Thỏa thuận quân sự đốt nóng cạnh tranh siêu cường Mỹ - Trung

Thứ Bảy, 08 Tháng Giêng 202212:05 CH(Xem: 1747)
Thỏa thuận quân sự đốt nóng cạnh tranh siêu cường Mỹ - Trung

Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ mà Nhật Bản và Australia vừa ký có thể góp phần tăng nhiệt cuộc cạnh tranh quyền lực gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 6/1, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kushida và người đồng cấp Australia Scott Morrison thông báo chính phủ hai nước đã hoàn tất ký kết Thoả thuận Tiếp cận Tương hỗ (RAA). Thỏa thuận quân sự này vẫn chờ quốc hội Nhật Bản và Australia phê duyệt trước khi chính thức có hiệu lực.

Giới chuyên gia nhận định RAA, thỏa thuận hợp tác quân sự mang tính lịch sử trong quan hệ hai nước, sẽ mở đường cho những hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn. Thỏa thuận cho phép Nhật và Australia triển khai binh sĩ nhanh hơn tới căn cứ của nhau, cũng như nới lỏng các hạn chế trong vận chuyển vũ khí, hậu cần phục vụ các cuộc diễn tập chung hay ứng phó thảm họa.

Thỏa thuận còn được kỳ vọng sẽ dọn đường cho Nhật Bản và Australia tăng tần suất các cuộc tập trận chung hải quân lẫn không quân.

"Quan trọng hơn hết là thông điệp chiến lược của RAA đối với khu vực. Thỏa thuận cho thấy Nhật Bản và Australia đang hợp tác ngày một chặt chẽ nhằm đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Malcom Davis, chuyên gia từ Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), nhận định.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Australia Scott Morrison ký Thoả thuận Tiếp cận Tương hỗ ngày 6/1. Ảnh: Kyodo.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Australia Scott Morrison ký Thoả thuận Tiếp cận Tương hỗ ngày 6/1. Ảnh: Kyodo.

Davis lưu ý thỏa thuận quân sự giữa hai nước được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và hành xử ngày càng quyết liệt, "thậm chí có thể gọi là hung hăng" trong khu vực. Kiểu hành vi này của Bắc Kinh đã diễn ra từ lâu ở nhiều khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.

Chuyên gia này dự báo Bắc Kinh sẽ phản ứng quyết liệt với thỏa thuận chưa từng có giữa Canberra và Tokyo. "Tuy nhiên, Australia đưa ra lựa chọn chính sách quốc phòng dựa trên nhu cầu của mình, chứ không phải làm hài lòng Trung Quốc", ông bình luận.

Theo Ali Wyne, chuyên gia phân tích cấp cao tại cơ quan nghiên cứu Eurasia Group của Mỹ, các hình thức hợp tác an ninh giữa hai nước sẽ được cụ thể hóa đáng kể bằng RAA. Thỏa thuận không chỉ nâng cao năng lực hợp tác quân sự Nhật Bản - Australia mà còn nâng cấp những đợt tập trận chung có Mỹ tham gia.

Washington đã thiết lập một số thỏa thuận đa phương về an ninh và quốc phòng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các đối tác cùng đồng minh. Bên cạnh nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) hay liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia và New Zealand), Mỹ vừa thành lập liên minh AUKUS để cùng Anh hỗ trợ Australia đóng tàu ngầm hạt nhân.

"Trung Quốc nhiều khả năng xem RAA là bằng chứng nữa cho thấy các nước đang tìm cách kìm hãm sự trỗi dậy của mình, dù thực tế chính cách hành xử vài năm qua của Bắc Kinh góp phần không nhỏ vào căng thẳng ngoại giao ngày càng sâu sắc với những nước này", Wyne đánh giá, nhận định thỏa thuận này sẽ gia tăng đáng kể căng thẳng trong cuộc cạnh tranh siêu cường Mỹ - Trung.

Theo Davis, những thỏa thuận an ninh và quốc phòng giữa các đối tác của Mỹ trong khu vực đang gửi đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng, cho thấy họ đang bắt tay thực hiện ít nhất ba mục tiêu.

Thứ nhất, Mỹ cùng các đối tác đang chứng tỏ quyết tâm xây dựng khu vực ổn định, tự do và cởi mở. Thứ hai, mạng lưới thỏa thuận đóng vai trò công cụ răn đe Trung Quốc không hành xử vượt giới hạn ở những khu vực tranh chấp.

"Mục tiêu thứ ba là đảm bảo các nước sẵn sàng ứng phó mối đe dọa khi chúng xuất hiện", ông nhận định.

Alessio Patalano, giáo sư về chiến tranh và chiến lược ở Đông Á, thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của Đại học Hoàng gia London, đánh giá thỏa thuận RAA có thể đóng vai trò hình mẫu cho nhiều hình thức hợp tác quốc phòng song phương khác giữa các nước lớn liên quan đến khu vực.

"Thỏa thuận đặt nền móng đẩy hợp tác Nhật Bản - Australia tiến lên một cấp độ mới: Không chỉ gợi mở hợp tác quân sự và phối hợp hành động cấp cao hơn, mà còn bổ sung đối thoại cho nhiều vấn đề từ hợp tác công nghiệp đến chia sẻ tình báo", ông chia sẻ.

"RAA mở đường cho một số thỏa thuận tương tự mà Nhật Bản đang xúc tiến với Anh và Pháp. Quá trình đàm phán đã tiến rất xa. Sau khi hoàn tất với Australia, các thỏa thuận còn lại sẽ tiếp bước", Palatano dự báo.

Tàu chiến Nga và Trung Quốc trong một cuộc diễn tập ngoài khơi tỉnh Quảng Đông năm 2016. Ảnh: Xinhua.

Tàu chiến Nga và Trung Quốc trong một cuộc diễn tập ngoài khơi tỉnh Quảng Đông năm 2016. Ảnh: Xinhua.

Một số chuyên gia Trung Quốc cũng lo ngại thỏa thuận quốc phòng giữa Nhật Bản và Australia sẽ đốt nóng thêm căng thẳng khu vực, đặc biệt là đối đầu chiến lược Mỹ - Trung.

Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng những thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ giữ vai trò dẫn dắt đang khiến tình hình khu vực thêm phức tạp. Ông cáo buộc các thỏa thuận thời gian qua giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác đang nhắm mục tiêu vào Trung Quốc.

"Ngoài Ấn Độ, hợp tác quân sự giữa ba nước còn lại trong Bộ Tứ cùng với Anh đang ngày càng thực dụng và hiếu chiến", ông Thời nói.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Chen Xiangmiao cáo buộc Mỹ đang xây dựng mạng lưới nhiều nhóm đồng minh nhỏ tạo thế đối trọng với Trung Quốc, nhưng tự tin rằng Bắc Kinh sẽ không e ngại.

"Mỹ đang để cho đồng minh đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong các vấn đề an ninh khu vực. Nhật Bản đang giữ vai trò ngày một chủ động trong sách lược đối trọng Trung Quốc của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông nhận định.

Các chuyên gia Trung Quốc lo ngại thế cạnh tranh cường quốc ở khu vực sẽ tăng cấp nguy hiểm nếu các bên thúc đẩy can dự và Ấn Độ cùng Nga quyết định nhập cuộc. Ấn Độ chưa quyết liệt tham gia các hợp tác quốc phòng cùng ba thành viên còn lại trong Bộ Tứ, trong khi Nga vẫn giữ lập trường trung lập trong những tranh chấp hàng hải ở khu vực.

"Nếu hai nước này thay đổi lập trường, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể đối mặt nguy cơ đối đầu quân sự nghiêm trọng giữa những nhóm cường quốc khác nhau, kéo theo nguy cơ xung đột bùng phát", Thời Ân Hoằng cảnh báo.

Bình luận về thỏa thuận quốc phòng giữa Nhật Bản và Australia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/1 nhấn mạnh Thái Bình Dương "đủ rộng cho thịnh vượng chung của mọi nước trong khu vực", kêu gọi các bên "gìn giữ hòa bình và ổn định thay vì gây phương hại lợi ích cho bên thứ ba hoặc nhắm vào một nước nhất định".

Theo Curtis Chin, nhà phân tích tình hình châu Á thuộc Viện Milken của Mỹ, RAA khiến nỗi lo của Trung Quốc thêm chồng chất. Nước này đang phải đối diện nhiều thách thức nội tại như Covid-19 đang tiếp tục bùng phát trên diện rộng và nền kinh tế chật vật phục hồi. Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ và mức tiêu dùng suy giảm của người dân đều đang đặt ra những chỉ dấu không mấy lạc quan về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

"Tôi hy vọng trong năm 2022, các bên liên quan sẽ lùi lại một bước và nhận ra không ai được lợi trong viễn cảnh Chiến tranh Lạnh leo thang thành chiến tranh nóng ở châu Á - Thái Bình Dương", Chin chia sẻ.

Trung Nhân (Theo CNBC, SCMP, Japan Times)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn