghiên cứu về các bệnh nhiễm trùng tại Trường Y khoa Duke-NUS ở Singapore cho biết thành công này đã dẫn đến sự tự mãn sau những năm 1970.

Lấy ví dụ, nước Brazil đã được tuyên bố không còn muỗi vằn vào năm 1958, nhưng khi các biện pháp được nới lỏng, loài côn trùng này bắt đầu xuất hiện trở lại vào những năm 1970.

Một nghiên cứu di truyền, xuất bản vào tháng 7/2017, cho thấy rằng muỗi từ những vùng không bị diệt trừ ở Venezuela đã dịch chuyển về miền bắc Brazil, sau đó mở rộng phạm vi phát tán của chúng về phía nam.

Đồng thời, Gubler lưu ý, hai xu hướng toàn cầu đã và đang nuôi dưỡng cho sự trở lại của muỗi: Đô thị hóa bùng nổ đã tạo nên môi trường hoàn hảo cho loài muỗi vằn thích sống ở thành phố, cũng như cung cấp các điều kiện lý tưởng để lây lan virus nhanh chóng.

Sự phát triển trong lĩnh vực vận tải và di chuyển toàn cầu cũng đã giúp lan truyền dịch bệnh sang các khu vực mới.

Màn ngủ đã qua xử lý, thường được sử dụng để phòng ngừa bệnh sốt rét, lại khá là vô ích trong việc đối phó với muỗi vằn, loài muỗi có xu hướng hoạt động tích cực cả ban ngày.

Khả năng kháng thuốc trừ sâu ngày càng tăng của chúng cũng làm cho việc này khó khăn hơn.

Gubler, chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh sốt xuất huyết nói: "Chúng tôi cực kỳ cần một chuỗi công cụ mới. May mắn thay, nhiều công cụ trong số đang được chuyển đến có vẻ rất hứa hẹn."

Nhu cầu này là một điều hiển nhiên, thậm chí cả ở Singapore, một quốc gia nhỏ nơi đã có một trong những chương trình kiểm soát muỗi tốt nhất trên thế giới và đã hoạt động hơn 40 năm nay, nhưng gần đây chứng kiến sự trỗi dậy của bệnh sốt xuất huyết.

Singapore đã xem xét hàng loạt những công cụ mới, bao gồm muỗi biến đổi gene, trước khi bố trí thử nghiệm với virus Wolbachia.

Vũ khí mới

Được một nhà khoa học mô tả là "điều trọng đại nhất từ sau khi có thuốc trừ sâu DDT", việc sử dụng muỗi đã nhiễm vi khuẩn Wolbachia đã trở thành một trong những thí nghiệm kiểm soát sinh vật mới phổ biến nhất, với các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hoặc thử nghiệm thực địa hiện đang được tiến hành ở khá nhiều quốc gia.

Sự hăng hái này có thể hiểu được: Wolbachia dường như là một vũ khí hoàn hảo chống lại căn bệnh sản sinh từ muỗi.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Vi khuẩn Wolbachia không truyền từ động vật sang người

Vi khuẩn này được thấy ở hơn một nửa số loài côn trùng, nhưng không thường ở muỗi truyền bệnh.

Loại vi khuẩn này không chỉ bảo vệ vật chủ của nó khỏi loại bệnh như sốt xuất huyết và Zika, mà vốn còn được kết cấu để lan truyền nhanh chóng thông qua quần thể của loài vật chủ.

Thêm vào đó, nó không lây truyền sang người hoặc động vật.

Một phương pháp phân tán kháng khuẩn sốt xuất huyết và Zika, tiên phong bởi nhà khoa học thuộc Đại học Monash ở Úc vào năm 2011 và được nhân rộng thông qua Chương trình Ngừa muỗi Thế giới (trước kia được gọi là Triệt tiêu Bệnh sốt xuất huyết), sẽ thả cả muỗi cái và muỗi đực đã nhiễm vi khuẩn Wolbachia vào môi trường.

Vi khuẩn Wolbachia chỉ được truyền từ con cái sang muỗi con, cho nên thả con cái mang vi khuẩn này có nghĩa là nó sẽ lan rộng khắp quần thể muỗi, khiến chúng có thể kháng lại virus Zika và virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Mười quốc gia - bao gồm Úc, Brazil, Colombia, Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Việt Nam, Kiribati, Fiji và Vanuatu - đã đồng loạt dùng phương pháp này.

Singapore, giống như Trung Quốc, đang thử phương pháp thứ hai, nhắm vào việc kiềm hãm số lượng muỗi bằng cách chỉ thả muỗi đực. Những con đực nhiễm Wolbachia không thể thụ tinh trứng của những con cái không bị nhiễm.

Cách thức này được chọn một phần là do chi phí. Phương pháp thứ hai tốn kém hơn bởi vì nó liên quan đến việc phân loại những con đực từ những con cái trong phòng thí nghiệm và, không giống như phương pháp đầu, nó yêu cầu duy trì việc thả muỗi - ít nhất là cho đến khi quần thể muỗi tan rã, và thậm chí còn có thể tiếp tục sau đó nữa.

Năm ngoái, sau những thử nghiệm thành công, Trung Quốc đã thiết lập các cơ sở tại Quảng Châu để cho nở 5 triệu muỗi nhiễm Wolbachia mỗi tuần.

Sự chấp thuận của cộng đồng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn công nghệ sẽ được sử dụng khi các nhà khoa học đã học được từ các cuộc tranh luận trước đây, không chỉ với thuốc trừ sâu DDT mà còn với những thử nghiệm muỗi tiệt trùng ở Ấn Độ trong những năm 1970, dẫn tới sự hoảng sợ của công chúng đối với các hóa chất đang được sử dụng.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Cách tiếp cận mới được thử nghiệm sau một đợt bùng phát các vụ sốt xuất huyết

Lee Chen Ng, giám đốc Viện Y tế Môi trường thuộc Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore và là người đứng đầu dự án Wolbachia, cho biết họ chọn phương pháp xúc tiến từng phần, khiến người Singapore dễ chấp nhận hơn. Nó cũng phù hợp với các cuộc kiểm tra từng nhà của nhà nước về việc gây giống muỗi trong đó giữ được số lượng loài côn trùng này ở mức độ thấp.

Ng đưa ra giả thuyết rằng dùng Wolbachia để kìm hãm muỗi sinh sản cũng nên được xem là ít mạo hiểm hơn những nỗ lực trước đây, vì vi khuẩn này vốn đã tồn tại trong môi trường.

Phương pháp này xét thấy là an toàn cho người và động vật, mặc dù chưa biết đến tác động sinh thái dài hạn.

Các thử nghiệm muỗi biến đổi gene đã bị một cộng đồng ở miền Nam Hoa Kỳ từ chối vào năm ngoái, trong khi các thử nghiệm vi khuẩn Wolbachia được tiến hành suôn sẻ hơn. Vào tháng 11, muỗi nhiễm Wolbachia đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cho phép thả ở khắp 20 bang.

Sự hứa hẹn

Không ở đâu mà tầm quan trọng của cộng đồng lại hiển nhiên như ở ở thành phố thấp tầng Yogyakarta ở Java, Indonesia, nơi thử nghiệm vi khuẩn Wolbachia lớn nhất châu Á đang được tiến hành.

"Đưa công nghệ này vào cộng đồng gần như là một thách thức... bởi vì cuối cùng thì chính cộng đồng mới là người quyết định họ có muốn công nghệ này hay không," Adi Utarini, người đứng đầu dự án và là giáo sư ngành y tế cộng đồng tại Đại học Gadjah Mada, nói.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến muỗi có điều kiện phát triển mạnh

Utarini và nhóm của bà bắt đầu vào năm 2011 bằng cách nhập khẩu trứng nhiễm bệnh từ Đại học Monash của Úc. Trong hai năm tiếp theo, họ làm việc trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm và gây giống muỗi đã nhiễm Wolbachia. Đồng thời, người đứng đầu truyền thông của họ tên Bekti Andari đã bắt đầu ghé thăm các cộng đồng ở quận Sleman, nơi diễn ra lần phóng thích muỗi đầu tiên.

Theo Utarini, thách thức đầu tiên họ phải đối mặt là nói với mọi người "điều trái ngược với những gì họ thường tin vào: bạn phải tống khứ muỗi đi". Họ phải truyền đạt những cơ sở truyền bệnh đến mọi người, để khiến mọi người hiểu được "kẻ thù không phải là muỗi, kẻ thù là virus".

Kinh nghiệm ở quận Sleman đã định hình phần còn lại của dự án. Sau khi thả muỗi trưởng thành ở Sleman - bao gồm cả những con cái có đốt người - nhóm chuyển sang đồ đựng trứng nhiễm vi khuẩn Wolbachia.

Trứng dễ thuyết phục hơn đối với công chúng. Họ ít cảm thấy khó chịu hơn khi côn trùng được ấp và nở ra bay đi vào những thời điểm khác nhau. Điều này có nghĩa là những lần phóng thích sẽ được thực hiện thường xuyên hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra một chiến lược khác để giữ người dân ở vị trí thích hợp - trao cho họ những đồ đựng trứng để họ tự lo. Giữ các đồ đựng muỗi trong vườn sau nhà khiến người ta tò mò về quá trình này và cũng thúc đẩy họ giữ chúng an toàn.

Khi quá trình thử nghiệm dần dần được phát triển rộng khắp Yogyakarta, nhóm nghiên cứu đã sử dụng tất cả các công cụ của họ: Những cuộc gặp gỡ cộng đồng, bản tin khu dân cư, phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc gọi và thư điện tử, những chuyến viếng thăm phòng thí nghiệm.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việc thả muỗi đực dễ được chấp nhận hơn vì muỗi đực không đốt người

"Chúng tôi không che giấu người dân thứ gì cả," Utarini nói. "Chúng tôi phải liên tục đương đầu với thách thức."

Ở một khu phố, nhóm nghiên cứu phải tạm thời ngừng làm việc trong mùa bệnh sốt xuất huyết vì hoảng sợ trước vụ bùng phát 14 ca bệnh do bị ảnh hưởng và dẫn đến tử vong. Nhóm nghiên cứu đã quay lại sau khi mọi người bình tĩnh hơn.

Khoảng thời gian giữa năm 2015 và 2017, một nửa trong số 24 quận của Yogyakarta tràn ngập muỗi nhiễm Wolbachia. Nửa còn lại có tác dụng kiểm tra so sánh, có thể làm được điều này là nhờ thực tế muỗi không bay được quá xa.

Cho đến giữa năm 2017, các nhà khoa học đã đặt hàng ngàn đồ đựng trứng ở sân sau - cứ 50 mét đặt một cái. Hai tuần một lần chúng được bổ sung thêm tối đa 120 quả trứng mới. Các nhà khoa học đang chờ đợi loài muỗi nhiễm Wolbachia phát triển lên 80% trong tổng số quần thể muỗi để xem liệu các đợt phóng thích này có đang tác động đến tỷ lệ sốt xuất huyết hiện hành mà họ đã dự đoán.

Utarini cho biết một kết quả tốt là khi số ca bệnh ở các khu vực có muỗi nhiễm Wolbachia thấp hơn 50% so với những khu vực kiểm tra so sánh.

"Đó là khi chúng ta có thể nói nó có hiệu quả," bà nói.

Trong khi đó, ở Singapore, những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn. Ng và nhóm của bà nhận thấy muỗi nhiễm Wolbachia vẫn sống trong môi trường đô thị không khác gì muỗi ngoài hoang dã, chúng bay lên tầng cao hơn và giao phối thành công với muỗi cái không nhiễm Wolbachia.

Khả năng sống sót của trứng được thu thập từ các điểm nghiên cứu đã giảm gần một nửa. Ng nói bây giờ họ đang xem xét mở rộng quy mô sản sinh và chiến lược thả muỗi.

Cả Ng và Utarini đều không tin rằng vi khuẩn Wolbachia là viên đạn bạc giúp hạ được bệnh Zika hay bệnh sốt xuất huyết. Nhưng việc phối hợp sử dụng các biện pháp can thiệp khác nhau sẽ giúp đem lại thành công.

Gubler nói: "Nếu chúng ta có thể sử dụng các loại vắc-xin mới [cho Zika và bệnh sốt xuất huyết] để tăng tính miễn dịch cộng đồng, và cùng lúc đó dùng các công cụ mới như vi khuẩn Wolbachia và thuốc trừ sâu để giảm số lượng muỗi thì chúng ta sẽ có thể kiểm soát được những bệnh này."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn