Bốn khó khăn của Biden trong đối thoại với phương Tây

Thứ Năm, 28 Tháng Mười 202111:53 SA(Xem: 2313)
Bốn khó khăn của Biden trong đối thoại với phương Tây
rfi.fr

Bốn khó khăn của Biden trong đối thoại với phương Tây

Thanh Hà

Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với những thách thức của hai thượng đỉnh G20 ở Roma (Ý) và COP26 ở Glasgow (Anh Quốc). Làm thế nào để thuyết phục quốc tế là Hoa Kỳ đã khép lại thời kỳ America First của Donald Trump ? Từ cuộc tiếp xúc đầu tiên với lãnh đạo quốc tế nhân thượng đỉnh G7 quy tụ các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới ở Cornwall (Anh Quốc) tháng 6/2021 đến nay, có ít nhất bốn đám mây đen làm lu mờ hào quang của tổng thống Mỹ. 

Thứ nhất, khác với hồi tháng Sáu vừa qua, lần này ông Biden đến Roma và Glasgow trong bối cảnh kế hoạch đầy tham vọng để “cải tổ sâu rộng nước Mỹ” bị bế tắc. Các chương trình vực dậy kinh tế hàng ngàn tỷ đô la và làm thay đổi bộ mặt của xã hội Hoa Kỳ liên tục bị bào mỏng mà vẫn không vượt qua được cửa ải của Quốc Hội lưỡng viện.  

Về đối ngoại, đám mây đen thứ hai đe dọa hào quang của ông Biden là cho tới nay Washignton luôn nhấn mạnh đến “ưu tiên chống biến đổi khí hậu” nhưng đặc sứ của tổng thống Hoa Kỳ về lĩnh vực này, cựu ngoại trưởng John Kerry chưa có một thành tích cụ thể nào để đem tới thượng đỉnh Glasgow trong những ngày tới.   

Điểm thứ ba khiến Biden khó ăn khó nói đương nhiên là thất bại ê chề ở Afghanistan. Sau nhiều nỗ lực củng cố liên minh với các đối tác từ Âu sang Á, Washignton đã đơn phương quyết định rút quân khỏi quốc gia Nam Á này để thực hiện lời hứa “đưa lính Mỹ trở về nhà” mà không tham khảo các đồng minh trong khối NATO. Ngay cả đồng minh trung thành nhất của Washignton trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương là Luân Đôn đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi ông Biden cương quyết “rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanistan trước thời hạn 31/08/2021”.

Những hình ảnh hỗn loạn tại thủ đô Kabul là bằng chứng cụ thể về tầm nhìn thiển cận của Nhà Trắng. Cũng các nước châu Âu thất vọng không kém khi thấy hồ sơ hạt nhân Iran không đạt được một chút tiến triển nào, mười tháng kể từ khi Joe Biden lên cầm quyền. 

Yếu tố thứ tư khiến điểm tín nhiệm của tổng thống Biden sụt giảm trong mắt cộng đồng quốc tế là hiệp ước quân sự ba bên Mỹ- Anh và Úc, AUKUS. Ai cũng biết Bắc Kinh mới là nỗi ám ảnh của Washignton, qua đó Trung Quốc mới là trọng tâm trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của chính quyền Biden.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Pierre Morcos, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ghi nhận : Các đồng minh “trụ cột” của Washignton tại châu Á, như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng không thực sự thoải mái với hiệp ước quân sự ba bên này. Đó là chưa kể AUKUS dồn không ít các đối tác Đông Nam Á của Mỹ vào “thế kẹt”.

Nhưng nghiêm trọng hơn nữa là AUKUS là một vết hằn giữa hai bờ Đại Tây Dương : Chú trọng hợp tác quân sự với Anh và Úc để chống lại Trung Quốc Mỹ đã “mặc nhiên” gạt các đối tác châu Âu ra khỏi chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương mà một trong những quốc gia “có trọng lượng trong khu vực này là Pháp”. Vì AUKUS, Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp khiến Paris tức giận. Pháp – Mỹ lâm vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng, nhưng đó chỉ là “bề nổi của tảng băng”. 

Chuyên gia Morcos trong một bài tham luận trên tạp chí Mỹ National Interest phân tích sâu hơn : Về mặt hình thức Nhà Trắng liên tục hô hào “tay chung tay với các đồng minh” nhưng lại đơn phương hành động và cách xử sự của tổng thống Biden cũng “thô bạo không kém” so với người tiền nhiệm là Donald Trump. Biden hay Trump thì cũng đều “đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết”.

Đó là điều dễ hiểu, nhưng đối với châu Âu, AUKUS là một bằng chứng mới, khẳng định liên minh xuyên Đại Tây Dương không còn là một ưu tiên của Hoa Kỳ. Nhìn kinh nghiệm của châu Âu, các đồng minh châu Á của Mỹ, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, hay ASEAN và kể cả Đài Loan đang cần “tin tưởng” vào lời nói của siêu cường số 1 thế giới nghĩ gì ? 

Trước thượng đỉnh G20 tại Roma trong hai ngày 29 và 30/10/2021 tổng thống Joe Biden sẽ có một buổi làm việc riêng với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron để sang trang khủng hoảng mà báo giới gọi là “khủng hoảng tàu ngầm”. Đương nhiên đôi bên sẽ phải tiếp tục nói chuyện với nhau để đưa ra những “giải pháp cụ thể” vì những chủ đề nhậy cảm từ hạt nhân Iran đến an ninh khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, từ cuộc chiến chống khủng bố ở châu Phi, đến khả năng phòng vệ của châu Âu …  Nhưng không chắc bầu không khí tại Roma sẽ được “ấm áp” như trong buổi tiếp xúc lần đầu giữa nguyên thủ Pháp và Mỹ tại Anh Quốc hồi tháng 6/2021.

Pierre Morcos, trung tâm CSIS của Mỹ lưu ý, đây không phải là lần đầu Pháp- Mỹ hục hặc với nhau nhưng đôi bên luôn dễ dàng nối lại đối thoại. Có điều lần này, với xung khắc giữa Paris và Washington, Nhà Trắng một lần nữa cho thấy, tương tự như Trung Quốc, Hoa Kỳ không có bạn mà chỉ có các đối thủ. Các khái niệm “đối tác hay đồng minh” có thể thay đổi tùy theo thời điểm và tùy theo những ưu tiên ngắn hay dài hạn của Chú Sam ! 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn