Khủng hoảng rình rập Taliban

Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Hai 20212:00 CH(Xem: 3099)
Khủng hoảng rình rập Taliban

Taliban trỗi dậy trong một năm đầy biến động của Afghanistan và lập tức đối mặt cuộc khủng hoảng có nguy cơ tiếp tục trầm trọng trong năm sau.

Ahmad Wali Haqmal, người phát ngôn Bộ Tài chính của chính quyền lâm thời Taliban, ngày 17/12 xác nhận lực lượng này đang xây dựng dự thảo ngân sách quốc gia cho năm 2022 mà không có bất cứ nguồn viện trợ nước ngoài nào.

Kế hoạch ngân sách của Taliban được đưa ra trong bối cảnh Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và đối mặt thảm họa nhân đạo mà Liên Hợp Quốc mô tả là "trận lở tuyết của nạn đói", sau một năm hỗn loạn chính trị.

Afghanistan bắt đầu trượt dốc từ hồi tháng 5, khi Mỹ và các đồng minh bắt đầu đợt rút quân cuối cùng khỏi nước này sau hai thập kỷ can thiệp quân sự. Chỉ vài ngày sau, giao tranh bùng lên dữ dội ở tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan, giữa lực lượng Taliban và quân đội chính phủ do phương Tây hậu thuẫn.

Với đà tiến công như chẻ tre, Taliban ngày 15/8 tiến vào thủ đô Kabul, khiến Ashraf Ghani, tổng thống Afghanistan khi đó, tháo chạy khỏi đất nước. Taliban một lần nữa trở thành lực lượng kiểm soát Afghanistan sau 20 năm.Xem thêm

Một khu trại ở thủ đô Kabul dành cho những người sơ tán khỏi nơi giao tranh hôm 12/8. Ảnh: WSJ.

Một khu trại ở thủ đô Kabul dành cho những người sơ tán khỏi nơi giao tranh hôm 12/8. Ảnh: WSJ.

Khác với giai đoạn cầm quyền bằng các chính sách hà khắc từ năm 1996 đến 2001, Taliban lần này nỗ lực tạo bầu không khí kiềm chế và ôn hòa tại Afghanistan. Phong trào tuyên bố lệnh ân xá chung cho toàn bộ quan chức chính quyền cũ, kêu gọi họ quay lại làm việc, cam kết bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo.

Tuy nhiên, chính quyền mới của Taliban ngay lập tức đối mặt một loạt thách thức, trước hết là phải chuyển đổi từ lực lượng nổi dậy sang bộ máy hành chính và chính trị đủ khả năng điều hành một quốc gia phức tạp và đa dạng như Afghanistan.

Hơn 120.000 người Afghanistan đã di tản khỏi đất nước vào những ngày cuối cùng đầy hỗn loạn trong đợt rút quân của Mỹ, trong đó có nhiều chuyên gia, quan chức từng giúp quản lý, vận hành nền hành chính và kinh tế vốn phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn viện trợ nước ngoài.

Những công chức ở lại đã bị nợ lương suốt nhiều tháng trước khi Taliban tiếp quản đất nước và có rất ít động lực quay lại làm việc, do không biết bao giờ mới được nhận lương.

"Tôi đã đến văn phòng, nhưng chẳng có việc gì để làm", Hazrullah, nhân viên Bộ Ngoại giao Afghanistan, cho hay. "Trước đây, tôi làm về giao dịch thương mại với các nước láng giềng. Bây giờ, chúng tôi không có hướng dẫn nào về cách thức tiến hành. Chẳng ai biết gì cả".

Giới lãnh đạo Taliban cũng gặp khó khăn trong nỗ lực chứng minh phong trào không còn hà khắc như trước. Họ đã ban sắc lệnh về quyền phụ nữ, công nhận phụ nữ không phải tài sản và cấm ép buộc kết hôn, nhưng không đề cập đến quyền tiếp cận giáo dục và việc làm cho họ. Bộ máy chính quyền mới cũng chưa có thành viên nữ nào.

Tuy nhiên, vấn đề định đoạt tương lai nắm quyền của Taliban được cho là kinh tế, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang bao trùm đất nước. Gần 23 triệu người, tương đương 55% dân số Afghanistan, đang đối mặt tình trạng thiếu lương thực ở mức độ "khủng hoảng hoặc khẩn cấp" trong mùa đông này, Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA) cho hay.

Kể từ tháng 8, nền kinh tế Afghanistan đã suy giảm hơn 40%. Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vài thập kỷ khiến khó khăn thêm chồng chất. Do chính quyền Taliban chưa được quốc tế công nhận, xuất phát từ lo ngại lực lượng này không duy trì cam kết cải tổ đất nước, nhiều dự án viện trợ nước ngoài bị đình chỉ. Trước khi Taliban kiểm soát Afghanistan, khoảng 18 triệu dân sống phụ thuộc vào nguồn viện trợ này.

Những người đổi tiền ở một khu chợ tại Kabul hồi cuối tháng 7. Ảnh: WSJ.

Những người đổi tiền ở một khu chợ tại Kabul hồi cuối tháng 7. Ảnh: WSJ.

Ajmal Ahmady, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Afghanistan, cho biết 9 tỷ USD dự trữ của Afghanistan hầu hết được gửi trong các ngân hàng ở Mỹ. Washington đã nhanh chóng đóng băng các tài khoản này sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul.

Lợi dụng không khí bức bối vì khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, đặc biệt tại miền đông và miền bắc đất nước, phiến quân Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), nhánh tại Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã tiến hành nhiều vụ tấn công nhắm vào Taliban và cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite thiểu số tại đất nước, làm dấy lên lo ngại về tình hình an ninh.

Giới quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng đang rình rập Taliban và Afghanistan nếu không được giải quyết kịp thời sẽ nhanh chóng bùng nổ và lan sang các quốc gia phương Tây.

Khi tình hình Afghanistan vượt tầm kiểm soát của Taliban, hàng chục nghìn người di cư có khả năng kéo tới châu Âu, như con đường mà hàng triệu người Syria đã theo đuổi trong giai đoạn 2014-2015. Số lượng lớn thuốc phiện và các loại chất cấm khác cũng có thể được tuồn đi khắp nơi, bởi đây hiện là cách kiếm sống chính của những nông dân Afghanistan tuyệt vọng.

"Phương Tây muốn trừng phạt Taliban, nhưng bóp nghẹt nền kinh tế Afghanistan là tự bắn vào chân mình. Lịch sử cho thấy nếu bỏ mặc Afghanistan, các vấn đề sẽ ngày càng trầm trọng. Di cư, khủng bố, ma túy. Tất cả những vấn đề đó có thể gây mất ổn định khu vực và tràn sang châu Âu", Graeme Smith, đồng tác giả một báo cáo gần đây về Afghanistan của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận định.

Phía Taliban cũng đặt ra những vấn đề này nhằm thuyết phục Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và giải phóng hàng tỷ USD tài sản đang bị đóng băng.

"Không có lời biện minh hợp lý nào cho nỗi đau khổ của một đứa trẻ suy dinh dưỡng, cái chết của một bà mẹ vì thiếu dịch vụ y tế, cũng như tình trạng thiếu thốn thực phẩm, nơi ở, thuốc men và những nhu cầu cơ bản khác của người dân Afghanistan", Amir Khan Muttaqi, ngoại trưởng chính quyền lâm thời Taliban, viết trong thư ngỏ gửi đến quốc hội Mỹ hồi tháng 11.

"Nếu tình trạng hiện nay tiếp diễn, chính quyền và người dân Afghanistan sẽ đối mặt nhiều vấn đề, dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt trong khu vực và trên thế giới, gây ra thêm các vấn đề kinh tế và nhân đạo", bức thư có đoạn.

Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán với Mỹ và châu Âu, Taliban được cho là vẫn lưỡng lự trước yêu cầu tôn trọng quyền phụ nữ, hoặc thiết lập một chính quyền bao trùm hơn. Đây là những điều kiện chủ chốt để cộng đồng quốc tế công nhận tính chính danh của chính quyền Taliban.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc dự báo 97% dân số Afghanistan có thể lâm vào cảnh nghèo đói vào giữa năm 2022. Cuộc khủng hoảng nhân đạo, tài chính, kinh tế xã hội có thể khiến nỗi bất bình và kháng cự Taliban ngày càng mãnh liệt, theo Ben Farmer, bình luận viên của Economist.

Farmer cho rằng xã hội Afghanistan hiện nay đã rất khác so với 20 năm trước, khiến Taliban sẽ sớm nhận ra rằng cai trị đất nước khó hơn rất nhiều so với giao tranh trên chiến trường.

"Khi vận tải cơ cuối cùng của Mỹ rời Kabul, nhiều người ở Washington tuyên bố cuộc chiến đã kết thúc. Nhưng với rất nhiều người Afghanistan, một chương mới đầy biến động và khó khăn mới chỉ bắt đầu", Farmer viết
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn