Quá hung hăng, Trung Quốc thất bại trong chiến lược thao túng thế giới ( Bài Điểm báo với nhiều tin đáng chú ý )

Thứ Ba, 12 Tháng Mười 20215:09 SA(Xem: 5272)
Quá hung hăng, Trung Quốc thất bại trong chiến lược thao túng thế giới ( Bài Điểm báo với nhiều tin đáng chú ý )
rfi.fr

Quá hung hăng, Trung Quốc thất bại trong chiến lược thao túng thế giới

Thụy My

Trung Quốc chiếm khá nhiều giấy mực trên báo chí Pháp ngày 11/10/2021, bên cạnh các chủ đề như AUKUS, vai trò của các cuộc thăm dò dư luận đối với bầu cử tổng thống, vac-xin chống Covid, môi trường…Le Figaro chạy tựa « Sự xâm nhập của Trung Quốc, mối đe dọa cho phương Tây » và trong bài xã luận tờ báo cánh hữu kêu gọi « Hãy mở mắt ».

Bắc Kinh đã đánh rơi chiếc mặt nạ bá quyền

Bọn gián điệp đang ở bên trong chúng ta. Đó không phải là tựa đề một truyện trinh thám, mà là kết luận đáng ngại khi đọc công trình điều tra công phu về « các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc » do Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (IRSEM) thực hiện.

Chưa bao giờ sự can thiệp của Trung Quốc cộng sản trong xã hội cởi mở, nền kinh tế tự do và hệ thống dân chủ Pháp lại được mô tả và phân tích một cách tổng thể và chi tiết đến thế. Các tác giả đã mở mắt cho người Pháp : khi lao vào một « cuộc chiến chính trị » nhằm củng cố vị thế của đảng cộng sản Trung Quốc đồng thời bôi xấu mô hình phương Tây, Bắc Kinh đã khai sinh một con quái thú bạch tuộc với các phương pháp ngày càng cứng rắn dưới thời Tập Cận Bình.

Hô mãi khẩu hiệu « Đôi bên cùng có lợi », nay các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đánh rơi chiếc mặt nạ. Không dẫn dụ và khuất phục được qua việc phô trương « lòng nhân từ và sức mạnh », Bắc Kinh đã « Nga hóa ». Nay Trung Quốc dùng cách « xâm nhập và cưỡng bức » bằng tất cả mọi cách và tất cả con đường (cộng đồng, truyền thông, ngoại giao, kinh tế, chính đảng, think tank, sản phẩm văn hóa…). Các đòn bẩy đa dạng từ đầu tư chiến lược đến gián điệp, đánh cắp tri thức, xâm nhập vào báo chí và các mạng xã hội để phục vụ cho lợi ích của mình.

Trước « tham vọng bá chủ và xét lại » của cộng sản Trung Quốc, kèm theo các hành động hiếu chiến đáng ngại, Le Figaro cho rằng không còn có thể ngây thơ. Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Hungary lóa mắt trước hàng tỉ đô của « Con đường tơ lụa mới », nay ngần ngại trước sức nặng ngột ngạt của đối tác. Châu Âu và Mỹ dần dà lập ra những cơ chế kiểm soát đầu tư và giám sát các chân rết ẩn giấu của Bắc Kinh. Sự cởi mở là gót chân Achille nhưng đồng thời là tính ưu việt của xã hội phương Tây. Bộc lộ sự xâm nhập với ý đồ xấu, thất bại chiến lược của Trung Quốc đã thấy rõ.

Bước ngoặt ngoại giao hung hăng

Trong bài « Phương Tây trước chiến lược lũng đoạn mới của Trung Quốc », Le Figaro nhận định lâu nay vẫn chăm chút hình ảnh trên trường quốc tế, giờ đây Bắc Kinh áp dụng nguyên tắc « Tốt nhất là được người khác sợ hơn là yêu mến ». Trong vài năm qua, đảng cộng sản Trung Quốc chuyển sang bước ngoặt ngoại giao hung hăng.

Hai nhà nghiên cứu Jean-Baptiste Jeangène Vilmer và Paul Charon đã can đảm bỏ ra nhiều công sức, hoàn thành công trình dày 650 trang dựa trên những nguồn mở bằng tiếng Hoa, đưa ra ánh sáng những thủ đoạn của Bắc Kinh để áp đặt quan điểm lên thế giới và làm thay đổi trật tự quốc tế. Ông Vilmer giải thích sự hiếu chiến của Trung Quốc : trước hết là sự tự đắc, tin chắc sẽ đuổi kịp Mỹ cả quân sự lẫn kinh tế. Thứ hai, sự bất ổn trong nội bộ, phải hung hăng để đáp trả các thách thức Đài Loan, Tân Cương, Duy Ngô Nhĩ ; và cuối cùng là sự xuất hiện của ông Donald Trump.

Cũng như Nga muốn áp đặt mô hình lên Gruzia (2008) và Ukraina (2014), chế độ Trung Quốc muốn khống chế châu Á. Ở « mặt trận tiền phương » Đài Loan, Bắc Kinh không từ một thứ gì, từ can thiệp bầu cử cho đến mua lại các tập đoàn truyền thông, tung chiến dịch bóp méo thông tin. Tại Hồng Kông, đàn áp đi kèm với thao túng. Tin giả, lũng đoạn mạng xã hội, « chiến lang »… mọi cách đều được vận dụng để trắng trợn viết lại nguồn gốc đại dịch, làm người ta tin rằng con virus không phải từ Vũ Hán mà từ…Mỹ !

22 triệu dư luận viên tuyên truyền cho Trung Quốc

Cuộc chiến ảnh hưởng của Trung Quốc diễn ra trên khắp các châu lục. Vòi bạch tuộc thò vào các cuộc bầu cử ở châu Á và Bắc Mỹ, tin tặc thậm chí còn toan xâm nhập thư điện tử của Joe Biden. Những « chiến binh sói » tràn ngập mạng Twitter, đe dọa và thóa mạ những ai có quan điểm không đúng với đường lối của đảng.

Bắc Kinh tìm cách tác động và kiểm duyệt truyền thông quốc tế, gây áp lực lên cộng đồng người Hoa, tranh thủ những chính khách, nhà nghiên cứu, nhà báo phương Tây. Bên cạnh đó là ràng buộc các nước nghèo bằng đầu tư, tuyên truyền qua Viện Khổng Tử.

Trung Quốc có nguồn tài chính khổng lồ để làm những việc này, một trung tâm chỉ huy – căn cứ 311 ở Phúc Châu (Fuzhou) – và cả một đội quân dư luận viên. Theo hai tác giả của IRSEM, hai triệu người Trung Quốc được trả lương toàn thời gian để tuyên truyền cho Bắc Kinh và 20 triệu dư luận viên làm việc bán thời gian.

Bắt tay với Nga, thao túng Liên Hiệp Quốc

Vì có cùng mục đích - bảo vệ chế độ và áp đặt mô hình toàn trị lên quốc tế - Nga và Trung Quốc thường song hành. Bắc Kinh thậm chí còn sao chép kỹ thuật thao túng mạng xã hội của Nga, quân đội Trung Quốc nức nở khen kênh thông tin RT của điện Kremlin là « hàng không mẫu hạm tuyên truyền ». Một trong các chiến lang, Quế Tùng Hữu (Gui Congyou), được bổ nhiệm làm đại sứ ở Thụy Điển năm 2017, từng có thời gian dài làm việc ở Matxcơva, là nhân tố giúp Vladimir Putin và Tập Cận Bình xích lại gần nhau.

Bắc Kinh và Matxcơva đã thành công trong việc khóa miệng Hội đồng Nhân quyền và làm tê liệt Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cộng sản Trung Quốc đưa người vào đứng đầu bốn cơ quan Liên Hiệp Quốc, và nằm trong ban lãnh đạo bảy cơ quan khác. Là nước đóng góp thứ nhì vào ngân sách Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đầu tư vào các nước châu Phi, mua những lá phiếu cần thiết của các nước này để đạt đa số chống lại phương Tây. Bởi vì « trật tự Trung Quốc » cần phải thay thế cho « trật tự Mỹ ».

Chia rẽ phương Tây, trắc nghiệm khả năng quân sự

Bắc Kinh cũng bắt chước các chiến thuật Nga để chia rẽ phương Tây. Tháng 3/2020, hàng triệu người Mỹ nhận được tin nhắn cảnh báo giao thông công cộng sẽ ngừng vì đại dịch, khuyên nên trữ thực phẩm, thuốc men. Tại Canada, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Bắc Kinh cố gây chia rẽ xã hội, khuyến dụ đối lập. Công thức 17+1 tập hợp các nước Đông Âu, Trung Âu và Trung Quốc không chỉ là ngõ vào thị trường châu Âu mà còn là cách để gieo rắc nghi kỵ.

Tuy nhiên liên minh Nga-Trung thiếu thăng bằng. Đối với Bắc Kinh, Nga chỉ là đối tác thứ yếu, Trung Quốc chỉ đua chen với Hoa Kỳ mà thôi. Bắc Kinh ngày càng đầu tư nhiều vào Trung Á, sân sau của Nga. Về kỹ thuật bóp méo thông tin, nếu Nga thành thạo hơn, thì Trung Quốc có hẳn một đội quân dư luận viên có thể thích ứng nhanh chóng hơn là máy tính.

Ngược với Nga, Trung Quốc không tham gia các hoạt động chiến đấu như ở Syria, Libya ; nhưng gia tăng sự hiện diện quân sự trên thế giới như lực lượng gìn giữ hòa bình Minusma (Mali), cho tàu tuần tra trên Địa Trung Hải, lập căn cứ quân sự quy mô ở Djibouti, xây cảng đón tàu quân sự ở Sri Lanka. Theo ông Jean-Baptiste Jeangène Vilmer, do từ lâu không tham chiến, đảng cộng sản muốn trắc nghiệm trước khi khởi động một cuộc chiến tranh.

Chính sách lũng đoạn thế giới của Bắc Kinh đã thất bại về chiến lược

Sự thao túng của Bắc Kinh có mang lại kết quả hay không ? Trung Quốc có được một số thành công chiến thuật, như buộc các hãng hàng không phải coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Hoặc làm cho những ai dám chống lại phải thiệt hại về tài chính, như việc chặn trang web New York Times năm 2012 khiến cổ phiếu tờ báo sụt ngay 20% trong 24 giờ. Nhưng về chiến lược, chính sách lũng đoạn của Trung Quốc đã thất bại.

Tại châu Phi, tuần trăng mật với Bắc Kinh đã kết thúc do chính sách thực dân bóc lột tài nguyên. Sự hung hăng của các « chiến lang » khiến quốc tế mất cảm tình. Ở Thụy Điển, những tấn công của Quế Tùng Hữu dẫn đến việc chính phủ nước này đóng cửa các Viện Khổng Tử, xem xét lại « chiến lược Trung Quốc » và cấm các thiết bị từ Hoa lục. Đại dịch càng làm lộ rõ mối nguy Trung Quốc. Úc và các láng giềng của Bắc Kinh đã ý thức được, Hoa Kỳ cũng thế, Litva đã rời khỏi nhóm 17+1.

Pháp thì vẫn lừng khừng, từ 1998 đến nay không gởi bộ trưởng nào đến Đài Loan vì sợ Trung Quốc trả đũa. Paris chỉ tỉnh thức trong đại dịch, một phần « nhờ » sự ngạo mạn của đại sứ Lư Sa Dã (Lu Shaye), chiến binh sói xấc xược trên Twitter. Đến lượt châu Âu cần lo ngại, nhưng theo một thăm dò của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR), chỉ mới có 15% người châu Âu coi Trung Quốc là mối đe dọa.

Mỹ tìm cách ngăn chận « soft power » lẫn « hard power » của Trung Quốc

Về phía Hoa Kỳ tự bảo vệ trước tham vọng Trung Quốc như thế nào ? Le Figaro dẫn nguồn từ Foreign Policy cho biết một bộ phận do Donald Trump lập ra, sẽ được chính quyền Biden bổ sung 20 đến 30 nhà ngoại giao kỳ cựu, nhằm theo dõi các động thái quân sự của Bắc Kinh.

« China House » này cũng hoạt động trên thực địa, tại các đại sứ quán, với các nhà phân tích theo dõi những thủ đoạn của Bắc Kinh tại các nước thứ ba, từ quyền lực mềm (trao đổi văn hóa, đại học, cho vay, thỏa thuận thương mại) cho đến quyền lực cứng (phái bộ quân sự, hiệp ước quốc phòng, chiến hạm ghé cảng…).

Đáng chú ý là việc giám đốc CIA Williams Burns hôm 07/10 công khai thông báo lập một trung tâm chuyên trách về Trung Quốc. Cùng ngày, Wall Street Journal tiết lộ từ một năm qua khoảng mấy chục đặc nhiệm Mỹ đã tham gia huấn luyện tại Đài Loan. Được báo chí đặt câu hỏi về khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan trả lời « Chúng tôi hành động từ bây giờ để ngày đó không bao giờ diễn ra ». Lonnie Henley, từng là nhà phân tích của Lầu Năm Góc nhận định, Bắc Kinh đã chuẩn bị việc này từ 20 năm qua, và đây sẽ là chiến dịch đổ bộ lớn nhất trong lịch sử, hơn cả D-Day ở Normandie. Tuy nhiên rủi ro vô cùng lớn, kể cả khả năng một xung đột nguyên tử với Washington.

Úc và New Zealand từ bỏ « zero Covid »

Trên lãnh vực y tế, Le Monde nhận thấy « Úc và New Zealand nhìn nhận thất bại của ‘zero Covid’ ».

Hôm 17/08, khi biến thể Delta xuất hiện lần đầu tại Auckland, chính phủ New Zealand lập tức vận dụng toàn lực nhằm diệt trừ con virus và không phải từ bỏ chính sách « zero Covid ». Bảy tuần sau, cuộc chiến của nước này đã thất bại, và đến hôm thứ Hai phải bỏ chủ trương tiêu diệt virus bằng mọi giá. Chỉ 52,7% dân số New Zealand trên 12 tuổi được tiêm chủng đầy đủ so với mục tiêu 90%. Liệu bán đảo 5 triệu dân sẽ sống chung với con virus hay sẽ mở cửa biên giới vốn đóng kín từ tháng 3/2020 ? Đó là câu hỏi đang chia rẽ New Zealand.

Phía bên kia biển Tasman, thủ tướng Úc Scott Morrison đã quyết định. Một khi đạt tỉ lệ chích ngừa hai liều là 80%, việc phong tỏa sẽ trở nên hiếm hoi và nhất là người Úc sẽ được phép xuất cảnh. Những chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh từ tháng 11, và dân Sydney vội vàng đặt chỗ. Hiện chỉ còn vài bang, trong đó có Tây Úc và Queensland ít bị dịch, vẫn bám vào « zero Covid ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn