bbc.com

Trung Quốc vẫn khó trở thành 'đệ nhất siêu cường'?

Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Khách bộ hành vẫy cờ Trung Quốc ở Hong Kong hôm 30/6/2021, một ngày trước khi TQ đánh dấu tròn 100 năm thành lập ĐCS cầm quyền

Với những gì ông Tập Cận Bình đang thể hiện trong vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì 'chưa có tín hiệu nào' cho thấy ông có thể đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới, theo hai ý kiến của từ nghiên cứu Trung Quốc tại Việt Nam.

Nói với BBC News Tiếng Việt trong thảo luận trên YouTube, phát ngày 08/07/2021, nhà nghiên cứu Trung Quốc học, thạc sỹ Ngô Tuyết Lan từ Hà Nội cho rằng Trung Quốc khó có thể trở thành siêu cường số một thế giới với những gì họ đang thể hiện trong và ngoài nước:

"Qua những gì ông Tập Cận Bình đang thể hiện trong chính sách đối nội và đối ngoại hiện nay của Trung Quốc thì tôi chưa thấy một tín hiệu nào mà có thể đưa nước này trở thành siêu cường số một thế giới."

Kiểm duyệt gắt gao thông tin

Lý giải cho nhận định trên, bà Ngô Tuyết Lan nêu ra hai nguyên nhân.

Thứ nhất, đó là khi vẫn còn chi bộ ĐCSTQ ở trong tất cả các doanh nghiệp tư nhân thì điều đó khó xảy ra.

Thứ hai là vấn đề kiểm duyệt thông tin, đặc biệt là mạng xã hội đang bị kiểm duyệt rất gắt gao ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.

Bà Lan dẫn chứng từ trải nghiệm bản thân trong 5 năm học ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh từ năm 2010 đến 2015.

Yuval Noah Harari Lectures ở Hàng ChâuNguồn hình ảnh, VCG

Chụp lại hình ảnh,

Tác giả Israel, ông Yuval Noah Harari giảng bài về trí tuệ nhân tạo ở Hàng Châu, TQ, năm 2017. Trung Quốc mời nhiều 'bộ óc lỗi lạc' đến chia sẻ ý tưởng về công nghệ cao nhưng chính quyền vẫn kiểm duyệt gắt gao thảo luận chính trị

"Khi tôi tham gia một cuộc hội thảo thì các giáo sư (TQ) đều phàn nàn rằng hiện nay mạng xã hội bị cấm, bị chặn, Google bị chặn."

Một vị giáo sư đã ca thán là bây giờ làm nghiên cứu thế nào đây khi muốn tìm hiểu thông tin các bài viết của các đồng nghiệp trên thế giới thì không thể nào truy cập Google, trong khi đó tìm kiếm trên trang tìm kiếm phiên bản TQ là Weibo thì không tìm được."

"Một người bạn nữa của tôi tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa sau đó đi làm cho một viện nghiên cứu chiến lược của Bắc Kinh thì bạn ấy kêu từ khi ông Tập Cận Bình lên thì hàng tuần các bạn ấy nhận được những văn bản là khi viết các bài nghiên cứu thì chữ này phải được viết, chữ kia không được viết...", bà Lan kể.

Khi đàm đạo với các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc về tình hình quốc tế, bà Ngô Tuyết Lan nhận thấy họ 'phân tích rất hiểu biết và rất khách quan', nhưng họ chỉ có thể nói chứ "không thể viết được, vì viết là hôm sau có người đến nhà gõ cửa".

Chính vì tiếng nói của người dân Trung Quốc không được lắng nghe, và họ không dám viết lên mà chỉ có thể thì thầm với nhau, thì theo bà Lan "rất khó để đưa TQ trở thành siêu cường số một thế giới".

Trong một bài viết đã đăng về tình trạng chảy máu chất xám của Trung Quốc, bà Ngô Tuyết Lan nêu hiện tượng người tài TQ du học muốn ở lại Mỹ đông hơn số muốn hồi hương vì TQ kiểm soát tư tưởng.

"Trong các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) người Trung Quốc sau khi được đào tạo bậc cử nhân ở những trường đại học danh giá hàng đầu Trung Quốc, số đông lựa chọn ra nước ngoài, đặc biệt Mỹ, để học tiếp chương trình sau đại học. Sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ ở Mỹ, 88% chọn ở lại Mỹ lập nghiệp, 10% trở về nước."

Mô hình độc tài đảng trị gây cản trở

Còn nhà sử học Lê Văn Sinh từ Đại học Quốc gia Hà Nội cùng tham gia hội luận cho rằng Trung Quốc muốn trở thành siêu cường số một thì cần phải cải tổ nền chính trị.

Hiện nay mô hình của TQ là độc tài đảng trị mà theo ông Sinh là: "nó sẽ phát triển đến một điểm nhất định và nó sẽ kịch trần thì nó không thể tiến hơn được nữa".

"Và các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ phải đối mặt với một thách thức rất là gay gắt, căn bản của đất nước họ và đồng thời là của thời đại đó là một chế độ độc tài đảng trị thì liệu có thể làm cho đất nước Trung Hoa vượt qua được Mỹ hay không?", ông Sinh nói thêm.

"Tôi không tin rằng một chế độ mà ĐCSTQ đang thực hiện lại có thể trở thành được một quốc gia dẫn dắt thế giới như nước Mỹ hiện nay", nhà nghiên cứu sử học này bình luận.

Ông Lê Văn Sinh cũng cho rằng: "thể chế chính trị mà ông Tập Cận Bình đang lãnh đạo là một thể chế chính trị lạc hậu, nó không phản ánh xu thế phát triển của lịch sử nhân loại".

Do đó, theo ông, điều Trung Quốc cần là một Đặng Tiểu Bình thứ hai để "cải tổ nền chính trị TQ theo mô hình phương Tây thì lúc đó cuộc cạnh tranh giữa TQ và Mỹ trở thành nước dẫn dắt thế giới sẽ đơn giản hơn rất nhiều và TQ có thể đạt được điều đó."

Xem thêm: