Khủng hoảng Kazakhstan, Nga danh chính ngôn thuận điều quân đến Trung Á

Thứ Năm, 06 Tháng Giêng 20225:39 SA(Xem: 3289)
Khủng hoảng Kazakhstan, Nga danh chính ngôn thuận điều quân đến Trung Á
rfi.fr

Khủng hoảng Kazakhstan, Nga danh chính ngôn thuận điều quân đến Trung Á

Thanh Hà

Tổng thống Vladimir Putin phải chăng đang ghi thêm một bàn thắng quan trọng trên trường quốc tế nhờ khủng hoảng tại Kazakhstan ? Ngày 05/01/2021 tổng thống Kassym-Jomart thức yêu cầu Nga và các đồng minh « hỗ trợ » để vượt qua « đe dọa khủng bố ». Sáng nay, Nga thông báo huy động « một lực lượng tập thể gìn giữ hòa bình » trong khuôn khổ liên minh quân sự Tổ Chức Hiệp Định An Ninh Tập Thể OTSC, giúp tái lập ổn định và bình thường hóa tình hình tại Kazakhstan.   

Đúng 30 năm sau ngày Liên Xô tan rã, phong trào nổi dậy tại Kazakhstan có lẽ là món quà ngoài mong đợi giúp tổng thống Putin phục hồi ảnh hưởng của Liên bang Nga với quốc gia lớn nhất trong khu vực Trung Á. Điện kremlin vừa có lý do để điều quân đến Kazakhstan, vừa chận đứng ý định của Noursoultan (tên gọi trước đây là Astana) muốn thoát khỏi quỹ đao của Matxcơva.  

Kazakhstan là quốc gia lớn nhất cả về mặt địa lý lẫn trọng lượng kinh tế tại Trung Á, nơi gần 20 % dân số là người Nga, với Baikonur là « trung tâm vũ trụ chính của nước Nga » và Nga là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng nhất của Kazakhstan. Từ khi giành được độc lập năm 1991, tổng thống đầu tiên của Kazakhstan, Noursoultan Nazarbaïev, cũng như tổng thống đương nhiệm Tokaïev đều chứng minh vẫn trung thành với Kremlin. Cả hai cùng là những nhà lãnh đạo « khả dĩ » theo quan điểm của Matxcơva. Bằng chứng cụ thể là ngày 22/12/2021 Kazakhstan vừa ký kết với Nga một hiệp định về an ninh, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực từ an ninh mạng đến các thông tin tình báo và nhất là trong « nỗ lực chống khủng bố ».   

Dù vậy điều đó không cấm cản chính sách ngoại giao của Kazakhstan trong thời gian gần đây có dấu hiệu khiến Nga lo ngại. Năm ngoái, Kazakhstan ký hợp đồng trang bị drone và xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Tháng 10/2021 cũng chính quyền của tổng thống Tokaïev đã thông qua một hiệp ước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với Ý, một thành viên khác của NATO. Ngày 07/12/2021 Kazakhstan vừa triển hạn thêm 5 năm thỏa thuận về hợp tác quân sự với Hoa Kỳ.   

Vào lúc Kremlin tìm mọi cách để buộc phương Tây cam kết không mở rộng hoạt động quân sự đến gần những vùng thuộc ảnh hưởng của Nga, rõ ràng, việc Kazakhstan cầu viện Matxcơva can thiệp để « dẹp quân nổi dậy » là cơ hội tốt để nước Nga, danh chính ngôn thuận, tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Á. 

Tuy nhiên, theo phân tích của giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, ông Jean de Gliniasty trên đài phát thanh France Info, có khả năng Matxcơva « tránh can thiệp một cách quá lộ liễu và ồ ạt » vào Kazakhstan.

Điển hình là trong thông cáo sáng nay, bộ Ngoại Giao Nga nhấn mạnh đến tính « có giới hạn về mặt thời gian » của việc huy động « lực lượng tập thể » giúp Kazakhstan tái lập ổn định. Chuyên gia Gliniasty cho rằng, với rất nhiều quyền lợi tại Kazakhstan, từ kinh tế đến chiến lược, tổng thống Putin có nhiều phương tiện để can thiệp vào tình hình quốc gia Trung Á này và đó « không nhất thiết » phải là những biện pháp quân sự.   

Thế còn nhìn từ phía Kazakhstan, cuộc nổi dậy lần này phải chăng là một thất bại trong nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của Matxcơva - và trong một chừng mực nào đó là kể cả với Trung Quốc ?   

Theo giới phân tích, cho dù là một trong số các sáng lập viên của Tổ Chức Hiệp Định An Ninh Tập Thể được đặt dưới sự chỉ đạo của Matxcơva, nhưng Kazakhstan liên tục nhìn về phía Thổ Nhĩ Kỳ vì một sự gần gũi về văn hóa, về ngôn ngữ và cả về mặt tôn giáo. Điều đó càng thể hiện rõ hơn với tham vọng của Ankara phát triển OET - Tổ chức các quốc gia nói tiếng Thổ, trong đó có 5 nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ.

Theo nhà chính trị học Kazakhstan Dossym Satpaïev được Le Monde trích dẫn, với Kazakhstan, sáng kiến tăng cường vai trò của OET là một « cánh cổng » để thoát khỏi  « vòng kiềm tỏa của Nga và Trung Quốc đặc biệt là kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan ». Nga vẫn xem Kazakhstan là sân sau của mình, còn Trung Quốc gần đây đã gợi ý Kazakhstan « về mặt lịch sử từng thuộc về Trung Quốc »

Chính quyền của tổng thống Tokaïev và người tiền nhiệm đã tránh chỉ trích Nga « thôn tính » bán đảo Crimée của Ukraina hay lên tiếng về hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương bị cưỡng bức, để tránh làm phật lòng hai cường quốc thế giới này.   

Tuy nhiên, vào lúc phong trào phản kháng đang bùng lên tại Kazakhstan gây thiệt hại về nhân mạng, thì Nga, Mỹ lại tố cáo lẫn nhau đổ dầu vào lửa, gây bất ổn cho một quốc gia thứ ba. Như chuyên gia về Trung Á, Temur Umarov, Viện nghiên cứu Carnegie tại Matxcơva  ghi nhận : Trong bối cảnh mà xung khắc giữa các siêu cường của thế giới gia tăng, một quốc gia như Kazakhstan càng khó để duy trì thế dung hòa về mặt địa chính trị.   

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn