Có gì trong hội đàm giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Vương Nghị?

Thứ Ba, 07 Tháng Mười Hai 202111:51 SA(Xem: 2326)
Có gì trong hội đàm giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Vương Nghị?
rfa.org

Có gì trong hội đàm giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Vương Nghị?

Bài phân tích của Lê Trần Quốc Công 2021.12.06

Ngày 2/12/202 vừa qua, Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại, thành phố Hồ Châu, Tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Không chỉ Ngoại trưởng Việt Nam được mời sang Trung Quốc, mà “Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn và Bộ trưởng Điều phối quan hệ hợp tác Indonesia - Trung Quốc của Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan sẽ thăm Trung Quốc từ thứ năm đến chủ nhật theo lời mời của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.” (1)

Các chuyến viếng thăm này nằm trong chiến lược ngoại giao “quyến rũ Đông Nam Á” mà Trung Quốc đang tích cực tiến hành, nhằm biến Đông Nam Á thành sân sau của mình, trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai đại cường Mỹ - Trung vẫn đang đến hồi quyết liệt. Đồng thời, với việc chỉ mời bốn Bộ trưởng viếng thăm lần này, cho thấy Trung Quốc vẫn âm thầm tìm cách chia rẽ ASEAN để duy trì lợi ích cho mình.

Theo một số nhà quan sát trong nước, chuyến đi này của Ngoại trưởng Việt Nam là để đáp lễ lại chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua của ông Vương Nghị. Ngoài ra, chuyến đi của ông Bùi Thanh Sơn lần này cũng để chuẩn bị cho một cuộc viếng thăm Trung Quốc sắp tới của một lãnh đạo cao cấp trong Bộ Chính trị Việt Nam, có lẽ sẽ là ông Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước.

Sau một loạt các chuyến đi cùng các hoạt động ngoại giao năng động và tích cực của các lãnh đạo Việt Nam thời gian qua, như các chuyến thăm Anh và Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyến thăm Nga của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam cũng thấy rằng cần phải có một chuyến viếng thăm Trung Quốc của một lãnh đạo cao cấp Việt Nam nhằm “xoa dịu và trấn an” cường quốc láng giềng của mình.

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có vị trí khá đặc biệt trong mối quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng rất lớn về văn hoá và chính trị từ Trung Quốc. Việt Nam đã có một lịch sử hàng nghìn năm bị cai trị bởi Trung Quốc và Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đó, mặc dù trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của mình, Việt Nam luôn có mối lo lắng từ dã tâm thôn tính của “người láng giềng khổng lồ” này.

Các chuyến viếng thăm lẫn nhau liên tiếp giữa Ngoại trưởng của hai bên năm nay khác hẳn so với thời gian trước, khi mà ông Vương Nghị đã thăm chính thức tất cả các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2020 và đầu năm 2021, nhưng ngoại trừ Việt Nam. Việc không viếng thăm Hà Nội trong các chuyến công du khu vực của giới lãnh đạo Trung Quốc trong hai năm qua là điều rất đáng chú ý, đặc biệt khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Có lẽ thời gian này, Bắc Kinh muốn thể hiện sự không hài lòng với Hà Nội trên nhiều phương diện.

Tuy nhiên, Vương Nghị đã thực hiện chuyến thăm Việt Nam chỉ hai tuần sau chuyến viếng thăm Hà Nội của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Cuộc thăm viếng của Ngoại trưởng hai bên lần này cho thấy Trung Quốc đang muốn cấp thiết khẳng định lại ảnh hưởng đối với Việt Nam sau khi Bắc Kinh nhận thức rằng Hà Nội có khả năng đang nghiêng về phía Washington, nhất là khi điều này có thể đã được khuếch đại bằng các chuyến thăm cấp cao của Mỹ. Cảm giác cấp bách của Trung Quốc càng tăng cao trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gay gắt dưới thời Chính quyền Biden và những tiến bộ trong quan hệ Việt-Mỹ thời gian gần đây.

Thương mại tăng trưởng mạnh mẽ nhưng bất cân xứng

Điểm sáng rất lớn trong quan hệ hai nước đó là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 133,65 tỷ USD, tăng 29,23% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều đạt 186,5 tỷ USD, tăng 25%, dự kiến cả năm lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD.

Tính lũy kế đến tháng 10/2021, Trung Quốc xếp thứ 7/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 20,9 tỷ USD.

Mặc dù nhìn các con số về thương mại ấn tượng như vậy, nhưng nếu so sánh với kim ngạch thương mại Việt - Mỹ sẽ thấy những khác biệt rất lớn. Trong quan hệ thương mại Việt - Trung thì Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu. Còn đối với Hoa Kỳ, Việt Nam luôn xuất siêu.

Trong cuộc hội đàm, báo chí Việt Nam cho biết: “Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi về thủ tục thông quan cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản qua các cửa khẩu biên giới, tránh tình trạng ách tắc cửa khẩu biên giới vào thời điểm cuối năm; mở rộng các mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam, góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương và duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất của hai nước; phối hợp thúc đẩy một số dự án về dân sinh do Trung Quốc viện trợ đạt tiến triển và sớm đưa vào sử dụng.” (2)

Điều này cho thấy Việt Nam vẫn nằm trong thế bất lợi và dễ bị tổn thương trong quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc.

Không chỉ trong kinh tế - thương mại như vậy, mà giữa hai quốc gia này còn rất nhiều những vấn đề bất đồng sâu sắc. Khi trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã khái quát: “Bên cạnh những thành tựu, quan hệ Việt-Trung vẫn còn một số tồn tại như: nhập siêu của Việt Nam còn lớn; hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản, còn gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường Trung Quốc; thông quan hàng hóa tại cửa khẩu có lúc chưa thông suốt; một số dự án đầu tư của Trung Quốc có vấn đề về chất lượng, tiến độ; bất đồng về vấn đề trên biển….” (3)

Bất đồng trên biển sâu sắc

Mặc dù Vương Nghị đã dùng “vòng kim cô” để nhắc nhở phía Việt Nam: “Trung Quốc và Việt Nam, đều là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đã bắt tay vào những con đường phát triển phù hợp với điều kiện đất nước của chúng ta. Chúng ta không được quên nguyện vọng ban đầu, củng cố lòng tin, đoàn kết là một, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của hai nước và sự nghiệp phát triển, tiến bộ của nhân loại" (4). Thế nhưng, những bất đồng trên Biển Đông vẫn đang khoét sâu những khoảng cách trong quan hệ hai bên.

Các tranh chấp ở Biển Đông đã từ lâu phủ bóng đen lên quan hệ Việt-Trung, và không bên nào chịu xuống nước. Đó là vấn đề quan trọng nhất khiến quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trở nên xa cách. Theo Khảo sát thực trạng Đông Nam Á năm 2021 của Viện ISEAS-Yusof Ishak (5), trong số những người Đông Nam Á tham gia khảo sát, người Việt Nam e ngại nhất về các hành động của Trung Quốc và hoan nghênh nhất việc Mỹ và các cường quốc khác tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.

Thông báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc nhắc tới nội dung này rất mờ nhạt: “Hai bên cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề hàng hải và nhất trí cùng nhau thúc đẩy hợp tác hàng hải và tiếp thêm “năng lượng tích cực” cho quan hệ song phương.” (6)

Trong khi báo chí Việt Nam đưa tin rằng: “Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tích cực thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.” (7)

Điều đó cho thấy dường như phía Trung Quốc không muốn đả động gì tới vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa hai quốc gia này.

Trong một bài viết hồi tháng trước, chuyên gia Ian Storey cho rằng tuyên bố của Trung Quốc mong muốn duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông chỉ là những lời sáo rỗng trước tình hình căng thẳng tại bãi Cỏ Mây do Trung Quốc gây nên (8). Theo ông đây là nước cờ đầy nguy hiểm của Trung Quốc với âm mưu áp đặt các đạo luật hàng hải mới tại Biển Đông.

Trong suốt thời gian qua, quan hệ Việt-Trung đã trải qua những bước thăng trầm lớn. Mặc dù từ năm 2020 tới nay, có vẻ việc Bắc Kinh ít sử dụng các hành động hung hăng hơn đối với Việt nam ở Biển Đông, tuy nhiên trong vấn đề này Việt Nam vẫn đang mất lòng tin sâu sắc trước những gì Trung Quốc đã làm. Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục chứng tỏ rằng họ không phải là một đối tác hợp tác. Thay vào đó, nước này cho đến nay vẫn lựa chọn gia tăng các hành động quyết đoán trong việc giải quyết tranh chấp với Việt Nam. Hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ thay đổi quan điểm của mình dưới thời Tập Cận Bình.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gay gắt là một thách thức khác đối với Hà Nội. Cho đến nay, Việt Nam luôn kiên định duy trì sự cân bằng giữa hai cường quốc nhưng có thể không dễ để duy trì thế cân bằng này trong tương lai.

Điều đó cho thấy quan hệ Việt-Trung mặc dù “rất tốt đẹp” như truyền thông hai nước vẫn hay đưa tin, nhưng cũng đầy bấp bênh vì không có sự tin tưởng chiến lược được. Chỉ cần Trung Quốc nối lại các hành động xâm nhập vùng biển Việt Nam, điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thì xu hướng cải thiện quan hệ song phương hiện nay sẽ bị đảo ngược.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn