Giấc mơ dang dở của Facebook

Thứ Hai, 04 Tháng Tư 20227:00 CH(Xem: 3079)
Giấc mơ dang dở của Facebook

Sở hữu liên minh gồm những công ty lớn và dàn lãnh đạo tâm huyết, Facebook vẫn phải chấp nhận sự sụp đổ của dự án tiền mã hóa Diem.

Dang sau giac mo tien ma hoa dang do cua Facebook anh 1

Ngày 24/6/2021, Jay Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ăn sáng tại trụ sở Bộ Tài chính Mỹ trên đại lộ Pennsylvania, bang Washington. Cả 2 thảo luận về khả năng "bật đèn xanh" cho dự án tiền số của Facebook.

Không còn "di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ", các lãnh đạo Facebook đã đến Washington để xin ý kiến giới chức trước khi khởi động dự án tiền mã hóa Diem, tên cũ là Libra.

Powell nói với Yellen rằng ông sẵn sàng để Facebook thử nghiệm Diem bởi đây là tiền ổn định (stablecoin) có giá trị gắn với USD. Biết rằng Bộ Tài chính Mỹ lo lắng Diem có thể bị lợi dụng để rửa tiền hoặc phổ biến đến mức đe dọa sự ổn định đồng USD, đội ngũ của Powell nhận định Diem đã được thiết kế đủ cẩn thận để tránh những hệ quả tiêu cực.

Danh tiếng của Facebook xuống thấp nghiêm trọng sau hàng loạt bê bối về quyền riêng tư, lan truyền tin giả. Nhiều cử tri đảng Cộng hòa và Dân chủ công khai phản đối Diem. Do đó, Powell muốn có sự hậu thuẫn từ Yellen, cộng sự của Tổng thống Joe Biden để cấp phép cho Diem.

Sau nhiều tuần cân nhắc, bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ chọn rút lui. "Yellen nói với Powell rằng quyền quyết định thuộc về ông ấy, nhưng bà ta sẽ không bảo vệ Powell khỏi sụp đổ chính trị... Đó là dấu chấm hết cho dự án tiền mã hóa mà Facebook ấp ủ", một nguồn tin thân cận nói với Financial Times.

Sức ép từ khi mới ra đời

Trong chuyến du lịch đến Cộng hòa Dominica năm 2017, David Marcus, người đứng đầu mảng Messenger bất chợt nghĩ đến ý tưởng tạo ra tiền số tích hợp với Facebook. Trước khi gia nhập công ty, Marcus đã thành lập startup về thanh toán di động, được PayPal mua lại với giá 240 triệu USD, đưa ông trở thành đồng chủ tịch PayPal trong 9 tháng. Năm 2014, Marcus cập bến Facebook để điều hành ứng dụng Messenger.

Cách đây 5 năm, nhiều người vẫn xem blockchain và tiền mã hóa chỉ dành cho tội phạm rửa tiền. Với hơn 2 tỷ người dùng Facebook, Marcus muốn tạo ra loại tiền số giúp các giao dịch trên thế giới nhanh chóng và tốn ít chi phí hơn. Sau khi ý tưởng được CEO Mark Zuckerberg chấp thuận, Marcus lập tức lên kế hoạch cho dự án.

Dang sau giac mo tien ma hoa dang do cua Facebook anh 2

Dự án tiền mã hóa Libra và ví điện tử Novi hình thành với tham vọng tạo ra nền tảng giao dịch nhanh chóng, chi phí thấp cho 2 tỷ người dùng Facebook khắp thế giới. Ảnh: Reuters.

Hợp sức cùng Marcus còn có Morgan Beller, một nhân viên Facebook rất ủng hộ công nghệ blockchain. Để bảo mật thông tin, chỉ các nhân vật có thẻ ra vào đặc biệt gồm chuyên gia tiền mã hóa, kỹ sư và nhà kinh tế học mới có thể vào tòa nhà tách biệt khỏi trụ sở Facebook, nơi phát triển dự án với tên ban đầu là Libra.

Marcus và Beller đã thành lập hiệp hội phi lợi nhuận có tên Libra Association, trụ sở trên giấy tờ đặt ở Thụy Sĩ. Đến giữa năm 2019, hiệp hội đã thu hút khoảng 28 công ty và tổ chức tham gia, bên cạnh Facebook còn có Uber, Vodafone, Spotify, Visa và Mastercard. Mỗi thành viên sáng lập có quyền biểu quyết như nhau, đóng góp 10 triệu USD vào quỹ, hỗ trợ phát triển dự án và tích hợp Libra vào các dịch vụ khi đồng tiền này phát hành chính thức.

Với tư cách thành viên sáng lập, Facebook thành lập Calibra, công ty con phát triển ví điện tử cho Libra. Marcus góp mặt trong hội đồng quản trị của Libra, đồng thời điều hành Calibra.

Đối với Facebook, lợi ích thương mại từ Libra và Calibra rất rõ ràng. Đó là dữ liệu từ các giao dịch, sự tương tác, thương mại điện tử và thu phí giao dịch.

"Đó luôn là lợi thế của Facebook. Dự án sẽ tạo ra cơ hội lớn và rất nhiều tiền cho họ. Tuy nhiên, nếu Facebook là lý do giúp Libra thành công, đó cũng là cơ sở cho sự thất bại", một nhà lập pháp giấu tên cho biết.

Tháng 6/2019, Marcus tổ chức họp báo ra mắt dự án tại Old San Francisco Mint, địa điểm liên quan đến yếu tố chính trị. Trong khi các nhà lập pháp lo ngại Libra có thể lấn át đồng USD, Marcus lựa chọn ra mắt nó tại nơi đúc đồng USD của Mỹ.

Một tháng sau, sức ép chính trị xuất hiện rõ rệt. "Tôi không thích Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác, vốn không phải tiền và giá trị rất dễ biến động", ông Donald Trump viết trên trang Twitter dành cho tổng thống Mỹ (@POTUS) vào ngày 11/7/2019. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin lặp lại thông điệp trong buổi họp báo diễn ra sau đó 4 ngày.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Marcus khẳng định luôn tiếp thu ý kiến để thay đổi dự án. Dù vậy, ông liên tiếp hứng chịu chỉ trích. "Tôi không tin các bạn. Thay vì dọn dẹp mớ hỗn độn, bạn lại triển khai một mô hình kinh doanh mới", Martha McSally, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết.

Gần cuối năm 2019, WSJ đưa tin Visa, Mastercard và một số thành viên có vẻ lạnh nhạt với dự án, khiến Marcus phải lên tiếng trấn an. Một ngày sau, lãnh đạo các công ty thành viên của Libra họp tại Tòa nhà Liên minh Quốc gia ở Washington. Nhiều nguồn tin cho biết một số công ty cảm thấy lo lắng trước áp lực chính trị.

Dang sau giac mo tien ma hoa dang do cua Facebook anh 3

Những thành viên rời liên minh Libra chỉ vài tháng sau khi dự án được công bố. Ảnh: TechCrunch.

Cuộc họp trở nên căng thẳng khi các công ty được yêu cầu ký biên bản khẳng định tư cách thành viên hiệp hội. Nhóm phát triển Libra nhận thấy đại diện PayPal, công ty Marcus từng làm chủ tịch, không tham gia buổi họp. Một ngày sau, PayPal tuyên bố rút khỏi dự án Libra, cho rằng Facebook đã không làm đủ để giới chức đừng lo lắng.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi vài ngày sau, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown và Brian Schatz từ đảng Dân chủ cảnh báo Visa, Mastercard và Stripe sẽ bị Quốc hội giám sát chặt chẽ nếu vẫn tham gia dự án Libra. Chỉ trong ít ngày, 25% thành viên sáng lập đã rút khỏi hiệp hội, trong đó có Visa, Mastercard, Stripe và eBay. Trở về Thung lũng Silicon, Marcus nhận ra nếu muốn theo đuổi ước mơ, ông sẽ phải nhượng bộ nhiều thứ.

Giải cứu giấc mơ tiền mã hóa

Đó là những gì Marcus đã làm trong 18 tháng tiếp theo. Đầu tiên, ông tránh xuất hiện trước công chúng, nhưng điều đó khiến hướng chỉ trích chuyển sang Facebook và Zuckerberg. Tiếp theo, Libra mời các chuyên gia như Steve Bunnell, cựu cố vấn Bộ An ninh Nội địa Mỹ làm Giám đốc Pháp lý và Stuart Levey, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ làm CEO Libra Association. Họ được xem là những nhân vật uy tín, có thể trả lời chất vấn trước các nghị sĩ.

Dự án Libra được đổi tên thành Diem, ví điện tử Calibra trở thành Novi. Marcus làm việc tại nhóm phát triển Novi, trong khi Beller rời Facebook để gia nhập một công ty đầu tư mạo hiểm.

Diem đã bớt "ồn ào" từ khi Levey trở thành CEO. Để xoa dịu các quan chức Mỹ và châu Âu, phạm vi dự án được thu hẹp, trở thành đồng tiền theo mệnh giá USD thay vì liên kết với nhiều loại tiền và tài sản rủi ro thấp, yếu tố khiến nhiều chuyên gia lo ngại Libra sẽ cạnh tranh với USD. Nhóm kỹ sư trải khắp châu Âu và Thung lũng Silicon đã tích cực xây dựng hệ thống theo dõi giao dịch để ngăn chặn hành vi rửa tiền hoặc lừa đảo.

"Việc dừng đợt phát hành hạn chế của một đồng tiền hợp pháp khi các stablecoin khác vẫn phát triển không kiểm soát là sự bất công', Stuart Levey, CEO Diem Association

Đầu năm 2021, Levey và dàn lãnh đạo dự án cảm thấy đủ tự tin để phát hành số ít Diem, thử nghiệm Novi trong quy mô nhỏ. Finma, Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ đã triệu tập 20 cơ quan trên thế giới để hướng dẫn quy trình cấp phép cho Novi và Diem. Rào cản cuối cùng chính là Bộ Tài chính Mỹ.

"Không" là câu trả lời của Bộ Tài chính Mỹ. Cơ quan này yêu cầu tạm hoãn kế hoạch ra mắt Diem và Novi bởi chính quyền Tổng thống Biden cần thời gian xem xét dự án. Câu trả lời khiến Levey và Dante Disparte, trưởng bộ phận chính sách của Diem thất vọng.

Levey vẫn không bỏ cuộc. Diem tiếp tục "chuyển mình" khi trụ sở được chuyển từ Thụy Sĩ về Mỹ. Ông cũng làm việc với ngân hàng Silvergate do Mỹ quản lý để phát hành Diem. Nếu chính phủ muốn can thiệp vào Diem, họ có thể làm vậy thông qua mối quan hệ với Silvergate. Lãnh đạo Diem thông báo cho Fed và Bộ Tài chính Mỹ về đợt phát hành tiền số vào ngày 29/6/2021.

Dang sau giac mo tien ma hoa dang do cua Facebook anh 4

David Marcus, đồng sáng lập dự án Diem từ chức tại Facebook khi giấc mơ không thành hiện thực. Ảnh: Wired.

Tuy nhiên, đợt phát hành Diem đã không diễn ra. Sau khi nghe Yellen từ chối trong buổi ăn sáng với Chủ tịch Powell, Fed thông báo cho Silvergate và Diem. Trong cuộc điện thoại với Levey, Tổng cố vấn Fed Mark Van Der Weide cho biết chính phủ Mỹ "không thoải mái" với các dự án đến khi đưa ra khung pháp lý toàn diện cho stablecoin, bày tỏ sự lo lắng về loại tiền có khả năng mở rộng quy mô lớn như Diem.

Levey lập tức đáp trả bằng bức thư gửi tới Yellen và Powell ngày 6/7/2021. CEO Diem chỉ trích nhà quản lý, đưa ra các giải pháp để xoa dịu. Trong bức thư, ông viết rằng những yêu cầu gặp gỡ Yellen và Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo bị từ chối mà không có lời giải thích, đề nghị được gặp 2 người để trình bày.

"Dù Diem chào đón sự tham gia và xem xét kỹ lưỡng, chúng tôi xứng đáng được đối xử công bằng... Việc dừng đợt phát hành hạn chế của một đồng tiền hợp pháp khi các stablecoin khác vẫn phát triển không kiểm soát là sự bất công", Levey viết. Dù vậy, những cuộc gặp gỡ do ông đề xuất không bao giờ thành hiện thực.

Đằng sau cánh cửa đóng kín, một số thành viên dự án Diem cho rằng vấn đề không chỉ là bất công, mà còn liên quan đến chính trị. "Cục Dự trữ Liên bang, được cho là ngân hàng trung ương độc lập của chính phủ Mỹ, có nhiệm vụ đặt ra điều khoản suốt các nhiệm kỳ tổng thống để đưa chính trị ra khỏi tiền bạc. Thật xấu hổ khi chính trị vào cuộc", một thành viên trong dự án chia sẻ.

Mệt mỏi và thất vọng

Trong nội bộ chính phủ Mỹ, Facebook vẫn là cái tên gây ám ảnh. Đội ngũ phát triển Diem dành 6 tháng tiếp theo để giải cứu dự án bằng cách thu hút các nhà lập pháp, những "kẻ thù truyền kiếp" của Mark Zuckerberg.

Sau khi bị Fed từ chối vào tháng 6/2021, các lãnh đạo Diem đưa ra phương án cuối cùng: tìm kiếm công ty phát hành stablecoin đã được cấp phép ở tiểu bang. Cái tên được chọn là Gemini, công ty tiền mã hóa do Cameron và Tyler Winkelvoss thành lập. Cặp sinh đôi được biết đến với vụ thắng kiện Zuckerberg trước khi trở thành tỷ phú Bitcoin.

Dang sau giac mo tien ma hoa dang do cua Facebook anh 5

Dù không được nhiều người chú ý, Financial Times nhận định Diem (Libra) là một trong những dự án thất bại nặng nề nhất của Facebook. Ảnh: StormGain.

Linda Lacewell, Giám đốc Sở Dịch vụ Tài chính New York (NYDFS) ủng hộ ý tưởng hợp tác. Tuy nhiên khi Thống đốc New York Andrew Cuomo từ chức do cáo buộc quấy rối tình dục, Lacewell cũng rời bỏ vị trí. Điều đó khiến kế hoạch của Diem đổ vỡ.

Sau đó, Marcus đi bước sai lầm cuối cùng khi triển khai thử nghiệm ví điện tử Novi vào tháng 10/2021. Tuy nhiên thay vì sử dụng Diem, Novi dựa vào Paxos Dollar, một stablecoin đối thủ. Động thái được cho có thể giảm áp lực đối với Diem, cuối cùng lại khiến Quốc hội Mỹ phản ứng dữ dội. Họ vẫn xem Diem và Novi có mối liên kết chặt chẽ với nhau.

"Mọi hy vọng đã tắt", một thành viên của Diem cho biết vào tháng 11/2021, khi chính phủ Mỹ ra quyết định chính thức về stablecoin. Bộ Tài chính Mỹ cho biết nhà phát hành tiền ổn định dùng trong hoạt động thanh toán phải là các ngân hàng đang chịu sự giám sát của chính phủ.

Những người liên quan đến Diem tỏ ra mệt mỏi. Theo nguồn tin thân cận, Zuckerberg đã bực tức khi phải nhận nhiều thông tin tiêu cực trong lúc ông muốn làm mới công ty.

Diem tính chuyện rao bán từ cuối tháng 10/2021. Đồng sáng lập dự án Marcus cũng từ chức tại Facebook, nhiều người cho rằng ông "rất thất vọng". Trong cuộc họp tháng 12/2021, khoảng 30 người tham gia cùng Levey đều im lặng.

Ngày 31/1/2022, Facebook xác nhận Diem đã đi đến hồi kết. Những gì còn lại trong dự án tiền số của Zuckerberg sẽ được bán cho Silvergate với giá 182 triệu USD để theo đuổi kế hoạch phát hành stablecoin riêng.

Dang sau giac mo tien ma hoa dang do cua Facebook anh 6

Dù không còn dự án tiền mã hóa, Facebook vẫn quan tâm đến blockchain khi tập trung phát triển metaverse. Ảnh: Financial Times.

"Diem chứng minh rằng có thể xây dựng hệ thống thanh toán blockchain hiệu quả, ngăn chặn các giao dịch ẩn danh, nhiều biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ người dùng và chống tội phạm", Levey chia sẻ. Sau tất cả, giấc mơ phát hành tiền số cho 2 tỷ người dùng Facebook của Marcus không thể thành hiện thực.

Facebook hiện tập trung phát triển metaverse, thế giới ảo giúp mọi người liên lạc, giao tiếp cùng nhau. Các thành viên của Novi được chuyển sang phát triển tiền số trong metaverse, tuy nhiên họ vẫn chưa quên những gì đã xảy ra với Diem. Một quan chức chính phủ tham gia kiểm duyệt Diem nhận định sai lầm lớn nhất của dự án chính là "thuộc về Facebook".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn