Trung Quốc sẽ “thống nhứt” Đài Loan bằng mọi cách

Thứ Hai, 18 Tháng Mười 20212:00 SA(Xem: 2553)
Trung Quốc sẽ “thống nhứt” Đài Loan bằng mọi cách

Trương Nhân Tuấn

Lục địa sẽ “thống nhứt” Đài Loan bằng mọi cách, ngay cả bằng cách gây chiến tranh. Chuyện này nếu không xảy ra dưới thời Tập Cận Bình thì sẽ xảy ra dưới thời một vị lãnh đạo khác. Không sớm thì muộn. Bởi vì lịch sử Trung Quốc cho thấy người Trung Quốc luôn đánh nhau với người Trung Quốc.

Lịch sử thành hình quốc gia hiện đại của Trung Quốc, cũng giống như lịch sử của Việt Nam, là “chiến tranh”. (Quan niệm về “Quốc gia – Etat – State” chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỷ 20). Hàng ngàn năm liên tục chiến tranh, trong đó nội chiến chiếm phần lớn thời gian. Thời Chiến Quốc, thời Tam Quốc, hay thời cận đại chiến tranh Quốc-Cộng giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch trên lục địa… là các thí dụ điển hình.

Văn minh Trung Hoa “đẻ ra” triết lý về chiến tranh: “Thế lớn trong thiên hạ là hợp rồi tan, tan rồi hợp”. Mà mỗi lần tan, hợp là mỗi lần chiến tranh.

Đối với Đài Loan, từ năm 1949 đến nay đã 3 lần đánh thật và rất nhiều lần suýt đánh lớn.

Lần thứ nhứt từ ngày 25 đến 27 tháng 10 năm 1949. Hồng quân CS đổ bộ tiến đánh đảo Kim Môn. Phía CS thua do quân lực yếu kém. Phía Đài Loan có 1.267 lính tử thương, 1.982 bị thương. Trung Quốc có 3.873 lính tử thương và 5.175 tù binh.

Lần thứ hai (1954-1955). Ngày 11 tháng 8 năm 1954, Châu Ân Lai tuyên bố “giải phóng” Đài Loan, cho pháo binh pháo kích mạnh vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Lúc đó Đài Loan có 58.000 quân trên đảo Kim Môn, 15.000 quân trên đảo Mã Tổ. Hoa Kỳ lên tiếng cảnh cáo, Trung Quốc mở mặt trận ra đảo Tachen. Hoa Kỳ đã nghĩ tới dội bom nguyên tử để giải tỏa nếu tình hình bất lợi. Rốt cục, Trung Quốc rút quân sau khi mất khoảng 20.000 quân và một số lớn tàu bè bị phá hủy.

Lần thứ ba xảy ra năm 1958. Ngày 23 tháng 8 hồng quân CS pháo kích vào Kim Môn làm chết 400 quân Đài Loan. Chiến sự mở rộng với mặt trận trên không, một bên do Hoa Kỳ yểm trợ và bên kia do Liên Xô yểm trợ. Cuộc xung đột chấm dứt ngày 1 tháng 1 năm 1959 gậy thiệt hai cho đôi bên khoảng 1000 người.

Từ năm 1958 đến nay, lục địa dường như tạm thời để qua một bên giải pháp quân sự. Nhưng đó cũng có thể là do lãnh đạo cộng sản ở lục địa thấy “khó ăn”, không dám đánh. Cản trở là lo sợ Mỹ can thiệp.

Mỗi lần lục địa lên gân với Đài Loan, như cho diễn tập quân sự, thì Mỹ cũng đáp trả bằng các biện pháp tương tự, là cho hải quân tập trận, dĩ nhiên với một, hai hàng không mẫu hạm làm “soái hạm”.

Trung Quốc cho hàng ngàn hỏa tiễn tấn công chĩa về hướng Đài Loan. Mỹ can thiệp bằng cách “bán” cho Đài Loan các giàn hỏa tiễn phòng vệ Patriot (có khả năng bắn rớt các loại hỏa tiễn…).

Trung Quốc cho hàng trăm máy bay chiến đấu xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan. Máy bay của Đài Loan (mua từ Mỹ hay Pháp) bay lên “truy cản”, không cho máy bay Trung Quốc xâm nhập vào “không phận” của mình.

Đài Loan cũng phát triển các loại hỏa tiễn chống hạm, mục đích ngăn chặn mọi cuộc đổ bộ từ Trung Quốc…

Ngoài ra Đài Loan còn “tự quốc tế hóa” khả năng phòng vệ của mình bằng nối kết kinh tế. Nói trắng ra là bằng phương cách “độc quyền chế tạo những con chíp bán dẫn kỹ thuật 5 nano mét”. Thật vậy, xí nghiệp TSMC của Đài Loan đứng đầu thế giới kỹ nghệ khắc đường dẫn 5 nano mét. Xí nghiệp này cung cấp chíp bán dẫn “siêu nhanh” cần thiết cho máy móc ở hầu hết các quốc gia.

Chíp bán dẫn “siêu nhanh” trở thành một mặt hàng “chiến lược”, tương tự như dầu khí. Khủng hoảng chất bán dẫn tương tự như khủng hoảng dầu khí.

Đài Loan bị Trung Quốc xâm lược đồng nghĩa với việc lợi ích các quốc gia khác bị xâm phạm (hay đe doạ).

Do đó ta không ngạc nhiên khi thấy Hòa Lan tháp tùng cùng các quốc gia khác gồm Mỹ và Anh… diễn tập quân sự vùng biển cận Đài Loan. Tập đoàn chất bán dẫn Philips của Hòa Lan có quan hệ khá mật thiết với TSMC… Nào giờ Hòa Lan luôn đúng ngoài mọi tranh chấp ở khu vực Ấn độ – Thái Bình Dương…

Tức là Trung Quốc thấy “khó nuốt” nên không “nuốt”, chớ không phải là không muốn nuốt Đài Loan.

Vấn đề là chừng nào thì lục địa có thể khắc phục được những trở ngại?

Điều nên biết nữa là, Mỹ đã nhiều lần “bỏ” Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch cho Mao Trạch Đông. Lần thứ nhứt là năm 1949. Mỹ chấm dứt viện trợ cho họ Tưởng đánh cộng sản vì phe Quốc Dân đảng quá tham nhũng và thối nát. Lần thứ hai năm 1975, Mỹ không cứu vãn số phận Trung Hoa Dân quốc trước LHQ. Lần ba là năm 1979, đoạn giao với Đài Loan.

Điều nên biết khác nữa là, các kết ước hiện có giữa Đài Loan và Mỹ, như Taiwan Relations Act năm 1979, là do kiều dân Đài Loan tại Mỹ vận động.

Ngoài ra ta cũng không thể loại trừ các trường hợp chiến tranh do bị “gài triệt buộc”. Đài Loan, hay chủ quyền các đảo ở Biển Đông … đều có thể là những “con cờ” để các cường quốc “gài” Việt Nam, Đài Loan (hay một quốc gia nào đó…) vào thế chiến tranh với Trung Quốc. Cuốn sách mới phát hành của vị cựu Tham mưu trưởng quân đội Mỹ cho ta thấy âm mưu này là có thật.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn