Vài nhầm lẫn thông tin về giằng co dầu khí giữa Châu Âu và Nga

Thứ Hai, 25 Tháng Tư 20228:00 SA(Xem: 2050)
Vài nhầm lẫn thông tin về giằng co dầu khí giữa Châu Âu và Nga

Nguyễn Quốc Tấn Trung

24-4-2022

Trong các thảo luận về tranh chấp dầu khí giữa Châu Âu (EU) và Nga liên quan đến cuộc chiến Ukraine hiện nay, có khá nhiều thông tin chưa rõ ràng và mang tính tuyên truyền, tâm lý chiến là chính. Bài viết này hy vọng làm rõ các thắc mắc và nhầm lẫn có thể có.

A. THÔNG TIN: EU đang “trừng phạt” dầu khí Nga/EU đang phải mua dầu khí giá mắc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Iran cũng do Nga bán rẻ => EU “ngu dại”.

Sự thật: EU chưa từng đưa dầu khí của Nga vào diện các sản phẩm bị tẩy chay. Cho đến hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ và sản xuất của EU vẫn đang trả cho Nga hơn 1,1 tỷ Euro mỗi ngày.

Thật ra mà nói thì đây là một con số có vẻ “tiêu chuẩn kép” từ phía EU, khi tổng viện trợ quân sự và tài chính mà họ dành cho chính quyền Kyiv – Ukraine tính từ đầu cuộc chiến cho đến thời điểm này còn chưa đến một tỷ Euro.

Tuy nhiên, cần khẳng định là EU chưa từng ngừng mua dầu khí Nga. Nên họ cũng không vì “chết rét” nên phải bắt đầu mua lại như các trang forum, diễn đàn “đáng tin cậy” mà người Việt hay xem và share.

Hiện nay trên thế giới, chỉ có Australia, Vương quốc Anh, Canada và Hoa Kỳ chính thức dừng hẳn mua dầu khí từ Nga.

Các quốc gia Châu Âu, như Đức, chỉ đưa ra lộ trình dừng trong tương lai. Tuy nhiên, các cơ quan EU chưa từng đưa các thảo luận về vấn đề này lên nghị trình của họ.

B. THÔNG TIN: Yêu sách trả tiền dầu khí bằng đồng Rubles là thế nào?

Yêu sách trả bằng đồng Rubles không phải là người Châu Âu phải chạy vạy đi tìm đồng Rubles, đổi ngoại tệ Nga để mua dầu từ phía Nga.

Nghe kiểu lập luận “Rubles-for-gas” khiến người ta nghĩ nhu cầu Rubles sẽ tăng trên thị trường tiền tệ, nhưng thật ra không phải.

Trong vài tháng gần đây, các công ty EU chỉ cần nộp Mỹ kim (USD) và Euro vào Gazprombank là hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. (Gazprombank là định chế ngân hàng, tài chính của hãng dầu khí quốc doanh Nga Gazprom, nằm ngoài phạm vi cấm vận của phương Tây).

Vậy thì thứ có tên gọi là “Rubles-for-gas” nằm trong nghị định mà phía Moscow đưa ra hồi cuối tháng Ba năm nay, thật ra chỉ ghi nhận rằng thời điểm hoàn thành nghĩa vụ thanh toán bây giờ sẽ thay đổi:

=> Không phải là thời điểm nộp tiền vào ngân hàng là xong, mà là thời điểm Gazprombank đổi Mỹ kim và Euro sang Rubles và chuyển vào “tài khoản Rubles” của các khách hàng.

Chính sách này một mặt có ý nghĩa biểu tượng về thời điểm thanh toán (tức Nga vẫn nắm đằng chuôi), nhưng nó đồng thời cho phép các định chế tài chính ngân hàng Nga tham gia vào quá trình thanh toán (tỷ giá hối đoái, thông tin tài chính…). Trong khi đó, các định chế tài chính ngân hàng Nga thì lại là đối tượng chủ yếu của các trừng phạt.

Nhìn chung, tự thân việc Gazprombank tự đổi Rubles không phải là vấn đề, họ đổi ra Nhân dân tệ hay Việt Nam đồng cũng được.

Song việc này tạo ra một chút thay đổi về thời điểm hoàn tất thủ tục thanh toán, kèm theo đó là cho phép các định chế tài chính Nga tham gia vào quá trình thanh toán.

Việc chuyển sang trả bằng đồng Rubles không có nhiều lợi ích gì cho Nga, thậm chí là bất lợi, khi đồng Rubles đang yếu sẽ khiến giá thành dầu khí bán ra không được cao như để nguyên giá USD hay EUR.

Tuy nhiên, nói về tâm lý chiến thì có vẻ nó có lợi cho Nga tại… Việt Nam, khi nhiều cộng đồng người Việt nghĩ thế là ngầu.

C. THÔNG TIN: EU đã đồng ý phải trả dầu khí bằng đồng Rubles, vì “Tất cả đã nằm trong sự tính toán của Putin”

Báo chí Việt Nam và một số diễn đàn đưa tin này rất hả hê nhưng như đã nói ở trên, sự thật thì cách thanh toán này không làm thay đổi quy trình và thủ tục thanh toán quá nhiều.

Trong cuộc họp của European Commission vào ngày 22 tháng 4 vừa qua, EC đã ra văn bản khuyến nghị (không có tính pháp lý chung cuộc), là các công ty cứ trả như bình thường, và phương pháp thanh toán này không gây ảnh hưởng đến các biện pháp trừng phạt đang đặt ra.

Nói cách khác, các doanh nghiệp EU vẫn sẽ thực hiện thủ tục như họ làm mọi khi trong suốt mấy tháng chiến tranh qua. Song phía Nga sẽ ghi nhận thời điểm hoàn thành thanh toán là khi Gazprombank chuyển Mỹ kim hay Euro sang đồng Rubles.

EC khuyến cáo thêm là cứ trả như mọi khi, nhưng các doanh nghiệp trả tiền nên đính kèm văn bản thông báo họ đã hoàn thành nghĩa vụ và phản đối việc thay đổi thời điểm thanh toán.

***

Tổng kết, mọi thứ vẫn là business-as-usual, không có thay đổi gì đáng kể.

Châu Âu không chạy vạy tiền đồng Rubles để đổi và mua dầu khí vì “chết rét” như tưởng tượng.

Nhưng Nga thì vẫn đang tiếp tục bỏ túi hàng tỉ Euro mỗi ngày như cả thập niên nay.

Tuy nhiên, việc ngay cả Đức (một “đồng minh hờ” của Nga suốt hai thập niên qua) cũng xác nhận hướng tới chuyển đổi xu hướng sử dụng năng lượng phi-Nga cho thấy những thay đổi lớn trong tương lai năng lượng EU.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn