• Daniel Kraemer
  • BBC News

Three commercial ships from above

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Trên khắp thế giới, người dân và doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng hóa từ cà phê tới than.

Lý do chủ yếu là gián đoạn do đại dịch Covid gây ra - nhưng có nhiều yếu tố khác, và tình trạng này tác động tới các quốc gia theo các cách khác nhau.

Trung Quốc: Than và giấy

Một "cơn bão hoàn hảo" ở Trung Quốc làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.

Nó ảnh hưởng tới mọi thứ từ giấy, thực phẩm, hàng dệt may và đồ chơi cho tới chip iPhone, TS Michal Meidan từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết.

Bà nói những mặt hàng này "có thể sẽ thiếu nguồn cung dịp Giáng sinh năm nay."

Coal power stations in the distance

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Trung Quốc phụ thuộc vào than cho việc sản xuất phần lớn điện

Vấn đề bắt nguồn từ khủng hoảng điện, khi hơn 20 tỉnh Trung Quốc bị mất điện.

Hơn một nửa sản lượng điện của Trung Quốc đến từ than, mà giá than đã tăng trên toàn cầu. Nhưng các công ty điện lại không được tăng giá điện đối với người tiêu dùng do các quy định giá trần. Vì thế, các công ty điện TQ phải giảm sản lượng.

Việc sản xuất than trong nước thì lại bị ảnh hưởng bởi các đợt kiểm tra an toàn, các quy định môi trường nghiêm ngặt hơn và trận lũ lụt gần đây, TS Meidan nói.

Điều này có nghĩa ngay cả khi nhu cầu hàng Trung Quốc tăng vọt, các nhà máy được yêu cầu giảm sử dụng năng lượng hoặc thậm chí đóng cửa một số ngày.

Mỹ: Đồ chơi và giấy vệ sinh

Vào dịp Giáng sinh, "sẽ có những mặt hàng mà mọi người không mua được", một quan chức Nhà Trắng cảnh báo.

Nguồn hàng đồ chơi sẽ bị ảnh hưởng, cũng như các nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh và nước đóng chai, quần áo mới và thức ăn cho thú cưng. Vấn đề một phần là do nút thắt cổ chai ở các cảng Mỹ. Bốn trong số 10 container vào Mỹ đi qua hai cảng lớn - ở Los Angeles và Long Beach, California.

Trong một ngày tháng Chín, 73 con tàu phải xếp hàng chờ ngoài cảng Los Angeles, một con số kỷ lục. Trước Covid, rất hiếm khi có hơn một tàu phải xếp hàng.

Cả hai cảng giờ đây hoạt động 24/7 để giúp giảm áp lực.

Two girls look at toys in a toy shop

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Có thể có tình trạng khan hiếm đồ chơi mùa Giáng sinh năm nay

Trong một số trường hợp, tình trạng khan hiếm hàng là do khó khăn liên quan tới Covid vẫn đang tiếp tục ở các nước khác. Chẳng hạn, hãng sản xuất đồ thể thao khổng lồ Nike sản xuất nhiều mặt hàng ở các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nơi các nhà máy phải đóng cửa do Covid.

Ngay cả khi hàng hóa được làm ra, việc giao hàng cho các nhà bán lẻ trở nên khó khăn hơn, GS Willy Shih của Trường Havard Business School cho biết.

Sức mua của người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh, nhưng gián đoạn ở các nhà máy, cảng biển, rồi đường bộ và đường sắt "quá tải" đều tạo ra một nút cổ chai, ông nói thêm.

Ấn Độ: Xe hơi và chip máy tính

Hãng sản xuất ô tô lớn nhất tại Ấn Độ, Maruti Suzuki, phải giảm mạnh sản lượng, một phần vì tình trạng thiếu chip máy tính toàn cầu.

Các chip này được dùng để điều khiển nhiều bộ phận của xe hơi, như động cơ và phanh khẩn cấp.

Tình trạng thiếu chip máy tính là do gián đoạn có liên quan tới đại dịch ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhu cầu toàn cầu cho chip - cũng được dùng trong sản xuất điện thoại và máy tính - đã tăng từ trước khi có đại dịch do công nghệ 5G. Việc nhiều người chuyển sang làm việc tại nhà dẫn đến nhu cầu tăng vọt hơn nữa, vì nhiều người cần trang bị laptop và webcam để làm việc.

Tình trạng khan hiếm các bộ phận máy tính ở Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn do khó khăn về năng lượng ở trong nước.

Nguồn dự trữ than hiện đang ở mức thấp nguy hiểm. Nền kinh tế hồi phục dần sau làn sóng Covid-19 thứ hai làm nhiều người chết, dẫn tới nhu cầu sử dụng năng lượng tăng lên. Nhưng giá than toàn cầu tăng lên mà nguồn nhập khẩu của Ấn Độ lại giảm.

Các gia đình Ấn Độ cũng sẽ bị ảnh hưởng khi giá điện tăng lên. Lạm phát cao có nghĩa giá cả các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và dầu đã tăng lên.

Brazil: Cà phê và nước

Trận hạn hán nặng nhất trong gần một thế kỷ phần nào gây ra vụ thu hoạch cà phê thất vọng năm nay.

Kết hợp với các đợt băng giá và chu kỳ tự nhiên của vụ thu hoạch, nó khiến sản lượng cà phê giảm mạnh.

Thách thức cho các nhà sản xuất cà phê còn lớn hơn do chi phí chuyên chở hàng và tình trạng thiếu container.

Chi phí tăng cao này sẽ bị chuyển cho các quán cà phê toàn cầu, vì Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Với sản lượng điện của Brazil phần lớn đến từ các nhà máy thủy điện dùng hồ chữa nước, việc thiếu nước đang có tác động trực tiếp đến nguồn năng lượng của nước này.

Khi giá điện tăng lên, chính quyền kêu gọi người dân hạn chế dùng điện để tránh phải phân phối hạn chế điện. Bộ trưởng năng lượng nước này nói rằng các cơ quan chính phủ được yêu cầu giảm sử dụng điện 20%, theo tờ the Washington Post.

Nigeria: ga đốt dùng trong sinh hoạt

Nigeria đang gặp tình trạng thiếu Khí Dầu mỏ Hóa lỏng (LPG), chủ yếu được dùng để nấu ăn, mặc dù nước này có nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi.

Giá LPG tăng gần 60% từ tháng Tư đến tháng Bảy, khiến nhiều người Nigeria không có khả năng mua.

Vì thế, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp phải chuyển sang dùng than, hay củi để nấu ăn.

Woman selling food at a market in Nigeria

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Quang cảnh chợ ở Nigeria

Một trong những lý do giá khí đốt tăng mạnh là do thiếu nguồn cung toàn cầu - Nigeria vẫn phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn vì đồng tiền mất giá và việc nhà nước đánh thuế vào LPG.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng thiếu khí đốt có thể có tác động đáng lo ngại đến sức khỏe và môi trường, vì nhiều người quay sang sử dụng các nguồn nhiêu liệu thay thể rẻ hơn nhưng nguy hiểm hơn.

Lebanon: Nước và dược phẩm

Có nhiều lo ngại về tình trạng thiếu nước, thiếu thuốc men và xăng ở Lebanon.

Trong 18 tháng qua, nước này phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, đẩy ba phần tư dân số vào cảnh đói nghèo, làm đồng tiền sụt giá và châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình lớn chống lại chính phủ và hệ thống chính trị Lebanon.

Nền kinh tế nước này vốn đã nhiều khó khăn trước khi có Covid. Nhưng đại dịch làm nó còn tệ hơn.

Blackout in Lebanon

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

A recent energy outage forced many people to switch to generators

Nạn thiếu xăng dầu dẫn tới mất điện thường xuyên, khiến nhiều doanh nghiệp và gia đình phải dùng máy nổ chạy bằng diesel, nếu họ đủ tiền mua.

Hồi tháng Tám, Điều phối viên Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Lebanon Najat Rochdi nói bà "hết sức lo ngại về tác động của khủng hoảng xăng dầu đến việc tiếp cận y tế và nguồn nước sạch cho hàng triệu người ở Lebanon."