Lý do xung đột Ukraine rơi vào bế tắc

Thứ Hai, 21 Tháng Ba 20224:21 CH(Xem: 2659)
Lý do xung đột Ukraine rơi vào bế tắc

Tính toán chiến lược của ông Putin và những bất đồng trong điều kiện đàm phán khiến Nga - Ukraine chưa thể tìm được giải pháp chấm dứt xung đột.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang tuần thứ tư và chưa có dấu hiệu chấm dứt, khi xung đột biến thành những cuộc giao tranh giằng co tại nhiều đô thị lớn, nơi không bên nào chiếm được ưu thế rõ ràng.

"Đó là tình thế bế tắc, và là sự bế tắc đẫm máu", David Petraeus, cựu giám đốc CIA và từng là tướng Mỹ tham chiến ở Iraq và Afghanistan, nói. "Cuộc xung đột này rõ ràng đã biến thành chiến tranh tiêu hao".

Lực lượng Nga đang đào công sự, củng cố vị trí ở ngoại ô Kiev, khi chưa thể thọc sâu được vào thành phố này sau nhiều ngày tìm cách bao vây. Pháo kích được tăng cường ở khu vực phía nam, nơi lực lượng Nga tìm cách cắt đường tiếp cận Biển Đen của Ukraine ở các thành phố Mariupol và Odessa. Nga cuối tuần trước tuyên bố lần đầu sử dụng vũ khí siêu vượt âm trong chiến dịch Ukraine.

Các chính phủ phương Tây nỗ lực hỗ trợ Ukraine bằng cách gửi thêm tên lửa chống tăng và phòng không, làm dấy lên nhiều lo ngại rằng xung đột Ukraine có thể leo thang thành cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây.

Một xe tăng bị phá hủy bên đường ở Lugansk, miền đông Ukraine, ngày 26/2. Ảnh: CNN.

Một xe tăng bị phá hủy bên đường ở Lugansk, miền đông Ukraine, ngày 26/2. Ảnh: CNN.

Đây là một tình huống căng thẳng đối với Joe Biden khi ông tới châu Âu cuối tuần này dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Trước chuyến công du của ông Biden, đã có những tín hiệu tiềm năng về khả năng đàm phán tìm giải pháp cho xung đột, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói muốn đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Tôi sẵn sàng đàm phán với ông ấy. Tôi đã sẵn sàng suốt hai năm qua. Và tôi nghĩ chúng tôi không thể chấm dứt cuộc chiến nếu không có đàm phán", ông nói. "Tôi nghĩ chúng tôi phải sử dụng bất kỳ hình thức và cơ hội nào để có thể đàm phán, có thể nói chuyện với ông Putin. Nếu nỗ lực này thất bại, điều đó có nghĩa đây sẽ trở thành Thế chiến III".

Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO và đồng thời có quan hệ hữu nghị với Nga, đã đề nghị tổ chức cuộc đàm phán giữa ông Zelensky và ông Putin để đi đến thỏa thuận chấm dứt xung đột. Nhưng tất cả các nỗ lực ngoại giao đến nay dường như chưa đem lại hiệu quả.

Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN, cho rằng nỗ lực tìm giải pháp cho xung đột Ukraine đang đối mặt với nhiều trở ngại chiến lược, một trong số đó là tính toán của Tổng thống Putin và những điều ông có thể chấp nhận để kết thúc chiến dịch quân sự.

"Chưa có dấu hiệu nào cho thấy những lệnh trừng phạt của phương Tây và tổn thất mà nền kinh tế Nga hứng chịu làm thay đổi tính toán của ông Putin", Collinson cho hay.

Trước khi bắt đầu chiến dịch Ukraine, Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo NATO không mở rộng về phía đông và không kết nạp Kiev vào liên minh, điều mà ông xem là mối đe dọa an ninh với Nga. Chiến dịch Ukraine được xem là lời tuyên bố rõ ràng của Nga rằng họ không khoan nhượng đối với vấn đề này.Xung đột kéo dài cũng tạo ra làn sóng tị nạn lớn của người Ukraine, gây áp lực lớn châu Âu và đe dọa một trong những thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất của Mỹ, đó là một châu Âu tự do, an ninh, hòa bình trong gần 80 năm sau Thế chiến II, theo Collinson.

