Kế hoạch đổ 3,8 triệu lít nước phóng xạ xuống biển gây tranh cãi

Thứ Hai, 06 Tháng Mười Hai 20215:00 SA(Xem: 2288)
Kế hoạch đổ 3,8 triệu lít nước phóng xạ xuống biển gây tranh cãi

MỹNhà máy điện hạt nhân Pilgrim đang cân nhắc một trong những phương án xả thải là đổ khoảng gần 3,8 triệu lít nước phóng xạ xuống vịnh Cape Cod.

Nhà máy điện hạt nhân Pilgrim ngừng hoạt động vào năm 2019 và đang trong quá trình giải tỏa. Ảnh: Merrily Cassidy

Nhà máy điện hạt nhân Pilgrim ngừng hoạt động vào năm 2019 và đang trong quá trình giải tỏa. Ảnh: Merrily Cassidy

Nhà máy Pilgrim hôm 22/11 đã thảo luận nhanh với nhà chức trách bang Massachusetts về phương án khả thi để loại bỏ nước từ bể nhiên liệu đã qua sử dụng, thân lò phản ứng và các bộ phận khác, theo phát ngôn viên Patrick O'Brien của Holtec International, công ty điện quản lý nhà máy. O'Brien cho biết công ty vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức.

Vào giữa tháng 12, Holtec sẽ hoàn tất quá trình chuyển tất cả cuộn nhiên liệu đã qua sử dụng vào thùng phuy đang được lưu trữ ở sàn bê tông tại nhà máy điện Pilgrim tại Plymouth. Sau đó, quá trình tiêu hủy các bộ phận khác ở nhà máy sẽ diễn ra và hoàn thành vào tháng 2 năm sau.

O'Brien cho biết họ sẽ xử lý nước dùng để làm mát cuộn nhiên liệu trong bể và bên trong lò phản ứng. Quá trình xác định phương pháp xả thải sẽ diễn ra trong vòng 6 - 12 tháng tới. Hai lựa chọn khả thi được thảo luận tại cuộc họp là dùng xe tải vận chuyển nước thải tới cơ sở đã phê duyệt (ví dụ nhà máy điện hạt nhân Yankee ở Vermont chuyển nước nhiễm phóng xạ tới địa điểm ở Idaho) hoặc để nước tự bay hơi. Trước khi đưa ra quyết định, công ty quản lý sẽ tiến hành phân tích để xác định những chất gây ô nhiễm trong nước, nhiều khả năng gồm kim loại và vật liệu phóng xạ.

Bất kỳ hoạt động xả nước thải nào theo Đạo luật nước sạch đều phải nằm trong kế hoạch do Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Bộ Y tế công cộng phê duyệt. Kế hoạch xả nước thải không được EPA cấp phép nhưng vẫn có thể xảy ra nếu Hội đồng điều phối hạt nhân (NRC) cho phép.

Theo O'Brien, đổ nước phóng xạ từ nhà máy điện xuống biển là cách làm tương đối phổ biến trong ngành công nghiệp hạt nhân. Phương pháp này từng được áp dụng tại cơ sở Oyster Creek ở New Jersey. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Susan Moran của bang Massachusetts phản đối việc đổ nước phóng xạ xuống vịnh Cape Cod trong quá trình giải tỏa. Moran đang kêu gọi công ty Holtec công bố kế hoạch xử lý tất cả vật liệu phế thải ở nhà máy.

Diane Turco, người đứng đầu Cape Downwinders, một tổ chức vận động đóng cửa Pilgrim, nhận định đổ nước phóng xạ xuống vịnh là hoạt động "gây phẫn nộ và phạm pháp". Theo Turco, quá trình này sẽ tạo điều kiện cho chất phóng xạ rò rỉ vào môi trường.

Richard Delaney, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ven biển, cũng đồng ý với Turco. "Chúng tôi đã theo dõi chất lượng nước ở vịnh Cape Cod trong 20 năm và lượng chất gây ô nhiễm đổ xuống vịnh đã quá nhiều. Xả chất thải phóng xạ xuống biển không phải là một giải pháp", Delaney cho biết.

An Khang (Theo Cape Cod Times)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn