Sức mạnh quân sự Trung Quốc 'vươn ra toàn cầu'

Chủ Nhật, 25 Tháng Hai 20188:00 SA(Xem: 6453)
Sức mạnh quân sự Trung Quốc 'vươn ra toàn cầu'
Jonathan Marcus Phóng viên quân sự - quốc phòng BBC

Quân đội TQ Bản quyền hình ảnh Reuters
Image caption Những tiến bộ và trình độ kỹ thuật của Trung Quốc rất đáng chú ý

Việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang tiến triển nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích.

Theo các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London, giờ đây Washington đang có xu hướng lấy Trung Quốc làm thang bậc đánh giá các yêu cầu về năng lực quân sự của mình, chứ không phải là Nga như trước đây.

Điều này đặc biệt đúng với lực lượng không quân và hải quân - trọng tâm nỗ lực hiện đại hoá của Trung Quốc.


Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn lấy Nga làm tiêu chuẩn so sánh dựa trên các sự kiện quân sự gần đây tại Châu Âu.

Cán cân thay đổi?

Xu hướng này đã được ghi lại trong 'Military Balance' (Cân bằng Quân sự) - bản đánh giá thường niên về sức mạnh quân sự và chi tiêu quốc phòng toàn cầu, được Viện IISS xuất bản từ năm 1959 đến nay.

Tất nhiên, chiến lược phát triển quân sự của Trung Quốc đã diễn ra một thời gian, và đến nay nó đã đạt được một bước tiến đáng kể giúp Trung Quốc trở thành "đối thủ ngang hàng" với Washington.

UAV
Image caption Thị trường bán UAV toàn cầu

Trước khi công bố bản đánh giá Cân bằng Quân sự năm nay, tôi đã ngồi lại với một nhóm các chuyên gia IISS để cố gắng khai thác thêm chi tiết về xu hướng này, nhằm cung cấp một bài viết mạnh mẽ cho các bảng số liệu thống kê hàng năm.

Những tiến bộ và trình độ kỹ thuật của Trung Quốc rất đáng chú ý - từ các tên lửa đạn đạo tầm xa thông thường cho đến các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Năm ngoái, chiến hạm đầu tiên của Trung Quốc hoàn toàn chế tạo, cả thân và vỏ - loại tàu tuần dương Type 55 - đã được đưa vào sử dụng.

Khả năng của nó sẽ làm cho bất cứ lực lượng hải quân Nato nào cũng phải suy đi tính lại.

Hiện nay, Trung Quốc đang đóng hàng không mẫu hạm thứ hai.

Nước này đang cải thiện cơ cấu quốc phòng để lập ra ra một bộ chỉ huy trung tâm bao gồm tất cả các bộ phận trọng yếu.

Về pháo binh, phòng không và tấn công trên bộ, Trung Quốc có các vũ khí có tầm bắn xa hơn của Hoa Kỳ.

Kể từ khi tiếp nhận dòng công nghệ tiên tiến của Nga từ cuối những năm 1990, hải quân Trung Quốc nâng cấp và làm mới đa số các hạm đội tàu mặt nước và tàu ngầm.


Trên không trung, chiến đấu cơ một người lái, J-20 nay đã được đưa vào vận hành.

Dân trong nghề gọi đây là "máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm", có nghĩa là máy bay kết hợp công nghệ tàng hình với tốc độ bay siêu âm và hệ thống điện tử tích hợp cao.

Nhưng các chuyên gia IISS vẫn còn hoài nghi.

Họ nói rằng:

"Không quân Trung Quốc vẫn cần có chiến thuật thích hợp để vận hành máy bay phản lực dạng khó phát hiện và phải đưa ra các học thuyết để kết hợp chiến đấu cơ "thế hệ thứ năm" với các "mô hình thế hệ thứ tư" trước đó".

"Mặc dù sự tiến bộ là rõ ràng, nhưng Trung Quốc có thể bổ sung vào những chiếc máy bay này một loạt các tên lửa không đối không mạnh tương đương với tên lửa ở các kho vũ khí của các nước phương Tây", các chuyên gia IISS nói thêm.

Bản đánh giá Cân bằng quân sự năm nay dành hẳn một chương để nói về việc phát triển vũ khí không quân của Trung Quốc và Nga. Đây được xem là như là một bài kiểm tra quan trọng về sự thống trị của phương Tây trong lĩnh vực này.

Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ và các đồng minh đã tiến hành một loạt chiến dịch không quân và chỉ mất vài máy bay. Tuy nhiên, theo IISS, sự thống trị này sẽ ngày càng trở nên thách thức. Chẳng hạn, Trung Quốc đang phát triển một loại tên lửa không đối không tầm xa nhằm tấn công máy bay chở dầu và máy bay chỉ huy.

Nếu Trung Quốc phát triển thành công loại tên lửa này, hai loại phi cơ trên của Hoa Kỳ và đồng minh sẽ dễ bị tấn công khi xuất kích.

Các tác giả của bản đánh giá 'Cân bằng Quân sự' cho rằng việc phát triển tên lửa không đối không của Trung Quốc vào năm 2020 "sẽ buộc Mỹ và các đồng minh trong khu vực phải xem xét lại không chỉ về chiến thuật, kĩ thuật và quy trình quân đội mà còn là định hướng các chương trình phát triển không quân của mình."

Theo IISS, lực lượng quân sự trên bộ của Trung Quốc đang tụt lại phía sau trong nỗ lực hiện đại hoá. Chỉ khoảng một nửa thiết bị có thể sử dụng được trong chiến đấu hiện đại.


Tuy nhiên, bộ binh Trung Quốc cũng có một số tiến bộ nhất định. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt được cả "cơ giới hoá" và "thông tin hoá". Thuật ngữ "thông tin hoá" chưa thực sự rõ ràng nhưng Bắc Kinh đã và đang theo dõi vai trò của công nghệ thông tin trong chiến tranh và tìm cách thích nghi với các điều kiện riêng của mình.

Trung Quốc có một mục tiêu rõ ràng, vì vậy nhiều hệ thống vũ khí mới đã được thiết kế để đạt được mục tiêu này. Trong trường hợp xung đột, chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc đẩy quân đội Hoa Kỳ ra xa bờ biển của họ, lý tưởng là đẩy ra tận ngoài vùng sâu của Thái Bình Dương.

Trong thuật ngữ quân sự, chiến lược này được gọi là "phong toả và chống tiếp cận" (A2AD).

Điều này giải thích Trung Quốc đang tập trung vào hệ thống không quân và hải quân tầm xa nhằm khiến cho tàu hải quân Mỹ gặp rủi ro.

Nếu coi quân sự là bóng đá, thì cầu thủ Trung Quốc đang thi đấu khá tốt tại giải Ngoại hạng.

Xuất khẩu vũ khí

Bản quyền hình ảnh AFP
Image caption Phi cơ không người lái do Trung Quốc xuất khẩu

Tuy nhiên, tác động quân sự toàn cầu của Bắc Kinh chưa dừng lại ở đây. Nước này còn có chiến lược xuất khẩu vũ khí đầy tham vọng. Thông thường, Trung Quốc sẵn sàng bán các công nghệ tiên tiến mà các quốc gia khác không có, hoặc không bán cho ai trừ các đồng minh thân cận của họ.

Thị trường drone hay phương tiện bay không người lái nhưng có vũ trang là một ví dụ.

Công nghệ này lan nhanh đến nỗi người ta phải đặt câu hỏi về ranh giới giữa chiến tranh và hoà bình. Hoa Kỳ, một trong những nước tiên phong trong lĩnh vực này đã không bán máy bay không người lái vũ trang tinh vi cho bất cứ ai, ngoại trừ một số đồng minh Nato thân thiết như Anh.

Pháp, nước dùng phi cơ Reaper do Mỹ sản xuất, cũng có kế hoạch trang bị loại máy bay này.

Trung Quốc không có những hạn chế như vậy. Nước này có những chiếc máy bay không người lái đầy ấn tượng cùng với các loại vũ khí khác nhau và sẵn sàng mang chúng đến các cuộc biểu diễn quân sự trên khắp thế giới. Bản đánh giá của IISS nói Trung Quốc đã bán những chiếc máy bay không người lái vũ trang (UAV) cho nhiều quốc gia bao gồm Ai Cập, Nigeria, Pakistan, Ả-rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Myanmar.

Đây là một ví dụ rất hay về việc không dự tính được hậu quả. Việc Washington từ chối bán công nghệ này đã mở cửa cho Bắc Kinh vào các thị trường trên.

Chắc chắn, điều này đóng vai trò rất lớn trong việc phổ biến phi cơ không người lái vũ trang, khuyến khích các nước sử dụng UAV nhằm mục đích thu thập thông tin để tìm kiếm các biến thể vũ trang.

Các nhà xuất khẩu vũ khí Hoa Kỳ và Phương Tây coi Trung Quốc là một mối đe dọa thương mại ngày càng gia tăng. So với một thập kỷ trước, Trung Quốc nay đã chễm chệ xuất hiện trên thị trường, cung cấp thiết bị chất lượng tốt. Tương tự như ví dụ về UAV, Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào các thị trường được cho là quá nhạy cảm đối với nhiều nhà sản xuất phương Tây, hoặc chính phủ của họ.

Và như các chuyên gia IISS đã nói với tôi, Trung Quốc có xu hướng giành chiến thắng trên tất cả các mặt của thỏa thuận. Thông thường, Trung Quốc sẽ bán cho bạn vũ khí có chất lượng tương đương 75% công nghệ phương Tây với giá chỉ bằng một nửa. Trong kinh doanh, đây là một đề nghị hấp dẫn.

Mảng xuất khẩu vũ khí trên bộ của Trung Quốc kém ấn tượng hơn. Nước này vẫn phải cạnh tranh khách hàng với Nga và Ukraine. Nhưng khi Kiev không thể đáp ứng về mặt thời gian cho một hợp đồng với Thái Lan, người Thái đã mua xe tăng VT4 của Trung Quốc thay thế. Năm ngoái, Thái Lan đã quay lại mua thêm vài chiếc.

Các chuyên gia IISS nói rằng Trung Quốc cũng đang cố gắng phát triển vũ khí phù hợp với các thị trường cụ thể. Ví dụ, nước này đang nhắm sản xuất một chiếc xe tăng loại nhẹ dành riêng cho các nước châu Phi, vì đường sá và cơ sở hạ tầng của họ sẽ không thể đối phó với những mô hình thiết giáp nặng hơn do các nước khác cung cấp.

Vai trò ngày càng tăng như một nguồn vũ khí tinh vi của Trung Quốc là điều đáng lo ngại cho nhiều quốc gia chứ không chỉ các nước láng giềng. Các lực lượng không quân phương Tây đã có ba thập kỷ thống trị. Tuy nhiên, chiến lược "chống tiếp cận" của Trung Quốc đã cung cấp các loại vũ khí giúp các nước khác có thể dễ dàng áp dụng và làm được điều tương tự.

Bản quyền hình ảnh EPA
Image caption Thái Lan mua xe tăng từ Trung Quốc

Một quốc gia Tây Âu có thể có thể sẽ không bao giờ đối mặt với Trung Quốc trên chiến trường, nhưng quốc gia đó có thể đối mặt với hệ thống vũ khí tinh vi của Trung Quốc trong tay của người khác.

Theo một chuyên gia của IISS, "quan niệm rằng các nước Phương Tây gặp ít rủi ro khi tham chiến bên ngoài bây giờ cần phải được xem xét lại".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn