Nhiêt độ không tăng quá 1,5°C : Mục tiêu gần như bất khả, nhưng vẫn phải giữ

Thứ Tư, 11 Tháng Tám 202110:00 SA(Xem: 1718)
Nhiêt độ không tăng quá 1,5°C : Mục tiêu gần như bất khả, nhưng vẫn phải giữ
rfi.fr

Nhiêt độ không tăng quá 1,5°C : Mục tiêu gần như bất khả, nhưng vẫn phải giữ

Trọng Thành

GIEC - nhóm nghiên cứu liên chính phủ của LHQ – vừa công bố bản báo cáo gây sốc, dự báo chỉ ít năm tới, mức tăng nhiệt độ Trái đất sẽ vượt quá 1,5°C, kéo theo hàng loạt thiên tai chưa từng có ».  Các đại thảm họa - dự kiến kinh khủng gấp nhiều lần đại dịch Covid – là điều gần như không thể tránh khỏi với nền kinh tế toàn cầu dựa chủ yếu vào năng lượng hóa thạch hiện nay.

Tại sao đặt ra mục tiêu gần như không tưởng này ? Mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất từ đây đến 2100 tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp, và tốt nhất là không quá 1,5°C, là điều được cộng đồng quốc tế thống nhất trong Hiệp định Khí hậu Paris (COP 21), ký kết năm 2015. Vào thời điểm đó, các nhà đàm phán phải hết sức vất vả mới đưa được mục tiêu 1,5°C vào văn bản Hiệp định. Các đại gia xuất khẩu năng lượng hóa thạch và các khách hàng lớn đã chống lại đến cùng mục tiêu vốn bị cho là phi thực tế này.

Nỗ lực đưa « 1,5°C » vào Hiệp định Paris

Hiệp định Khí hậu Paris 2015 chính thức thừa nhận mức tăng nhiệt độ vượt quá 1,5°C là mức gây đại họa mà nhân loại cần cố tránh. Sáu năm sau Thượng đỉnh Paris, theo báo cáo của GIEC, công bố hôm 09/08/2021, với tất cả các kịch bản - từ lạc quan nhất đến bi quan nhất - mức tăng nhiệt độ Trái đất sẽ vượt ngưỡng 1,5°C ngay vào năm 2030, tức sớm hơn 10 năm so với dự báo trước đó (năm 2018). GIEC cũng nhấn mạnh là, nếu toàn bộ các cam kết cắt giảm khí thải của 195 quốc gia được thực hiện, thế giới cũng đang trên lộ trình hướng đến mức tăng 3°C. Còn nếu như mức khí thải tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay, tương lai Trái đất nóng lên từ 4 đến 5°C đang đón chờ nhân loại.

Điều tra của Cơ quan Khí tượng Anh Quốc cho Tổ chức Khí tượng Thế giới, công bố đầu tháng 8/2021, còn đưa ra dự báo bi quan hơn nhiều : « Trong vòng 5 năm tới, xác suất lên đến 40% là sẽ có một năm nhiệt độ trung bình của Trái đất cao hơn 1,5°C so với thời tiền công nghiệp », và xác suất này sẽ gia tăng với thời gian. Lãnh đạo Cơ quan Khí tượng Thế giới Petteri Taalas nhấn mạnh : Nghiên cứu với độ tin cậy khoa học cao này cho thấy rõ là chúng ta đang tiến dần đến cái mốc giới hạn nhiệt độ được ấn định trong Hiệp định Paris.

Thái độ buông xuôi của Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc

AFP ghi nhận : Nội bộ cộng đồng khoa học quốc tế có thái độ rất khác nhau về mục tiêu 1,5°C. Cách đây vài tháng, Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc công bố Sách trắng về « các hiểm họa với một thế giới mà nhiệt độ tăng quá 3°C », được nhiều nhà khí hậu học nổi tiếng, trong đó có nhiều thành viên của nhóm GIEC ký tên. Sách Trắng của Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc khẳng định : « Trên thực tế, giới hạn biến đổi khí hậu không quá 1,5°C hiện nay là điều bất khả ». Sách Trắng của Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc cũng nhấn mạnh là mục tiêu không tăng quá 2°C đã đòi hỏi những nỗ lực khổng lồ hoàn toàn không dễ thực hiện.

Nhiều chuyên gia khác ngay lập tức đã phản bác lập trường của Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc. Theo họ, về mặt khoa học, nhân loại vẫn luôn còn có khả năng giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C trong thế kỷ 21. Chuyên gia về chính sách khí hậu quốc tế Alden Meyer (một thành viên ban lãnh đạo E3G, trung tâm tư vấn độc lập về khí hậu châu Âu) lưu ý là con đường hướng tới một thế giới có nhiệt độ dao động ở mức không tăng quá 1,5°C là « vô cùng hiểm trở, gian nan ». Nhưng theo ông, « điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận buông tay ».

Theo kịch bản lạc quan nhất trong báo cáo GIEC, nếu nhân loại toàn tâm toàn ý, đoàn kết hướng tới mục tiêu này, thì mức tăng cao nhất sẽ là 1,5°C vào ngưỡng 2050, và các nỗ lực hướng tới một thế giới « phát thải âm », tức mức hấp thu khí thải cao hơn mức phát ra, với việc cắt giảm triệt để các nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mở rộng gấp bội diện tích rừng, khiến mức tăng nhiệt độ Trái đất có thể được rút xuống còn 1,4°C. Mức tăng giúp cho các thế hệ con cháu chúng ta có được một môi trường khả dĩ yên bình.

1,5°C : Mục tiêu « địa chính trị »

Nhà khí hậu học Peter Thorne, đồng tác giả báo cáo GIEC, giải thích : mục tiêu 1,5°C là một mục tiêu « địa chính trị », một định hướng chung cho phép nhiều quốc gia phối hợp nỗ lực. Xét theo nghĩa này, đây là một động lực có nghĩa hệ trọng. Theo đồng tác giả báo cáo GIEC, nếu đã rất nỗ lực, nhưng không thành công với mục tiêu 1,5°C, thì đạt được 1,7°C dù sao cũng còn tốt hơn nhiều là coi việc vượt quá 1,5°C là thất bại, rồi phó mặc cho số phận. Theo một thành viên của tổ chức CARE, một trong những mạng lưới nhân đạo hàng đầu thế giới, nỗ lực để giữ cho nhiệt độ « không tăng quá mỗi một phần mười độ » là điều hệ trọng.

Khác biệt một phần mười độ có thể là không lớn đối với nhiều nước giàu, nhưng đối với các quốc gia nghèo và các cộng đồng dễ tổn thương là vô cùng ghê gớm. Khô hạn, bão lũ, nước biển dâng cao… hàng loạt tai ương gần như không phương chống đỡ. Hơn bao giờ hết, những năm, những tháng, những tuần lễ sắp tới có ý nghĩa sống còn với nhân loại. Thách thức rất khó vượt qua trước mắt là cộng đồng quốc tế phải nâng đủ mức cam kết cắt giảm khí thải tại thượng đỉnh COP 26 Glasgow, để bảo đảm về nguyên tắc, nhiệt độ thế giới không tăng quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn