• Maddy Savage
  • BBC Capital

Aleksander Aarnes đang làm ‘công việc ban ngày’ của mình.

Nguồn hình ảnh, Maddy Savage

Chụp lại hình ảnh,

Aleksander Aarnes đang làm ‘công việc ban ngày’ của mình.

Lớp trẻ ở Na Uy được tăng 13% tiền thu nhập hộ gia đình sau thuế, ngược lại so với xu thế đi xuống của các nền kinh tế mạnh khác. Thời hoàng kim này có kéo dài được không?

Lớp người trẻ khắp thế giới phương Tây đang trở thành thế hệ đầu tiên lớn lên trong nghèo khó so với cha mẹ. Vậy thì làm sao mà thế hệ thiên niên kỷ của một nước lại đi ngược lại?

Ai cũng biết tiền vay để học đại học và giá nhà tăng là mối lo của thế hệ sinh ra đầu những năm 1980- 2000 ở Mỹ, Anh và nhiều nước khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhóm người này sẽ nhóm đầu tiên trong lịch sử bị nghèo hơn so với những nhóm trước đó..

Nhưng có lẽ điều này không hẳn là không tránh khỏi.

Ở quốc gia cực bắc của Châu Âu, mọi thứ lại hoàn toàn khác biệt.

Nổi tiếng với lịch sử Viking, các môn thể thao tuyết và các vịnh hẹp rất đẹp, Na Uy đang tạo ra một cái tên mới cho mình do là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu mà lớp trẻ lại rõ ràng là giàu hơn.

Những người ở độ tuổi hơn 30 ở Na Uy có mức thu nhập gia đình trung bình năm sau thuế khoảng 56.200 đô la Mỹ..

Thanh niên Người Na Uy được tăng 13% tiền thu nhập gia đình sau thuế so với thế hệ X (sinh từ năm 1966 đến 1980) khi họ bằng tuổi. Những con số đáng kinh ngạc đến từ cơ sở dữ liệu lớn nhất trên thế giới về so sánh mức giàu có, 'Luxembourg Income Database', và được cơ quan nghiên cứu của Anh 'The Resolution Foundation' phân tích.

So sánh điều này với lớp người trẻ của các nền kinh tế lớn khác thì ở Mỹ giảm hơn 5%, Đức giảm 9%. Với lớp trẻ ở Nam Châu Âu (chịu khủng hoảng kinh tế thế giới 2008) thì thu nhập sau thuế lao dốc tới 30%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên của Na Uy (tuổi từ 15 đến 29) cũng tương đối thấp ở mức 9,4% so với mức trung bình của OECD (Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế) là 13,9%.

'Một tình huống may mắn'

Vào một ngày nắng nóng hiếm hoi ở thủ đô Oslo của Na Uy, không khó để tìm thấy những thanh niên đại diện cho cho sự may mắn của đất nước này.

"Tôi thực sự không nghĩ về việc tiêu tiền như thế nào", Aleksander Aarnes, một sinh viên 25 tuổi tốt nghiệp đại học nói.

"Tôi đi nhà hát khoảng một tháng một lần, xem phim mỗi tháng một lần. Tôi có thể ra ngoài ăn uống cùng bạn bè ... Tôi đi chơi xa."

Aarnes đang theo đuổi nghề viết nhạc cho nhà hát, nhưng hiện chưa có thu nhập gì, do vậy anh kiếm bằng tiền do làm việc 2-3 ca một tuần ở một siêu thị ở Korsvoll, một vùng ngoại ô tẻ nhạt có các các nhà gỗ năm rải rác. Anh ở chung một căn hộ với một người bạn ở một một vùng ngoại ô khác cách trung tâm thành phố 20 phút đi xe buýt.

"Tôi nhận thức rõ về tình hình may mắn của tôi... Tôi không phải hy sinh quá nhiều để theo đuổi sự nghiệp mà tôi muốn," anh nói.

Tiền lương theo giờ của Aarnes bắt đầu từ 164 kronor Na Uy (khoảng 20 đô la Mỹ), được tăng vào các ngày cuối tuần và ca đêm. Sau thuế (thuế tương đối cao), anh còn khoảng 14.000 kronor (1.700 đô la) một tháng, trong đó một nửa dành cho việc thuê nhà, đi lại và trả hóa đơn và sử dụng phần còn lại cho "bất cứ thứ gì khác" mà anh thích.

Xa hơn trên con đường ở Korsvoll, một nhà phân tích kinh doanh 31 tuổi tên là Øystein đang buộc vật dụng làm thịt nướng trên chiếc xe máy BMW cho chuyến đi chơi. Anh không muốn nói tên đầy đủ của mình, lập luận rằng "mặc dù Na Uy là giàu có, nhưng người ta không muốn nói về mức giàu của cá nhân." Nhưng anh thừa nhận anh đủ tiền để mua một căn hộ hai phòng ngủ ở bờ biển khi anh 27 tuổi và thường xuyên đi nghỉ ở Mỹ và châu Á.

Na Uy đang làm điều gì khác?

Một phần lớn lối sống tuyệt vời của thanh niên Na Uy là do sự phát triển kinh tế nhanh chóng của nước này. Sau khi đạt sự gia tăng lớn nhất về thu nhập trung bình của tất cả các nền kinh tế có thu nhập cao từ năm 1980 đến năm 2013, Na Uy nay dẫn đầu ở nhiều bảng xếp hạng toàn cầu về sự giàu có và thịnh vượng. Na Uy đã vượt qua được sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

Năm ngoái, nó đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số thịnh vượng Legatum 2017, trên cơ sở phân tích 110 quốc gia trên thế giới.

Ngành dầu khí khổng lồ của Na Uy là nhân tố thúc đẩy rõ ràng đằng sau sự bùng nổ kinh tế của quốc gia này trong ba thập kỷ qua, sau những khám phá lớn ở Biển Phía Bắc (mặc dù giá năng lượng giảm trong những năm gần đây có gây tác động).

Nhưng như Hilde Bjørnland, một giáo sư kinh tế ở trường Kinh doanh Na Uy BI ở Oslo, giải thích, cái có ý nghĩa to lớn không chỉ là số tiền mà Na Uy làm ra, mà là Na Uy dùng nó để làm gì.

"Na Uy đã quản lý số dầu (tiền) tốt ở chỗ nó được tiết kiệm và sử dụng một phần trong đó để đưa trở lại vào xã hội," bà nói. "Vì vậy, thay vì một vài người nhận được rất nhiều, nhiều người đã được tiếp cận với sự giàu có này."

Na Uy đã thực hiện điều này bằng cách trữ tiền trong quỹ tài sản có chủ quyền lớn nhất thế giới. Nói một cách đơn giản, đây là một kho chứa tiền tiết kiệm khổng lồ mà nó sinh lãi bằng cách đầu tư vào hơn 9000 công ty. Hiện trị giá của nó khoảng 1 nghìn tỷ đô la.

Mặc dù có kho này, thuế được duy trì cao và đất nước có cơ chế giảm tiền lương, có nghĩa là mức lương tối thiểu được thương lượng bởi các công đoàn.

"Những người trẻ tuổi và những người trong các ngành công nghiệp trả lương thấp đã chứng kiến việc tăng lương mỗi năm ... và sự khác biệt giữa những người kiếm được ít tiền và những người kiếm được rất nhiều không lớn như ở các nước khác," Bjørnland nói.

Báo cáo của Resolution Foundation về thu nhập các thế hệ kết luận rằng sự gia tăng bất bình đẳng là yếu tố cốt lõi trong việc giảm thu nhập sau thuế của thế hệ thiên niên kỷ ở các nền kinh tế mạnh khác như Mỹ, Anh và Đức. Ở những quốc gia này, nơi có thang lương rộng, lớp người trẻ phải chịu gánh nặng của việc chậm tăng lương và khả năng chuyển việc làm.

Ngược lại, Bjørnland lập luận rằng một cách tiếp cận bình đẳng- phân phối sự giàu có cho các thế hệ - đã góp phần làm dân rất hài lòng về cuộc sống và không có tình trạng bất ổn xã hội ở Na Uy.

Các khoản thanh toán phúc lợi cao và trợ cấp rất nhiều cho chăm sóc sức khỏe cũng tạo sự khác biệt về triển vọng của thế hệ trẻ Na Uy so với những nơi khác ở châu Âu. Lợi ích khi bị thất nghiệp là lớn: cho phép nhiều người yêu cầu bồi hoàn khoảng 60% mức lương trước đó của họ trong hai năm, trong khi họ đi tìm công việc mới. Như ở tất cả các nước Bắc Âu, chi phí chăm sóc trẻ em thấp và hệ thống nghỉ phép để chăm sóc trẻ nhỏ cũng đảm bảo sự tham gia cao của phụ nữ vào lực lượng lao động.

Giáo dục miễn phí tại hầu hết các trường học và đại học công lập và việc dễ tiếp cận với các khoản vay (mà người vay không trả lãi khi họ đang học) cùng với tỷ lệ có việc làm cao cho sinh viên cũng là một phần của bí quyết.

"Một yếu tố quan trọng là trong khi những người trẻ còn đang học, họ có thể có được một công việc đi kèm," Bjørnland nói, và nói thêm rằng công việc bình thường này thường mang lại thu nhập cao hơn cho giới trẻ Na Uy so với các nước phương Tây khác.

Ý nghĩ này của cô được chia sẻ bởi các đám đông sinh viên đang tắm mát ở sông Åkerselva chỉ cách vài mét các tòa nhà kính sáng loáng bên khuôn viên trường kinh doanh.

"Không khó để tìm việc ở đây và nó luôn là việc được trả lương cao. Vì vậy, nó giúp ích rất nhiều, để trang trải chi tiêu trong thời gian dỗi và khi đi học," Gabriella Sanzana, 27 tuổi đến từ Chile, đang học thạc sỹ về nhân quyền trong khi làm hầu bàn bán thời gian, nói.

"Tôi phải trả rất nhiều tiền thuế, nhưng thực sự tôi không quan tâm, bởi vì tôi biết rằng nhà nước đồng thời cho tôi rất nhiều thứ.

Một tương lai an toàn?

Mặc dù hình ảnh Na Uy là rực rỡ, nhưng có những lo ngại để duy trì được thành công này.

Việc làm cho thanh niên đang giảm dần, theo 'Đầu tư Thanh niên: Na Uy', một báo cáo gần đây của OECD, vì số cơ hội việc làm cho người từ 15 đến 29 tuổi không tương ứng với con số cần thiết cho lượng dân số trẻ đang tăng cao, 18% từ năm 2007 đến năm 2016.

Việc nhập cư chiếm hơn 4/5 mức tăng này và tỷ lệ thất nghiệp trong dân quốc tịch Na Uy sinh ở nước ngoài hiện là khoảng 10%.

Kristian Heggebø, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung Tâm Nghiên Cứu Lao Động và Phúc Lợi tại Đại học Oslo Metropolitan, cho rằng trong khi các sinh viên quốc tế và người di cư lao động có học vấn từ các nơi khác ở châu Âu "có xu hướng làm tốt trên thị trường việc làm" thì sự "phân biệt đối xử ở thị trường lao động với người dân tộc thiểu số" vẫn luôn ở mức cao.

"Ở một mức độ nào đó có thể là do thiếu trình độ, nhưng, theo tôi, không nghi ngờ gì vấn đề rắc rối là ở phía cầu và chứ không phải ở phía cung," ông nói.

Heggebø lập luận rằng có "bằng chứng thực nghiệm vững chắc" cho thấy rằng mặc dù gia tăng nhập cư trong hai thập kỷ qua, nhiều nhà tuyển dụng Na Uy vẫn "hoài nghi đối với việc thuê một người không có xuất xứ Na Uy." Ngay cả những người nhập cư thế hệ thứ hai, sinh ra và được học ở một nước Bắc Âu, có thể phải vất vả để tiếp cận được với thị trường lao động, ông nói, và đề xuất 'lý lịch vô danh' trong giai đoạn đầu tiên của việc tuyển dụng có thể là một phần quan trọng của giải pháp.

Xã hội bị phân mảnh

Khi chuẩn bị đón chuyến tàu về nhà sau một ngày oi ả ở trung tâm thành phố, Ove George, người từ Nigeria và hiện đang thất nghiệp, nói anh tin rằng làm việc trên mạng là điểm then chốt để có làm việc ở Na Uy, một điều khó khăn cho người nước ngoài.

"Công việc cuối cùng tôi nhận được là thông qua một người bạn Na Uy, và sau đó tôi đã thực sự không có được một công việc tốt," anh giải thích.

Cũng tại nhà ga là Kayad Mahammed, 19 tuổi, sinh ra ở Djibouti, hiện đang làm việc cho một công ty truyền thông. Anh nói anh "không phải vất vả" và cá nhân anh thấy kiếm việc làm là "dễ". Nhưng nói thêm rằng anh nghĩ "khó để có thể giàu" với nhiều người nhập cư, những người cuối cùng vẫn phải bám vào công việc ở mức khởi điểm vì sợ lại bị thất nghiệp.

Trong khi đó, mặc dù niềm tự hào của đất nước Scandinavia về chủ nghĩa bình đẳng, cũng có dấu hiệu bất bình đẳng đang gia lan rộng trong dân số.

Các số liệu của OECD cho thấy tỷ lệ người Na Uy có thu nhập thấp hơn một nửa thu nhập trung bình của toàn quốc là 8,1% năm 2015, tăng lên từ 6,9% năm 2004, với nguy cơ ở người trẻ tuổi cao hơn bất kỳ nhóm nào khác. (Mặc dù nó còn là thấp theo tiêu chuẩn toàn cầu- ở Mỹ là 16,8% và ở Anh là 10,9%.)

Sebastian Königs, một trong những tác giả của báo cáo 'Đầu tư vào thanh niên: Na Uy' của OECD lập luận rằng những người bị mất việc, việc đào tạo hoặc giáo dục có thể cảm thấy dễ bị tổn thương ở Na Uy hơn là ở các nước khác.

"Đối với lớp trẻ Na Uy đang bị thiệt thòi và có vấn đề về xã hội, thì việc tìm kiếm vị trí trong xã hội có thể khó khăn hơn nhiều," ông nói. "Bởi vì nói chung mọi người đang là rất tốt trong xã hội, điều này trở thành một sự kỳ thị."

Nhóm người này có khả năng cảm thấy chán nản hơn gấp 6 lần so với những người Na Uy trẻ tuổi khác, có khả năng bị suy yếu sức khỏe và có nguy cơ thất nghiệp lâu dài gấp 9 lần, theo các con số của OECD.

Cái giá của thành công

Theo Bjørnland, ngay cả những người Na Uy giàu có nhất cũng nên cảnh giác với sự mong manh của nó trong tương lai.

"Bạn đã từng quen với những thời gian sung sướng, quen với những ngày cuối tuần dài ... nếu được hưởng lâu như vậy thì bạn sẽ coi là điều đương nhiên," bà nói. "Nhưng những điều đã xảy ra trong quá khứ có thể không xảy ra nữa."

Bà lập luận rằng Na Uy cần phải làm việc chăm chỉ hơn để đa dạng hóa các ngành sản xuất của mình để duy trì tính cạnh tranh trong tương lai. Điều này có thể bao gồm việc mở rộng lĩnh vực công nghệ, nguyên liệu và năng lượng tái tạo, cùng với đẩy mạnh sự khởi nghiệp mới nổi. Nó đã phát triển nhanh những năm gần đây song còn chậm so với các nước láng giềng Bắc Âu.

Các nhà tuyển dụng cũng sẽ phải cởi mở hơn để thu hút các tài năng quốc tế để lấp đầy các công việc được tạo ra bên ngoài lĩnh vực dầu khí, bà đề nghị. Mặt khác, lớp người trẻ Na Uy "đã quen làm việc ở nơi mà họ thích" có thể cần phải ngày càng "tập trung vào những kỹ năng cần thiết" để duy trì được cùng tiêu chuẩn sống như thế hệ thiên niên kỷ gia nhập lực lượng lao động ngày nay.

Các giải pháp?

Bất chấp những thách thức hiện tại của Na Uy, nhiều chuyên gia tin rằng vẫn còn nhiều điều lớn lao mà các quốc gia khác có thể học hỏi.

Tại OECD, Sebastian Königs nêu lên mối liên kết chặt chẽ hơn giữa giáo dục, việc làm và dịch vụ xã hội, so với hầu hết các quốc gia khác, như là một cách hiệu quả để hỗ trợ lớp người trẻ trong những giai đoạn đầu của sự nghiệp. Thí dụ, mỗi học sinh rời trường Na Uy đều nhận được cuộc gọi theo dõi để thảo luận về các lựa chọn của họ nếu họ không tham gia vào thị trường lao động hoặc không theo đuổi các nghiên cứu sâu hơn.

Ông lập luận rằng mặc dù dân số Na Uy chỉ là 5,1 triệu, các quốc gia lớn hơn vẫn có thể lập lại những chính sách này nếu họ muốn.

"Đây không phải về quy mô của đất nước, mà là việc bạn sẵn sàng đầu tư bao nhiêu vào nguồn lực ... Na Uy nhận thức đây là ưu tiên hàng đầu, và nó nên phải như vậy."

Trong khi đó, Kristian Heggebø nói rằng ông tin rằng ngay cả khi dầu mỏ được bỏ "hoàn toàn ra khỏi phương trình" và Na Uy buộc phải định hình lại nền kinh tế trong tương lai, thì nó sẽ tiếp tục thịnh vượng do kết quả của cách tiếp cận bình đẳng và mạng lưới an toàn cho giới trẻ.

"Nếu chúng tôi vẫn duy trì các thành phần này thì tôi sẵn sàng đặt cược mọi thứ mà tôi sở hữu rằng chúng tôi vẫn sẽ thực hiện ở mức vô cùng cao so với các nước châu Âu khác, đơn giản chỉ vì chúng tôi có cách để khắc phục những khó khăn theo cách thức nhân đạo hơn."