Khả năng Mỹ và VN thành đối tác chiến lược trong chuyến thăm của PTT Harris

Chủ Nhật, 22 Tháng Tám 20218:09 CH(Xem: 2325)
Khả năng Mỹ và VN thành đối tác chiến lược trong chuyến thăm của PTT Harris
voatiengviet.com

Khả năng Mỹ và Việt Nam thành đối tác chiến lược trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris

VOA Tiếng Việt

Chuyến thăm chưa từng có tiền lệ của Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Hà Nội đối với Washington, và các chuyên gia nhận định gì về khả năng nâng tầm quan hệ lên chiến lược của hai nước trong dịp này

Bà Kamala Harris sẽ là phó tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên và cũng là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden tới thăm Việt Nam. Chuyến thăm của bà, dự kiến từ 24 đến 26/8, sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng kể từ khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thăm quốc gia Đông Nam Á hiện đang được xem là một đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực giữa lúc Washington tăng cường kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn cầu.

“Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ là chưa có tiền lệ,” Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc thuộc Đại học New South Wales nhận định với VOA. Chuyên gia quan sát chính trường Việt Nam cho rằng chuyến thăm của bà Harris sẽ “đưa ra tín hiệu rằng Chính quyền Biden ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình.”

Bà Harris, người phụ nữ đầu tiên trở thành phó tổng thống Mỹ, dự kiến sẽ tới Việt Nam sau khi thăm Singapore trong chuyến công du thứ hai và đầu tiên tới Đông Nam Á của bà kể từ khi Chính quyền Biden-Harris tiếp quản Nhà Trắng hồi tháng 1 với cam kết củng cố các liên minh, một phần nhằm đối trọng với Bắc Kinh.

“(Chuyến thăm này) là một bước tiến nữa cho thấy Mỹ đang nhìn nhận Đông Nam Á, Việt Nam và Singapore một cách rất nghiêm túc,” Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói với VOA. “Nó đưa ra tín hiệu rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng tham gia cuộc chơi.”

Giống như chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump, Chính quyền Biden cũng tuyên bố Trung Quốc là mối hiểm hoạ hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Chuyến thăm của bà Harris sẽ là đỉnh điểm của sự tiếp cận của Mỹ đối với châu Á – trước đó gồm chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Nhật và Hàn quốc, và chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines – nơi các đối tác của Washington đang lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát hầu hết Biển Đông.

Việc Việt Nam là điểm đến của cả Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Phó Tổng thống Harris trong các chuyến công du đầu tiên của họ tới khu vực cho thấy một sự quan tâm ngày càng tăng của Washington đối với Hà Nội, theo các nhà phân tích.

Cả GS Thayer và nhà nghiên cứu Hiebert đều cho rằng Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Biden trong việc phát triển quan hệ đối tác và quốc gia Đông Nam Á nhanh chóng trở nên quan trọng đối với Washington vì Việt Nam đóng một vai trò mang tính xây dựng trong các vấn đề an ninh khu vực nằm trong lợi ích của Hoa Kỳ.

“Việt Nam quan trọng đối với Mỹ vì họ liên tục chống lại sự đe doạ của Trung Quốc ở Biển Đông và xây dựng được một biện pháp răn đe quân sự đáng tin cậy chống lại Trung Quốc,” GS Thayer nhận định.

Tương tự, nhà nghiên cứu Hiebert cũng cho rằng Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của Mỹ trong việc “đẩy lùi các hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.”

Biển Đông trong nghị sự

Biển Đông chắc chắn là một trong những chủ đề sẽ được thảo luận khi Phó Tổng thống Harris gặp mặt các lãnh đạo Việt Nam trong tuần tới, theo nhà nghiên cứu Hiebert. Tương tự, GS Thayer cho biết rằng trật tự quốc tế dựa theo luật pháp cũng sẽ nằm trong chương trình thảo luận của bà Harris tại Hà Nội.

Theo người phát ngôn Symone Sanders, Phó Tổng thống Harris sẽ bàn thảo với các nhà lãnh đạo của cả Việt Nam và Singapore về an ninh, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và “những nỗ lực chung để thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

Chưa rõ phó tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ những ai khi tới Việt Nam, nhưng theo GS Thayer, bà Harris sẽ mang theo cam kết của Mỹ với khu vực và các mối quan hệ song phương cũng như sự trợ giúp của Mỹ để giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực khi hội đàm với các lãnh đạo ở Ba Đình.

“Chương trình nghị sự của Phó Tổng thống Harris sẽ bao gồm công bố thêm sự hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam để đối phó với đại dịch COVID-19, bao gồm thêm vaccine, thiết bị y tế, và việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để Việt Nam có thể sản xuất vaccine trong nước,” GS Thayer cho biết.

Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna cùng hơn 20 triệu USD và các thiết bị kỹ thuật khác để giúp quốc gia Đông Nam Á đối phó với đại dịch.

Theo ông Hiebert, phó tổng thống Mỹ dự kiến sẽ khởi động một văn phòng đại diện khu vực của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ở Việt Nam và sẽ tham dự một cuộc gặp trực tuyến với các bộ trưởng Y tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khi ở thăm Hà Nội. Thông tin này được một quan chức cấp cao của chính quyền xác nhận với các phóng viên trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 19/8.

Các vấn đề song phương trong chương trình nghị sự của bà Harris, theo GS Thayer, sẽ còn gồm có ưu tiên về hợp tác thương mại và đầu tư.

“Bà Harris cũng sẽ nêu ra sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu kết nối giữa Việt Nam với Hoa Kỳ,” GS Thayer nói, và cho rằng “một lĩnh vự thảo luận quan trọng sẽ là liệu Mỹ có thể giúp Việt Nam như thế nào trong việc nâng cấp khả năng sản xuất các chip bán dẫn để bán sang Mỹ nơi đang thiếu nguồn cung này.”

Việt Nam đang nổi lên là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ, đặc biệt kể từ khi các tập đoàn và công ty đa quốc gia của Mỹ, trong đó có Apple và Nike, chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Chính quyền Mỹ từ nhiều năm nay cũng tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam đang tích cực tiếp nhận vai trò trong sự dịch chuyển này của Hoa Kỳ.

Nâng cấp quan hệ?

Ngoài việc trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ, với thương mại hai chiều tăng cao hàng năm lên đến gần 90 tỷ USD vào năm ngoái, Việt Nam còn là một ưu tiên hợp tác về an ninh trong khu vực của Mỹ.

“Kể từ Chính quyền Obama, mọi (tài liệu) Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ đều xác định Việt Nam là một đối tác an ninh tiềm năng chính của Mỹ,” GS Thayer nói. “Điều này đúng với Chính quyền Trump. Vào tháng 3 vừa qua, Chính quyền Biden đã ban hành Hướng dẫn tạm thời Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó liệt kê Singapore và Việt Nam là hai đối tác an ninh ưu tiên ở Đông Nam Á.”

Với những lý do đó, nhiều người đang kỳ vọng rằng chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Harris sẽ nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, từ đối tác toàn diện lên chiến lược, một đề xuất lần đầu tiên được phía Hoa Kỳ đưa ra trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton vào năm 2010 để tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN. Ba năm sau đó, Việt Nam và Mỹ trở thành đối tác toàn diện.

Nhưng GS Thayer và nhà nghiên cứu Hiebert đều cho rằng khả năng nâng cấp quan hệ lên mức chiến lược khó có thể xảy ra khi phó tổng thống Mỹ tới Hà Nội dù nhìn nhận rằng mối quan hệ giữa hai nước trên thực tế sâu rộng không kém gì với các đối tác chiến lược khác của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.

“Khó có khả năng là Việt Nam và Mỹ sẽ nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris,” GS Thayer nhận định. “Ông Marc Knapper, người được Tổng thống Biden đề cử làm Đại sứ tiếp theo của Mỹ tại Việt Nam, cho biết trong phiên điều trần xác nhận trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện rằng ông sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán về nâng cao quan hệ song phương khi được thông qua làm đại sứ.”

Bộ trưởng Austin, trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng trước, cũng đề nghị nghiên cứu và nâng cao quan hệ của Mỹ với Việt Nam khi gặp mặt Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo GS Thayer, Phó Tổng thống Harris có thể sẽ nhắc lại những đề nghị này khi gặp lãnh đạo Việt Nam.

Ông Hiebert cũng có nhận định tương tự khi cho rằng Mỹ và Việt Nam “chưa đi đủ xa để có thể công bố về mối quan hệ chiến lược.” Theo nhà nghiên cứu của CSIS có trụ sở ở Washignton, Mỹ đã “cởi mở về (nâng cấp quan hệ) vài lần nhưng Việt Nam đang thận trọng với Trung Quốc và không muốn chọc giận Trung Quốc.”

“Phó Tổng thống Harris có thể công bố rằng (Mỹ và Việt Nam) sẽ bắt đầu thương thuyết (về việc này),” theo nhận định của nhà nghiên cứu Hiebert.

Quan chức cấp cao của chính quyền hôm 19/8 từ chối đưa ra thông tin liệu bà Harris sẽ thảo luận hay công bố việc nâng cấp quan hệ đối tác với Việt Nam trong chuyến thăm này hay không nhưng khẳng định rằng các chuyến thăm của phó tổng thống và bộ trưởng Quốc phòng là một dấu hiệu của sự cam kết của Mỹ đối với một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, trong một buổi thảo luận của CSIS tổ chức trực tuyến gần đây, nói rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trên thực tế đã là đối tác chiến lược và chỉ cần thay đổi tên gọi của nó mà thôi. Trong khi đó, cựu phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Susan Sutton hôm 19/8 nói với VOA rằng trong quan điểm của Mỹ, điều này không có nhiều ý nghĩa vì Mỹ xem Việt Nam là một đối tác thực sự quan trọng và “không cần có thêm một tính từ nữa.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn