Khí đốt tăng giá tại châu Âu : Nga là thủ phạm ?

Thứ Năm, 14 Tháng Mười 202111:50 SA(Xem: 1798)
Khí đốt tăng giá tại châu Âu : Nga là thủ phạm ?
rfi.fr

Khí đốt tăng giá tại châu Âu : Nga là thủ phạm ?

Minh Anh

Giá khí đốt tăng kỷ lục trên thị trường thế giới những ngày gần đây và dường như khó có thể kềm hãm đà tăng vào lúc này. Tại châu Âu, mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Nga – nhà cung cấp khí đốt chính cho khu vực. Châu Âu cáo buộc Nga lợi dụng tình thế và thao túng giá cả. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức chỉ trích châu Âu đã có những quyết định sai lầm. Lỗi thật sự tại ai ?

Đầu tiên, tình hình này là chung cho toàn thế giới. Ông Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) trước hết cho rằng hiện tượng tăng giá này là do có liên quan đến tình hình cung – cầu và nguồn dự trữ tại nhiều nước trên thế giới. Sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đột ngột khởi động mạnh mẽ trở lại, thúc đẩy tăng trưởng dẫn đến tình trạng tăng mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn trong năm nay so với năm 2020.

Trong khi đó, một số nguồn cung ứng lại gặp khó khăn. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, sản lượng bị giảm, chưa thể hồi phục sau trận bão Ida tràn qua vịnh Mêhicô. Sau cùng là nguồn dự trữ tại châu Âu tương đối thấp do phải trải qua một mùa đông 2020-2021 khá dài và lạnh. Nguồn dự trữ này phải được lấp lại vào lúc mùa đông đang đến.

Tuy nhiên, trong tình hình này, châu Âu đặc biệt bị tác động nhiều nhất. Nhiều nước nghi ngờ Nga thao túng giá cả. Theo nhiều nhà quan sát, sự việc làm lộ rõ sự lệ thuộc của châu Âu vào nguồn cung khí đốt từ bên ngoài và đặc biệt là từ Nga. Số liệu của Eurostat công bố cho thấy, trong năm 2018, hơn 58% nguồn nhiên liệu thô tại Liên Hiệp Châu Âu là nhập khẩu, trong đó Đức, Ý, Pháp và Tây Ban Nha là những nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên nhiều nhất.

Trong phương trình này, Matxcơva giữ một vai trò quan trọng : Bất kể đó là than đá, dầu thô hay khí đốt, Nga là nhà cung cấp hàng đầu cho Liên Hiệp Châu Âu. Đặc biệt là khí đốt tự nhiên, thị phần của Nga tại Liên Hiệp Châu Âu trong giai đoạn 2008-2018, mỗi lúc một « phình to » chiếm 40,4%, hơn cả Na Uy (18,1%) và Algerie (11 ,8%). Có thể nói, Tập đoàn Gazprom của Nga gần như chiếm độc quyền thị trường khí đốt tại Liên Hiệp Châu Âu.

Giá khí đốt tăng kỷ lục có thể gây nặng gánh cho các hộ gia đình, nhiều nước châu Âu cáo buộc Nga không mở đủ van nhằm giảm giá khí đốt. Nếu như lời chỉ trích này đã bị Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE bác, cho rằng « Nga tuân thủ các hợp đồng dài hạn với châu Âu, thì mặt khác, cơ quan này cũng cho rằng « lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu cũng giảm so với năm 2019. »

Về điểm này, ông Francis Perrin, có giải mã rằng ngoài ý định lợi dụng giá cả tăng cao, nước Nga còn có nhiều mục tiêu khác. Theo đó, « Matxcơva rất có thể : Thứ nhất muốn chứng minh rằng Nord Stream 2 – đường ống dẫn khí đốt nối Nga và Đức thông qua biển Baltic là thiết yếu. Thứ đến là trừng phạt những nước châu Âu nào có ý định đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và phát triển những dự án nhập khẩu khí hóa lỏng GNL. Rồi Nga có thể sung sướng chứng kiến tình trạng thiếu gắn kết trong khối Liên Hiệp Châu Âu vốn phản đối mạnh mẽ những nguồn năng lượng hóa thạch, trong đó có khí đốt tự nhiên, nhưng đồng thời lại đòi phải tăng thêm nguồn cung khí đốt mà Liên Âu có ý muốn loại trừ. »

Trước những chỉ trích này, điện Kremlin, qua lời phát ngôn viên Dmitri Peskov phủ nhận mọi vai trò của Nga, cho rằng đó là do tình hình thị trường thế giới cầu vượt cung và nguồn dự trữ thấp. Tổng thống Nga Vladimir Putin còn đi xa hơn khi chỉ trích các nước châu Âu đã có những tính toán sai lầm khi giảm bớt một phần trong hợp đồng dài hạn về khí đốt tự nhiên và ưu tiên mua nhiên liệu trên thị trường ngắn hạn (giao ngay) mà giá cả đã tăng vọt trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh này, tổng thống Putin ngỏ ý rằng Gazprom có thể sẽ tăng sản lượng cung cấp cho châu Âu thông qua ngả Ukraina, và « sẵn sàng đàm phán những hợp đồng dài hạn mới », có thời hạn 25 năm với các khách hàng châu Âu. Với Nord Stream 1 có sẵn và đường ống dẫn Nord Stream 2 vừa mới hoàn thành, Gazprom khẳng định kể từ giờ có thể cung cấp cho châu Âu 110 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, đó là chưa tính đến những đường ống dẫn khác đi xuyên Đông và Trung Âu.

Một điều chắc chắn, trong cuộc khủng hoảng này, nước Nga của ông Vladimir Putin lại xoa tay ăn mừng, hơn bao giờ hết « châu Âu còn bị lệ thuộc nhiều hơn nữa vào nguồn cung năng lượng từ Nga ». Phải chăng trước khi có « tự chủ quốc phòng » như tổng thống Pháp Macron mong muốn, các nước châu Âu nên nghĩ đến « tự chủ về năng lượng » !

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn