Công nghiệp vũ khí Ukraine: “Nhỏ nhưng có võ”

Thứ Bảy, 16 Tháng Tư 20225:58 CH(Xem: 2072)
Công nghiệp vũ khí Ukraine: “Nhỏ nhưng có võ”

Neptune
Cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Neptune cho thấy sức mạnh của vũ khí “cây nhà lá vườn” do Ukraine tự sản xuất. Ukraine cũng là nước từng  bán cho Trung Quốc xác hàng không mẫu hạm sau này gọi là Liêu Ninh.

Trả thù mối nhục Crimea

Ngay sau khi Nga chiếm Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, một công ty quốc phòng Ukraine đã sử dụng cuộc triển lãm vũ khí ở thủ đô Kyiv để công bố dự án mới nhất của mình: Loại hỏa tiễn hành trình chống hạm gọi là “Neptune” (Hải Vương tinh). Hỏa tiễn mới thu hút rất ít sự chú ý vào thời điểm đó. Nhưng bây giờ Neptune đang nhận được sự quan tâm của thế giới sau khi một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định các lực lượng Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn Neptune để tấn công và đánh chìm soái hạm Moskva hàng đầu của Nga ở Hắc Hải.

Nhưng không chỉ có Neptune mà cuộc chiến tranh vệ quốc của Ukraine đã cho thấy công nghiệp quốc phòng của nước này còn những cái độc đáo hơn trong cuộc chiến tranh “nhà nghèo chống nhà giàu” (thật ra, Ukraine là một cường quốc quân sự nếu quốc gia này không bị làm suy sụp bởi các chính phủ thân Nga và bị lừa bởi những hiệp ước an ninh sau khi Kyiv chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Nga với trung gian bảo đảm của Mỹ). Cuộc tấn công thành công của hỏa tiễn Neptune đánh dấu bước ngoặt lớn đối với Ukraine, không chỉ trong cuộc chiến tự vệ mà còn thêm điểm son mới cho ngành công nghiệp vũ khí nội địa.

Dù đang lệ thuộc nhiều vào kho vũ khí do các đồng minh phương Tây viện trợ, nhưng trong những năm gần đây Ukraine đã âm thầm phát triển các loại vũ khí của riêng mình sau khi “bừng tỉnh” trước việc Nga ngang ngược xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea “dễ như lấy đồ trong túi” và làm nhục Hải quân nước này (người Nga thất bại một phần cũng vì bị ru ngủ bởi chiến thắng quá dễ đó).

Ngay cả Mỹ và phương Tây cũng quên Ukraine từng là nước cộng hòa lớn thứ hai trong Liên Xô và có diện tích lớn hơn các quốc gia châu Âu khác. Ukraine cũng là nước xuất khẩu vũ khí đáng kể, với di sản chế tạo hỏa tiễn từ thời Liên Xô. “Đối với người Ukraine, nếu họ có thể đánh chìm con tàu này hoặc làm hỏng nó bằng hỏa tiễn Neptune do chính mình chế tạo, thì đó là một điểm đáng tự hào, nhưng trước tiên, khả năng quân sự này hữu ích ở chỗ Ukraine có thể giữ hạm đội Nga hoạt động cách xa hải phận của mình nếu chúng không muốn bị chung số phận với Moskva!” – Mark Cancian, Cố vấn cấp cao cho chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.

Từng là cường quốc công nghiệp quốc phòng

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai, vũ khí do nước ngoài sản xuất cấp tập tràn vào Ukraine. Trong đó có vũ khí chống tăng của Mỹ, các vũ khí nhỏ hơn sản xuất ở châu Âu và thậm chí cả các hệ thống phòng không do Nga thiết kế. Nga từng là thị trường nhập khẩu quan trọng vũ khí Ukraine.

Theo số liệu theo dõi của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, từ năm 2016 đến 2020, 1/5 kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Ukraine là sang nước láng giềng Nga. Những năm gần đây, vũ khí Ukraine được nghiên cứu và phát triển là để chuẩn bị chống lại lực lượng Nga nếu nước láng giềng này lặp lại một vụ Crimea mới. Người Ukraine với tinh thần dân tộc cao khẳng định sẽ không cho phép Nga làm nhục thêm một lần nữa. “Không hề có chuyện xâm chiếm lãnh thổ dễ như trở bàn tay nữa” – một quan chức quốc phòng Ukraine nói. “Lần đầu tiên, một tàu chiến bị tiêu diệt bởi một hỏa tiễn chống hạm được sản xuất hoàn toàn trong nước” – Daria Kaleniuk, Giám đốc điều hành của Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng ở Ukraine, viết trên Twitter. Là nhà hoạt động nổi tiếng trên mạng xã hội, Daria Kaleniuk nhấn mạnh: “Cuộc tấn công thành công được phía Mỹ xác nhận cho thấy Ukraine có thể xử lý vũ khí công nghệ tiên tiến hơn cả các vũ khí cũ do các nước NATO cung cấp”.

Như để trả thù cho soái hạm biến thành “tàu ngầm” Moskva, ngày 15 Tháng Tư, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã tấn công nhà máy quốc phòng Vizar ở rìa thủ đô Ukraine. Tập đoàn sản xuất vũ khí quốc gia Ukraine, Ukroboronprom, không hề che giấu trên trang web của mình là nhà máy Vizar sản xuất cả hỏa tiễn Neptune và hỏa tiễn dẫn đường chính xác Alder. Thật ra, hỏa tiễn Neptune đã được nghiên cứu phát triển trước khi Nga sáp nhập Crimea, nhưng việc chiếm Nga chiếm bán đảo này và sỉ nhục dân tộc Ukraine đã giúp thúc đẩy sản xuất Neptune nhanh hơn. Bán đảo Crimea có căn cứ Hải quân chính Sevastopol của Ukraine và có các hệ thống phòng thủ ven biển thời Liên Xô giúp bảo vệ đất liền khỏi các cuộc tấn công từ Hắc Hải.

Cái nôi thiết kế hỏa tiễn

Bản thân R-360 Neptune dựa trên hỏa tiễn hành trình cũ thời Liên Xô Kh-35, cũng được sản xuất tại thành phố Kharkiv của Ukraine. Công ty nghiên cứu phát triển Neptune là Cục thiết kế Luch, được thành lập năm 1965 và có lịch sử dài về thiết kế hỏa tiễn cho Liên Xô. Theo các chuyên gia quân sự, việc Neptune bắn trúng Moskva là lần đầu tiên nó được sử dụng trong thực chiến. Thành công cho thấy hỏa tiễn hành trình có tầm bắn khoảng 200 dặm này đã đánh lừa được các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tiên tiến trên tàu Nga. Moskva được trang bị radar tầm xa và hệ thống phòng không S-300, được thiết kế để bảo vệ không chỉ cho chính nó mà còn cả phần còn lại của Hạm đội Hắc Hải Nga.

Tài khoản mạng xã hội của các quan chức Ukraine tiết lộ một máy bay không người lái đã được sử dụng để đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ của Moskva, mở đường cho Neptune tấn công phủ đầu. Năm ngoái, Ukraine tiết lộ có bốn quốc gia muốn mua hệ thống phóng hỏa tiễn Neptune. Indonesia là một trong những nước có thể nhận được lô hàng đầu tiên. Tuy nhiên, hiện có lo lắng rằng Ukraine không còn đủ hỏa tiễn nên sẽ phải tạm hoãn giao hàng. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái, Oleg Korostelov, Giám đốc Cục thiết kế Luch, cho biết do thiếu kinh phí, công ty chỉ có thể cung cấp tối đa 800 trong khoảng 2,000 hỏa tiễn mà quân đội Ukraine yêu cầu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn