Thoả thuận chuyển giao quốc phòng Nhật-Việt nhắm vào Trung Quốc?

Thứ Hai, 13 Tháng Chín 20212:00 CH(Xem: 1779)
Thoả thuận chuyển giao quốc phòng Nhật-Việt nhắm vào Trung Quốc?
voatiengviet.com

Thoả thuận chuyển giao quốc phòng Nhật-Việt nhắm vào Trung Quốc?

VOA Tiếng Việt

Truyền thông quốc tế cho rằng thoả thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng vừa được Nhật Bản ký kết với Việt Nam là nhắm vào Trung Quốc, nhằm đối phó với sự ảnh hưởng ngày càng tăng về quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.

Thoả thuận được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo và người đồng cấp phía Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, ký kết hôm 11/9 tại Hà Nội, trong chuyến thăm của ông Kishi, cùng thời điểm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng tới thăm Việt Nam.

Hãng tin AP của Mỹ đưa tin về việc ký kết này và cho rằng Nhật giờ đây có thể chuyển giao cho Việt Nam các thiết bị và công nghệ quốc phòng trong lúc hai quốc gia tăng cường hợp tác quân sự giữa những lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc về quân sự.

Cùng nhận định này, hãng tin Kyodo News của Nhật Bản nói rằng thoả thuận này cho phép Nhật xuất khẩu các thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật sản xuất tới quốc gia Đông Nam Á nhằm tăng cường hợp tác giữa lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trên vùng lãnh hải của khu vực.

Al Jazeera cũng nhận định rằng thoả thuận được bộ trưởng quốc phòng hai nước ký kết giữa lo ngại về sự ảnh hưởng ngày càng tăng về quân sự của Trung Quốc. Ghi nhận về sự hợp tác mà Tokyo nói là “nâng tầm đối tác quốc phòng Nhật Bản-Việt Nam lên một tầm cao mới”, kênh tin tức Ả Rập quốc tế, có trụ sở ở Doha của Qatar, cho biết Bộ trưởng Kishi và Bộ trưởng Giang nhất trí về sự quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như các hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng khác khi đề cập đến các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển có tranh chấp.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trích dẫn nhận định của các chuyên gia nước này nói rằng sự hợp tác về quân sự của Tokyo với Hà Nội nhằm tăng cường sự ảnh hưởng của Nhật Bản trong các vấn đề an ninh khu vực và rằng việc xuất khẩu các thiết bị là “một nỗ lực nhằm tháo gỡ những hạn chế quân sự của Nhật.”

Các nhà quan sát của Trung Quốc, theo tờ báo phụ san của Nhật báo Trung Hoa, nói rằng “động thái này của Nhật Bản”, ý nói sự hợp tác mới về quốc phòng với Việt Nam, “rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc, trước một loại các hành động khiêu khích mà nước này đã tiến hành gần đây nhắm vào Trung Quốc, bao gồm tiến hành các cuộc tập trận quân sự cùng các nước trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chống lại Trung Quốc cũng như khiêu khích Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.”

Một trong những tranh chấp hàng hải nổi bật giữa Nhật và Trung Quốc là chủ quyền đối với Đảo Điếu Ngư, mà Nhật Bản gọi là Senkaku.

Ông Zhang Yong, tổng thư ký của Trung tâm Quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản của Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với tờ Hoàn cầu Thời báo rằng Nhật Bản “ngày càng hành động phòng thủ đối với Trung Quốc khi Mỹ tăng cường nỗ lực lôi kéo Nhật Bản về phía mình và tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh của họ.”

Đưa tin về cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Giang và người đồng cấp phía Nhật Bản, truyền thông trong nước cho biết hai bên trao đổi về tình hình thế giới, khu vực cùng quan tâm, trong đó có tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trước những diễn biến phức tạp đang diễn ra trong khu vực, nhưng không đề cập cụ thể đến nước nào.

Việt Nam là quốc gia thứ 11 Nhật Bản ký kết thoả thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Theo AP, Tokyo đang tìm cách mở rộng hợp tác quân sự ra bên ngoài đồng minh lâu năm Hoa Kỳ và đã có các thoả thuận tương tự với Anh, Úc, Philippines và Indonesia.

Cùng thời gian Bộ trưởng Kishi tới thăm Hà Nội cuối tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc đã gặp mặt Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, trong đó ông nói rằng Trung Quốc và Việt Nam nên kiềm chế các hành động đơn phương liên quan đến Biển Đông có thể làm phức tạp tình hình và phóng đại những tranh chấp. Ông Vương còn cảnh báo Việt Nam coi chừng những can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề Biển Đông.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn