Cơ sở nào để khẳng định Việt Cộng ủng hộ AUKUS? ( VC chỉ là loại " Cỏ đuôi chó" )

Thứ Sáu, 03 Tháng Mười Hai 202111:50 SA(Xem: 4690)
Cơ sở nào để khẳng định Việt Cộng ủng hộ AUKUS? ( VC chỉ là loại " Cỏ đuôi chó" )
rfi.fr

Cơ sở nào để khẳng định Việt Nam ủng hộ AUKUS? -

Hoàng Hằng

Sự hình thành liên minh tam cường AUKUS đã tạo nên những cơn sóng phản ứng khác nhau đến từ nhiều quốc gia, thậm chí là giữa các nước thành viên trong khối ASEAN. Nếu như Philippines và Singapore ủng hộ liên minh ba bên, thì Indonesia và Malaysia lại lên tiếng phản đối. Trong khi đó, mặc dù không tuyên bố chính thức, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, sự trung lập của Việt Nam có thể ngầm hiểu là một sự chấp nhận và ủng hộ AUKUS.

Để tìm hiểu rõ hơn lập trường từ Hà Nội, RFI Tiếng Việt phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải. Ông là nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai Chính sách, thuộc Khoa Nhân văn và Xã hội học, Trường Đại học Queensland, Úc Châu.

*********

RFI Tiếng Việt : Cách đây không lâu, trong một bài viết được đăng tải, ông cho rằng, sự trung lập của Hà Nội có thể được hiểu là sự ủng hộ của Việt Nam đối với dự án hạm đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Úc cùng liên minh AUKUS. Vậy, dựa trên cơ sở nào để khẳng định được điều này?

TS. Nguyễn Hồng Hải : Trước hết, tôi xin cập nhật thêm rằng, ngày 22/11 vừa qua, sau hơn 2 tháng hình thành AUKUS, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Peter Dutton, đại biện lâm thời Mỹ Michael Goldman và cao ủy Anh Victoria Treadell đã thay mặt chính phủ ba nước chính thức ký thỏa thuận trao đổi thông tin nhạy cảm về hệ thống động cơ tàu ngầm hạt nhân, hiện thực hóa một bước thỏa thuận AUKUS. Theo tôi, có bốn cơ sở chính để nhận định sự ủng hộ “ngầm” của Hà Nội đối với liên minh AUKUS.

Thứ nhất, chính sách đối ngoại của Việt Nam là đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Điều này có nghĩa là những gì không ảnh hưởng và xâm hại đến lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam, thì Việt Nam sẽ không phản đối; và điều gì cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc thì Việt Nam cũng sẽ làm. Cũng có thể coi đây là chính sách ngoại giao thực dụng. Nhưng, thử hỏi trên thế giới này có nước nào mà không đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết trong quan hệ quốc tế ? Đây là bài học lịch sử, và cũng là điểm then chốt mà tôi muốn nhấn mạnh rằng từ nay trở đi mọi đánh giá về phản ứng hay ứng xử của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế cần phải nhìn qua lăng kính chính sách này của Việt Nam.

Thủ tướng Scott Morrison khi bảo vệ quyết định tham gia liên minh AUKUS và chấm dứt hợp đồng với phía Pháp đóng tàu ngầm chạy diesel thông thường để chuyển sang xây dựng lực lượng 8 tàu ngầm hạt nhân cũng nói đó là vì lợi ích quốc gia. Đã là lợi ích quốc gia thì không ai có thể phản bác. Việt Nam hiểu điều đó, vì thế, nếu có phản đối thì cũng không thay đổi được gì mà chỉ tổn hại tới quan hệ đang tốt đẹp giữa hai bên.

Thứ hai, môi trường an ninh truyền thống mà Việt Nam quan tâm nhất hiện nay chính là khu vực Biển Đông. Và, mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh và chủ quyền biển đảo của Việt Nam cũng đến từ và ở Biển Đông, mà ai cũng hiểu đó là Trung Quốc. Mặc dù, không ai có thể xem nhẹ ý chí bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, nhưng nếu so sánh lực lượng thì quả là sự bất tương xứng quá lớn. Việt Nam sẽ khó có thể tự mình chống chọi với Trung Quốc nếu có xung đột xảy ra. Vì vậy, nếu có một lực lượng hỗ trợ Việt Nam thì tại sao Việt Nam lại phản đối? Lưu ý rằng, cả Việt Nam và Úc đều chia sẻ nhận thức chung về mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc, chỉ có điều công khai thể hiện hay không.

Thứ ba là mối quan hệ mang tính chiến lược của Hà Nội với Canberra, Luân Đôn, và Washington. Hiện tại Việt Nam đang có quan hệ đối tác chiến lược với Anh và Úc. Riêng với Mỹ, tuy mới chỉ là quan hệ đối tác toàn diện, nhưng thực chất đã mang tính chiến lược. Tạm thời gác khía cạnh kinh tế sang một bên, thì có thể thấy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc với ba nước AUKUS sẽ giúp Việt Nam nâng cao được năng lực quốc phòng. Và, sự can dự của các nước này vào khu vực Biển Đông cũng sẽ gián tiếp nâng cao sức mạnh của Việt Nam chống lại Trung Quốc.

Cuối cùng, đó là sự can dự của các nước lớn, nước có tiềm lực vào khu vực. Việt Nam chủ trương hoan nghênh sự can dự của các nước nhằm bảo đảm sự ổn định, an ninh ở khu vực nhất là Biển Đông. Điều này thể hiện rõ trong tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam khi được hỏi về liên minh AUKUS và việc Úc phát triển tàu ngầm hạt nhân.

Ông đã cho rằng, lý do được coi là « sự nhạy cảm » mà Việt Nam không công khai ủng hộ AUKUS là vì tránh việc Bắc Kinh cho là Hà Nội đứng về phía các nước dân chủ phương Tây. Đây cũng là việc làm nhất quán của Hà Nội với đường lối đối ngoại thực dụng và chính sách « bốn không ». Vấn đề đặt ra, thực chất chính sách này có thật sự hiệu quả cho Việt Nam, nếu như các nước dân chủ phương Tây không can thiệp vào các vấn đề tại Biển Đông, Việt Nam sẽ ứng phó thế nào trước một Trung Quốc hung hăng xâm lấn?

TS. Nguyễn Hồng Hải : Sách trắng Quốc Phòng của Việt Nam 2019 cho thấy chính sách quốc phòng của Việt Nam đã chuyển từ « ba không » sang « bốn không », « một tùy » và « đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung », mà theo tôi tạm gọi là một « không bổ sung ». Nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi cho thấy chính sách quốc phòng của Việt Nam hiện nay là phù hợp và có hiệu quả ở mức độ nào đó. Nói cách khác, điều này khẳng định Việt Nam « không » hạn chế hợp tác quân sự với các nước, trong đó bao gồm cả các nước thuộc Bộ Tứ (QUAD, gồm Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ) và AUKUS (Anh, Úc, và Mỹ).

Thông qua hợp tác « không » giới hạn với từng nước, Việt Nam đang có quan hệ chiến lược hoặc mang tính chiến lược với những nước trong các liên minh sẽ gián tiếp đưa Việt Nam trở thành một phần mà không cần phải trực tiếp tham gia các liên minh này. Như vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là « 5 không » và « một tùy », trong đó tôi chia ra là « 4 không ngoại giao », « 1 không thực chất » và « 1 tùy có điều kiện ».

Ngoài ra, trong thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng tăng cường và đi vào chiều sâu hợp tác quốc phòng với các nước. Ví dụ mới nhất là các thỏa thuận với Nhật Bản về việc sẽ xuất khẩu các thiết bị quân sự và vũ khí cho Việt Nam (2020), chủ yếu là trong lĩnh vực hải quân, và hai bên tăng cường hợp tác về an ninh mạng (2021).

Về giả định, « nếu như các nước dân chủ phương Tây không can thiệp vào các vấn đề tại Biển Đông », tôi cho rằng điều này chắc chắn sẽ không xảy ra. Sự trỗi dậy của Trung Quốc kèm theo đó là tham vọng và cách hành xử trong quan hệ quốc tế của họ đã thay đổi (nói theo cách các nước phương Tây nhìn nhận) đã khiến thế giới và các nước phương tây cũng thay đổi chính sách của họ với Trung Quốc. Sân chơi và sàn đấu mới trong thế kỷ 21 đã được xác lập – đó là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn, trong đó khu vực Biển Đông là trung tâm. Nên cả thế giới, đặc biệt là Mỹ, Anh và Liên Hiệp Châu Âu (EU) với tư cách là một khối, hoặc từng nước riêng lẻ trong EU như Đức và Pháp, đang dồn mắt theo dõi và điều chỉnh chiến lược của họ vào khu vực này.

Vì thế, Trung Quốc sẽ không dễ dàng gì « làm vương làm tướng » và « lộng hành » ở khu vực này hay ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nước phương Tây đừng vì lợi ích kinh tế của riêng họ mà hy sinh luật pháp quốc tế do chính họ xây dựng. Họ cần phải hiểu rằng lợi ích kinh tế chỉ là lợi ích nhỏ trước mắt và ngắn hạn, còn mất quyền tự chủ và luật lệ đã được xác lập mới là điều tệ hại dài hạn. Các nước phương Tây và chúng ta đừng ai ảo tưởng rằng, khi chế độ của Trung Quốc chuyển đổi thì họ sẽ từ bỏ tham vọng xác lập chủ quyền.

Có thể nói, sự hiện diện của AUKUS có tác động tích cực đến Việt Nam và các nước trong khu vực khi liên minh này được ngầm hiểu là để chống lại sự thống trị hàng hải của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Vì vậy, đã có nhận định cho rằng, sự im lặng của Hà Nội không phải là một sự lựa chọn mang tính chiến lược. Từ góc nhìn cá nhân, ông nhìn nhận như thế nào ?

TS. Nguyễn Hồng Hải : Nói một cách thẳng thắn và có phần thông tục rằng bạn không nên quá tin vào bất kỳ điều gì trong ngôn ngữ ngoại giao. Những gì các nhà ngoại giao nói chưa hẳn đã đúng với hành động trên thực tế họ làm đằng sau đó và không nhất thiết cái gì cũng phải nói thẳng, nói thật. Hơn nữa, trong vấn đề AUKUS và việc Úc xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân, Hà Nội đâu có im lặng. Hà Nội đã thông qua người phát ngôn bộ Ngoại Giao bày tỏ quan điểm.

Ở đây, tôi đặt câu hỏi ngược lại một cách khách quan thẳng thắn thế này. Nếu Việt Nam lên tiếng phản đối, hoặc công khai ủng hộ, thì Việt Nam được lợi gì? Thứ nhất, tiếng nói phản đối có khiến AUKUS tan rã và Úc từ bỏ xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân khi mà điều này đã được khẳng định trong thỏa thuận AUKUS hay không ? Hãy lấy trường hợp của Indonesia và Malaysia làm ví dụ. Ở đây, tôi lưu ý rằng ngôn ngữ của hai nước này chỉ dừng lại ở bày tỏ quan ngại, chứ không phải phản đối hay lên án. Không nên hiểu nhầm và suy diễn sai ngôn ngữ của họ.

Thứ hai, lên tiếng ủng hộ thì Việt Nam có được các nước AUKUS hoan nghênh và được chia sẻ hay hỗ trợ về công nghệ tàu ngầm hay không? Từ xưa đến nay, ít nhất là từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, triển khai chính sách đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế, Hà Nội chưa bao giờ lên tiếng ủng hộ hay phản đối công khai một liên minh nào. Hơn nữa, nếu bày tỏ ủng hộ cũng đồng nghĩa Hà Nội đã gián tiếp phá vỡ chính sách « không liên minh » của mình.

Thay vì nghĩ việc Hà Nội im lặng« không phải là một sự lựa chọn mang tính chiến lược » thì có thể cho rằng đó là lựa chọn mang tính chiến lược được không? Cách trả lời trung lập như vậy sẽ dễ dàng cho Hà Nội ứng xử với sự phát triển của AUKUS và việc Úc sở hữu lực lượng tàu ngầm hạt nhân, đồng thời để ngỏ cho khả năng hợp tác ứng phó với các thách thức trong tương lai nếu cần thiết – ý nghĩa của ‘1 không thực chất’ và ‘1 tùy có điều kiện’ ở trên là ở chỗ này.

Từ một góc nhìn khác, sự hình thành AUKUS và việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo tranh chấp, khai thác tài nguyên hàng hải đã làm gia tăng căng thẳng khu vực và kìm hãm quyền tự do hàng hải có tầm quan trọng sống còn đối với thương mại toàn cầu. Vậy nên, việc hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) và Bản Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lại càng khẩn thiết hơn bao giờ hết. Xin ông cho biết tiến trình thực hiện DOC và đàm phán COC giữa khối ASEAN và Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại đã có những bước tiến nào đáng kể?

TS. Nguyễn Hồng Hải : Kể từ khi DOC ra đời năm 2002 cho đến nay, ở mức độ nào đó nó đã xác lập được khuôn khổ để các bên liên quan, trước hết là các bên có tranh chấp trên Biển Đông, ứng xử về tuyên bố chủ quyền của họ trên vùng biển này. Tuy nhiên, có thể nói DOC có ý nghĩa nhưng hiệu quả không đáng kể bởi vì DOC chỉ là một tuyên bố mang tính kêu gọi và khuyến nghị, chứ không mang tính ràng buộc. Chính vì thế, các bên trong ASEAN vẫn quyết tâm thúc đẩy đàm phán để đạt được một văn bản COC có tính ràng buộc và thực chất.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tiến triển gì hơn. Sự trì hoãn này do nhiều yếu tố, trong đó một phần vì còn nhiều bất đồng về những quy định trong dự thảo COC, một phần vì tác động của đại dịch COVID-19 khiến các cuộc họp bị hoãn; và một phần nữa là do Trung Quốc cố tình trì hoãn trong khi tiếp tục có một loạt những hành động hung hăng và bắt nạt trên Biển Đông. Những hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của DOC.

Ngày 22/11/2021 vừa qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sự cần thiết phải duy trì, tạo môi trường thuận lợi đàm phán về COC. Và, hy vọng sớm ký một COC thực chất và hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 theo thời gian đã được hai bên nhất trí. Có thể thấy, tuyên bố này không có gì mới, và cũng vẫn chỉ là những lời cam kết trên giấy tờ, còn việc khi nào tiếp tục đàm phán để tiến tới ký kết COC là một tương lai bất định.

Tôi cho rằng rất khó để có thể nói về giá trị thực chất của COC, nếu không thỏa mãn hai điều kiện: đảm bảo giá trị thực thi UNCLOS 82 và lợi ích của các nước liên quan đến Biển Đông, bao gồm cả các nước bên ngoài hoặc không liên quan đến tranh chấp, phải được đảm bảo. Đây lại là hai điều cốt yếu mà Trung Quốc luôn không muốn.

Thực tế, Việt Nam cũng như các thành viên khác của ASEAN đang đối mặt với tình thế « tiến thoái lưỡng nan » trong việc thể hiện sự phản ứng của mình với AUKUS. Một mặt, Việt nam cần một đồng minh để duy trì trật tự trong khu vực và các xung đột tại Biển Đông. Mặt khác, Hà Nội cần duy trì mối quan hệ với Bắc Kinh vì kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta thử hình dung một giả định, vì một lý do hay một biến cố chính trị xã hội nào đó xảy ra, trong hoàn cảnh bắt buộc, Việt Nam sẽ phải chọn Trung Quốc hoặc Mỹ và các đồng minh dân chủ phương Tây. Theo ông, để đưa ra quyết định, Việt Nam phải dựa trên những yếu tố nào?

TS. Nguyễn Hồng Hải : Tôi vẫn khẳng định lại quan điểm của tôi từ đầu và nhất quán rằng Việt Nam đã gửi đi tín hiệu rõ quan điểm của mình mà tôi cho là ủng hộ AUKUS.

Còn về giả định, và câu hỏi liên quan, tôi hiểu là chị muốn nói đến biến cố chính trị trong nước dẫn đến việc Việt Nam phải chọn phe. Câu hỏi này là rất khó với bất kỳ ai muốn trả lời. Việt Nam có mối liên hệ về lịch sử, văn hóa, kinh tế và tranh chấp lãnh thổ trên thực tế còn tồn tại với Trung Quốc trên Biển Đông – đó là sự thật; có một vị trí địa chính trị-chiến lược quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với những diễn biến đầy phức tạp trong quan hệ quốc tế; và ngày nay cũng là một phần của thế giới toàn cầu hóa và hội nhập. Vì thế, nếu có bị cuốn vào những diễn biến phức tạp ở khu vực này là điều khó tránh khỏi.

Lý tưởng nhất là không phải chọn phe, bởi dù ở phe nào cũng đều bất lợi cho Việt Nam, ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu phát triển một Việt Nam hùng cường như các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay nói. Đó cũng là mong muốn và khát vọng chính đáng của người dân Việt Nam sau hàng thập kỷ chiến tranh. Song, theo tôi, điều quan trọng là dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào, yếu tố quan trọng nhất để đưa ra một quyết định đối ngoại chính là lợi ích quốc gia-dân tộc, trong đó có chủ quyền lãnh thổ, là tối thượng.

Trong những năm vừa qua, quan hệ song phương Việt Nam và Úc có những điểm nổi bật nào ?

TS. Nguyễn Hồng Hải : Nhìn một cách tổng thể, quan hệ Việt Nam và Úc đã trải qua những thăng trầm, song đến thời điểm này tôi cho rằng quan hệ song phương đang ở thời điểm tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Hợp tác song phương toàn diện trên tất cả các mặt, từ kinh tế, thương mại và đầu tư đến an ninh và quốc phòng, giáo dục và đào tạo. Hàng năm, hai bên vẫn tiến hành trao đổi đoàn cấp cao và lãnh đạo cấp cao hai nước đều tranh thủ gặp gỡ, tiếp xúc trong dịp dự các diễn đàn đa phương. Sự tin cậy chính trị ngày càng tăng giữa đôi bên. Năm 2019, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Scott Morrison đã phát biểu, quan hệ Việt Nam và Úc là mối quan hệ tình bạn thân thiết (mateship).

Quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc thực sự là một điểm sáng trong quan hệ song phương, nhất là khi Úc đang tìm kiếm và đẩy mạnh đa dạng thị trường trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Trong suốt 20 năm qua, tăng trưởng kim ngạch thương mại hai nước trung bình đạt gần 9%, là một trong những quan hệ thương mại phát triển nhanh nhất của Úc với các đối tác nước ngoài. Hai nước đang nỗ lực xây dựng và sớm ký Chiến lược Hợp tác Kinh tế Tăng cường, tạo động lực mới cho quan hệ đầu tư thương mại giữa hai bên, đặc biệt là giúp phục hồi kinh tế do tác động của COVID-19.

Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra, hai nước đã có những hỗ trợ cho nhau. Ngoài ra, từ đầu năm 2021 cho đến nay, dù đại dịch diễn biến phức tạp, song lãnh đạo và quan chức cấp cao hai nước vẫn duy trì tiếp xúc và trao đổi. Đáng lưu ý là cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Úc vào tháng 11/2021 vừa qua. Theo đó, ông Peter Dutton đã cảm ơn Việt Nam ủng hộ nâng cấp quan hệ ASEAN-Úc lên thành đối tác chiến lược toàn diện, cũng như tuyên bố của Chủ tịch ASEAN sau Hội nghị cấp cao ASEAN-Úc trong bối cảnh có tiếng nói quan ngại trong ASEAN về thỏa thuận AUKUS và kế hoạch Úc sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Đồng thời, ông xác nhận Úc sẽ tiếp tục vận chuyển Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Việt Nam tới Phái bộ Gìn giữ Hòa bình năm 2022 và các lực lượng những năm sắp tới nếu điều kiện cho phép. Hai bộ trưởng quốc phòng cũng đã mời nhau sang thăm chính thức mỗi nước.

Hiện tại, Việt Nam và Úc đang thảo luận để tiến tới nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao như trước đó thủ tướng hai nước đã thống nhất.

RFI Tiếng Việt cảm ơn TS. Nguyễn Hồng Hải.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn