• Stephen Dowling
  • BBC Future

Alamy

Nguồn hình ảnh, Alamy

Ngay ngoài cổng của Triển lãm Thành tựu Kinh tế Quốc gia - khu triển lãm đồng thời là công viên giải trí - có một tượng đài cao vút, đứng sừng sững phô trương sức mạnh công nghiệp và khoa học Liên Xô.

Tượng đài được xây vào thời điểm Liên Xô đang dẫn trước trong cuộc đua chinh phục không gian.

Đó là lúc mà, như lời của nhân vật thuyền trưởng tàu ngầm trong bộ phim The Hunt for Red October (phim đã phát hành tại Việt Nam với tên 'Cuộc truy đuổi dưới đáy trùng khơi'), "cả thế giới phải run rẩy khiếp hãi khi nghe tiếng rít của tên lửa chúng ta".

Đài Tưởng Niệm Các Nhà Chinh Phục Không Gian quả là một tác phẩm nghệ thuật đồ sộ.

Được làm bằng titan, tác phẩm cao 107 mét với hình ảnh tên lửa trong tư thế phóng vút lên không trung, cao hơn bất cứ thứ gì trong sân của toà nhà triển lãm; nó cao gần gấp đôi các tên lửa Vostok thật, nguyên bản tạo cảm hứng sáng tác tượng đài mà bên trong công viên còn trưng bày cả một trái tên lửa thật.

Tượng đài bằng đá granite bọc titan này lớn đến mức mà phần nền móng của nó đủ rộng để xây nên một viện bảo tàng, và nó chính là Đài Tưởng Niệm Những Người Chinh Phục Không Gian.

Trong một nền chính trị mà tôn giáo bị cấm đoán và chỉ những nhân vật hữu hảo với phong trào cách mạng thời tiền Xô-viết mới được tôn vinh, các nghệ sĩ Liên Xô đã chuyển hướng từ việc phác hoạ hình tượng lãnh tụ như Lenin sang sáng tạo các biểu tượng công nghiệp, khoa học, và không gian.

Việc Liên Xô sớm dẫn trước trong cuộc đua chinh phục không gian - nhờ có được các khoa học gia người Đức mà họ đã bắt giữ được và nhờ vào những kỹ sư thiết kế xuất chúng như Sergei Korolev - đã trở thành đề tài sáng tác mới cho các nghệ sĩ, các nhà điêu khắc, và các nhà thiết kế đồ hoạ Liên Xô.

Thế nhưng gốc rễ vấn đề đã có từ trước đó rất lâu, theo bà Alexandra Sankova, giám đốc Bảo tàng Thiết kế Moscow.

"Ý tưởng bay vào không gian đã xuất hiện từ lâu trước khi chính quyền Xô-viết lên nắm quyền. Nó đã có từ thời Tsiolkovsky [nhà tiên phong nghiên cứu về tên lửa của Nga ở thế kỷ 19]. Mọi người từng cho rằng ý tưởng của ông là điên rồ, thế nhưng Liên Xô sau cuộc cách mạng tháng Mười đã đưa ông trở thành một phần của hệ tư tưởng Xô-viết."

Sankova nói rằng biểu tượng bay vào không gian của Liên Xô, cũng như ở khắp mọi nơi trên thế giới, đã từng bừng nở từ thời thập niên 1920 và 1930, được nuôi dưỡng bởi các tạp chí khoa học chuyên nêu ra viễn cảnh cuộc sống trong tương lai.

Thế nhưng sự phổ biến của nó như một chủ đề nghệ thuật chỉ thật sự bùng nổ khi cuộc chạy đua chinh phục không gian bắt đầu.

Chương trình không gian Liên Xô, một bí mật quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt, đã trở thành công cụ tuyên truyền đầy sức mạnh. Thế nhưng nó cũng được giới nghệ sĩ ủng hộ rộng rãi.

"Trong thập niên 1960, đột nhiên tất cả mọi người đều trở nên rất hứng khởi với ý tưởng bay vào không gian," Sankova nói. "Các nhà thiết kế đã tạo ra nhiều hình tượng với cảm hứng từ những thành tựu trên, không chỉ bởi đó là chuyện 'to tát' để làm, mà còn bởi họ thật sự tự hào và có cảm hứng mãnh liệt."

"Chinh phục không gian từng là một chủ đề rất quan trọng mà chính quyền Xô -vết dùng để đối chọi lại tôn giáo," Sankova chia sẻ. "Việc chinh phục không gian và kỹ thuật được dùng để đối đầu với tôn giáo."

Một trong những ấn bản có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với nghệ thuật không gian của Liên Xô là Tekhnika Molodezhi (Thanh niên - Tuổi trẻ và Công nghệ), một tạp chí khoa học kết hợp giữa khoa học viễn tưởng và kỹ thuật thực tiễn (ngày nay vẫn đang được xuất bản).

Việc tuyên truyền, quảng bá cho sức mạnh Liên Xô trong cuộc đua chinh phục không gian đã truyền cảm hứng cho biết bao thanh niên trẻ mong muốn trở thành hoạ sĩ và nhà thiết kế đồ hoạ.

Như Sankova viết trong phần đề tựa cho Soviet Space Graphics (Nghệ thuật Đồ hoạ Không gian thời Liên Xô), cuốn sách thu thập một số tác phẩm nghệ thuật và thiết kế được trưng bày tại bảo tàng:

"Trong suốt thời kỳ đó, các công dân Liên Xô sôi sục lòng tự hào với những hình ảnh mà họ chứng kiến khắp nơi. Với phần lớn mọi người, ngắm những bức ảnh này là cách duy nhất để trải nghiệm cảm giác hấp dẫn, hồi hộp của sự khám phá vô biên, từ đó nuôi dưỡng các tiềm năng khoa học để xây dựng đất nước lên một tầm cao mới sau bao năm tháng gian lao."

Không chỉ có những tấm áp phích hay hình ảnh trong sách vở, biểu tượng không gian vũ trụ có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên khắp Liên bang Xô-viết rộng lớn, Sankova nói.

"Các nhà thiết kế ngành dệt may rất hồ hởi sử dụng nó," bà chia sẻ. "Và cả những nhà thiết kế công nghiệp cũng như những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật - điêu khắc, tranh ghép mosaic, kiến trúc..."

Viện Triển lãm Thành tựu Kinh tế Quốc gia ở Moscow (tên tiếng Nga Vystavka dostizheniy narodnogo khozyaystva, viết tắt là VDNKh) tôn vinh những công nghệ đã giúp nâng vị thế của Liên Xô lên thành siêu cường trong cuộc đua chinh phục không gian - tên lửa Vostok và mô hình của tàu con thoi Buran chẳng hạn - trong khung cảnh đời thường.

Ngay cả khi các công dân Liên Xô khi gặp mặt nhau để uống rượu, chuyện trò rôm rả hay chơi đu bay thì cũng luôn có khoảnh khắc để họ ca ngợi sức mạnh công nghệ Liên Xô được thể hiện khắp nơi.

"Các thành tựu không gian là cơ hội vàng để quảng bá cho chủ nghĩa cộng sản và chính quyền Xô-viết," Sankova chia sẻ.

Các tác phẩm nghệ thuật thời đó chỉ được tôn vinh xã hội Liên Xô, và bị kiểm duyệt nghiêm ngặt bởi Hội đồng Mỹ thuật Công nghiệp.

"Họ sẽ xem xét toàn bộ quá trình thực hiện hoàn thiện tác phẩm, và có quyền đưa ra ý kiến kiểu như ' cần phải sửa chỗ này, chỗ kia' bất cứ lúc nào. Và ý kiến đó có thể dẫn đến cả một quá trình khó khăn vất vả để chỉnh sửa tác phẩm."

Tuy nhiên, các chủ đề không gian được phê duyệt đã gây chấn động mạnh mẽ tới lĩnh vực nghệ thuật của Liên Xô, tương tự như những gì đã xảy ra với nền nhiếp ảnh Liên Xô thời thập niên 1920, với việc các ý tưởng sáng tạo mới trở thành xu thế thịnh hành, dù vẫn phải nương theo đòi hỏi phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền cách mạng.

"Đây là sự hồi sinh những ý tưởng tiên phong," Sankova nói.

Thế nhưng, để nghệ thuật đi được vào đời sống xã hội hàng ngày, đề tài không gian vũ trụ cũng đã loại bỏ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Nga, trong đó gồm cả những loại hình nghệ thuật chủ chốt của Chính thống giáo Nga.

"Họ biến những biểu tượng kinh điển của nghệ thuật Nga thành thứ mang tính Xô-viết," Sankova nói.

"Thay vì đặt Chúa Kitô ở tâm điểm thì họ sẽ đặt một nhân vật Liên Xô. Họ phải thuyết phục người dân và phải mượn thứ 'ngôn ngữ' mà người dân đã quen thuộc. Một số tác phẩm nổi tiếng trông giống hệt với các tác phẩm nghệ thuật truyền thống."

Tranh tường, áp phích, và các bức điêu khắc chỉ là một phần của chiến dịch này. Các nhà thiết kế Liên Xô còn dùng các vật thể và họa tiết không gian để chế tạo ra những vật dụng thường ngày.

Đó có thể là những chiếc đèn bàn mô phỏng Đài Tưởng niệm Những Người Chinh Phục Không Gian, những chiếc cốc trà truyền thống được trang trí với hình tên lửa, vệ tinh.

Thậm chí cả những thiết bị dùng trong việc nhà hàng ngày cũng là một cơ hội để họ thể hiện - một trong những đồ vật gây ấn tượng nổi bật nhất trong các bộ sưu tập ở Bảo tàng Thiết kế Moscow là chiếc máy hút bụi mô phỏng hình dáng của một hành tinh nhìn y hệt như lấy ra từ loạt phim hoạt hình về vũ trụ.

Một máy hút bụi khác thì trông giống như tên lửa cổ điển, và những máy giặt ở thập niên 1950 trông giống như một bản thu nhỏ phần động cơ tên lửa Liên Xô.

Một trong những lý do, đó là vì các mẫu thiết kế cho đồ dùng dân dụng thường được dựa theo các thiết kế có trong chương trình khám phá, chinh phục không gian.

Dưới thời Xô-viết, không có mấy khác biệt về kiểu dáng giữa các sản phẩm công nghiệp với các món đồ dân dụng.

"Các nhà máy chế tạo ra tàu không gian hay tàu chiến cũng đồng thời sản xuất đồ chơi, đồ gia dụng, hay ấm trà," Sankova nói.

Bà nói rằng những thiết kế lấy cảm hứng từ chương trình khám phá không gian của Liên Xô được phát triển muộn hơn một chút so với ở Hoa Kỳ, nơi mà các thiết kế trong Kỷ nguyên Chinh phục Không gian đã được ủng hộ mạnh mẽ từ thời thập niên 1950.

Lý do có thể là vì khi đã đạt được thành tựu rồi thì chương trình không gian của Liên Xô mới dễ dàng quảng bá được những thiết kế độc đáo này, không cần giữ bí mật nữa.

Ngay cả trong thời ấu thơ, các công dân Liên Xô nhỏ tuổi cũng không hề lạ lẫm với các câu chuyện đến từ vũ trụ - những sân chơi tiêu chuẩn Liên Xô đều có những tượng hình tên lửa và tàu không gian để trẻ em leo trèo.

Đây là sức mạnh tinh thần Liên Xô cho những trí tưởng tượng vô hạn của trẻ thơ.

"Tất cả chúng tôi đều từng chơi trên những mô hình tên lửa này," Sankova kể. "Tất cả trẻ em Liên Xô đều muốn trở thành nhà du hành vũ trụ, đó là điều bình thường - bởi vì chúng tôi đều lớn lên từ những sân chơi đó."

Dẫu cho các khán giả Nga thế hệ mới dẫu còn quá trẻ để bị ảnh hưởng bởi thứ nghệ thuật này cũng như để có khả năng đánh giá hết mức quan trọng của nó, nhưng loại hình nghệ thuật đó vẫn tồn tại.

"Thời nay, mọi người không còn trân trọng nó như một di sản văn hoá nữa. Lớp trẻ không có cảm xúc mạnh mẽ về những thứ thuộc thời Liên Xô, nhưng một số người có tuổi thì vẫn lưu giữ nhiều ký ức của thời đó."