Một trở ngại lớn khác cho hy vọng về một thỏa thuận đột phá chấm dứt xung đột chính là những thay đổi về dân tộc và địa chính trị to lớn mà chiến dịch quân sự này tạo ra.

Khi bắt đầu chiến dịch, Tổng thống Putin cảnh báo Ukraine phải từ bỏ xu hướng ngả về phương Tây, cho rằng người Ukraine về mặt văn hóa và dân tộc đều thuộc về Nga.

Nhưng chiến sự đã củng cố lòng đoàn kết và bản sắc dân tộc của Ukraine, đồng thời khiến nước này xích lại gần hơn với phương Tây, bên đã hỗ trợ Kiev về vũ khí cũng như tiếp nhận hàng triệu người tị nạn. Bởi vậy, bất kỳ giải pháp hòa bình nào liên quan tới yêu cầu Ukraine phải cắt đứt mọi quan hệ với phương Tây sẽ khó được chấp nhận, sau những gì quốc gia này đã trải qua gần một tháng qua.

Tổng thống Putin cũng khó lòng chấp nhận bất kỳ kết quả bất lợi nào trên bàn đàm phán, sau những tổn thất mà nền kinh tế Nga phải hứng chịu từ các lệnh trừng phạt phương Tây vì chiến dịch quân sự.

"Điều này đồng nghĩa nếu quyết định đi theo con đường ngoại giao, ông ấy sẽ cứng rắn trong các cuộc đàm phán", Collinson viết.

Trong khi đó, phương Tây lại tìm mọi cách gây sức ép để buộc Nga phải trở thành bên thua. "Ông Putin không được thắng trong cuộc chiến này", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói hôm 20/3.

Kallas, người sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels tuần này, nói rằng chiến lược của liên minh nên tập trung vào việc tăng khả năng phòng thủ của mỗi thành viên và cô lập Nga "ở tất cả cấp độ chính trị".

Bên cạnh những vấn đề chiến lược lớn hơn khiến xung đột khó kết thúc nhanh chóng, tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine cũng đang gặp những bế tắc sau nhiều vòng hội đàm chưa thu được kết quả.

Theo Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đã nêu ra một số điều kiện cho lệnh ngừng bắn khi điện đàm với ông Erdogan hôm 17/3.

"Ông Zelensky sẵn sàng đàm phán, nhưng ông Putin cho rằng lập trường của hai bên chưa đủ gần để đối thoại ở cấp cao nhất", Kalin nói.

Tổng thống Nga yêu cầu Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và tuyên bố trung lập giống như Áo, điều mà Kiev đã bác bỏ là khả năng không thực tế.

Ông Putin cũng muốn "phi phát xít hóa" Ukraine, theo Kalin. Do Tổng thống Nga từng gọi chính phủ Ukraine là "phát xít", điều khoản này ngụ ý rằng để có được hòa bình, ông Zelensky và nội các có thể phải từ chức để nhường chỗ cho một chính phủ mà Moskva mong muốn, điều Kiev khó có thể chấp nhận.

Các vùng giao tranh tại Ukraine. Đồ họa: NY Times.

Tổng thống Zelensky đã có nhượng bộ rõ ràng với Nga, khi thừa nhận Ukraine không thể gia nhập NATO. Điều kiện để đạt thỏa thuận hòa bình mà ông đưa ra là Nga rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine, cũng như phương Tây có biện pháp đảm bảo an ninh để Kiev không bị đe dọa trong tương lai, điều có thể không được Moskva chấp nhận.

Tình trạng của các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine cũng sẽ là một vấn đề hóc búa đối với cả hai nước và có thể sẽ mất nhiều năm để giải quyết, theo Collinson.

Trong một bản đánh giá công bố cuối tuần trước, Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Mỹ cho rằng với tình hình bế tắc như hiện nay, cuộc xung đột có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng tới, gây thương vong nặng nề cho binh sĩ hai bên và cả dân thường.

"Tình hình chiến trường khi đó sẽ là hai bên thay nhau tiến hành các đợt tấn công quy mô nhỏ, không thể làm thay đổi cục diện", báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh có đoạn. "Các trận pháo kích, không kích sẽ gia tăng, tàn phá cơ sở hạ tầng và gây thương vong cho dân thường, trong khi quân đội Ukraine cũng tổ chức các cuộc phản công gây tổn thất cho lực lượng Nga".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn