1991-2021 : Từ cuộc đua Xô – Mỹ đến đối đầu Mỹ - Trung

Thứ Sáu, 17 Tháng Mười Hai 20216:00 SA(Xem: 1890)
1991-2021 : Từ cuộc đua Xô – Mỹ đến đối đầu Mỹ - Trung
rfi.fr

1991-2021 : Từ cuộc đua Xô – Mỹ đến đối đầu Mỹ - Trung

Minh Anh

Ngày 08/12/1991, lãnh đạo ba chính phủ Slave – Nga, Ukraina, Belarus – họp tại Minsk tuyên bố : « Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết, với tư cách là một chủ thể của luật quốc tế và thực thể địa chính trị, nay không còn tồn tại nữa ». Hệ quả là, ngày 25/12/1991, Liên Xô đột ngột biến mất khỏi trường quốc tế. Hoa Kỳ là bên đại thắng.

Ba mươi năm sau, với đà tiến lên không gì cản được của Trung Quốc, thế thượng phong này của Mỹ có còn nguyên vẹn ? Nhìn lại sự kiện này, các chuyên gia Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), trong Tạp chí Quốc tế và Chiến lược (RIS) số 123, ấn bản Mùa thu 2021, chua chát nhận định giai đoạn « 1991-2021 : Những tan vỡ về chiến lược ». Còn với ông Pascal Boniface, giám đốc IRIS, « 1991-2021 : Chẳng có gì xảy ra như dự kiến ».

Từ lưỡng cực đến đơn cực

Người ta còn nhớ năm 1990, tạp chí Time Magazine từng mô tả Liên Xô như là một « siêu cường ăn xin ». Tháng 7/1991, lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ là Mikhail Gorbatchev thông báo với nhóm G7 rằng đây có lẽ là lần cuối cùng họ còn gặp ông ấy như là chủ tịch của Liên Xô, nếu khối này không cấp hỗ trợ kinh tế như ông mong muốn. Vô vọng. Bốn tháng sau một cuộc đảo chính tháng Tám cùng năm, ngày 08/12/1991, lãnh đạo ba nước Nga, Ukraina và Belarus chính thức tuyên bố Liên Xô không tồn tại. Boris Eltsine, lên lãnh đạo nước Nga sau cuộc đảo chính, là người được ủy thác "xử lý" sự phá sản của chủ nghĩa cộng sản.

Như lời nhận xét của nhà địa chính trị Pascal Boniface trên đài RFI, vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, giới chiến lược gia phương Tây hồ hởi tin rằng « đây là sự mở rộng các giá trị phổ quát dân chủ, của nền kinh tế thị trường, một thế giới yên bình ở đó những tranh cãi về ý thức hệ là sẽ chấm dứt. Rồi người ta còn cho là Nhật Bản sẽ qua mặt Mỹ, nhưng chẳng nói gì nhiều về Trung Quốc. Rồi người ta còn nói về một thế giới đa cực, bởi vì Nga khi rũ bỏ trang phục chủ nghĩa cộng sản cũ kỹ sẽ có được sự thịnh vượng và năng động (…) Rồi châu Âu sẽ phải trở về với vùng địa lý, lịch sử của mình và trở thành một siêu cường mới (…) ».

Thái độ lạc quan này còn phản ảnh phần nào sự cao ngạo của phương Tây, của Mỹ. Bởi vì, khi quyết định bỏ rơi Gorbatchev sau khi đã đạt được những gì mình muốn từ việc rút quân khỏi Afghanistan, giải trừ vũ khí quy ước, cho đến việc chấm dứt chi phối các nước Đông Âu, nước Mỹ thích làm bên chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh kéo dài hơn 4 thập niên, hơn là người xây dựng một trật tự thế giới mới « đa phương » mà họ từng ca tụng. Đây thật sự là một sai lầm về chiến lược.

Trên thực tế, việc Liên Xô sụp đổ đã làm nảy sinh một trật tự mới, và Hoa Kỳ không còn các đối thủ. Thế giới từ tình trạng lưỡng cực chuyển sang đơn cực, Hoa Kỳ một mình thống lĩnh thế giới. Một vị thế mà nước Nga của ông Vladimir Putin chưa bao giờ chấp nhận. Chủ nhân điện Kremlin luôn phản đối việc mở rộng khối quân sự Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO, cuộc chiến ở Kosovo hay việc triển khai một hệ thống tên lửa phòng thủ.

Ba mươi năm sau ngày đế chế Liên Xô tan rã, nước Nga của ông Putin muốn gì khi những ngày gần đây ồ ạt dồn quân về biên giới với Ukraina ? Trong chương trình Địa Chính Trị của RFI, chuyên gia Pascal Boniface khẳng định những gì Nga muốn chính là sự tôn trọng và xóa tan sự sỉ nhục. Việc dồn quân ở biên giới Ukraina chỉ là hành động « khoa chân múa tay ». Mục tiêu chỉ nhằm muốn làm suy yếu Ukraina hơn là mở chiến dịch xâm lược bởi vì chính điều đó sẽ làm suy yếu nguyên thủ Nga.

« Putin cũng như nhiều người dân Nga nghĩ rằng phương Tây đã lợi dụng điểm yếu của những năm 1990, xem việc mở cửa của Liên Xô như là một thế yếu. Tôi không nói là tất cả những sai lầm đều từ phía phương Tây nhưng hiện tại dường như Nga và ông Putin đã từ bỏ mối quan hệ tốt đẹp với thế giới phương Tây (…).

Tôi tin là ông Putin không muốn tái lập Liên Xô. Ông ấy rất thực tế để hiểu rằng điều đó là không thể. Putin cũng không muốn xâm chiếm Ukraina, vì ông cũng biết rằng họ sẽ bị sa lầy. Nhưng Putin muốn bảo vệ các lợi ích của nước Nga nhiều nhất có thể ; bảo vệ một trật tự, bảo đảm quyền lực của mình vì điều đó bảo vệ cho chính bản thân ông ấy và những người thân cận (…). »

« Hiểm họa da vàng » : Nhật Bản hay Trung Quốc ?

Thế nhưng, Hoa Kỳ trong những năm cuối thập niên 1980, còn cảm nhận một mối đe dọa khác đến từ châu Á, và vấn đề ở đây chính là Nhật Bản. Được lá chắn hạt nhân của Mỹ che chở, xứ sở Hoa Anh Đào vào thời kỳ đó có một tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Năm 1950, Tổng sản phẩm nội địa Nhật Bản chỉ bằng 1/3 của Anh Quốc. Ba thập niên sau, GDP của Nhật bằng của ba nước là Anh, Pháp và Đức gộp lại. Trước khi Liên Xô tan rã, người dân Mỹ xem Tokyo như là một mối đe dọa còn lớn hơn cả Matxcơva.

Nhật Bản hùng mạnh về kinh tế dẫn đến nỗi lo sự trỗi dậy trở lại về quân sự. Đến mức nhà chính trị học người Mỹ George Friedman năm 1991 viết rằng Liên Xô bị « xóa sổ » có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh Mỹ - Nhật. Những gì người ta chỉ trích Nhật Bản năm xưa giờ cũng được nghe thấy khi nhắm vào Trung Quốc ngày nay.

Sử gia Pierre Grosser nhắc lại năm 1988, khi muốn ra tranh cử tổng thống Donald Trump từng chỉ trích Nhật Bản là « họ đã chiếm lấy việc làm của Mỹ, rằng Washington đã quá tử tế với Tokyo bởi vì Mỹ đã bảo vệ Nhật Bản trong suốt thời Chiến Tranh Lạnh v.v… Đúng là có những nỗi lo sợ như thế nhưng Mỹ còn có một công cụ để gây áp lực ». Cho đến khi quả bóng đầu cơ tại Nhật Bản xảy ra trong những năm cuối thập niên 1980, mối lo đó mới dần tan biến.

Vào thời điểm này, những năm cuối thế kỷ XX, Hoa Kỳ bước vào giai đoạn hoàng kim. Thế bá quyền của Mỹ, sau khi bức tường Berlin sụp đổ dường như không gì tranh cãi. Giới quan sát cho rằng, không như các đế chế trước đó chỉ là những cường quốc khu vực, nước Mỹ gần như là đế chế toàn cầu hùng mạnh nhất. Washington hội tụ và thống trị mọi tiêu chí của một cường quốc từ chiến lược, kinh tế, công nghệ cho đến cả văn hóa.

Đây cũng là giai đoạn Trung Quốc đang trong quá trình hiện đại hóa. Bắc Kinh đã biết tận dụng những lợi thế từ làn sóng tự do hóa nền kinh tế do Hoa Kỳ chủ xướng từ những năm 70, 80 để chống lại các cú sốc dầu hỏa và sự trỗi dậy của nhiều nước khác, một nhịp tầu mà Nga đã bỏ lỡ để công nghiệp hóa và đa dạng hóa nền kinh tế đất nước.

Khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc hiểu rằng thời cơ đã đến. Nhưng Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ vẫn cho rằng nên « ẩn mình chờ thời ». Khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ bằng 10% của Mỹ. Tỷ lệ này giờ tăng vọt lên đến 65% khi Tập Cận Bình lên cầm quyền. « Nếu như cách nay 30 năm, Hoa Kỳ lo lắng sức mạnh công nghệ và kinh tế Nhật Bản và sức mạnh chiến lược của Liên Xô, thì giờ đây Trung Quốc tích tụ cả hai mối đe dọa này », nhà địa chính trị Pascal Boniface viết trên tạp chí RIS.

Đây cũng chính là điểm mà Hoa Kỳ và phương Tây, khi đẩy nền kinh tế đi theo hướng toàn cầu hóa, tự do hóa, đã không dự đoán được, theo như nhận định của nhà kinh tế học Sylvie Matelly, trên đài RFI : « Sự bật dậy của Trung Quốc tuy đã hỗ trợ cho nền kinh tế thế giới nhưng lại đe dọa đến thế thống trị của Mỹ ngày nay, kể cả trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Đây có lẽ là điểm mà Hoa Kỳ đã sai lầm khi không nghĩ rằng hệ thống kinh tế này rất có thể có hiệu quả để hỗ trợ một nước kém phát triển và đưa quốc gia này trở thành một nước mà ngày nay chúng ta đã biết, tuy chưa hẳn là một nền kinh tế hoàn toàn tiến bộ nhưng đó là một nền kinh tế thịnh vượng cực kỳ nhanh chóng. »

Mỹ - Trung và cuộc đua giành thế bá quyền ?

Tuy nhiên, chưa hẳn Mỹ quan tâm muộn màng đến « hiểm họa da vàng » Trung Quốc. Sử gia Pierre Grosser nhắc lại những cuộc tranh luận đầu tiên về khả năng đối đầu với Trung Quốc đã có từ những năm 1995-1996 và bản báo cáo đầu tiên của Lầu Năm Góc trình Quốc Hội là năm 2000.

Ông nói : « Trong những năm 1990, người ta đã thấy có một cuộc thảo luận. Liệu Trung Quốc sẽ là một vấn đề cho ngày mai trên bình diện quân sự hơn là kinh tế ? Giờ đây người ta cũng tự hỏi liệu chiến thuật ẩn mình chờ thời của Trung Quốc từ năm 1989, tôi cho là, một học thuyết thích ứng với thế giới hay cuối cùng đó lại là một cách che giấu tham vọng của Trung Quốc và rằng họ muốn là một đại cường thế giới ngày mai ngay từ năm 1989, thậm chí là từ những năm 1978-1979 với những chính sách cải cách mà chúng ta biết đến ? »

Chính sách này của Bắc Kinh ngày càng một xác quyết hơn kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền. Trước đà đi lên như vũ bão trên bình diện kinh tế và quân sự, ảnh hưởng của Trung Quốc mỗi lúc một lan rộng, kể cả ở những vùng được cho là « sân sau » của phương Tây. Hoa Kỳ và các nước đồng minh ngỡ ngàng nhận ra rằng đã quá « ngây thơ » khi nghĩ rằng mở cửa kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi thể chế chính trị và cách hành xử của Bắc Kinh.

Thế nên, với nhà nghiên cứu Pascal Boniface, Thượng đỉnh vì Dân chủ mà tổng thống Joe Biden vừa tổ chức cho thấy nước Mỹ bối rối trước thách thức hiện sinh mà Trung Quốc đang đặt ra.

« Ở đây có hai thực tế, đúng là có những nước dân chủ, và những nước không. Trung Quốc rõ ràng có vấn đề về dân chủ, nhưng đó không là mối bận tâm của Mỹ. Điều mà Mỹ quan tâm chính là sự đối đầu ngày một lớn, đà đi lên thành siêu cường của Trung Quốc, điều này mới làm cho Mỹ lo sợ.

Khi Nixon và Kissinger ký một hiệp ước với Bắc Kinh, thì Bắc Kinh đâu có là một nền dân chủ. Sau vụ Thiên An Môn, người Mỹ đã nhanh chóng bỏ qua và vào thời đó Trung Quốc cũng không là một hình mẫu dân chủ. (…) Thế nên, ở đây có hai việc. Quả thật là có một sự đối đầu về giá trị dân chủ giữa Mỹ và Trung Quốc, không ai phủ nhận điều đó. Nhưng mối quan tâm chính yếu đối với Mỹ chính là nỗi lo sắp bị Trung Quốc vượt qua mặt. Do vậy Mỹ mới tìm cách tập hợp các nước xung quanh mình ».

Lịch sử trêu ngươi, năm xưa Mỹ lôi kéo Trung Quốc để triệt hạ Liên Xô, giờ để phục hận phương Tây và Mỹ, Nga - Trung bắt tay, thành lập một trục mới để đối phó Hoa Kỳ!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn