Nếu Trung Quốc vào CPTPP, tổng GDP của các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nếu Trung Quốc vào CPTPP, tổng GDP của các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu

Trung Quốc đã xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiện đang có 11 thành viên, trong đó có Việt Nam.

Động thái này diễn ra một ngày sau khi thỏa thuận an ninh lịch sử giữa Mỹ, Anh và Australia được công bố, bị Trung Quốc lên án.

CPTPP tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được Mỹ tạo ra để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP vào năm 2017.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định thương mại tự do trong một bức thư gửi tới Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Damien O'Connor.

New Zealand đóng vai trò là trung tâm hành chính của hiệp định.

Ông Vương và ông O'Connor sau đó đã tổ chức một cuộc họp qua điện thoại để thảo luận về các bước tiếp theo sau đơn xin của Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu được Tổng thống Barack Obama thúc đẩy như một khối kinh tế nhằm thách thức vị thế ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương.

Sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận, Nhật Bản đã dẫn đầu các cuộc đàm phán để tạo ra CPTPP.

Hiệp định CPTPP đã được ký kết vào năm 2018. CPTPP hiện gồm 11 thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Vào tháng 6, Vương quốc Anh đã chính thức khởi động các cuộc đàm phán gia nhập CPTPP, trong khi Thái Lan cũng đã có dấu hiệu quan tâm.

Tham gia CPTPP sẽ là một động lực đáng kể đối với Trung Quốc, đặc biệt là sau khi nước này ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm ngoái.

RCEP là khối thương mại lớn nhất thế giới, với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand là các thành viên.

Thỏa thuận an ninh lịch sử 'chống Trung Quốc'

Việc Trung Quốc tuyên bố chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP được đưa ra một ngày sau khi Anh, Mỹ và Australia khởi động một hiệp định an ninh lịch sử, được coi là nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cái gọi là hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS, sẽ cho phép Australia lần đầu tiên đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ do Mỹ và Anh cung cấp.

Trung Quốc đã chỉ trích AUKUS, mô tả nó là "cực kỳ vô trách nhiệm" và "hẹp hòi".

Nếu Trung Quốc vào CPTPP, tổng GDP của các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, so với hơn 10% hiện nay.