Nga đã để mất hợp đồng bán vũ khí cho Indonesia vào tay Pháp và Mỹ thế nào?

Thứ Ba, 15 Tháng Hai 202210:35 SA(Xem: 1972)
Nga đã để mất hợp đồng bán vũ khí cho Indonesia vào tay Pháp và Mỹ thế nào?
rfi.fr

Nga đã để mất hợp đồng bán vũ khí cho Indonesia vào tay Pháp và Mỹ thế nào?

Chi Phương

Jakarta đã ký hợp đồng mua 78 chiến đấu cơ của Pháp và Mỹ thay vì máy bay chiến đấu của Nga. Thoả thuận này một lần nữa thể hiện nỗ lực của Mỹ trong việc làm suy yếu Nga và ngăn chặn các đối thủ làm “xói mòn” ưu thế quân sự của Hoa Kỳ. RFI xin giới thiệu bài phân tích của chuyên gia A.A.Abrams* đăng trên trang The Diplomat ngày 12/02/2022.

Trong vòng 24h, vào ngày 10-11 tháng Hai, bộ Quốc Phòng Indonesia ký kết hai hợp đồng mua thiết bị quân sự trị giá 22 tỷ đô la từ phương Tây. Đầu tiên là hợp đồng trị giá 8,1 tỷ đô la để mua 42 chiến đấu cơ hạng nhẹ hai động cơ Rafale của Pháp. Vài giờ sau đó, hợp đồng thứ hai trị giá 13,9 tỷ đô la được công bố dành để mua 36 chiến đấu cơ hạng nặng F15 Eagle của Hoa Kỳ.  

Lực lượng không quân Indonesia hiện sở hữu 49 máy bay chiến đấu trong 4 phi đội. Với 78 chiến đấu cơ mới, Indonesia không chỉ thay thế tất cả các máy bay chiến đấu đang được sử dụng mà còn cho phép lập thêm các phi đội mới. Hiện nay, nòng cốt của lực lượng không quân Indonesia gồm 33 máy bay chiến đấu hạng nhẹ F16 và F5, dự kiến sẽ được thay thế bằng chiến đấu cơ Rafales. Lực lượng tinh nhuệ của không quân gồm 16 máy bay chiến đấu hạng nặng Su-27/30 của Nga, có thể được thay thế bằng chiến đấu cơ F15 của Mỹ. 

Tại sao việc Indonesia trang bị vũ khí lại đáng chú ý ? 

Đầu tiên phải kể đến quy mô của hợp đồng mua vũ khí. Chính phủ Indonesia chịu chi một khoản khổng lồ, trị giá 22 tỷ đô la, đây là một con số không nhỏ ngay cả đối với những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn như Ả Rập Xê Út và Nhật Bản. Điều này thể hiện sự gia tăng chi tiêu quốc phòng. Thêm vào đó, các thoả thuận mới này cũng phản ánh sự thành công trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm mở rộng thị phần của các loại vũ khí phương Tây bằng cách sử dụng các đe doạ trừng phạt kinh tế. 

Cụ thể, vào tháng 2 năm 2018, bộ Quốc Phòng Indonesia đã công bố hợp đồng trị giá 1,1 tỷ đô la để mua 11 chiến đấu cơ hạng nặng Su-35 của Nga và dự kiến bắt đầu giao hàng vào cuối năm 2019, và có khả năng Jarkarta sẽ còn mua thêm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã can thiệp vào và sử dụng đạo luật CAATSA - Chống lại những đối thủ của Hoa Kỳ thông qua các biện pháp trừng phạt, đã làm đình trệ lại thoả thuận này. Hợp đồng bị huỷ không lâu sau đó.  

Hoa Kỳ ban hành luật để gây sức ép 

Đạo luật CAATSA, được ban hành vào tháng 8 năm 2017, tận dụng vị trí của Hoa Kỳ như là trung tâm của hệ thống tài chính thế giới để tác động đến các hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu, bằng việc đe doạ tiến hành chiến tranh kinh tế đối với bất kỳ quốc gia nào mua vũ khí với số lượng lớn từ đối thủ của mình như Nga. Đạo luật CAATSA được áp dụng lần đầu tiên nhằm chống lại Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018 đối với đơn hàng đã được thông qua năm 2015, trị giá 4 tỷ đô la để mua chiến đấu cơ Su-35 và hệ thống phòng không S-400 của Nga. Luật này cho phép bảo đảm rằng tuy một nhóm nước nòng cốt đã đầu tư rất nhiều vào các thiết bị quân sự của Nga như Algéria, Việt Nam, Ấn Độ, vẫn sẽ tiếp tục quá trình mua thiết bị của họ, nhưng những quốc gia tìm cách tự vệ thông qua hai nguồn vũ khí, từ Nga và từ phương Tây như là trường hợp của Indonesia, Ai Cập, Philippines hay Malaysia thì có thể sẽ chuyển thị phần dành cho Nga sang cho các nhà cung cấp phương Tây.

Chính sách trang bị quốc phòng của Indonesia thay đổi như thế nào ? 

Từ cuối những năm 1960, Indonesia chỉ tìm mua từ Hoa Kỳ các loại thiết bị như máy bay phản lực hạng nhẹ  F5, F16, và lên kế hoạch mua thêm F16 vào những năm 1990. Indonesia đã nhận thấy các mối đe doạ của Hoa Kỳ ngăn chặn mua các phụ tùng thay thế cho các phi đội của mình từ những năm 1990 và mối đe dọa này đã được thực thi năm 1999, khi chính quyền Jakarta bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Đông Timor. Do vậy, Indonesia đã phải đa dạng hoá nguồn trang bị vũ khí và quyết định mua chiến đấu cơ Su-27 và Su-30 của Nga. Indonesia đi nước đôi : mua vũ khí từ cả Hoa Kỳ và Nga. Hoa Kỳ cung cấp ít vũ khí hơn nhưng là các loại vũ khí hạng nặng, Nga cung cấp nhiều vũ khí hơn, với các loại vũ khí hạng nhẹ, không yêu cầu bảo dưỡng quá nhiều. Các loại chiến đấu cơ Su-35 có thể được bổ trợ bởi các chiến đấu cơ mới F16 của Hoa Kỳ. 

Từ lâu Washington đã gây áp lực đối với khách hàng mua vũ khí của Nga, buộc họ phải quay sang phương Tây. Biện pháp này phần nào làm suy yếu lĩnh vực quốc phòng của Nga còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Tuy nhiên, đạo luật CAATSA đã khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là trong trường hợp của Indonesia, văn bản này mang tính quyết định.

Ban đầu chính phủ Indonesia đã đưa ra những lời tuyên bố đầy thách thức trước những lời đe doạ trừng phạt của Hoa Kỳ. Vào tháng 10 năm 2018, bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia tuyên bố như sau : “Không bao giờ hủy bỏ. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện hợp đồng”. Tuyên bố được đưa ra hai tháng sau khi lãnh đạo bộ Thương Mại Oke Nurwan than thở : “Trong khi chúng tôi đang trong quá trình thực hiện giao dịch với Nga, Mỹ tình cách can thiệp.” Có vẻ như Nga đã cố gắng cứu vãn thoả thuận qua việc sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng hàng hoá và sau đó tạo điều kiện cho Indonesia tuỳ chỉnh các thay đổi của chiến đấu cơ Su-35. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 2021, hợp đồng mua chiến đấu cơ Su-35 bị huỷ bỏ và bên hưởng lợi chính từ vụ việc này là Pháp. 

Mỹ và phương Tây có lợi gì khi loại Nga ra khỏi thương vụ vũ khí ? 

Dường như Indonesia đã thay thế Nga bằng Pháp như là nhà cung cấp phụ các máy bay chiến đấu. Hiện trên thế giới, chỉ có Nga và Mỹ sản xuất máy bay hạng nặng để xuất khẩu, Jakarta đã thay đổi kế hoạch ban đầu. Thay vì mua chiến đấu cơ hạng nhẹ F16, Jakarta chuyển sang mua chiến đấu cơ F15 hạng nặng của Mỹ và mua chiến đấu cơ hạng nhẹ Rafale của Pháp thay thế cho F16. 

Thương vụ bán máy bay của Pháp mang lại mối lợi đáng kể cho Hoa Kỳ, không chỉ làm suy yếu Nga mà còn cho phép củng cố lĩnh vực quốc phòng thường gặp nhiều khó khăn của đồng minh Pháp trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, đặc biệt là sau vụ Úc huỷ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp (khi tham gia liên minh Aukus, bao gồm Mỹ, Anh, Úc) khiến Paris tức giận. Thêm vào đó, việc Pháp bán được máy bay cho Indonesia cũng mang lại doanh thu cho một số công ty Hoa Kỳ cùng một số công ty châu Âu khác sản xuất các thiết bị đầu vào quan trọng cho chiến đấu cơ Rafale. 

Indonesia tránh được trừng phạt kinh tế nhưng chịu chi phí khổng lồ 

Mặc dù thương vụ mua máy bay của Indonesia rõ ràng là để tránh các lệnh trừng phạt từ Washington, nhưng Jakarta lại phải trả một cái giá khá đắt theo đúng nghĩa của nó. Với những chiếc Rafale hạng nhẹ của Pháp, giá mỗi chiếc vào khoảng 193 triệu đô la, trong khi những chiến đấu cơ F15 hạng nặng, nằm trong số những chiến đấu cơ đắt nhất được xuất khẩu, với giá 386 triệu đô la mỗi chiếc, so với chiến đấu cơ Su-35 của Nga, chỉ khoảng 100 triệu đô la. Trường hợp của Trung Quốc, khi mua với số lượng lớn, khoảng hơn 20 chiếc Su-35, chúng được bán với giá khoảng 83 triệu đô la mỗi chiếc. Đối với đơn hàng từ 36 đến 42 chiến đấu cơ, rất có thể giá sẽ giảm xuống còn dưới 80 triệu đô la. 

Tại sao Indonesia muốn mua vũ khí từ Nga ?

Chiến đấu cơ Su-35 của Nga nặng hơn hơn 180% và động cơ có công suất lớn hơn 190%, độ bền cũng cao hơn nhiều so với chiến đấu cơ Rafale, được xem là loại máy bay có động cơ yếu nhất trong số các máy bay chiến đấu đang sản xuất trên thế giới. Máy bay chiến đấu của Nga có động cơ vectơ lực đẩy, có độ bền cao hơn và đáng chú ý là sử dụng 3 radar trong khi máy bay của các đối thủ phương Tây chỉ có 1 radar. Tên lửa không đối không R-37 (air-to-air missiles) của máy bay Su-35 có tốc độ nhanh và có tầm bắn hơn 400 km, khoảng gấp đôi tầm bắn của tên lửa Meteor trang bị trên máy bay Rafale và hơn gấp đôi tầm bắn của tên lửa AIM-120D của F15. Với những số liệu kể trên, không có nghĩa là Su-35 nhất thiết tốt hơn các loại máy bay chiến đấu khác, đặc biệt là F15, được xem là đối thủ ngang hàng với Su-35 mặc dù giá của nó cao gần gấp 5 lần. Điều đáng nói ở đây đó là sự chênh lệch chi phí và rất khó giải thích rằng đó là nhờ lợi thế hiệu năng của các hệ thống phương Tây. 

Một số yếu tố khác, đáng chú ý nhất là sức mua của đồng đô la cao hơn nhiều ở Nga, cho phép giải thích đáng kể về sự chênh lệch giá có lợi cho Su-35. Giả sử Indonesia mua 78 chiếc Su-35 của Nga, thay vì 78 chiếc Rafales và F15 của Pháp và Mỹ, chi phí sẽ ít hơn rất nhiều, khoảng trên 6 tỷ đô la thay vì 22 tỷ. Chi phí hoạt động của Su-35 cũng tương đương với F15, mặc dù cao hơn chi phí của máy bay hạng nhẹ Rafale.

Suy yếu đối thủ - chiến lược Hoa Kỳ 

Các quyết định của Indonesia cho thấy sức mạnh của các mối đe doạ trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ. Kết quả là tạo ra nguồn thu cần thiết cho ngành công nghiệp quốc phòng của phương Tây, mặc dù khiến khách hàng phải chi đắt hơn nhiều và mua các thiết bị được cho là kém hiệu quả hơn. Việc ngăn chặn nguồn thu nhập của ngành công nghiệp quốc phòng của Matxcơva như là một phần của những nỗ lực ngày càng lớn hơn của phương Tây nhằm làm suy yếu kinh tế của Nga. 

Trường hợp của Indonesia không phải là trường hợp duy nhất. Một ví dụ khác đáng chú ý trong khu vực đó là Philippines. Bộ Quốc Phòng Philippines đã nêu ra những đe doạ của đạo luật CAATSA để giải thích lý do mua trực thăng Black Hawk của Hoa Kỳ, vì ban đầu nước này quan tâm đến máy Mi-171 của Nga. 

Các trường hợp tương tự có khả năng tiếp tục định hình hoạt động mua bán vũ trên thế giới, trừ khi xuất hiện những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, làm suy yếu sức mạnh của các lệnh trừng phạt của Mỹ và làm suy yếu khả năng của Washington trong việc sử dụng áp lực kinh tế và chính trị để tác động đến các quyết định trang bị vũ khí của chính phủ các nước.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 16 Tháng Hai 20221:58 SA
Khách
Tren the gioi,luc nao cung phai co mot lo lua chien tranh.Va voi mot danh tu cao dep nao chang nua,thi cung la dan no,bom roi,nha chay....De lam noi tieu thu vu khi,dan duoc ,la noi tieu thu cac vat lieu xay cat-sua chua.Tat ca deu do y muon va hanh dong cua mot bon nguoi goi la tinh anh cua the gioi,dieu hanh va giat giay.Long tham vo do va cai dau oc man ro cua bon nguoi nay,da lam cac nuoc,cac dan toc tren the gioi dieu dung.Hay goi bon ho la tieu bieu cho su ac. Tieu diet su ac la su thien.Tieu diet cai xau la cai dep ! Lich su nhan loai da chung minh ro rang : khi dao duc suy tan-toi ac tran lan,dan toc do-dat nuoc do se bi xam chiem va tieu diet.....
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn